BÙI THỊ THƯƠNG
Sinh năm: 1992
Quê: Tịnh Kỳ, Tp Quảng Ngãi
Hiện ở: An Kỳ, Tịnh Kỳ, Tp Quảng Ngãi
Cử nhân Sư phạm Văn – Đại học Qui Nhơn
Hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi
Email: buithithuongqng@gmail.com
THƠ BÙI THỊ THƯƠNG – THẾ GIỚI PHẲNG QUA NHỮNG GIẤC MƠ NGHIÊNG
Đánh giá thơ ca Quảng Ngãi trong những năm qua, tôi đã nhiều lần chỉ ra nhược điểm: Sự xuất hiện các cây bút thơ trẻ mang tính đột phá trong thi pháp còn quá hiếm hoi, nếu không muốn nói là, hầu như vắng bóng. Chính vì thế, trong buổi sinh hoạt Chi hội Văn học quý 3 vừa qua, chúng tôi đã thống nhất thành lập Câu lạc bộ sáng tác trẻ nhằm phát hiện, bồi dưỡng những cây bút mới. Vậy là, hôm nay, chúng ta gặp thơ Bùi Thị Thương – Một sinh viên Văn sinh năm 1992, quê ở An Kỳ, Tịnh Kỳ, Tp Quảng Ngãi. Thương sáng tác từ thời sinh viên sư phạm Quy Nhơn và hiện đang trong giai đoạn đi tìm việc. Thương làm thơ và cả viết văn (Tản mạn, Tùy bút, Truyện ngắn), nhưng có lẽ thơ chính là phát ngôn chính của cây bút trẻ này.
Thơ Bùi Thị Thương là biểu hiện của một bút pháp mới, trẻ trung, đa chiều nhưng cũng thắm đằm triết lý. Đã có nhiều thơ nói về giấc mơ, nhưng "Giấc mơ nghiêng" của Bùi Thị Thương tươi mới và lạ lẫm. Nó thấm vào thơ qua bao đêm không ngủ, bao đêm trằn trọc, bao đêm nghĩ suy… để rồi lắng sâu vào tiềm thức, vào cơn mơ nghiêng nghiêng theo cánh diều nghiêng, theo đôi tình nhân "nghiêng nghiêng yêu" vô cùng hiện thực. Mơ mà thực, thực mà mơ, đó là lối đi của những cây bút trẻ:
Tôi ru em ngủ – ngủ thôi em,
ngủ giữa những muộn phiền bão giông chưa kịp trở mình vun vút
ngủ thôi em khi giấc chiêm bao chưa được lấp đầy bởi những mộng mị ảo huyền
giấc mơ nghiêng nghiêng – em tôi nghiêng nghiêng
cánh diều nghiêng -
nghiêng giấc chiêm bao
Chao trong chiêm bao, cảm hết những chia ly, cười khóc thế nhân, nhưng không vùi khát vọng ảo huyền vào mộng mị, mà ngập tràn những mơ ước, những khát khao về hạnh phúc con người:
đời còn nhiều những cuộc chia ly chưa biết bao giờ tái ngộ, khóc làm chi em tôi?
đời vẫn còn lắm những thị phi mà giấc mơ mới mang màu cổ tích
còn chi đâu em khi tuổi lên ba chỉ đến có một lần
ước mơ đi em vì ước mơ là điều mà đời người phung phí
khát khao đi em vì khát khao là thứ duy nhất em làm được cho mình…
còn gì nữa chăng mùa nằm đợi quả – quả chẳng đơm bông
giữa những nhọc nhằn bão giông là những bàn tay nắm chặt
tình người bất chợt lên men…
tôi ru em tôi ngủ
trăng nghiêng giữa trời! (Giấc mơ nghiêng).
Đi ngang qua mặt phẳng của hiện thực cuộc đời trần trụi, Bùi Thị Thương đánh thức hiện thực bằng những cơn mơ nghiêng:
những khao khát nào bất chợt lên men
nơi tình yêu chỉ còn là nỗi nhớ
nơi trống vắng ai tìm vào quên lãng ?
nụ cười nào ai bỗng lướt qua nhau ?
có giấc mơ nào vụn vỡ
loảng xoảng trong đêm
đánh thức hương quỳnh thay dạ lý
bám sương đêm những nỗi niềm thầm lặng
từ khung cửa sổ nghiêng nghiêng mái tóc
để từ đó, vượt qua đau thương, rong ruổi, mải mê tìm kiếm "hạnh phúc cho nhau" giữa rộng lớn cuộc đời:
nếu ai cũng khóc vì một tình yêu vừa lỡ ,
còn giọt nước mắt nào rong ruổi tìm hạnh phúc cho nhau? (Mơ)…
Đó còn là "trạng thái trôi", trôi bềnh bồng theo rung lắc đoàn tàu, trôi miên man trong màn đêm, trong bóng tối, trong cô độc, khổ đau, hạnh phúc con người:
Khi còi tàu thét vang lên những hồi dài
Là lúc- những ánh đèn đêm không đủ xé tan màn đêm và bóng tối
Khi bước chân loài người cô độc
Ngả chiếc bóng dài trên vách vắng đêm khuya
Là lúc những ngọn nguồn của khổ đau chen chân vào hạnh phúc
Là lúc những tiếng cười nức nẻ mới vỡ lẽ của đớn đau
Là khi có đứa con cúi mặt để nhặt cuộc đời một người mẹ đã bị lãng quên
Quên đi chính mình vì tiếng khóc con thơ (Trôi).
