Saturday, May 17, 2014

Ký ức Hoàng Sa

Ký ức Hoàng Sa


Ký ức Hoàng Sa

Posted: 17 May 2014 08:26 AM PDT

Ly rượu đế chánh gốc Phú Lễ – Bến Tre được rót đi rót lại nhiều lần nhưng câu chuyện về Hoàng Sa của bốn mươi năm trước vẫn chưa được bắt đầu. Trăng đêm rằm cao lồng lộng và sáng rực rất lạ thường trên cánh đồng mênh mang lúa chín.

Có lẽ ánh trăng kia cũng muốn lắng nghe câu chuyện buồn của quá khứ xảy ra trên biển cả năm xưa tưởng đã ẩn chìm dưới đáy đại dương nay bỗng chốc ngoi lên làm chứng nhân của một cuộc chiến tranh tàn khốc, đau thương. Gió thổi lào xào. Tiếng con bìm bịp cứ vô tư phát ra những tiếng kêu the thé, buồn buồn giữa đêm tĩnh lặng.

Ký ức Hoàng Sa

Minh họa: Trần Thắng

- Nè làm một ly đi rồi tui kể tiếp. Chuyện đã bốn mươi năm, tui thì già rồi đầu óc lơ mơ, lú lẫn, khi nhớ, khi quên. Để tui nhớ coi. Tiếng chú Hà khe khẽ kèm theo mấy tiếng ho khúc khắc có vẻ mệt nhọc do căn bệnh phổi lâu năm.

- Chú ráng nhớ nghe. Tui kiếm mấy chú đã mấy năm nay, mấy chú tứ tán khắp nơi, kiếm được chú thiệt trầy da tróc vảy. Tưởng đâu trớt quớt rồi, may mà bữa nay còn gặp được chú. Thiệt là nhờ bà cậu phò hộ. Tiếng Nam nói vui.

- Mà tao hỏi thiệt, bây phải trả lời thiệt tình. Bây kiếm tao kể lại ba cái chuyện đánh tàu chiến Trung Quốc hồi xưa làm gì vậy? Tao “ớn” lắm, bởi vì tao… tao…

- Chú “ớn” chuyện gì? Bộ nhớ tới mấy chiếc tàu của Trung Quốc, chú sợ nổi da gà, da vịt phải hôn. Sao tệ vậy chú? Nam châm chọc.

- Sợ cái con khỉ gió mấy thằng cà chớn đó. Hồi đó tụi tao còn “dọng” cho nó tơi bời chạy cuốn cờ tắt ống khói luôn. Tao sợ là vì tụi tao trước đây đi lính hải quân cho chế độ cũ. Giờ kể lại có ai tin hôn? Mà kể để làm gì. Buồn lắm. Mà nói thiệt nghe. Hồi đó trốn quân dịch hổng xong, tụi tao bị bắt lính rồi bị điều động về binh chủng hải quân của Việt Nam Cộng Hòa. Thời thế buộc phải vậy chớ biết trốn đâu. Vậy là suốt ngày ở dưới hạm, dưới tàu… Rồi…

Đang nói ngon trớn bỗng giọng chú Hà chùng xuống thật buồn. Đôi mắt chú nhìn đăm đăm vào cõi hư vô thăm thẳm xa xôi nào đó như đang cố tìm kiếm những thước phim quá khứ thật anh hùng có, đau thương có, trong đó chú và hàng chục thủy thủ của chiếc tàu Tuần dương hạm mang số hiệu HQ – 10 Nhật Tảo đã chiến đấu để giành lấy chủ quyền Hoàng Sa.

- Lúc “xáp lá cà” với tàu Trung Quốc, mấy chú nghĩ sao vậy?

- Nghĩ ngợi gì? Nói thiệt nghe, tụi tao hồi đó chỉ biết lãnh lương lính rồi biểu sao làm vậy, biểu đánh đâu đánh đó nhưng khi tới đảo Hoàng Sa, Hữu Nhựt thấy tụi nó giương cờ chiếm đất của mình thì hết chịu xiết. Vậy là “oánh” bất kể sống chết ra sao. Nó tưởng có nhiều tàu chiến ngon lành là có thể ăn hiếp được mình sao. Còn khuya. Tiếng chú Hà giận dữ.

- Sau này mấy chú có gặp lại nhau hôn? Cái chuyện đánh tàu địch bốn chục năm trước có ai biết không?

- Không. Tụi tao sợ nên nín thinh luôn. Dù sao tụi tao cũng là lính chế độ cũ, ít nhiều cũng có lỗi với dân. May mà chưa gây tội ác, nếu không hối hận suốt đời. Nhiều cha nhà báo, nhà văn phát hiện tụi tao, mấy chả “rề rề” lại kiếm tụi tao để nhờ kể lại chuyện xửa, chuyện xưa nhưng tụi tao “keo” với nhau sẽ im re bà rè tới chết không kể lại cho bất kỳ ai nghe.

- Vậy là bữa nay tui gặp hên. Chắc tía má tui tu mấy ngàn năm nên bữa nay chú mới chịu khai báo “chuyện xưa tích cũ”. Nam cười khà khà.

- Chắc vậy. Vả lại tao thấy cũng tới lúc nói ra cho khuây khỏa hồn vía, khư khư giữ trong bụng trong dạ hoài khó chịu quá. Và có nói ra người ta mới biết có một con tàu chiến đang nằm dưới đáy biển Hoàng Sa ngày 20 tháng 1 năm 1974, trong đó có nhiều bạn bè của tao.

Quá khứ buồn năm xưa cứ mồn một kéo về theo lời kể thật buồn đều đều trong đêm lạnh.

