Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi – những ngày này thật "nóng bỏng". Thông tin liên tiếp về việc tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị tàu Trung Quốc đâm, kẻ tử nạn, người mất tích làm cả nước sục sôi.
Tinh thần người Lý Sơn – Quảng Ngãi những ngày này thế nào? Chúng ta cần làm gì để giúp Lý Sơn thật sự vững mạnh, vượt qua khó khăn, hãy lắng nghe chia sẻ của những người trong cuộc:
Mỗi ngư dân Lý Sơn là “một cột chủ quyền sống” trên biển Đông
Ông Nguyễn Quốc Chinh - hơn 30 năm là ngư dân đánh cá trên ngư trường Hoàng Sa – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, Lý Sơn
Ngư dân không thể sống thiếu Hoàng Sa, đó là ngư trường truyền thống có một phần xương máu của cha ông chúng tôi. Tài nguyên tại ngư trường này rất lớn nhưng tàu chúng ta hay bị các tàu Trung Quốc cướp bóc, nhiều khi phải về tay không.
Chuyện tàu chúng tôi bị “tàu lạ” đâm chìm cũng không phải bây giờ mới có. Chỉ là thời điểm này dồn dập hơn mà thôi.
Nơi nào có cờ Việt Nam, nơi đó là chủ quyền của Việt Nam. Lá cờ Tổ quốc với ngư dân thiêng liêng vô cùng. (Ảnh: Hồng Tâm)
Theo thống kê, chỉ riêng huyện đảo Lý Sơn, từ năm ngoái đến tháng 5/2014, đã có 27 tàu, 380 ngư dân khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi, ngăn cản, đập phá, lấy tài sản.
Kể từ đầu tháng 5 khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, có 6 tàu của Lý Sơn bị đập phá, cướp bóc.
Nghiêm trọng nhất, ngày 25/5, tàu cá Lý Sơn mang số hiệu QNg 96180TS, công suất 155 CV do ông Đặng Dùm làm thuyền trưởng cùng 6 thuyền viên trong khi đang neo đậu nghỉ ngơi tại đảo Cô Tô bị “tàu lạ” đâm chìm.
Thuyền trưởng Đặng Dùm tử vong trong tình trạng gãy nát xương sườn vì tàu Trung Quốc húc mạnh, cán nát, ngư dân Trần Xuân Dương mất tích và 5 người khác bị thương. Toàn bộ tài sản trên tàu bị chìm.
PV: Liên tiếp các tàu cá bị nạn khi ra khơi có làm tinh thần ngư dân nao núng, thưa ông?
- Không bao giờ! Chúng tôi không bao giờ rời bỏ ngư trường, không bao giờ rời bỏ vùng biển cha ông để lại.
Chúng tôi là con cháu của đội hùng binh Hoàng Sa anh hùng, dù thế nào cũng sống chết bảo vệ ngư trường, để sau này cháu mình tiếp tục được ra khơi.
Dẫu bây giờ ai cũng biết đi biển rủi nhiều hơn may nhưng 100% ngư dân Lý Sơn tinh thần vững vàng, không hề nao núng. Tất cả đều đồng lòng ra khơi, bám biển.
Chúng tôi tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Chúng tôi biết, sau lưng mình là cả dân tộc, là 90 triệu dân Việt Nam. Chúng tôi tin cộng đồng quốc tế sẽ lên tiếng.
Ngư dân chúng tôi nguyện là “cột chủ quyền sống” trên biển Đông. Giờ mỗi tàu ra khơi mang theo ít nhất 3 lá cờ tổ quốc. Có lần tàu Trung Quốc bắn cháy cờ, ngư dân treo ngay cờ khác.
Lúc nào cờ tổ quốc cũng tung bay trên ngư trường Hoàng Sa của chúng ta. Hiện trên biển, số tàu cá mang cờ Việt Nam chiếm đa số áp đảo, nhiều gấp 6 lần tàu cá Trung Quốc, điều đó khiến các tàu Trung Quốc kiêng dè, không dám lấn sâu vào thềm lục địa của ta.
PV: Từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 việc đánh bắt có khó khăn? Sản lượng có giảm?
- Sản lượng không giảm. Tàu về đất liền vẫn đầy ắp cá tôm.
Vấn đề là muốn ra đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa buộc phải đi ngang qua vùng biển Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981.
Từ khi có giàn khoan trái phép, tàu cá chúng tôi phải đi đường vòng, mất thêm 6 tiếng đồng hồ, vừa đi vừa về mất thêm 12 tiếng, tiêu hao thêm nhiều nguyên liệu.
Ngoài ra, tàu Trung Quốc hung hăng, gây sự nhiều hơn.
Chỉ từ đầu tháng 5 đến nay, tàu của Trung Quốc đã gây gấn, đánh phá làm hư hỏng nặng 6 tàu cá Lý Sơn, làm mất tích và tử nạn 2 người.
PV: Lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư có hỗ trợ được nhiều cho ngư dân khi đánh bắt trên biển?
