Saturday, May 2, 2015

Đặng Thùy Trâm trong trái tim người xứ Quảng

Đặng Thùy Trâm trong trái tim người xứ Quảng


Đặng Thùy Trâm trong trái tim người xứ Quảng

Posted: 02 May 2015 11:25 AM PDT




Chiến tranh đã lùi xa 40 năm và liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã nằm xuống mảnh đất miền Trung tròn 45 năm, song trong trái tim người dân Đức Phổ, Quảng Ngãi, hình ảnh người con gái Thủ đô anh hùng và nồng hậu chưa bao giờ nhạt phai.

Ấn tượng khó quên

Đến thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vào những ngày tháng 4 hào hùng, chúng tôi được nghe rất nhiều chuyện kể về người bác sĩ Thủ đô hiền dịu, dũng cảm đã từng sống, chiến đấu và làm việc ở đây. Nằm ngay ven QL1A, cách TP Quảng Ngãi khoảng 50km về hướng Nam, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm tạo cho người ta một cảm giác lắng dịu và bình yên với hàng cau thẳng đều tăm tắp ngoài cổng, những rặng tre thấm đượm hồn quê và vườn cây xanh mướt. Khu nhà chính của Bệnh xá được xây dựng với lối kiến trúc khá độc đáo, hình hai bàn tay úp vào nhau tượng trưng cho sự chở che của người thầy thuốc với bệnh nhân. Đây có lẽ cũng là bệnh xá đặc biệt nhất cả nước, bởi ngoài khu khám chữa bệnh còn có một phòng truyền thống giới thiệu những hình ảnh, kỷ vật liên quan đến Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Đã gần trưa, "chạy trốn" cái nắng miền Trung oi bức, nhiều người dân vẫn nhẫn nại ngồi nép mình dưới bóng mát của cây ngọc lan để chờ đến lượt vào khám bệnh hay đợi người thân đi ra. Anh Trần Huy Chinh, một người dân xã Phổ Cường vui mừng cho biết, từ khi có Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, việc khám chữa bệnh của người dân nơi đây đã được cải thiện hơn trước rất nhiều. Được biết, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm đã được trang bị hiện đại hơn hẳn các bệnh xá khác trong vùng với các thiết bị y tế như máy điện tim, xét nghiệm lâm sàng…


Tượng đài bác sĩ Đặng Thùy Trâm bằng đá đặt trong khuôn viên Bệnh xá.

Thật may mắn, trong số ít bệnh nhân đang điều trị tại bệnh xá, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Châu, 73 tuổi – người đã từng tiếp xúc với bác sĩ Đặng Thùy Trâm những năm 1968 – 1970. Thấy có người hỏi chuyện về bác sĩ Trâm, ông Châu trở mình ngồi dậy, kim ống truyền nước vẫn ghim chặt vào cánh tay gầy guộc. Ông Châu bị viêm phế quản, được người nhà đưa vào Bệnh xá đã gần một tuần, đến nay sức khỏe của ông đã bắt đầu có dấu hiệu tốt. Ông kể, cuối những năm 1960, giặc Mỹ điên cuồng thả bom tàn phá Đức Phổ. Từng loạt bom dữ dội thả xuống cày xới tung nhà cửa, ruộng vườn của người dân. Không ít chiến sĩ và người dân bị thương phải chuyển đến điều trị ở Trạm phẫu thuật tiền phương trên núi Bộng Dầu, thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh. Và trong những chuyến vận chuyển thương binh lên khu điều trị, ông Châu đã gặp bác sĩ Đặng Thùy Trâm, khi ấy là một cô gái trẻ mới vào chiến trường. Dù thời gian làm việc trực tiếp với bác sĩ Đặng Thùy Trâm không nhiều, song ấn tượng của ông Châu dành cho nữ bác sĩ trẻ vô cùng tốt đẹp. Ấy là những lúc thương binh đưa về trạm ùn ùn, bác sĩ Đặng Thùy Trâm sốt sắng chạy đi chạy lại thăm khám, chăm lo chu đáo cho từng người, quên ăn quên nghỉ. Rồi những lần cô đi vào các thôn làng khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, gặp đúng lúc địch đánh bom bất ngờ, phải cùng dân làng xuống hầm trú ẩn, chờ qua những loạt bom mới quay trở về trạm thực hiện nhiệm vụ. "Cô Trâm thường nói Quảng Ngãi như là quê hương thứ hai của cô ấy" – ông Châu nhắc đi nhắc lại.

