Sunday, August 24, 2014

Quảng Ngãi xin về lại tỉnh… nghèo!

Quảng Ngãi xin về lại tỉnh… nghèo!


Quảng Ngãi xin về lại tỉnh… nghèo!

Posted: 24 Aug 2014 10:42 AM PDT




UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn xin ra khỏi nhóm tỉnh có thu nhập cao để được hưởng chính sách như khi chưa điều tiết nguồn thu địa phương về ngân sách trung ương


Nguồn thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chủ yếu được nộp vào ngân sách trung ương

Đó là nội dung chính trong công văn của tỉnh Quảng Ngãi gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 19-8. Ngoài ra, tỉnh còn xin phép sử dụng nguồn thu từ Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất để phát triển cơ sở hạ tầng địa phương.

Tỉnh "giàu" nhưng nhiều huyện nghèo nhất nước

Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Quảng Ngãi là tỉnh duyên hải miền Trung bị ảnh hưởng nặng của chiến tranh, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trong 14 huyện, TP của tỉnh có 6 huyện thuộc diện nghèo nhất nước. Cơ sở hạ tầng địa phương còn yếu kém lại thường xuyên bị thiên tai tàn phá…


Đầu năm 2009, NMLD Dung Quất cho ra dòng sản phẩm đầu tiên, từ đó nguồn thu trên địa bàn tỉnh tăng lên đáng kể (năm 2010 chỉ có 16.748 tỉ đồng, năm 2011 tăng lên 19.157 tỉ đồng, năm 2013 là trên 30.000 tỉ đồng), đứng thứ 8 trong cả nước về thu ngân sách.

Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách, hầu hết nguồn thu từ NMLD Dung Quất phải điều tiết về ngân sách trung ương. Cũng chính từ khi các nguồn thu của Quảng Ngãi được điều tiết về trung ương, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho tỉnh bị cắt giảm, không được hỗ trợ. Trong khi đó, cơ sở xác định dự toán chi ngân sách vẫn không có gì khác so với các tỉnh vẫn còn nhận trợ cấp của trung ương.

Ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng với nguồn chi hạn chế như vậy, trong khi cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương còn yếu kém và còn phải bảo đảm kinh phí bố trí cho các chương trình mục tiêu mà trung ương cắt giảm nên việc cân đối vốn đầu tư của tỉnh gặp khó khăn. Do đó, nhiều chương trình, dự án không thể thực hiện, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ những khó khăn trên, từ năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi xin được hưởng các chính sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… thuộc vốn đầu tư phát triển hoặc có tính chất đầu tư như khi nguồn thu của tỉnh chưa điều tiết về ngân sách trung ương.

Cần tiền để đáp ứng nhu cầu phát triển

Ngoài xin thoát khỏi tỉnh có thu nhập cao, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn đề xuất cho phép sử dụng nguồn thu từ NMLD Dung Quất để phát triển cơ sở hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất.

Theo ông Lê Quang Thích, từ trước tới nay, về hiệu quả đầu tư, Khu Kinh tế Dung Quất thuộc nhóm đầu trong 5 khu kinh tế ven biển của cả nước. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư vào đây còn hạn chế, chỉ khoảng 150 tỉ đồng/năm. Trong khi nhiều doanh nghiệp đang đăng ký đầu tư vào Khu Kinh tế Dung Quất có các dự án lên đến cả tỉ USD nên cần phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng nhưng với nguồn vốn đầu tư bố trí hằng năm như hiện nay thì không thể đáp ứng. "Quảng Ngãi trình Thủ tướng cho phép sử dụng nguồn thu từ NMLD Dung Quất đầu tư vào cơ sở hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, giải phóng mặt bằng, tái định cư để giao đất cho nhà đầu tư, đồng thời đầu tư vào một số công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn" - ông Thích nói.

Trích:

Trong chuyến làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 9-2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về chủ trương hỗ trợ nguồn thu từ NMLD Dung Quất để đầu tư hạ tầng và những dự án trọng điểm tại tỉnh này.
Người Lao Động









----------
Nguồn www.yeuquangngai.net

Nhà máy lọc dầu Dung Quất cần khoảng 3 tỉ USD nữa

Posted: 24 Aug 2014 10:36 AM PDT




UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có kiến nghị với trung ương cho phép địa phương này mở rộng và nâng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 10 triệu tấn/năm.


Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay nếu được trung ương cho phép mở rộng và nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm thì thời gian tới Nhà máy lọc dầu Dung Quất cần đầu tư khoảng 2-3 tỉ USD nữa. "Trước tiên là ưu tiên đầu tư dự án khí và các dự án hóa dầu trong Khu kinh tế Dung Quất để phát huy hiệu quả sử dụng cảng biển và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật" - ông Chữ cho hay.

Được biết Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia được định hướng phát triển thành trung tâm lọc hóa dầu của cả nước. Hiện nay nhà máy có công suất tối đa là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam. Từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thì nguồn thu cân đối ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi đứng thứ tám cả nước với 30.000 tỉ đồng (năm 2013).








----------
Nguồn www.yeuquangngai.net

Tiếp nhận lô cáp ngầm Dự án cấp điện quốc gia cho Lý Sơn

Posted: 24 Aug 2014 10:27 AM PDT




Tại Bến số 1, Cảng Dung Quất, sáng 23-8, Tổng công ty Điện lực miền Trung phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ tiếp nhận cáp điện tử cho Dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm.


Các kỹ sư đang chuyển cáp ngầm từ tàu sang xà lan phục vụ thi công dự án trên biển.

Dự lễ, có Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Trần Văn Minh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan; Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Tấn Lộc; Liên danh Prysmian-Thái Dương.

UBND tỉnh Quảng Ngãi, Tổng công ty điện lực miền Trung và các nhà thầu tiếp nhận 27.000m cáp chính và 400m cáp dự phòng chuyển từ tàu Rike đưa xuống xà lan. 27.400m cáp ngầm nguyên sợi không mối nối, nặng khoảng 500 tấn, được Tập đoàn Prysmian sản xuất và vận chuyển từ cảng Oslo (Nauy) về cảng Dung Quất. Đây là thiết bị chính của dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn, do Liên danh Prysmian (Italy) - Thái Dương (Việt Nam) thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị và thi công lắp đặt.

Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận cáp ngầm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đinh Thị Loan khẳng định, cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Lý Sơn và góp phần vào việc giữ vững an ninh - chính trị và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam. Đây là kết quả của hơn hai năm kiên trì chuẩn bị, chọn phương án hợp lý, nhà thầu có năng lực, uy tín. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá cao những nỗ lực của ngành điện và các ngành chức năng tham gia thực hiện dự án. Đồng thời yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục phối hợp để hoàn thành dự án lớn này.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam Nguyễn Tấn Lộc phát biểu nhấn mạnh: "Tập đoàn yêu cầu chủ đầu tư, các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ và trao đổi thông tin kịp thời để chủ động chọn phương án phù hợp với tinh thần trách nhiệm cao. Đề nghị chính quyền và nhân dân huyện Lý Sơn, Bình Sơn và các tỏ chức cá nhân tiếp tục hỗ trợ tối đan cho Tổng công ty điện lực miền Trung và liên danh nhà thầu Prysmin-Thái Dương hoàn thành đúng tiến độ lắp đặt cáp ngầm của dự án với chất lượng cao, an toàn, hiệu quả để sớm cấp điện lưới quốc gia cho nhân dân trên đảo".

Ngay sau khi tiếp nhận cáp, Liên danh Prysmian-Thái Dương cùng 80 kỹ sư, chuyên gia, thủy thủ giàu kinh nghiệm tiến hành triển khai rải cáp, bắt đầu từ điểm đầu ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) Đường cáp ngầm trung áp 22kV này sẽ được thi công âm dưới biển được nối từ đất liền ra huyện đảo Lý Sơn.

Chuyên gia Ronanld Doloksaribu khẳng định: "Ngay trong hôm nay, chúng tôi khẩn trương triển khai chuyển cáp ra bờ biển và dùng thiết bị và máy thả cáp. Chúng tôi sử dụng xà lan, máy chuyên dụng thả cáp và dùng rô-bốt để kéo cáp xuống đáy biển. Hiện chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ tất cả những thiết bị chuyên dụng cần thiết để thả cáp ngay sau khi tiếp nhận lô cáp này".

Dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm có tổng vốn đầu tư hơn 652 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối tháng 9 năm nay, công trình cáp điện ngầm ra đảo Lý Sơn sẽ hoàn thành. Công trình sẽ cung cấp điện liên tục 24/24 giờ từ hệ thống điện quốc gia để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, thương mại, dịch vụ cho nhân dân huyện đảo Lý Sơn. Đồng thời, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung.

Báo Nhân Dân









----------
Nguồn www.yeuquangngai.net

Sống bức xúc quanh bãi rác Nghĩa Kỳ

Posted: 24 Aug 2014 10:24 AM PDT




Hàng trăm hộ dân sống gần bãi rác thải tập trung xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đang rất bức xúc trước tình trạng bãi rác này hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường nhật của người dân.


Bãi rác Nghĩa Kỳ. Ảnh: baoquangngai.vn

Bãi rác thải xã Nghĩa Kỳ có diện tích khoảng 8 ha, được tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng năm 2011 với tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng. Đây là nơi xử lý lượng rác lớn thải ra từ trung tâm thành phố và một số huyện lân cận. Công trình gồm 3 hố chôn lấp và 3 hồ xử lý nước rỉ, 2 giếng quan trắc cùng một số hạ tầng liên quan; ứng dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công suất 85 tấn/ ngày.

Trong khi đó, cách bãi rác thải không xa, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Phượng đang rất lo lắng vì con cái đau thường xuyên đau ốm, mà theo chị nguyên nhân chính là do môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. "Mùi hôi thối phát tán từng đợt, nặng nhất là vào buổi sáng và gần đêm, ngửi thấy khó thở và cảm giác buồn nôn. Tội cho mấy đứa nhỏ nhà tôi quá, cứ hay đau ốm, khó thở", chị Phượng phản ánh.

Còn theo ông Lê Thanh Hùng, thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ: Hàm lượng vi khuẩn coliform đo được trong nước giếng nhà ông qua kiểm cho cho thấy vượt hơn 300 lần so với tiêu chuẩn cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khi đó tiêu chuẩn nước uống và nước sạch đều quy định hàm lượng E, coliform bằng 0. Vì không tìm được nguồn nước sạch khác nên gia đình ông đành dùng tạm nước giếng này, vừa uống vừa lo.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Dũng, nơi cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bãi rác thải tập trung trên cho rằng: Cơ quan chức năng và ngành y tế cần sớm vào cuộc khảo sát, đánh giá đúng mức độ ô nhiễm có hướng xử lý kịp thời, chấm dứt tình trạng ô nhiễm để người dân yên tâm.

Đồng thời, ông cũng đề nghị công ty môi trường đô thị cần quản lý chặt chẽ hơn nữa việc đổ rác thải đúng nơi quy định, tránh vương vãi, tràn lan như hiện nay; phải thực hiện đầy đủ các khâu, các bước về khử mùi, diệt khuẩn... vì đây là vấn đề đáng lo ngại, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của hàng ngàn người dân.

Báo Tin Tức









----------
Nguồn www.yeuquangngai.net

Từ đại tỷ phú thành con nợ khủng: Chuyện li kì của “vua rừng” xứ Quảng

Posted: 24 Aug 2014 10:23 AM PDT




Chỉ sau 1 đêm, gần 650 ha rừng bạch đàn và keo đang chuẩn bị thu hoạch, với trị giá ước trên 46 tỷ đồng "tan theo" gió bão, đẩy ông Phạm Trung Trường (65 tuổi), ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), trở thành "con nợ khủng". Tưởng chừng "vua rừng" đã quỵ ngã thì bất ngờ dự án chăn nuôi khủng của ông Trường ra đời. Và rồi trên những cánh rừng xác xơ vì gió bão quật ngã hôm nào, giờ 2/3 diện tích đã được phủ xanh trở lại.


Một góc rừng của ông Trường.