Những tia nắng ban mai đầu xuân đang nhấp nháy trên khoảng đại dương xanh mơn mởn. Hải âu bay lượn từng bầy như nhắc nhở các thủy thủ rằng Tết đã cận kề. Trên bong tàu HQ – 10 Nhật Tảo, nhiều lon đồ hộp, bánh tây, rượu, “la de” đã bày đầy ắp trên các bàn ăn. Tất cả đang chuẩn bị cho một buổi liên hoan nhẹ mừng xuân xa nhà.

- Báo cáo Thiếu tá có lệnh khẩn từ đất liền. Tiếng người hạ sỹ truyền tin gấp gáp.

Thiếu tá Thà giật lấy bức điện đọc rất nhanh rồi vò tròn mảnh giấy ném xuống biển với nét mặt bực dọc, phẫn nộ, chán chường nhưng không kém phần lo lắng.

- Nhổ neo. Chạy hết tốc lực về phía đảo Hoàng Sa. Mẹ nó. Tết nhứt đến nơi mà cũng hổng yên. Chó chết mấy thằng Trung Quốc. Tiếng Hạm trưởng Thà hằn học.

Từ xa, toàn bộ thủy thủ tàu HQ – 10 Nhật Tảo đã thấy bóng dáng hai chiếc trục lôi hạm của Trung Quốc đang chạy đi chạy lại dọc theo đảo Hoàng Sa, thỉnh thoảng chúng lại nã pháo vào đảo với thái độ khinh khỉnh, miệt thị, nhạo báng, khiêu khích. Đại úy Tri, hạm phó hạ lệnh cho tàu phát loa thông báo: đây là lãnh hải của Việt Nam, yêu cầu tàu nước bạn rời khỏi đây ngay lập tức. Chỉ sau hai phút thông báo, hàng loạt súng từ hai chiếc tàu lạ nã đạn tới tấp vào tàu HQ – 10 Nhật Tảo như một lời tuyên chiến. Cuộc hải chiến bắt đầu. Những chiếc tàu quần đảo nhau tránh né những loạt đạn của nhau trên sóng cả mỗi lúc một mạnh dần thêm. Những cột nước trắng xóa cứ bị hất tung lên cao kèm theo những tiếng nổ long trời và những tia sáng xanh lè khét lẹt mùi thuốc súng. Người chết và bị thương cứ tăng dần lên. Có những chiến binh rơi xuống biển sâu, máu loang ra từng vệt đen thâm thẫm rồi mất hút trong lòng biển. Một chiếc tàu Trung Quốc trúng đạn bốc cháy ngùn ngụt rồi chìm hẳn. Những tên lính Trung Quốc nhảy vội vàng xuống biển để cố tìm lấy cơ hội sống cuối cùng.

Trên tàu HQ – 10 Nhật Tảo, số người chết cũng nằm la liệt trên bong tàu. Số người khác bị thương nặng đang cố sức bám víu lấy những cây súng đại liên nòng còn nóng hổi hướng mắt về chiếc tàu địch còn lại. Trời bỗng đổ mưa giông. Gió giật mạnh liên hồi như xé toạc bầu trời. Hai chiếc tàu đối nghịch nhau trừng trừng giữa biển.

- Cho tàu sang trái 30 độ. Chạy thẳng. Sang phải 45 độ. Bắn.

Tiếng hạm phó Tri sang sảng giữa biển. Con tàu theo lệnh cứ quanh cua gấp khúc tìm sơ hở tàu địch để tấn công. Đạn giao tranh vẫn nổ giòn dã không dứt. Ầm… Ầm… một cột lửa vọt cao lên bầu trời đen thui thủi bởi mây đen giăng phủ. Tàu HQ – 10 Nhật Tảo đã lao thẳng mũi vào bên hông Trục lôi hạm 389 của Trung Quốc làm nó mất phương hướng, vỡ ra, nghiêng ngửa rồi lật nhào xuống biển. Phía bên này con tàu HQ – 10 Nhật Tảo cũng hư hỏng không còn hoạt động. Hạm trưởng Thà nằm chết trên tháp chỉ huy, người cháy xém đen vì trúng đạn. Hạm phó Tri bị thương khá nặng nhưng cố gắng gượng hạ lệnh:

- Thông báo ngay cho hạm đội Hoa Kỳ đang ở đất liền ra tiếp cứu chúng ta.

Năm phút… mười phút… một giờ đồng hồ trôi qua. Tất cả đều rơi vào im lặng. Toàn bộ thủy thủ hiểu rằng họ đã bị bỏ rơi trên biển, bỏ rơi khi đang thi hành mệnh lệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tiếng trung sỹ Quỳ nức nở:

- Họ đã để chúng ta chết giữa biển. Quân khốn kiếp.

Phía Trung Quốc tiếp tục tăng viện các hạm đội tiến ra Hoàng Sa. Hạm phó Tri lại ra lệnh:

- Tất cả xuống bè cố gắng bơi vào bờ mạnh ai tìm cách thoát thân. Tui ở lại chết theo tàu. Bị thương nặng lắm rồi, đi cũng chết, ở cũng chết, thôi mấy ông đi nhanh lên.

Hai mươi mốt thủy thủ hải quân tàu HQ – 10 Nhật Tảo lặng lẽ rời tàu bằng bốn chiếc bè gỗ trên đó có chứa sẵn nước, kẹo năng lượng chống đói. Cuộc chia ly đầy nước mắt và phẫn nộ vì sự lừa dối của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Một chiếc tàu lớn Trung Quốc đã xuất hiện và nã đạn tới tấp vào tàu HQ – 10 Nhật Tảo đang chống cự ngày càng yếu ớt. Lửa từ các nòng súng phản công từ con tàu thưa dần rồi tắt hẳn. Toàn bộ thủy thủ trên tàu đã không còn. Một tiếng nổ lớn vang lên. Tàu HQ – 10 Nhật Tảo vĩnh viễn nằm xuống biển sâu Hoàng Sa.