- Trước đây, lực lượng kiểm ngư mỏng. Từ khi có vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, kiểm ngư và cảnh sát biển hỗ trợ ngư dân chúng tôi rất nhiều.
Nhiều tàu đánh cá đang bị nạn, nhờ lực lượng chấp pháp của ta xuất hiện, cứu sống hàng chục ngư dân.
Lão ngư Nguyễn Quốc Chinh – một trong 4 ngư dân lớn tuổi nhất của Lý Sơn hiện còn bám biển. Hình ông và gia đình ông được Trung Quốc dán khắp nơi ngoài các đảo. (Ảnh: Hồng Tâm)
Tha thiết mong được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đóng mới tàu thuyền công suất lớn
PV: Là người trực tiếp đi biển, lại là lãnh đạo nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên trong cả nước, xin ông chia sẻ những khó khăn chính mà ngư dân Lý Sơn đang cần hỗ trợ?
- Thiếu vốn. Chính vì thiếu vốn đóng tàu, nên ngư dân phải đi vay tiền đóng tàu của các “nậu” ở Bình Châu. (Xã An Hải và An Vĩnh của Lý Sơn có vài trăm tàu cá phụ thuộc hoàn toàn vào “nậu” như thế).
Khi đưa tiền cho ngư dân đóng tàu, luôn kèm theo điều kiện, đánh bắt về phải đưa về Bình Châu bán cho “nậu” và thường xuyên bị ép giá. “Nậu” ra giá nào thì phải chịu bán theo giá đó.
Trong năm 2014 sản lượng đánh bắt rất cao nhưng giá trị thu về nhỏ, chủ yếu do ngư dân bị “nậu” ép giá, mua rẻ bằng ½ giá thị trường.
Chúng tôi tha thiết mong được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước để đóng mới tàu thuyền công suất lớn, ra khơi đánh bắt xa bờ, không phải lệ thuộc vào các “nậu” nữa.
- Thứ hai, chúng tôi đề xuất các ban ngành nhanh chóng thông qua mô hìnhDịch vụ hậu cần nghề cá, gồm:
+ Cung ứng nguyên liệu, vật tư cho tàu thuyền: xăng, dầu, đá ướp cá…theo đúng giá. Triển khai đội tàu tiếp nguyên liệu ngay trên biển.
Từ tháng 9 tới, khi Lý Sơn chính thức được hòa chung điện lưới quốc gia, chúng tôi mong mỏi có được nhà máy sản xuất nước đá ngay tại Lý Sơn để có thể chế biến, sơ chế ngay tại đảo, vừa thêm việc làm, vừa tăng giá trị.
+ Dịch vụ sửa chữa tàu thuyền tận nơi. Mỗi chuyến ra khơi chi phí không dưới 200 triệu đồng, nếu vì hư hỏng máy móc phải quay vào đất liền sửa thì quá lỗ. Nếu có tàu làm dịch vụ sửa chữa ra tận nơi, tiện lợi vô cùng.
+ Đảm bảo thu mua, bao tiêu sản phẩm theo đúng giá thị trường
Vai trò của nghiệp đoàn nghề cá – Tập hợp ngư dân đánh bắt xa bờ, đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ thông tin khi ra khơi theo tiêu chí “Có phước cùng hưởng có họa cùng chia”. Khi có 1 tàu gặp nạn trên biển, các tàu thuyền khác sẽ lập tức đến hỗ trợ. Ra khơi có luồng cá lớn, thành viên nghiệp đoàn sẵn sàng điện đàm thông tin “báo cho nhau”cùng đánh bắt. Điều này trước đây chưa từng xảy ra.
- Từng thành viên của nghiệp đoàn bắt đầu tập ghi nhật ký hàng hải để tổng hợp báo cáo sản lượng thu hoạch từng mùa.
- Sau những phiên đi biển, thường xuyên họp,chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong khai thác, đánh bắt.
Mời các nhà đầu tư vào Lý Sơn
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cũng chia sẻ:
Cái khó lớn nhất của Lý Sơn lâu nay là thiếu điện. Mỗi ngày đảo chỉ mở điện từ 17 – 23g. Giá điện lại cao hơn trong đất liền gấp mấy lần.
Từ ngày 1/6 này, Lý Sơn được mua điện với giá bằng với giá đất liền và tháng 9 thì có điện lưới quốc gia. 22 ngàn dân Lý Sơn đếm ngược từng ngày, mong vô cùng đến ngày được hòa vào lưới điện quốc gia.
Vì có điện thì Lý Sơn mới có thể phát triển các dịch vụ hậu cần cho nghề cá như: xây dựng nhà máy sản xuất đá, nhà máy sơ chế biến tại bãi neo đậu tàu thuyền; Tổ chức đoàn tàu dịch vụ: cung cấp xăng dầu, nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm ngay trên biển.
Chúng tôi mong các nhà đầu tư về với Lý Sơn. UBND huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đến huyện đảo chúng tôi.