Chúng tôi trở lại thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, "đại bản doanh" của ông Trường vào một ngày gần giữa tháng 7. Dù đang là đỉnh điểm của mùa hạ, thế nhưng trước những rừng cây keo, bạch đàn đang vươn cao tỏa bóng; những hồ, ao nuôi cá vây quanh cái nắng nóng như đổ lửa của trời xứ Quảng như dịu lại.

Vẫn sự chân tình, cởi mở và nồng nhiệt như hôm nào, ông Trường đã làm cho chúng tôi có cảm giác như không phải đang trò chuyện với người đang mang món nợ khủng trên vai vì trận thiên tai cách đây chưa đầy 5 năm-cơn bão số 9, năm 2009.

Trắng tay sau cơn bão

Còn nhớ cách đây mấy hôm, trong lúc "trà dư tửu hậu" ở thành phố Quảng Ngãi, nghe chúng tôi nói chuẩn bị lên gặp ông Trường, một số người từng quen biết với "vua rừng" lắc đầu: Giờ thì ông này ngày càng "điên nặng". Ngẫm lại thì lời nhận xét đó không sai, nhưng chưa đủ.

Bởi lẽ dù đang gánh món nợ tính cả gốc lẫn lãi đến thời điểm này đã lên trên 30 tỷ đồng nhưng nếu bán đi khối tài sản đang có trong tay để trả nợ, thì ông Trường vẫn còn thừa ra nhiều tỷ đồng, đủ để sống sung túc cả phần đời còn lại của mình.

Tuy nhiên không chọn cách sống đó, gần 2 năm qua, ông Trường còn "bỏ" cả ngôi nhà nằm ngay trung tâm thị trấn Châu Ổ, để lên ở hẳn tại khu rừng của mình nơi "khỉ ho, cò gáy" cách đó gần 20km. Mà đây đâu phải lần đầu ông Trường có quyết định khác người như vậy.


Ông Trường đang kiểm tra trứng gà nuôi tại trang trại của mình.

Tham gia cách mạng và hoạt động tại địa phương từ năm 1966, cho đến khi đất nước độc lập và thống nhất ông trở về sinh sống tại thị trấn Châu Ổ, với nhiều công việc làm khác nhau, như: Cán bộ thôn, HTX Nông nghiệp....Đến năm 1985, ông trở thành "cai thầu" các công trình xây dựng trên địa bàn huyện và vùng lân cận. Vào thời điểm trên thì thầu khoán là công việc "ăn nên làm ra".

Vào giữa năm 1992, vì cám cảnh trước việc đi lại quá khó khăn của người dân thôn Thọ An do chưa có đường, ông Trường đã bỏ tiền giúp làm con đường với bề rộng khoảng 4m và tổng chiều dài khoảng 7,5km.

Thấy số tiền mà ông Trường bỏ ra trên 160 triệu đồng là quá lớn, nên người dân và chính quyền xã Bình An, đã "trả ơn" bằng cách đồng ý cho ông Trường vùng đồi trọc, hoang hóa nằm dọc theo trục đường mới mở từ chân đèo đến trung tâm thôn, với tổng diện tích gần 150ha. Lúc đó không riêng gì vùng đất xa xôi như Thọ An, đất lâm nghiệp ở gần hơn cũng bị bỏ hoang nhiều lắm, chứ không có giá như sau này.

Thật tình lúc đó, ông cũng chưa nghĩ hay có dự tính sẽ làm gì với hàng trăm ha đồi núi trọc đã được cho. Tuy nhiên thấy bỏ trống cũng phí, nên ông đã thuê người trồng bạch đàn, với mục đích là lấy gỗ, làm củi, ông Trường cho biết.

Đến năm 1997, UBND tỉnh mới ra quyết định cấp toàn bộ số diện tích trên cho ông Trường. Tuy nhiên sau khi Chính phủ có chủ trương trồng 5 triệu ha rừng vào năm 1999 và đề nghị cấp thêm khoảng 500ha nữa cũng ở Thọ An vào năm 2002, được UBND tỉnh chấp nhận, ông Trường mới quyết định bỏ nghề thầu để trồng rừng và xây trang trại.

