Thursday, October 15, 2015

Người dân đội mưa đến viếng Anh hùng Lao động Hồ Giáo

Người dân đội mưa đến viếng Anh hùng Lao động Hồ Giáo


Người dân đội mưa đến viếng Anh hùng Lao động Hồ Giáo

Posted: 15 Oct 2015 08:56 AM PDT

Sáng 15/8, TP.Quảng Ngãi mưa như trút nước nhưng vẫn không cản bước người dân đến thắp nén hương thơm tưởng nhớ Anh hùng Lao động Hồ Giáo.

Lúc 11h, ngày 15/10, tại nhà riêng của Anh hùng Lao động Hồ Giáo (ở số 199/18, đường Bùi Thị Xuân, TP. Quảng Ngãi) gia đình và người thân tổ chức lễ nhập quan và lễ thành phục.

Theo thông tin từ gia đình Anh hùng Lao động Hồ Giáo, lễ viếng sẽ diễn từ lúc 12h ngày 15/10. Vào lúc 7h00 ngày 18/10/2015 (ngày 6 tháng 9 năm Ất Mùi) sẽ làm lễ truy điệu và lễ động quan. Anh hùng Lao động Hồ Giáo sẽ được an táng tại quê nhà ở Gò Nghĩa (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).

Hiện, công tác chuẩn bị cho lễ viếng và lễ tang anh hùng lao động Hồ Giáo đang được gia đình cùng chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ngãi tiến hành.

 Người dân đội mưa đến viếng Anh hùng Lao động Hồ Giáo

Gia đình chuẩn bị lễ tang

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Hồ Ai (77 tuổi) em trai ông Hồ Giáo nói trong tiếc nuối: "Anh Giáo đã rời bỏ gia đình chúng tôi đi thật rồi. Đây là sự mất mát rất lớn với chúng tôi. Anh Giáo không chỉ là người anh, mà còn là người thầy của tôi. Anh ấy dạy tôi rất nhiều. Con, cháu vẫn còn nhiều điều phải học hỏi, vậy mà anh ấy đi rồi".

Bà con hàng xóm, ai cũng tiếc thương trước sự ra đi của Hồ Giáo. Ông Nguyễn Văn Hữu (70 tuổi, ngụ phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi), người bạn trà của ông Hồ Giáo chia sẻ: "Anh Giáo không chỉ là người hàng xóm tốt bụng, mà còn là người bạn tri kỉ của tôi. Bà con hàng xóm ở đây, ai cũng quý anh Giáo. Lúc chưa nằm trên giường bệnh, anh Giáo thường xuyên đến nhà của bà con trong con hẻm chơi. Anh ấy luôn cho chúng tôi những lời khuyên về cách nuôi dạy con cháu, hay đối nhân xử thế."

Như thông tin đã đưa, hồi 15h30 ngày 14/10, Anh hùng lao động Hồ Giáo đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật và tuổi già. Ông hưởng thọ 86 tuổi.

Anh hùng Lao động Hồ Giáo quê xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), là đại biểu Quốc hội các khoá IV,V,VI. Và là người duy nhất trong ngành chăn nuôi gia súc được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lao động hai lần vào các năm 1966 và 1986.

 Người dân đội mưa đến viếng Anh hùng Lao động Hồ Giáo

Gia đình Anh hùng Lao động Hồ Giáo làm lễ tang

Năm 1948, ông Hồ Giáo tham gia Việt Minh tại địa phương, tập kết ra miền Bắc năm 1954, ở Sư đoàn 350 bảo vệ Hà Nội. Năm 1960, ông chuyển sang làm chăn nuôi ở Nông trường Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Do những thành tích đặc biệt trong chăn nuôi, thụ tinh nhân tạo và trị bệnh cho gia súc, năm 1966 ông được phong Anh hùng Lao động.

 Người dân đội mưa đến viếng Anh hùng Lao động Hồ Giáo

Người dân đến viếng tang

Năm 1976, ông Hồ Giáo chuyển công tác về Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ (xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương). Năm 1977, Ấn Độ tặng Việt Nam 502 con trâu giống Mura với mục đích làm sức kéo và lấy sữa, trong đó có hai con do đích thân Thủ tướng Indira Gandhi tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Ông Hồ Giáo chuyển sang nuôi trâu tại nông trường Sông Bé từ đó. Sau đó, ông lại được phong Anh hùng Lao động lần thứ hai khi đàn trâu ông nuôi lên đến cả nghìn con.

Năm 1990, ông Hồ Giáo nghỉ hưu, về quê nhà Quảng Ngãi sinh sống và tiếp tục được Nhà nước giao nhiệm vụ nuôi trâu.