- Sau đó mấy chú làm gì? Tiếng Nam đưa chú Hà trở về thực tại.

- Tụi tao hận quá nên rủ nhau đào ngũ hết ráo. May mà tụi nó không bắt được, nếu không sẽ bị đày đi lao công chiến trường chắc cũng theo ông bà từ khuya rồi.

- Rồi mấy chú có gặp lại nhau hôn?

- Có. Gặp ngay cái ngày hai mươi tháng một tính theo dương lịch để làm đám giỗ tập thể cho bạn bè đừng tủi hờn chốn suối vàng. Phải chi…

- Phải chi sao?

- Phải chi chết mà lấy được xác đem về thờ cúng. Đằng này chết làm mồi cho cá, nhớ tới thấy tội nghiệp họ quá trời. Chiến tranh mà. Biết nói sao bây giờ. Mau quá mới đó đã bốn mươi năm. Mà nè, tao kể chuyện này mày chớ có kể lại cho người khác biết. Buồn lắm. Thôi. Quên nó đi.

Những ly rượu gốc lại được rót ra. Bóng chú Hà cứ nghiêng nghiêng theo ngọn đèn trước gió rồi đổ ập xuống chiếc chõng tre kêu răng rắc. Trong cơn say không hiểu chú thấy gì mà miệng chú cứ lắp bắp mấy chữ lặp đi, lặp lại rất khó nhọc “… chuẩn bị bắn… tàu địch tới kìa…”

Truyện ngắn của Song Anh

Theo Báo Tin tức


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Ký ức Hoàng Sa

Trung Quốc điều thêm 2 tàu quân sự ra khu vực giàn khoan

Posted: 17 May 2014 08:10 AM PDT

 Diễn biến thực địa ngoài biển Đông vẫn rất căng thẳng. Trung Quốc đã đưa thêm 2 tàu quân sự mới ra khu vực giàn khoan Hải Dương-981. Tàu quân sự của Trung Quốc bảo vệ vòng ngoài giàn khoan tháo bạt che vũ khí để đe dọa, khiêu khích tàu chấp pháp của VN.

Theo thông tin mới nhất của Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), số tàu của Trung Quốc quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981 trong buổi sáng 17/5 là 119 tàu, bao gồm các tàu chấp pháp, tàu chiến đấu, tàu khu trục tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu dầu khí và tàu cá vỏ sắt.

Trung Quốc vẫn hành động hung hăng

Ngoài ra, Trung Quốc đã đưa thêm 2 tàu quân sự mới là tàu tên lửa tấn công nhanh mang số hiệu 755 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh 789 đến khu vực giàn khoan để cản phá và đe dọa lực lượng chấp pháp của ta.

Trung Quốc điều thêm 2 tàu quân sự ra khu vực giàn khoan

Chiếc tàu chiến 2 vạn tấn hiện đại bậc nhất của hải quân Trung Quốc bên cạnh giàn khoan Hải Dương 981 (Ảnh: Người lao động)

“Số lượng tàu của Trung Quốc quanh khu vực giàn khoan có giảm hơn so với con số 126 tàu ngày hôm qua, 16/5. Tuy nhiên, số tàu rút đi là tàu cá vỏ sắt và Trung Quốc đã điều thêm tàu quân sự ra khu vực giàn khoan”, ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết.

Tàu quân sự của Trung Quốc bảo vệ vòng ngoài, tháo bạt che vũ khí nhằm mục đích đe dọa tàu cá, khiêu khích lực lượng chấp pháp của Việt Nam xung quanh khu vực giàn khoan.

Khi các tàu Kiểm ngư tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981để thực hiện công tác tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan về nước, liền bị nhiều tàu Trung Quốc tập trung lực lượng vây ép, đâm và phun nước.

Cụ thể, khi lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ cách giàn khoan Hải Dương-981 7 hải lý thì bị tàu Hải cảnh của Trung Quốc đâm va làm 1 tàu Kiểm ngư bị móp mạn nhưng không ảnh hưởng đến khả năng cơ động, tàu vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Trung Quốc điều thêm 2 tàu quân sự ra khu vực giàn khoan

Một tàu cảnh sát biển 4032 bị đứt gãy lan can do tàu Trung Quốc đâm

Tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc vẫn chủ động đâm va vào tàu cá của ngư dân ta khi đang tiến hành di chuyển vào gần giàn khoan Hải Dương-981 để khai thác thủy sản, nhưng ngư dân vẫn vững vàng bám trụ đấu tranh đòi ngư trường.

Tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Quảng Ngãi, 2 ngư dân bị thương

Ngoài thực địa ở khu vực giàn khoan Hải Dương-981, tàu Ngư chính 306 của Trung Quốc đã khống chế tàu cá QN-90205-TS của Quảng Ngãi và đánh đập thuyền viên, phá hoại tài sản trên tàu cá khiến 2 thuyền viên bị thương nặng.

Vụ việc xảy ra vào lúc 23h00 ngày 16/5/2014 khi tàu của ngư dân Quảng Ngãi đang khai thác hải sản ở khu vực đảo Phú Lâm thuộc phía Đông Bắc Quần đảo Hoàng Sa, cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 110 hải lý. Hiện tàu cá của Quảng Ngãi vẫn bị phía Trung Quốc giữ ở đảo Phú Lâm.