Hơn 40 năm trôi qua, giờ đây khi đất nước thanh bình, tuổi già gõ cửa, được trở về Bệnh xá Đặng Thùy Trâm điều trị bệnh, ông Châu rất xúc động. Trong ông, lúc nào cũng in đậm khuôn mặt người con gái Hà Nội hiền hậu, giỏi giang và dũng cảm. Ông chia sẻ thêm, không riêng gì ông mà rất nhiều người dân ở Phổ Cường đã từng tiếp xúc với bác sĩ Đặng Thùy Trâm cũng đều có những xúc cảm tương tự…

Có một Hà Nội ở trong tim

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm hiện có tất cả 13 cán bộ, nhân viên, bình quân mỗi tháng tiếp nhận thăm khám và điều trị cho từ 400 – 500 bệnh nhân. Từ khi đi vào hoạt động (12/2006) đến nay, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm còn trở thành một điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan. Người ta đến đây để tìm hiểu thêm về tấm gương một nữ bác sĩ anh hùng của Thủ đô, để thắp cho chị một nén nhang thơm và cùng sẻ chia với thế hệ những thầy thuốc trẻ đã và đang kế tiếp con đường của chị.


Những ngày tháng 4, đến Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, hình ảnh thường thấy là những y, bác sĩ miệt mài với công việc, người thăm khám, phát thuốc cho bệnh nhân, người soát lại hồ sơ bệnh án, nhập dữ liệu… 9 năm nay, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Lai luôn tự hào vì được làm việc tại một bệnh xá mang trên mình sứ mệnh lịch sử. Chị chia sẻ, dẫu là thế hệ sinh ra trong thời bình, song được nghe kể về tấm gương anh dũng của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chị vô cùng ấn tượng và luôn dặn mình phải noi theo.

Còn với y sĩ Lê Thị Xuân Phương, dù thời gian về làm việc tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm chưa lâu nhưng cũng đủ khiến cho chị cảm thấy rất đỗi tự hào. Ngoài những lúc chăm sóc bệnh nhân, chị còn chạy sang Phòng truyền thống ngay bên cạnh để tìm hiểu những tư liệu về bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Chị bảo, điều lớn nhất mà chị luôn dặn mình phải học hỏi ở bác sĩ Đặng Thùy Trâm là tấm lòng nhân ái, yêu thương, hết mình vì bệnh nhân. Đó cũng chính là thể hiện tinh thần yêu nước trong thời kỳ mới.


Niềm vui với tập thể y, bác sĩ ở bệnh xá là nhiều lần được đón tiếp bà Doãn Ngọc Trâm – mẹ ruột của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ Hà Nội vào thăm, với những tấm quà bánh đặc sản của Thủ đô. Mới đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng huyện Đức Phổ (23/3/1975 – 23/3/2015), bà Doãn Ngọc Trâm cũng về thăm bệnh xá. Tình cảm của bà với mảnh đất này càng tô đậm trong lòng những y, bác sĩ của Bệnh xá Đặng Thùy Trâm một ấn tượng sâu sắc về người Hà Nội.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều y, bác sĩ tâm sự, họ luôn ước ao được một lần ra Hà Nội thăm quê hương của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, thắp cho chị một nén nhang (mộ chị hiện đang đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) nhưng điều kiện cá nhân chưa cho phép. Cũng bởi thế mà khi biết chúng tôi là đoàn công tác từ Hà Nội vào thăm, các y, bác sĩ tay bắt mặt mừng, trò chuyện hỏi han rất nhiều. Chia sẻ với tập thể y, bác sĩ ở đây, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là một người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội. Tấm lòng, sự hy sinh của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là tấm gương sáng cho thế hệ sau học tập, noi theo để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ktdt.vn









----------
Nguồn www.yeuquangngai.net

No comments:

Post a Comment