Dương Kha

Theo_Người Đưa Tin


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Người dân đội mưa đến viếng Anh hùng Lao động Hồ Giáo

Giải cứu hai cô gái trẻ bị ép làm nô lệ tình dục

Posted: 15 Oct 2015 07:10 AM PDT

Hai cô gái trẻ vừa chân ướt, chân ráo rời khỏi mái trường THPT bị đưa vào những cơ sở massage trá hình, bị sử dụng như một món đồ chơi; bị chủ chứa quản lý, bị bóc lột một cách không thương tiếc.

Những tưởng các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em chỉ xảy ra ở bên kia biên giới, nơi nhiều nạn nhân đáng thương không chỉ bị chà đạp về thể xác, mà còn bị vùi dập cả về tinh thần, sống mà không bằng chết trong nhiều "địa ngục trần gian" nơi đất khách quê người… Vậy mà, giữa nội địa, hai cô gái trẻ vừa chân ướt, chân ráo rời khỏi mái trường THPT cũng bị đưa vào những cơ sở massage trá hình, bị sử dụng như một món đồ chơi; bị chủ chứa quản lý, bị bóc lột một cách không thương tiếc. 

Một đường dây mua bán người trong nội địa vừa được Đội phòng chống tệ nạn xã hội và mua bán người (Đội 6), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Phòng PC45), Công an tỉnh Hải Dương điều tra, làm rõ.

Xây lô cốt giữa đồng bằng để quản lý nhân viên

Liên quan đến vụ án trên, ngày 10/9, Phòng PC45 Công an tỉnh Hải Dương vừa thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với hai đối tượng gồm:  Trương Văn Long (SN 1977, trú tại phố Bằng, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) và Đinh Thị Trinh (SN 1992, trú tại Sơn Thượng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi). 

Vụ án mở ra từ việc, Đội 5 có thông tin về những biểu hiện bất thường tại quán cà phê, tẩm quất, thư giãn (quán 686) do Trương Văn Long làm chủ. Căn nhà cấp bốn được rào kín bằng hệ thống thép B40 kiên cố; hai lớp cửa trước, hai lớp cửa sau lúc nào cũng cửa đóng, then cài. Một câu hỏi đặt ra cho Trung tá Vũ Dương Tường, Phó phòng PC45, Công an tỉnh Hải Dương và các trinh sát Đội 6, phải chăng có dấu hiệu của hoạt động mại dâm hoặc mua bán người tại đây? Nếu không vì sao chủ quán phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đến như vậy. Dưới chỉ đạo sát sao của Đại tá Cù Ngọc Nam, Trưởng phòng PC 45 Công an tỉnh Hải Dương, các trinh sát Đội 6 đi sâu nắm bắt tình hình…

Trong khi các lực lượng nghiệp vụ thuộc Đội 6, Phòng PC45, Công an tỉnh Hải Dương đang nắm tình hình thì ngày 12/8, Phòng PC45 nhận được công văn của Phòng PC45 Công an tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị giải cứu các nạn nhân Đinh Thị C và Đinh Thị T, hiện đang bị ép tiếp khách tại một quán tẩm quất thư giãn của Long ở huyện Thanh Miện (Hải Dương). 

Từ các thông tin thu thập được kết hợp với tài liệu do Công an tỉnh Quảng Ngãi cung cấp, ngày 24/8, tổ công tác của Đội 6 phối hợp với Công an huyện Thanh Miện tiến hành kiểm tra quán 686. Vào thời điểm kiểm tra, quán 686 không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chủ quán Long cùng hai cô gái C và T được đưa về trụ sở làm rõ.  Sau những giây phút hoảng loạn, được sự động viên của cán bộ Đội 6, 2 cô gái đã kể lại sự việc. Vụ án từ đây được làm sáng tỏ.

Tổ chức "dạy nghề", khống chế, đe dọa ép nhân viên phải phục vụ khách làng chơi

"Mỗi khi phải phục vụ khách, chúng em chạy vào nhà vệ sinh khạc cả ra máu. Nhìn thấy cơm không muốn ăn nhưng Long ép chúng em phải ăn", C, một trong hai nạn nhân bị lừa bán kể lại sự việc trong nước mắt. Căn cứ vào lời khai của C và T, Phòng PC45 Công an tỉnh Hải Dương đã thực hiện lệnh bắt giữ Trinh và Long. 