Ngư nghiệp là kinh tế mũi nhọn của đảo nhưng lâu nay sản vật đánh bắt về luôn bị “mua ép”, chỉ bằng 50 – 60% giá thị trường. Đã vậy, còn bị “ăn gian” khi cân, đong nên chủ tàu bị thiệt hại đơn thiệt hại kép, ảnh hưởng lớn đến đời sống ngư dân.
Có điện, chúng tôi cần được chung sức phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, bao tiêu sản phẩm thì ngư dân mới có thể ổn định. Kinh tế đảo mới mạnh lên được.
Phó Chủ tịch Phạm Thị Hương: "Chúng tôi mong các nhà đầu tư về với Lý Sơn. UBND huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đến huyện đảo chúng tôi". (Ảnh: Hồng Tâm)
PV: Nhắc đến Quảng Ngãi, ai ai cũng nghĩ đến tỏi Lý Sơn. Hiện nay nghề trồng tỏi có phải là ngành kinh tế mũi nhọn thứ hai của đảo?
Đảo chúng tôi không trồng được lúa, rau màu. Ngành nông nghiệp của Lý Sơn chủ yếu dựa vào 2 loại cây trồng chính là hành và tỏi.
Hàng năm Lý Sơn sản xuất được 2.000 tấn tỏi và 4.000 tấn hành thành phẩm.
Để làm ra củ tỏi, củ hành ở đảo Lý Sơn là vô cùng cực nhọc. Quy trình trồng tỏi rất công phu, bài bản, phải thay đất, đắp cát biển thường xuyên… Tỏi lớn lên tự nhiên, không hề bị bón phân, thúc ép. Sau thu hoạch, phải phơi hơn 20 nắng, tỏi mới đóng gói phân phối đi cả nước. Chính vì thế, vị tỏi ở đảo không cay, không nồng, nhiều tinh dầu, thuộc hàng quý nhất nước.
Vấn đề cũng nằm ở bài toán bao tiêu sản phẩm chưa tốt. Với giá bán hiện nay: 60.000 đồng/kg tỏi và 20.000 đồng/ kg hành, tính bình quân 1 công đất mỗi mùa, làm cật lực 3-4 tháng, người nông dân chỉ lời khoảng 5 triệu đồng.
Chúng tôi mong muốn tỏi Lý Sơn được thu mua đúng giá trị thật của cây tỏi, để người dân có đồng lời xứng đáng với một phần công sức đã bỏ ra.
Chúng tôi mong các ngành, các cấp quan tâm đến Lý Sơn nhiều hơn nữa
Bà Trương Thị Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi:
Lý Sơn là hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc. Dẫu thời tiết khắc nghiệt, điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn nhưng bao đời nay người dân Lý Sơn vẫn kiên cường bám đảo.
Hoàng Sa là ngư trường truyền thống từ 300 – 400 năm nay của người dân đảo. Nhưng những năm gần đây, ngư dân Lý Sơn gặp nhiều khó khăn khi ra khơi đánh bắt ở Hoàng Sa.
Một năm mấy chục tàu của Lý Sơn bị phía Trung Quốc bắt, đánh, đòi trả tiền chuộc mới cho về. Có khi tàu Trung Quốc cứ dí tàu của ngư dân mình chạy vòng vòng cho hết nguyên liệu, phải vào bờ. Ngư dân ra khơi gặp vài lần như thế là sạt nghiệp.
Nhưng khó khăn thế nào họ cũng kiên cường vay mượn, bám biển ra khơi. Chúng tôi rất khâm phục tinh thần, ý chí của ngư dân.
Ngư dân mong được hỗ trợ đóng mới tàu vỏ thép, công suất lớn để an tâm đánh bắt dài ngày. (Ảnh: Hồng Tâm)
Vấn đề là, ngư dân Lý Sơn cần được tiếp sức để có thể bám biển an toàn. Tỉnh Quảng Ngãi chúng tôi rất quan tâm đến an toàn của ngư dân trên biển. Muốn vậy, ta phải giúp ngư dân đóng tàu thép, lớn hơn.
Chính sách đóng tàu vỏ thép, công suất lớn tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp xin các bộ ngành Trung ương từ năm 2009, 2010, rất mong năm nay được phê duyệt và triển khai nhanh, đáp ứng lòng mong mỏi của ngư dân.
Vấn đề chăm lo sức khỏe cho người dân trên đảo cũng là một trăn trở. Đảo chỉ có một bệnh viện dân quân y, nếu có người bệnh, cần đưa cấp cứu ở tuyến trên, gia đình phải tự thuê tàu ít nhất 20 triệu đồng để đưa vào đất liền cứu chữa.
Bảo hiểm y tế cho ngư dân gần như chưa có, trong khi ra biển biết bao nhiêu rủi ro. Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế cho ngư dân an tâm bám biển.
Chúng tôi mong các ngành, các cấp quan tâm đến Lý Sơn nhiều hơn nữa, mong các kiến nghị sớm được thông qua để tiếp sức cho ngọn lửa nhiệt tình bám biển, trụ đảo của người dân Lý Sơn.
Hồng Tâm
Theo Dantri
Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết
Tâm sự người dân Lý Sơn - Quảng Ngãi những ngày rực lửa