“Khu vực đảo Phú Lâm là một trong những ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Vụ tàu Ngư chính của Trung Quốc bắt bớ, đánh đập và cướp tài sản của ngư dân của ta xảy ra ngoài khu vực giàn khoan Hải Dương-981 và hiện tượng này vẫn thường xảy ra đối với các ngư dân Quảng Ngãi” – ông Trung cho biết thêm.

Thảo Nguyên

​Theo Dantri


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Trung Quốc điều thêm 2 tàu quân sự ra khu vực giàn khoan

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chủ quyền đất nước là thiêng liêng”

Posted: 17 May 2014 08:04 AM PDT

 “Độc lập tự do, chủ quyền đất nước là thiêng liêng. Mọi chủ trương chính sách của chúng ta trước hết cũng là để bảo vệ bằng được chủ quyền quốc gia. Tất cả các biện pháp chúng ta làm luôn luôn dựa trên chính nghĩa, luật pháp quốc tế”.

Là khách mời tham dự cuộc Đối thoại của Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân với các nhà khoa học sáng 17/5, nhân lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu lần đầu tiên, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ trở thành tâm điểm “chất vấn” của các nhà khoa học về vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam.

PV Dân trí lược ghi những nội dung trao đổi của Phó Thủ tướng với các nhà khoa học.

Một nhà khoa học mặc áo lính – giảng viên đến từ Học viện kỹ thuật quân sự bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981, đặt hạ trên vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam. Các nhà khoa học có thể hỗ trợ gì cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước lúc này?

Phó Thủ tướng Vũ Đức ĐamViệc quan trọng, về lâu dài là làm sao để đất nước giàu mạnh hơn. Các nhà khoa học có vai trò rất lớn trong việc này. Các nhà khoa học cũng có thể chia sẻ với gia đình, người thân, bạn bè để cùng có hành động đúng đắn nhất trong lúc này.

Việc Trung Quốc mang giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Ở đây chắc chắn có nhiều nhà khoa học, nhiều người nghiên cứu về lịch sử, luật pháp. Vậy thì chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu để khẳng định những chứng cứ lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển của mình. Lịch sử đã cho thấy, mỗi khi đất nước đứng trước những vấn đề khó khăn cũng là một động lực mạnh mẽ để người dân cả nước đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức. Chúng ta có thể biến lòng yêu nước thành hành động.

Có những nước rất nhỏ bé, thường xuyên bị đe dọa bởi các nước xung quanh nhưng vẫn vươn lên để có một nền khoa học công nghệ, trong đó có khoa học, kỹ thuật quân sự, quốc phòng rất mạnh. Họ đã làm được thế, chúng ta nhất định cũng làm được.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Phó Thủ tướngVũ Đức Đam trong cuộc đối thoại với các nhà khoa học.

Một đại diện đến từ trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TPHCM đặt câu hỏi: Với tình hình phức tạp ở Biển Đông như hiện nay, thực lực của Việt Nam như thế nào? Phó Thủ tướng có tin tưởng Việt Nam có đủ khả năng đương đầu với tình hình thực tế đặt ra?

Tiềm lực khoa học của Việt Nam đúng là còn rất yếu. Nêu so tiềm lực khoa học hay kinh tế của mình một cách tức thời, đo đếm số người, số công trình, số vũ khí, số trường học… chắc chắn chúng ta còn yếu. Nhưng đừng quên lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm và ngay trong thế kỷ XX vừa qua, chúng ta luôn chiến thắng trong cuộc đấu tranh với ngoại xâm mà các thế lực ngoại xâm đều lớn hơn chúng ta rất nhiều về thế lực. Dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn, vẫn đứng vứng.

Có thể nói, dân tộc ta có một lòng yêu nước nồng nàn, vô song. Chúng ta có chính nghĩa, chúng ta anh dũng, không sợ hi sinh. Sự kiện này không phải là sự kiện đầu tiên và duy nhất trong quá khứ và kể cả trong tương lai. Nhất định chúng ta sẽ bảo vệ được độc lập chủ quyền của mình. Tôi tin tất cả những nhà khoa học ngồi đây cũng như hơn 90 triệu người dân Việt Nam tin tưởng điều đó. Nhưng có điều phải nhớ trách nhiệm của mỗi người, từ nhà khoa học dến quân nhân đều phải làm tốt hơn công việc của mình để góp phần làm cho đất nước giàu mạnh hơn.

Một nhà khoa học nữ đã có hơn 10 năm nghiên cứu về sinh vật biển trình bày: "Tôi bám biển đảo giống như đồng bào ngư dân của chúng ta. Hiện tại, trên lĩnh vực khoa học của mình, chúng tôi đang dùng ngòi bút của mình với những công bố quốc tế để chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa “sẽ là” của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi muốn hỏi, hiện chúng tôi đang làm đề án 47, tiếp tục nghiên cứu và đánh giá đa dạng sinh học cũng như tài nguyên sinh học tại vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và toàn bộ vùng biển Việt Nam. Nhưng hiện nay, khi Trung Quốc tiếp tục hung hăng như thế, các tàu cá bị tấn công và lực lượng tàu cảnh sát biển của chúng ta cũng đang bị nhũng nhiễu… thì liệu các nhà khoa học chúng tôi khi ra biển đảo để thu mẫu có được bảo vệ không? Chính phủ có chính sách gì? Ví dụ nếu Trung Quốc tiếp tục hung hăng, chúng ta có sử dụng biện pháp mạnh hơn để đối phó và bảo vệ cho các nhà khoa học cũng như bảo vệ cho ngư dân Việt Nam không?".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tôi xin chỉnh lại một chữ khi bạn nói Hoàng Sa “sẽ” là của Việt Nam. Thực tế, Hoàng Sa là của Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và chúng ta sẽ làm mọi cách để đòi lại. Đời tôi và các bạn chưa đòi được thì đời con cháu chúng ta tiếp tục đòi, theo đúng luật pháp quốc tế.