Quá trình đấu tranh, hai đối tượng khai nhận: Khoảng cuối năm 2014, thông qua một người bạn, Trinh biết và tự xin đến làm nhân viên tại quán café, tẩm quất, thư giãn của Long. Tại đây, Trinh và các nhân viên nữ của quán tẩm quất, massage và kích dục cho khách có nhu cầu. Khoảng cuối tháng 3/2015, Trinh về quê tại tỉnh Quảng Ngãi. Cũng thời điểm này, các nhân viên khác tại quán cũng nghỉ việc. Một ngày cuối tháng 6/2015, Long điện thoại nhờ Trinh tìm người làm, theo lời của Long thì anh ta sẽ trả toàn bộ tiền tàu xe và  tiền công cho Trinh là 2 triệu đồng/người.

Giải cứu hai cô gái trẻ bị ép làm nô lệ tình dục

Đối tượng Long tại cơ quan điều tra.

Thời gian này, Trinh tham gia tập dân quân tự vệ ở xã hay vào quán uống nước gần nhà chị Đinh Thị C (SN 1994, cũng trú tại Quảng Ngãi chơi). C vừa tốt nghiệp THPT, chưa có việc làm, biết Trinh người cùng xã hay đi làm ăn xa nên C hỏi Trinh nếu biết chỗ nào có việc làm thì bảo C đi làm. Do hám lời, Trinh nảy ý định đưa C ra cho Long. Trinh dụ dỗ C tìm thêm người, C đồng ý. Sau khi gặp C, Trinh sợ nếu nói thật việc đưa C đi làm nhân viên massage hoạt động kích dục thì C sẽ không đi nên Trinh gọi điện thoại cho Long, trao đổi thông tin. 

Ngày 11/7, Trinh gọi điện thoại rủ C đi bưng bê phục vụ tại các quán cơm ở Đắk Lắk, lương tháng 3,5 triệu đồng. Trong cuộc nói chuyện này, Trinh tiếp tục gợi ý C về việc rủ thêm người, do quán ăn đang cần nhân viên. Chẳng mảy may nghĩ đến dã tâm của người bạn, C đã rủ thêm người bạn thân cùng THPT là T đi làm, T đồng ý. 

Đúng hẹn khoảng 8h ngày 12/7, Trinh bắt xe ôtô đưa hai nạn nhân C và T về Hải Dương. Đến khoảng 3h ngày hôm sau thì tới gần nhà Long tại Bằng Bộ, Cao Thắng, Long trả tiền xe rồi cùng Trinh đưa các nạn nhân về quán 686. Theo thỏa thuận, Long trả Trinh 4 triệu đồng. Đến trưa ngày 13/7, lấy lí do con bị ốm, Trinh quay trở về quê tại Quảng Ngãi.

Sáng 15/7, Long đưa C và T đến một quán café kích dục trên địa bàn huyện  Thanh Miện. Tại đây, Long bắt C và T quan sát qua lỗ nhỏ thông vào phòng nhân viên đang tiếp khách để hiểu thế nào là massage và phục vụ khách. Khi quan sát thấy cảnh nhân viên nữ của quán kích dục thực hiện, hai nạn nhân T và C sợ nên đòi về nhà. 

Theo lời khai của C và T thì không dừng lại ở đó, đối tượng này còn tiếp tục ép T và C đến một số quán tẩm quất thư giãn trên địa bàn để học việc. Đến chiều cùng ngày, Long đưa T và C về quán khóa trái cửa lại. Vì sợ hãi, T và C rủ nhau trốn chạy. 

Trưa hôm đó, khi Long vừa ra khỏi quán, hai nạn nhân  T và C trèo qua tường sau quán, chuẩn bị thoát ra ngoài thì bị Long phát hiện. Long kéo C và T vào trong quán đe dọa, nếu không nghe lời Long sẽ vu cho hai nạn nhân tội trộm cắp tài sản không thành; quán của Long có gắn camera nên biết hết mọi hoạt động của hai người, rồi xung quanh quán của Long toàn họ hàng người nhà của Long nếu chạy ra ngoài sẽ có người bắt lại ngay. 

T và C quá sợ hãi, buộc phải nghe theo lời Long, cũng không dám kêu la, nhờ người cứu vì nghĩ xung quanh toàn người nhà của đối tượng này. Sau hôm T và C bỏ trốn, Long thuê người hàn lại kín khung sắt, mái tôn sau nhà.