Từ đại tỷ phú trở thành con nợ triệu đô

Trong số khoảng 650ha đất lâm nghiệp đã được cấp để trồng cây nguyên liệu là bạch đàn và keo lai, ông Trường đã quy hoạch khoảng 90ha, là những khu vực đầm lầy, nơi bằng phẳng... để làm trang trại. Cùng với trồng rừng, ông Trường đầu tư để làm các dự án chăn nuôi lớn. Từ năm 2005 đến nay, ông có khoảng 5 dự án vật nuôi trị giá "tiền tỷ" được triển khai. Đầu tiên là nuôi bò lai sin, số lượng khoảng 100 con, tổng số vốn khoảng 1,2 tỷ đồng.

Năm 2009, sau nhiều tháng trời "ăn dầm nằm dề" ở các trại nuôi rắn các tỉnh phía bắc để tìm hiểu và học kinh nghiệm; rồi tham khảo ý kiến của các cán bộ chuyên môn, tìm hiểu thị trường đầu ra... ông Trường đầu tư trên 500 triệu đồng để xây 200m2 chuồng nuôi rắn hổ mang, với số lượng giống là 320 con.

Cũng vào thời gian trên, ông Trường đã đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng, xây 5 hồ bằng xi măng, mỗi hồ rộng 4.000m2, cao khoảng 2m, để nuôi khoảng 10.000 con ba ba... Số lao động thường xuyên cho ông Trường khoảng 200 người/ngày, với lương từ 1,1 - 2 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trường tâm sự: "Làm kinh tế thì được mất là chuyện bình thường và đó cũng là quy luật. Làm càng lớn thì lợi nhuận nhiều và rủi ro càng lắm. Tôi chưa thấy có người nào trên đời này tài giỏi đến mức có thể tính hết những rủi ro và bất trắc sẽ xảy ra.

Và bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ: 2/5 mô hình thực hiện đã bị thất bại và không mang lại hiệu quả như ý muốn. Với rắn hổ mang, tuy đã thành công trong việc ấp nở con giống, nhưng tỉ lệ sống quá ít.

Rồi cơn bão số 9, năm 2009, chỉ sau 1 đêm, ông bị cuốn trôi gần như hết sạch số baba đã hơn 6 tháng tuổi, trị giá hơn 2 tỷ đồng; hơn 90% tổng diện tích rừng keo, bạch đàn chỉ còn 3-6 tháng nữa là thu hoạch cũng bị gió bão làm ngã đổ và hư hỏng sạch, gây thiệt hại hơn 46 tỷ đồng đẩy ông Trường từ chỗ "đại tỷ phú" trở thành con nợ khủng, với số tiền trên 20 tỷ đồng.

"Làm kinh tế thì được mất là chuyện bình thường và đó cũng là qui luật. Làm càng lớn thì lợi nhuận nhiều và rủi ro cũng lắm. Tôi chưa thấy có người nào trên đời này tài giỏi đến mức ai cũng có thể tính hết những rủi ro và bất trắc sẽ xảy ra. Và bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ: 2/5 mô hình thực hiện đã bị thất bại và không mang lại hiệu quả như ý muốn". - Ông Phạm Trung Trường
"Đã sợ thì đừng làm"

Một thời gian khá dài sau đó, thấy ông Trường "im hơi, lặng tiếng", dư luận Quảng Ngãi đã nghĩ, người đàn ông đang bước về đoạn cuối của cuộc đời, từng được mệnh danh là "vua rừng" ở Quảng Ngãi đã quỵ ngã vì "đại nạn". Để rồi không ít người lại bất ngờ khi thấy hàng loạt dự án chăn nuôi khủng của ông Trường ra đời.

Vào đầu năm 2011, ông Trường liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (gọi tắt là C.ty C.P)-Tập đoàn C.P Thái Lan, xây trại rộng khoảng 30ha, trong đó diện tích xây dựng khoảng 10ha, thả nuôi 50.000 con gà đẻ và 50.000 con gà thịt; 3.000 heo thịt và nái.

