Tuesday, April 21, 2015

“Mắt quê” nỗi khao khát trở về nhiều giá trị một làng quê và những tình yêu chỉ còn khắc khoải - 1 - 2

“Mắt quê” nỗi khao khát trở về nhiều giá trị một làng quê và những tình yêu chỉ còn khắc khoải - 1 - 2

Link to CÂU LẠC BỘ THƠ TRÀ GIANG

“Mắt quê” nỗi khao khát trở về nhiều giá trị một làng quê và những tình yêu chỉ còn khắc khoải

Posted: 20 Apr 2015 11:49 PM PDT

BIA MAT QUE

"Mt quê" nỗi khao khát trở về nhiều giá trị một làng quê

                  và những tình yêu chỉ còn khắc khoải

                                                                             Tiến sĩ Nguyễn Diên Xướng

Nếu Vết xước là sự chưng cất nỗi đau tình buồn thì Mắt quê, trước hết là sự mở ra những khao khát được về tắm gội giữa một "miền quê thắm đượm ân tình" (Nhà tôi). Bên cạnh đó, Mắt quê còn chất chứa cảm xúc nhiều tình yêu dang dở, khắc khoải. Trong tập thơ này, không phải chỉ có hai đề tài ấy, nhưng đó là hai phần ưu trội hơn.

Đối với khao khát về một miền quê, dễ nhận ra khi đọc các bài thơ: Gọi quê, Trời quê, Tiếng quê, Gió quê, Đất quê, Làng quê. Đó là chưa kể những điều giản dị và thiêng liêng của tình quê cũng được nói đến trong tập thơ như: "Gốc rạ", "Hương đồng", "Nhà tôi", "Gia tài của mẹ"… Yêu quê nhà, yêu một làng quê vốn thường ai cũng có, chỉ khác nhau ở trạng thái huyền hồ hay ngược lại. Tình yêu ấy, ở Phan Bá Trình thật riêng. Đó là tính riết róng của khao khát được trở về, được sống mãi với làng quê. Nhưng quê nhà, làng quê lại hay tụ vào cảnhngười, hai đối tượng khiến người làm thơ muốn nói lên bằng được tình lòng mình. Thật ra, cảnh chỉ là cảnh thôi. Cảnh vốn vô tri, muốn trở thành nghệ thuật phải kết tinh được quan hệ người. Điều thú vị là Phan Bá Trình đã làm được.

Cảnh kết tinh của Phan Bá Trình có từ truyền thống thơ ca dân tộc. Đó là từ cảnh đến tình, từ cảnh sinh ra tình.  Cái tình của Phan Bá Trình rất cụ thể. Trong bài Gió quê, tác giả viết:

                            Nghe từng hương lúa lên đòng

                            Mà thương dáng mẹ lưng còng sớm hôm.

Đó là cách cảm nhận của đứa con đã lớn, nhưng luôn ngạc nhiên trước tình yêu thương bất khả giải của mẹ: "Nào hay con lớn trong lời mẹ ru" (Trong lời mẹ ru). Còn cách cảm nhận sau đây mới sâu hơn, vì Phan Bá Trình thấu được sự gắn bó của người Mẹ với thế giới đồng quê mùa gặt:

Khói lam

níu bóng

cánh diều

Mẹ ra trở lúa cho chiều kịp khô

(Tiếng quê)

Có thể bây giờ đời sống đã khác xưa, nhưng hạt lúa, củ khoai cùng với tình yêu thương của Mẹ đã nuôi ta thành người. Hạt lúa, củ khoai của cái thời chỉ có tri thức kinh nghiệm, chứ chưa có tri thức khoa học thì Mẹ chỉ một mình phải hiểu cho hết thời tiết mùa màng. Không có tri thức kinh nghiệm ấy, Mẹ không thể nuôi con theo từng tháng, từng ngày. Câu thơ, do vậy, đã chạm được vào tình mẫu tử thiêng liêng. Không chỉ có thể làm được đứa con biết suy cảm, Phan Bá Trình còn có thể làm một đứa cháu rất mực kính thương ông bà. Có cụ quan phu một mình một bóng. Đó là người ông mất vợ của tác giả. Tiếp biến văn hóa dân gian, Phan Bá Trình dùng câu có câu hỏi tu từ khá hợp lý để thay cho Ông nói lên nỗi trơ vơ, xiêu vẹo tuổi già:

Xưa trầu quấn lấy thân cau

Giờ cây héo gốc tựa đâu hở bà?

(Nghẹn lời nỗi đau)

Còn đối với đề tài tình yêu, vốn đã được bày tỏ từ Vết Xước, nhưng lần này, có được bồi đắp thêm những cung bậc mới. Đó là khá nhiều tình yêu khác nhau về tính chất. Sự phân biệt ở đây nhờ vào nét riêng từ tính chất ấy. Đây là nỗi nhớ thời hoa niên đứng bước một trời yêu hàm tiếu:

Cái thời vừa biết nhớ mong

Hương chanh cuộn với hương lòng thoảng bay

                                                    (Trời quê)

Đây là cuộc tình vuột khỏi tầm tay để lại nỗi đau không chỉ cho người làm thơ mà thấm cả vào không gian, thời gian tồn tại:

Anh về

từ phía nhớ mong

Tóc xưa gội gió,

giờ hong phương nào?

Tháng năm

đẫm giọt nghẹn ngào

Không em

quờ phải nơi nào cũng đau.

      (Phía không em)

Không ngạc nhiên gì, khi Phan Bá Trình có những câu thơ hay về tình yêu dang dở. Hình như có thấy ai có tình yêu mãn nguyện mà lại làm thơ hay! Văn chương luôn là câu chuyện chưa thành. Viết về nỗi buồn, niềm đau, do vậy, rất có lý. Tác giả Mắt quê không ngoài điều đó.

Vậy là cả đề tài tình làng quê và tình yêu đôi lứa, Phan Bá Trình đều có câu thơ hay.

Có thể đó đây ta gặp từ lặp, ý trùng, nhưng tôi quan niệm, tổ chức cho một cấu trúc thơ, một hình tượng thơ đạt được sự hài hòa là điều đáng lưu ý hơn cả. Phan Bá Trình đã hiểu điều này. Đó là chuyện bếp núc lâu dài của việc làm thơ, nếu người viết muốn đi xa để về gần.

Được Phan Bá Trình chọn viết đôi điều cảm nhận, từ thiển ý của mình, cho phép tôi được trân trọng giới thiệu với những người yêu thơ tập thơ: "Mắt quê" của Phan Bá Trình. 

                                                                Quảng Ngãi, đêm mưa lớn đầu tiên năm 2014

 

 


THƯ MỜI

Posted: 20 Apr 2015 11:42 PM PDT

ba trinh 2

THƯ MỜI

Nhà giáo – Nhà thơ Phan Bá Trình. Phó Chủ nhiệm CLB Thơ Trà Giang

ra mắt tập thơ "MẮT QUÊ"

tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Tư Nghĩa (Thị trấn La Hà, Tư Nghĩa)

Thời gian : 19 giờ, tối thứ bảy,  ngày 25/4/2015

Thân mời các bạn yêu thơ đến tham dự đông vui (vào cửa tự do)

ĐƠN VỊ PHỐI HỢP TỔ CHỨC:
1. CHI HỘI VĂN HỌC (HỘI VHNT TỈNH)
2. CLB THƠ TRÀ GIANG
3. TRUNG TÂM VĂN HÓA – THỂ THAO TƯ NGHĨA
4. GIA ĐÌNH TÁC GIẢ
Trân trọng!
BAN TỔ CHỨC