Hoạt động nghiên cứu khoa học là mang tính dân sự thuần túy. Các bạn cứ tiếp tục tiến hành hoạt động nghiên cứu, cần thiết, Bộ KHCN sẽ đề nghị Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Bộ Quốc phòng để hỗ trợ việc nhà khoa học ra biển, thu thập mẫu vật, nghiên cứu. Đây cũng là hoạt động góp phần khẳng định chủ quyền, làm rõ lịch sử chủ quyền với biển đảo của Việt Nam.

Bà con ngư dân không được trang bị nhiều kiến thức, học hành vẫn kiên quyết bám biển, bảo vệ ngư trường. Bà con còn bám được biển, nhà khoa học cũng nhất quyết phải bám biển.

Trong tình hình Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam thì Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về 16 chữ vàng trong quan hệ với Trung Quốc?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính sách đối ngoại của chúng ta rất rõ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam muốn xây dựng quan hệ với mọi nước trên thế giới. Với nước bạn láng giềng Trung Quốc, phương châm quan hệ được lãnh đạo 2 nhà nước thống nhất đưa ra là phương châm "4 tốt" và "16 chữ vàng" rất tốt đẹp. Trong quá trình xây dựng củng cố mối quan hệ đó luôn có những khó khăn, thách thức và Việt Nam luôn thật tâm mong muốn và nỗ lực xây dựng những chữ vàng đó.

Sự quý giá của những chữ đó được so sánh với vàng. Nhưng thực tế còn những thứ quý hơn vàng, như kim cương chẳng hạn. Có nhiều thứ quý hơn vàng, quý hơn kim cương, nhưng không có gì quý hơn độc lập tự do - 4 chữ Bác Hồ đã dạy chúng ta.

Vậy nên chúng ta làm sao vừa xây dựng được quan hệ với nước bạn trên 16 chữ vàng đó vừa giữ được thứ quý giá nhất đối với chúng ta là độc lập tự do. Việc đó cần nhiều bản lĩnh, trí tuệ và đòi hỏi chúng ta hết sức tỉnh táo, không thể bột phát, quá khích được. Có những việc chúng ta tưởng là tốt nhưng thực tế lại không tốt. Các bạn hãy tin tưởng là Đảng và Nhà nước đã có những bước đi rất khoa học, đúng đắn để làm được điều đó.

Đại diện Viện nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Viện hàn lâm khoa học Việt Nam đặt vấn đề: Đứng từ góc nhìn những người làm pháp luật quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có đủ căn cứ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Vậy Chính phủ có chủ trương kiện Trung Quốc hay không, xin Phó Thủ tướng cho biết để chúng tôi chuẩn bị?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Độc lập tự do, chủ quyền đất nước là thiêng liêng. Mọi chủ trương chính sách của chúng ta trước hết cũng là để bảo vệ bằng được chủ quyền quốc gia. Tất cả các biện pháp chúng ta làm từ trước đến nay và từ nay về sau luôn luôn dựa trên chính nghĩa, luật pháp quốc tế. Có rất nhiều biện pháp mà trước hết chúng ta phải sử dụng biện pháp hòa bình, kiên trì với biện pháp hòa bình.

Năm ngoái, trước Liên hợp quốc, Thủ tướng đã nói, bất kể hành vi nào, dù còn thời cơ nhỏ nhoi nhất về hòa bình chúng ta cũng tận dụng. Trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 lần này cũng như nhiều sự việc trước đó, chúng ta cũng kiên định dùng biện pháp hòa bình để đấu tranh. Trong biện pháp hòa bình, trước hết chúng ta đấu tranh bằng con đường ngoại giao, vẫn thường xuyên trao đổi với phía bạn.

Kiện ra tòa như bạn nói cũng là một biện pháp hòa bình. Hai láng giềng với nhau, dù anh lớn hơn nhưng không phải thì chúng ta cũng trao đổi, phân giải. Chúng ta kiên trì bằng con đường ngoại giao để trao đổi. Còn tất cả các giải pháp đều được các cơ quan chức năng nghiên cứu cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng.

Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, trí tuệ để vừa giữ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vừa phải giữ được nền hòa bình, ổn định để phát triển, mà hòa bình không chỉ cho Việt Nam, đó còn là hòa bình cho khu vực và thế giới. Biển Đông có 2/3 lưu lượng tàu biển hàng hóa thế giới đi qua. Chỉ cần một xung đột nhỏ thì việc đó ảnh hưởng đến cả thế giới.

Chúc bạn có nhiều nghiên cứu thật sâu, hiệu quả để góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.

Lo lắng lớn nhất của Phó Thủ tướng cũng như lãnh đạo Chính phủ trước tình hình phức tạp lúc này?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trước hết, tôi muốn nói, trong cuộc họp hôm nay mà số câu hỏi về vấn đề Biển Đông rất nhiều. Điều đó chứng tỏ lòng yêu nước của nhân dân ta nói chung và giới khoa học nói riêng rất nồng nàn, sâu sắc. Đó là phúc âm của đất nước.

Có nhiều cách thức biểu hiện lòng yêu nước. Trên mạng xã hội giờ tràn ngập hình ảnh cờ Việt Nam được dùng làm avatar cũng là một biểu hiện… Tuy nhiên thể hiện cách nào thì cũng phải hết sức sáng suốt, trí tuệ xem lúc nào thì hợp lý nhất, hiệu quả nhất.