Theo đó ông Trường bỏ tổng số tiền xây dựng cơ sở hạ tầng và chuồng trại là khoảng 37 tỷ đồng. Còn phía C.P thì cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Theo đó mỗi trứng gà thành phẩm ông sẽ được hưởng lợi đối với loại 1 là 200 đồng/quả và loại 2 là 150 đồng/quả.


Nói về thu nhập của 2 vật nuôi này, ông Trường không giấu giếm: mỗi lứa heo khoảng 6 tháng, thu về khoảng 500 triệu đồng. Còn với gà, thì tỉ lệ đẻ bình quân đạt khoảng 90%, mang lại lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/ngày, tương đương 180 triệu đồng/tháng, khoảng 2,16 tỷ đồng/năm.

Từ số tiền này, ông Trường tái đầu tư vào khôi phục lại diện tích rừng đã hư hỏng trước đó. Và đến nay gần 2/3 tổng diện tích rừng được cấp, ước khoảng gần 400ha đã được trồng lại, với tuổi đời hiện từ 1-3 tuổi.


Nói về mình, ông Trường tâm sự: "Mỗi người có một suy nghĩ riêng. Người khác sao thì không biết, thế nhưng với tôi "sợ thì đừng làm", mà một khi đã làm thì phải "ra tấm, ra miếng", chứ làm nhỏ, vụn vặt thì tốn công, mất thời gian. Còn việc nhiều người nói tôi liều, hay điên cũng không sai.

Thế nhưng, cái liều, cái điên của tôi không phải là cái liều của "Chí Phèo", mà là có sự tính toán và đã tìm hiểu trên cơ sở thực tiễn cụ thể. Hơn nữa ông bà ta đã từng nói "có gan mới làm giàu" đó sao. Vì vậy, tôi quyết bám rừng đến khi nào kiệt sức mới thôi".

Đất Việt









----------
Nguồn www.yeuquangngai.net

Một thanh niên chết thảm dưới gầm ô tô

Posted: 24 Aug 2014 10:17 AM PDT




Tối 23-8, trên đoạn Quốc lộ 1A thuộc xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô và xe máy làm một thanh niên tử vong.


Xe ô tô BKS 76K-7005 tại hiện trường


Xe mô tô BKS 76D1-049.02 do Nguyễn Thế Huynh (19 tuổi, ở phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi) điều khiển chở một thiếu nữ ngồi phía sau chạy theo hướng Bắc - Nam. Khi đến đoạn đường trên bất ngờ va và ô tô ben BKS 76K-7005 chạy cùng chiều. Vụ tai nạn làm Nguyễn Thế Huynh chết tại chỗ.

Được biết thiếu nữ ngồi sau xe do Nguyễn Thế Huynh do hoảng sợ đã rời khỏi hiện trường sau khi may mắn không bị thương vong.

Hiện vụ việc đang được CAH Sơn Tịnh điều tra làm rõ.

ANTĐ









----------
Nguồn www.yeuquangngai.net

Bắt khẩn cấp cặp tình nhân thực hiện 15 vụ trộm cắp tài sản

Posted: 24 Aug 2014 10:15 AM PDT




Sáng ngày 22-8, CAH Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp một cặp tình nhân thực hiện 15 vụ trộm cắp tài sản.


Hai đối tượng tại CAH Sơn Tịnh


Cặp tình nhân bị bắt về hành vi trộm cắp tài sản là Nguyễn Thanh Việt (SN 1989, trú tại xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh) và Lê Thị Mỹ Trinh (SN 1995, trú tại phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi).

Theo hồ sơ từ đầu năm 2014 đến nay, 2 đối tượng này đã thực hiện 15 vụ trộm cắp trên các địa bàn huyện Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi. Thủ đoạn của chúng là đột nhập vào các nhà dân trộm cắp tivi, máy tính, đầu máy, loa thùng, xe cộ kéo trị giá hàng trăm triệu đồng.

CAH Sơn Tịnh đề nghị nhân dân cần nâng cao cảnh giác với thủ đoạn trộm cắp của các cặp tình nhân. Ai là nạn nhân có liên quan thì báo ngay tại CAH Sơn Tịnh để tiếp tục điều tra mở rộng.

ANTĐ









----------
Nguồn www.yeuquangngai.net

No comments:

Post a Comment