C và T đòi về thì Long yêu cầu phải trả tiền tàu xe, tiền đóng luật, tiền mua quần áo, tiền đăng ký tạm trú tổng cộng cả hai người là 10.500.000đ. Long yêu cầu C và T phải gọi điện thoại về cho gia đình, gửi tiền ra trả mới cho về. C gọi điện thoại về nhà cho bố đẻ là ông Đinh Văn B, nói rõ việc bị Trinh lừa đưa ra làm nhân viên kích dục tại quán của Long và phải trả số tiền như trên. Vì thương con, ngày 19/7, bố đẻ C gửi tiền cho Long, theo yêu cầu của đối tượng này. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, đối tượng Long vẫn không buông tha cho hai nạn nhân C và T.

Sau khi chuyển tiền, ông B và bố mẹ nạn nhân T đã làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Trinh. Biết sự việc trên, Trinh vô cùng lo sợ, ngày 19/7, chị ta quay trở lại quán của Long với mục đích để đưa T và C trở về nhà. Khi làm việc tại quán của Long, C có sử dụng điện thoại để nói chuyện với anh Trải, Xã đội trưởng xã Sơn Thượng. Sự việc này bị Long phát hiện, anh ta quản lý điện thoại của C. 

Từ đầu tháng 8/2015, Long thuê thêm cháu họ là Trần Văn Nghĩa trông coi quản lý quán và quản lý nhân viên. Để che mắt gia đình người bị hại, Long yêu cầu C và T gọi điện thoại về nhà nói dối người nhà là không phải ra làm tẩm quất kích dục mà ra làm thuê bán chăn ga gối đệm tại quán của Long với lương tháng 3.000.000 đồng. Trong tình huống đó, C rất thông minh để tìm cách cứu mình và giải cứu cho bạn. 

Khi nói chuyện điện thoại, C nói với mẹ bằng tiếng H're, kể lại toàn bộ sự việc. Sau đó, Long trực tiếp nói chuyện điện thoại với bố C, Long nói gia đình Long kinh doanh vàng bạc, chăn ga gối đệm, hàng ăn, Long thuê T và C làm việc với lương 3.000.000đ/tháng. Nạn nhân T, sau đó cũng gọi điện thoại về nói thật với mẹ. Sau khi gọi xong, Long quản lý điện thoại.

Ngày 11/8, Long hỏi thông tin của bố T, C ở quê rồi ra Bưu điện huyện Thanh Miện gửi theo địa chỉ này mỗi người 3.000.000đ, rồi cầm biên lai của bưu điện cho C và T xem để yên tâm. Để có tiền phòng thân, trong quá trình này, C và T giả vờ thích đồ trang sức tại nhà Long để ứng tiền lương mua mỗi người một dây chuyền. Thực chất, các nạn nhân tính việc sau này không có người cứu thì sẽ bỏ trốn và lấy đồ trang sức này bán đi để lấy tiền về nhà.

Từ căn cứ trên, Công an tỉnh Hải Dương đã thực hiện lệnh bắt Long và Trinh về hành vi mua bán người. Vụ án đang được điều tra, làm rõ.

Theo Cảnh sát Toàn cầu 


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Giải cứu hai cô gái trẻ bị ép làm nô lệ tình dục

Thành phố Quảng Ngãi được công nhân đô thị loại 2

Posted: 15 Oct 2015 02:52 AM PDT

Hôm nay, 15.10, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công nhận TP. Quảng Ngãi đạt đô thị loại 2, trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Thành phố Quảng Ngãi được công nhân đô thị loại 2

Lãnh đạo TP.Quảng Ngãi đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP.Quảng Ngãi đạt đô thị loại 2 – Ảnh: Hiển Cừ

Từ một thị xã nhỏ bé, cơ sở vật chấthạ tầng kỹ thuật xã hội thấp kém, trải qua 13 năm xây dựng và phát triển, đến năm 2002 thị xã Quảng Ngãi được công nhận là đô thị loại 3 và năm 2005 được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 123 điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Quảng Ngãi từ 10 đơn vị hành chính lên 23 đơn vị hành chính cấp xã, phường với dân số gần 260.000 người.

Trong những năm qua, ngoài nguồn vốn đầu tư của nhà nước khoảng 40.000 tỉ đồng, thành phố Quảng Ngãi còn huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị, tạo ra diện mạo của một thành phố trẻ ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh, đáp ứng các tiêu chí, chức năng của đô thị loại 2.

Theo ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi, thành phố đang xây dựng đề án mang tính chiến lược không chỉ phát triển du lịch biển, kinh tế biển mà còn phát triển đô thị hướng ra biển, phấn đấu trở thành đô thị “năng động và thân thiện”.

Dịp này, TP.Quảng Ngãi cũng tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước trao tặng.

Hiển Cừ

Theo Thanhnien


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Thành phố Quảng Ngãi được công nhân đô thị loại 2

No comments:

Post a Comment