Là những cảm nhận về những điều nằm ngoài quy luật thông thường mà con người mãi mãi bới tìm. Tìm vào sâu thẳm chiêm bao, tìm để trả lời những câu hỏi về kiếp người, muôn đời còn đang treo lơ lửng:
Ngủ rồi sao những bước chân độc hành?
Để dòng người dẫm mãi lên cỏ xanh mà thành đường đến thiên thu ngàn dặm
dấu chân độc hành, lưu lạc mãi tìm nhau
Em đốt nỗi buồn thành tro,
thả vào tận sâu cùng hốc mắt,
để đâu đó trong hố sâu vời vợi, đóng khô nước mắt cho riêng mình.
Em đốt nỗi buồn thành những giấc mơ
những giấc mơ loài người trần trụi
những giấc mơ thiên thanh (Ngoài quy luật).
Đọc thơ trẻ Việt Nam, ta dễ nhận ra, tư duy thơ của lớp trẻ rất mở, có tầm khái quát cao, thường hướng đến những vấn đề lớn của của vũ trụ, của kiếp người, những vấn đề mà cả loài người quan tâm trong thời đại "Thế giới phẳng" này. Nhưng điều đáng quý là họ khởi phát tư duy từ những vấn đề rất cụ thể, từ truyền thống và hiện thực đời sống dân tộc mình, để từ đó tư duy thơ bung ra đa tuyến tạo điều kiện để người đọc đồng sáng tạo, không còn thụ động theo kiểu tư duy đơn tuyến thường thấy trong thơ ca truyền thống. Cả đến đối tượng vĩnh cửu và cụ thể của thơ ca là Mẹ, thơ trẻ cũng có cách diễn đạt rất khác. Và Bùi Thị Thương đã làm được cái điều "khác" ấy. Rõ ràng, người mẹ ở đây thực tế hơn nhiều so với những mô-tip thơ về người mẹ nông dân tảo tần thường thấy trong những khúc ru của ca dao và những bài thơ thuộc dòng thi pháp truyền thống. Người mẹ ở đây không còn gắn với ruộng đồng, bùn lầy, lam lũ mà gắn với công việc thường ngày, rất ít chất thơ : "Mẹ tôi dọn hàng"! Cộc lốc, trần trụi. Vậy mà đọc lên vẫn cứ thấy ngùi ngùi thương bởi cái vất vả, tảo tần, gian nan, hy sinh và độ lượng của phẩm chất mẹ Việt Nam:
Mẹ về gom nhặt tuổi thơ tôi
nơi con sông xưa tôi tắm tuổi thơ lần sau cuối
nơi mái tranh nghèo hẩm hiu bữa cơm mỗi tối
nơi gói xôi chiều thay cơm, buổi ế hàng.
Mẹ về gom những vạt nắng chiều rơi vội
Gói thành những chuỗi ngày lặn lội
Nắng và mưa…
Ai gom vạt thời gian rụng rơi trên tóc mẹ
Bám nhẹ vai gầy
Tóc hoa râm
Ngày chợt qua
Vạt nắng cuối cùng chợt tắt
Mẹ có kịp gom chăng vạt nắng chiều? (Mẹ tôi dọn hàng).
Tiến sĩ Văn học Mai Bá Ấn (Đại học TCKT Quảng Ngãi)
Chùm thơ Bùi Thị Thương:
1. GIẤC MƠ NGHIÊNG
Nắng rát mùa tôi
Nắng rát hồn tôi
Tí tách hạt mưa trốn tìm trên mí mắt
Lăn
Lăn…
Mùa trốn tìm nhau – hòn đá cũng mòn
Những bài ca còn son chưa một lần được căng tròn nốt nhạc
Những giấc mơ còn non chưa một lần tỉnh ngủ mà còn
Tôi ru em ngủ – ngủ thôi em,
ngủ giữa những muộn phiền bão giông chưa kịp trở mình vun vút
ngủ thôi em khi giấc chiêm bao chưa được lấp đầy bởi những mộng mị ảo huyền
giấc mơ nghiêng nghiêng – em tôi nghiêng nghiêng
cánh diều nghiêng -
nghiêng giấc chiêm bao
nắng chiều rớt giọt chênh chao
mùa vội tàn phai giữa cuộc đời còn bao nhung nhớ?
còn gì nữa chăng khi sắc nắng nghiêng làm bạc đầu những bông bằng lăng đã nhiều lần trổ quả…
còn gì nữa chăng khi em tôi đã qua bao mùa trăng mà trăng chưa kịp chín chỉ một lần
còn gì nữa chăng khi đôi môi em mấp máy những nỗi niềm thầm lặng không thốt nổi thành tên
đời còn nhiều những cuộc chia ly chưa biết bao giờ tái ngộ, khóc làm chi em tôi?