Không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy hòa bình nhưng chúng ta cũng phải làm rất trí tuệ, rất tỉnh táo.

Vừa qua, một phần do cách thể hiện lòng yêu nước một cách bột phát, thiếu suy nghĩ chín chắn và cũng có một phần do bị lợi dụng, kích động nên đã xảy ra những vụ bạo động, quá khích. Chúng ta làm sao phải giữ cho được hình ảnh một dân tộc yêu hòa bình, chính nghĩa, khát khao hòa bình. Chúng ta phải làm sao để môi trường đầu tư, làm ăn tại Việt Nam không xấu đi mà phải tốt hơn lên, vì có phát triển kinh tế, đất nước giàu mạnh mới tăng sức mạnh đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Có những kẻ xấu đang lợi dụng, kích động, chia rẽ làm phương hại đến khả năng đấu tranh bảo vệ chủ quyền của chúng ta.

Còn về lo lắng, chúng tôi lo nhiều lắm, lo làm sao đất nước mấy nghìn năm lịch sử như vậy, cha ông gây dựng được đất nước như bây giờ, làm sao cho xứng đáng với sự kỳ vọng của cha ông, làm sao cho đất nước giàu mạnh. Giàu có chưa chắc đã hạnh phúc nhưng nghèo đói thì không thể hạnh phúc được. Nếu đất nước phát triển, giàu có thì làm việc giữ hòa bình, làm nghĩa vụ quốc tế để đảm bảo hòa bình chung càng có điều kiện để làm được tốt hơn.

Lúc này làm sao chúng ta phải muôn người như một, mỗi người cố gắng làm tốt công việc của mình, càng lúc khó khăn phải càng đoàn kết. Tôi rất tâm đắc với câu hát: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc thân yêu”.

P.Thảo

​Theo Dantri


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Chủ quyền đất nước là thiêng liêng"

Người Việt Nam tại Mỹ: “Còn giàn khoan, còn đấu tranh”

Posted: 17 May 2014 07:58 AM PDT

Người Việt tại Mỹ sẽ phát động chiến dịch thu thập 100.000 chữ ký để gửi Tổng thống Mỹ và LHQ.

Hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đang tiếp tục vấp phải phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Một chiến dịch tuần hành và thu thập chữ ký gửi lên Chính phủ, Quốc hội Mỹ và các tổ chức thế giới đang được phát động để buộc Trung Quốc chấm dứt gây hấn.  

Tiếp theo hàng loạt các cuộc tuần hành trên khắp nước Mỹ trong những ngày qua, vào 14h Chủ nhật tuần này (18/5), cộng đồng người Việt tại thủ đô Washington DC và vùng phụ cận sẽ tổ chức một cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành vi gây hấn của Bắc Kinh.

Ông David Huy Hồ, Chủ tịch Chi hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ biểu tình cho đến khi Trung Quốc rút hết giàn khoan nước sâu tại vùng biển Việt Nam. Lúc đầu chủ yếu là cộng đồng người Việt nhưng sau đó sẽ thu hút bạn bè người nước ngoài tham gia”…

Ngoài các hoạt động biểu tình, tuần hành, cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng đang xúc tiến nhiều bước đi mạnh mẽ nhằm buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.

Người Việt Nam tại Mỹ:

Ông David Huy Hồ

Ông David Huy Hồ cho biết: “Một số anh em trong cộng đồng đã đưa ra kiến nghị tổ chức Ngày Việt Nam. Vào ngày này, tất cả mọi người Việt Nam trên toàn thế giới sẽ xếp hàng trước cửa Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành một chiến dịch thu thập chữ ký của cộng đồng người Việt và thế giới để trình lên Thượng và Hạ viện Mỹ, đề nghị Quốc hội Mỹ có những bước đi nào đó, chẳng hạn như xem xét hành động khiêu khích của Trung Quốc. Theo luật Mỹ, trong một vấn đề nào đó, nếu thu thập được từ 100.000 chữ ký trở lên, Chính phủ phải tiến hành xem xét. Tôi nghĩ đây là một bước đi chính trị cần làm”.

Trong khi đó, ngày 16/5, Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã gửi thư tới Tổng thống Barack Obama cùng các quan chức cấp cao của Quốc hội và Chính phủ Mỹ để phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc.

Người Việt Nam tại Mỹ:

Tổng thư ký Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Mỹ – anh Nguyễn Đình Phú

Anh Nguyễn Đình Phú, Tổng thư ký Hội bày tỏ: “Thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ rất phẫn nộ trước hành động của Trung Quốc. Một trong những hoạt động đấu tranh của chúng tôi là viết thư gửi lên Tổng thống Hoa Kỳ, yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ có những tác động tích cực để Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Bức thư kêu gọi Tổng thống Obama phản đối Trung Quốc và sử dụng ảnh hưởng của Mỹ để tác động tới cộng đồng quốc tế, buộc Trung Quốc phải chấm dứt các hành động khiêu khích, tuân thủ luật pháp quốc tế và lập tức rút giàn khoan cùng tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Theo anh Nguyễn Đình Phú, Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Mỹ sẽ phát động chiến dịch thu thập 10.000 chữ ký để gửi kiến nghị phản đối Trung Quốc tới Liên Hợp Quốc và các tổ chức có ảnh hưởng lớn trên thế giới thông qua tổ chức Change.org.

Hội cũng sẽ tiến hành cuộc vận động gây quỹ ủng hộ các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại khu vực đảo Hoàng Sa cũng như tham gia các cuộc tuần hành do kiều bào tổ chức tại San Francisco, New York và Washington DC.