đời vẫn còn lắm những thị phi mà giấc mơ mới mang màu cổ tích
còn chi đâu em khi tuổi lên ba chỉ đến có một lần
ước mơ đi em vì ước mơ là điều mà đời người phung phí
khát khao đi em vì khát khao là thứ duy nhất em làm được cho mình…
còn gì nữa chăng mùa nằm đợi quả – quả chẳng đơm bông
giữa những nhọc nhằn bão giông là những bàn tay nắm chặt
tình người bất chợt lên men…
tôi ru em tôi ngủ
trăng nghiêng giữa trời!
2. TRÔI
Những chuyến tàu đêm
Khi còi tàu thét vang lên những hồi dài
Là lúc- những ánh đèn đêm không đủ xé tan màn đêm và bóng tối
Khi bước chân loài người cô độc
Ngả chiếc bóng dài trên vách vắng đêm khuya
Là lúc những ngọn nguồn của khổ đau chen chân vào hạnh phúc
Là lúc những tiếng cười nức nẻ mới vỡ lẽ của đớn đau
Là khi có đứa con cúi mặt để nhặt cuộc đời một người mẹ đã bị lãng quên
Quên đi chính mình vì tiếng khóc con thơ
…
Khi loài người bất lực cứ cố gắng cứu vãn những linh hồn tội lỗi
Thế mới biết trắng đen cách nhau chỉ một tiếng thở dài
Có đôi lúc ai đó đánh rơi một tầng kí ức
Tôi lượm nhặt
Giữ nó làm của riêng mình
Để rồi đêm về trằn trọc mình trong suy nghĩ
Tầng tầng kí ức chất chồng lên nhau…
3. MƠ
vùi mặt vào những giấc mơ
giấu lòng mình loang lổ
những buồn vui trôi qua vụng trộm
những âm thầm khắc khoải trở lưng đêm
đôi tay nắm chặt
những nợ nần tình cảm có trả có vay
bỗng thổn thức những nỗi niềm chạm mặt
giọt nước mắt nào len lỏi vỗ lưng nhau
những khao khát nào bất chợt lên men
nơi tình yêu chỉ còn là nỗi nhớ
nơi trống vắng ai tìm vào quên lãng ?
nụ cười nào ai bỗng lướt qua nhau ?
có giấc mơ nào vụn vỡ
loảng xoảng trong đêm
đánh thức hương quỳnh thay dạ lý
bám sương đêm những nỗi niềm thầm lặng
từ khung cửa sổ nghiêng nghiêng mái tóc
nếu ai cũng khóc vì một tình yêu vừa lỡ ,
còn giọt nước mắt nào rong ruổi tìm hạnh phúc cho nhau?
4. NGOÀI QUI LUẬT
“Ngủ rồi sao những giấc mơ phiêu linh
sao chưa kịp phôi thai mà đã chết?
Ý nghĩ nào chìm vào vô ảnh
tìm riêng vui cho mình.
Ngủ rồi sao những bước chân độc hành?
Để dòng người dẫm mãi lên cỏ xanh mà thành đường đến thiên thu ngàn dặm
dấu chân độc hành, lưu lạc mãi tìm nhau
Em đốt nỗi buồn thành tro,
thả vào tận sâu cùng hốc mắt,
để đâu đó trong hố sâu vời vợi, đóng khô nước mắt cho riêng mình.
Em đốt nỗi buồn thành những giấc mơ
những giấc mơ loài người trần trụi
những giấc mơ thiên thanh
những giấc mơ mang màu xanh, màu xám…
giấc mơ trắng…
có những giấc mơ đè lên những giấc mơ,
là khi giấc ngủ chạm vào cõi chết…
thôi phôi thai,thôi phôi thai “
5. MẸ TÔI DỌN NẮNG
Mẹ về bên phố cuối ngày
Nhặt những mảng nắng rơi bên thềm trống vắng
Đọng lại nơi góc phố vắng teo
Nơi cô hàng rong ngồi
Trời xe lạnh phố cuộn mình trong trăn trở
Những con đường vắng
Thở đều nhịp mùa trôi
Ba tôi không về.
Mẹ về gom nhặt tuổi thơ tôi
nơi con sông xưa tôi tắm tuổi thơ lần sau cuối
nơi mái tranh nghèo hẩm hiu bữa cơm mỗi tối
nơi gói xôi chiều thay cơm, buổi ế hàng.
Mẹ về gom những vạt nắng chiều rơi vội
Gói thành những chuỗi ngày lặn lội
Nắng và mưa…
Ai gom vạt thời gian rụng rơi trên tóc mẹ
Bám nhẹ vai gầy
Tóc hoa râm
Ngày chợt qua
Vạt nắng cuối cùng chợt tắt
Mẹ có kịp gom chăng vạt nắng chiều?.
No comments:
Post a Comment