Theo Nhật Quỳnh-Huy Hoàng

 VOV-Washington DC


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Người Việt Nam tại Mỹ: "Còn giàn khoan, còn đấu tranh"

Chuyên gia Nga:Biện pháp đối phó Trung Quốc cho đến nay hoàn toàn đúng đắn

Posted: 17 May 2014 07:53 AM PDT

Hành động nguy hiểm của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Những ngày qua, hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Phóng viên VOV đã phỏng vấn Tiến sỹ Sử học Grigori Lokhshin, chuyên gia Viện Viễn Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Nga về vấn đề này.

Chuyên gia Nga:Biện pháp đối phó Trung Quốc cho đến nay hoàn toàn đúng đắn

Tiến sỹ Sử học Grigori Lokhshin

PV: Ông có thể cho biết đánh giá của mình về tình hình căng thẳng đang xảy ra trên Biển Đông?

Tiến sỹ G.Lokshin: Thứ nhất, sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 tại vùng biển đối diện với tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam là hết sức nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ, nước này đã chuyển từ lời nói, yêu sách, tuyên bố… sang hành động cụ thể.

Giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc đã được chuẩn bị từ lâu và tiêu tốn một khoản tiền lớn, 1 tỷ USD, nay được đưa vào khu vực Biển Đông với hơn 80 tàu hộ tống. Đây là bước đi mới của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng, làm nảy sinh đối đầu, va chạm giữa lực lượng bảo vệ biển Việt Nam với các tàu hộ tống của Trung Quốc.

Phải nói, hành động của Trung Quốc là rất đáng quan ngại, bởi vì từ đầu năm 2012 đến giữa năm 2013 quan hệ Trung Quốc với Việt Nam rất tích cực, diễn ra nhiều chuyến thăm, ký thỏa thuận cùng nghiên cứu khu vực ranh giới ngoài Vịnh Bắc Bộ… không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ dẫn đến tình hình phức tạp như hiện nay.

Do đó bằng hành động này, Trung Quốc trên thực tế đã vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà nước này là một bên tham gia ký kết năm 2002, luật pháp quốc tế, tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và cơ bản là đã vi phạm các nguyên tắc giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông đã được lãnh đạo Trung Quốc đặt bút ký với lãnh đạo Việt Nam năm 2011. Trong các văn bản này nêu rõ mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao, không bên nào được có hành động gây phương hại đến an ninh và ổn định trong khu vực. Do đó, những gì Trung Quốc đang làm hiện nay đã vi phạm tất cả các trách nhiệm mà lãnh đạo nước này đã thông qua.

PV: Theo ông, nguyên nhân và mục đích của Trung Quốc trong hành động này là gì?

Tiến sỹ G.Lokshin: Thứ nhất, sau chuyến thăm các nước Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Trung Quốc thấy rằng Mỹ sẽ không tích cực can dự sâu vào sự kiện này.

Thứ hai, thời điểm hiện nay cả thế giới phương Tây đang đổ dồn sự chú ý tới tình hình khủng hoảng tại Ukraine. Và như những lần trước, Trung Quốc đã hành động khi cho rằng sẽ không có ai can dự, can thiệp hay giúp đỡ gì cụ thể cho Việt Nam.

Nguyên nhân thứ ba theo tôi là đó là tình hình nội bộ của Trung Quốc đang có vấn đề về tham nhũng, vấn đề dân tộc… nên họ muốn hướng sự quan tâm của người dân ra bên ngoài thay vì các vấn đề trong nước.

Mục tiêu của Trung Quốc trong hành động này rõ ràng là nhằm củng cố sự chiếm hữu của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Phía Trung Quốc từng đề nghị đàm phán song phương về an ninh trên biển, đàm phán với ASEAN về an ninh hàng hải song chưa bao giờ và chưa nơi nào người Trung Quốc nói đến việc đàm phán về tranh chấp chủ quyềnquần đảo Hoàng Sa.

Vấn đề Việt Nam hay Trung Quốc có các bằng chứng về chủ quyền của mình ở Hoàng Sa thì chưa bao giờ người Trung Quốc tỏ ý định sẽ nghiêm túc xem xét, thảo luận để giải quyết tranh chấp. Do đó, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở Biển Đông sẽ làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

PV: Ông đánh giá như thế nào về các hành động, phản ứng của Việt Nam đối với những vi phạm của phía Trung Quốc?

Tiến sỹ G.Lokshin: Những hành động của phía Việt Nam đến nay hoàn toàn đúng đắn, gồm cả việc đưa vấn đề ra thảo luận trong ASEAN. Bởi vì sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 không chỉ ngay sau chuyến thăm Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ có vài ngày, mà còn xảy ra ngay trước Hội nghị ASEAN.

Đây là một thách thức đối với tất cả các nước ASEAN, không thèm đếm xỉa tới ý chí, quan điểm của cộng đồng này. Toan tính này của Trung Quốc nhằm chia rẽ nội bộ ASEAN, để các nước trong khối không đạt được thỏa thuận hay thống nhất quan điểm về vụ việc. Rất may là điều này đã không xảy ra.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn ASEAN vừa qua là tuyên bố đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam về tình hình ở Biển Đông, và lần đầu tiên sau nhiều năm Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã ra Tuyên bố thể hiện rõ quan điểm chung của các nước ASEAN lên án hành động khiêu khích trên biển Đông của Trung Quốc. Điều này thể hiện quyết tâm của Việt Nam và sự ủng hộ của các nước trong khu vực.

Về các cuộc biểu tình của người Việt ở trong và ngoài nước phản đối hành động của Trung Quốc, tôi cho rằng các hành động này là hoàn toàn đúng đắn. Người Việt Nam luôn có tinh thần yêu nước, họ đấu tranh vì độc lập, tự do. Hành động của họ hiện nay là phản ứng chính đáng của những người yêu nước, không phải chủ nghĩa dân tộc, không phải chống Trung Quốc, mà chống lại hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình. Những hành động này là hợp pháp.

PV: Theo ông, nước Nga có vai trò gì trong vấn đề này?

Tiến sỹ G.Lokshin: Nga có quan hệ đối tác chiến lược với cả Trung Quốc và Việt Nam và chúng tôi hoàn toàn không muốn rắc rối trong quan hệ với các đối tác của mình. Chính sách đối ngoại của Nga là giữ vững độc lập, tự chủ.

Có thể Nga sẽ có kênh tác động hoặc ảnh hưởng nào đấy mà không cần tuyên bố, tuyên truyền công khai, còn nhiều biện pháp khác Nga có thể thông qua đối với tình hình hiện nay. Tôi tin rằng, Nga sẽ làm hết khả năng để ngăn chặn xung đột leo thang.

PV: Ông có dự báo gì về tình hình sắp tới?

Tiến sỹ G.Lokshin: Diễn biến tiếp theo của tình hình rất khó nói trước, vì hành động của lãnh đạo Trung Quốc thường rất khó dự báo, tất cả chỉ là suy đoán. Song có thể khẳng định, nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách cứng rắn sẽ thôi thúc tất cả các nước ASEAN vào một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc, vì đây là nguy cơ chung đối với tất cả các nước chứ không riêng Việt Nam.

Điều này sẽ làm suy yếu chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời hành động này sẽ vấp phải hành động phản kháng, tinh thần dân tộc, yêu nước của người Việt Nam. Điều này đã thể hiện qua các cuộc biểu tình và nhiều hoạt động phản đối Trung Quốc đang diễn ra khắp nơi. Tất cả những điều này, đáng tiếc là sẽ gây ra những thiệt hại to lớn trong quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam trong nhiều năm tới.

Vấn đề này đang được cộng đồng quốc tế quan tâm, các phát ngôn chính thức từ Liên Hợp Quốc, Anh, Mỹ, Nhật, nhiều nước châu Âu… đều phản đối hành động của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng sẽ có một giải pháp về chính trị – ngoại giao cho tình hình hiện nay và tất cả các hành động của Việt Nam đến thời điểm này là rất đúng đắn nhằm phản đối Trung Quốc, không để xảy ra tình huống nghiêm trọng hơn./.

Theo Đoan Hải

VOV-Moscow


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Chuyên gia Nga:Biện pháp đối phó Trung Quốc cho đến nay hoàn toàn đúng đắn

Kiểm ngư Trung Quốc tấn công, 2 ngư dân Quảng Ngãi trọng thương

Posted: 17 May 2014 01:54 AM PDT

Chiều ngày 17/5, ông Phan Văn Ơn – Chánh văn phòng Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi – cho biết: “Lúc 5 giờ sáng nay, chúng tôi mới liên lạc được với 2 ngư dân bị lực lượng kiểm ngư của Trung Quốc đánh trọng thương”.

Ngư dân bị nạn đi trên tàuQNg 90205-TS của ngư dân Nguyễn Văn Quang (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn). Hai ngư dân đang bị thương nặng là anh Nguyễn Huyền Anh Lê (SN 1984) và Nguyến Tấn Hải (SN 1990).

Thông qua bộ đàm I-com của 1 tàu cá khác, ngư dân tàu QNg 90205-TS trình báo: Vào tối ngày 16/5, khi đang hoạt động đánh bắt khu vực đảo Hoàng Sa thì tàu kiểm ngư của Trung Quốc mang số hiệu 306 áp sát, lực lượng kiểm ngư nhảy lên tàu cá đập phá tàu, lấy máy móc, hệ thống I-com và ngư lưới cụ.

Kiểm ngư Trung Quốc tấn công, 2 ngư dân Quảng Ngãi trọng thương

Ngư dân trên tàu ông Nguyễn Văn Lộc trở về nhà sau khi bị tàu Trung Quốc tấn công trước đó

Ông Phan Văn Ơn cho biết thêm: “Sau thông tin nhận tối hôm qua, cho đến chiều nay, chúng tôi không thể liên lạc với tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Quang. Hiện Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đang liên lạc với tàu cảnh sát biển, tìm cách tiếp cận để sơ cứu và điều trị kịp thời, sau đó đưa ngư dân vào đất liền chăm sóc”.

Trong tháng 5/2014, đây là trường hợp thứ 4 tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Quảng Ngãi trên vùng biển Hoàng Sa. Trước đó, cùng ngày 7/5, tàu Trung Quốc đã tấn công 3 tàu cá Lý Sơn khi đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, gồm tàu cá QNg 96416-TS của ngư dân Nguyễn Văn Lộc (bị đâm vỡ tàu); tàu QNg 96147-TS do ngư dân Dương Văn Giàu làm thuyền trưởng (bị đập phá, cướp trang thiết bị, ngư lưới cụ và hải sâm); tàu QNg 96354-TS do ngư dân Nguyễn Chí làm thuyền trưởng (bị đập phá và cướp tài sản).

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về tàu cá QNg 90205-TS cùng 2 ngư dân bị đánh trọng thương.

Hồng Long

Theo Dantri


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Kiểm ngư Trung Quốc tấn công, 2 ngư dân Quảng Ngãi trọng thương

No comments:

Post a Comment