Tuesday, May 17, 2016

Chuyện về thủ lĩnh đội Du kích Ba Tơ được Bác Hồ tặng 3 “báu vật”

Chuyện về thủ lĩnh đội Du kích Ba Tơ được Bác Hồ tặng 3 “báu vật”


Chuyện về thủ lĩnh đội Du kích Ba Tơ được Bác Hồ tặng 3 “báu vật”

Posted: 17 May 2016 12:06 AM PDT

Có lẽ, trong lực lượng vũ trang, ít có vị tướng nào đặc biệt như Trung tướng Phạm Kiệt. Đặc biệt bởi ông đã cống hiến cả đời cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và cho lực lượng vũ trang.

Tên tuổi của tướng Phạm Kiệt gắn liền với cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và chiến thắng Điện Biên Phủ lừng danh khắp năm châu.

"Chỉ có Kiệt mới dám nói như thế!"

Khu lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt được xây dựng ngay trên mảnh đất mà ông chôn nhau cắt rốn tại xóm 2, thôn Minh Thành (xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Đưa chúng tôi đi thăm khu nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt, ông Phạm Ngọc Quý (63 tuổi), cháu đích tôn dòng họ Phạm, đưa tay chỉ về góc cuối vườn, kể: "Nơi đây xưa kia là nơi Trung tướng Phạm Kiệt tập võ. Đây chính là mảnh đất mà cha mẹ Trung tướng sinh sống. Bà Phạm Thị Vàng, mẹ của tướng Phạm Kiệt hạ sinh 11 người con. Ông là con thứ 10".

Theo tư liệu lịch sử lưu lại, Tướng Phạm Kiệt tên khai sinh là Phạm Quang Khanh. Ông sinh ngày 10/01/1910 tại làng An Phú (nay là thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh), trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ngay từ khi 15 tuổi, ông đã tham gia phong trào văn thân chống Pháp và các hoạt động yêu nước.

Năm 1929, ông đã cùng các đồng chí thành lập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội tại huyện nhà, trở thành đảng viên cộng sản Đông Dương năm 1931. Đầu tháng 6/1931, ông bị mật thám Pháp bắt và đưa về nhà tù Buôn Ma Thuột, nơi giam giữ những nhà cách mạng mà chúng cho là cứng đầu như: Nguyễn Chí Thanh, Trương Quang Giao, Hoàng Anh,…

 Chuyện về thủ lĩnh đội Du kích Ba Tơ được Bác Hồ tặng 3 báu vật

Chân dung tướng Phạm Kiệt.

Đại tá Phạm Hương, hiện ở Quảng Ngãi, một trong hai thành viên của đội Du kích Ba Tơ còn sống kể lại với PV báo ĐS&PL, ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Lúc này chỉ thị từ trung ương "Nhật đảo chính Pháp–hành động của chúng ta" mặc dù tuy chưa vào đến nơi, nhưng tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi nhạy bén quyết định cướp đồn Ba Tơ, giành chính quyền về tay nhân dân ở Ba Tơ.

Được tỉnh Ủy giao làm chỉ huy trưởng đội Du kích Ba Tơ, ông Phạm Kiệt cùng với đồng chí Nguyễn Đôn và Nguyễn Khoách củng cố tổ chức, tăng cường lực lượng, dần đưa đội du kích Ba Tơ vào nề nếp. Chiều tối ngày 14/3, toàn đội Du kích Ba Tơ đã làm lễ tuyên thệ tại hang Én – suối Loa với lời thề "Quyết tử vì Tổ quốc".

Cũng theo Đại tá Hương, sau này, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi trọn vẹn là cuộc khởi nghĩa đầu tiên sau ngày có Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cùng một lúc đã đạt được những mục tiêu cơ bản mà Đảng ta đề ra: Cướp đồn – phá tan chính quyền phản động, lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân, thành lập lực lượng vũ trang và có sức cổ vũ, động viên to lớn đối với cách mạng khu vực miền Trung cũng như trong cả nước.

Cuối tháng 9/1945, ông Phạm Kiệt được giao là chỉ huy trưởng Ủy ban quân chính Nam phần Trung Bộ. Đầu năm 1946, tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số vị đứng đầu cơ quan Chính phủ như Bộ trưởng kinh tế Phan Anh được Bác Hồ phái vào miền Nam công tác. Tại đình Xuân Hòa (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) lần đầu tiên ông Phạm Kiệt được gặp mặt nhà quân sự tài ba Võ Nguyên Giáp mà ông đã nghe danh từ lâu.

Cuối năm 1953, đầu năm 1954, Bộ Chính trị, Bác Hồ chỉ thị mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch lịch sử ấy, ông Phạm Kiệt được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc.

Trong Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết: "Anh là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem lại kế hoạch đánh nhanh. Lúc bấy giờ là lúc toàn quân đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 2 ngày 3 đêm; sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng lúc đó không ai dám nói lên ý nghĩ thật của mình vì lo ngại cho là dao động. Chỉ có Kiệt mới dám nói như thế. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt".

Tháng 4/1961, Phạm Kiệt được thăng quân hàm Thiếu tướng và được giao làm Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Với tài thao lược của mình, tháng 8/1961, ông được Bác Hồ và Trung ương cử giữ chức Thứ trưởng bộ Công an. Tháng 4/1974, ông được thăng quân hàm Trung tướng.

Được Bác Hồ tặng 3 "báu vật"

Một trong những niềm vinh dự, tự hào lớn nhất trong đời của Trung tướng Phạm Kiệt là luôn được Bác Hồ dành cho một cảm tình và niềm tin đặc biệt. Theo tài liệu lịch sử ghi lại, lần đầu tiên Phạm Kiệt được gặp Bác Hồ, đó là vào năm 1950, khi ông được điều ra Việt Bắc để chuẩn bị đi Trung Quốc bồi dưỡng thêm kiến thức về quân sự. Khi vừa bước vào lán nơi Bác làm việc, Bác đứng dậy và vỗ tay: "Chú Đê-Tơ (bí danh của Phạm Kiệt tại Quân khu V) vào đây!". Sau khi hỏi thăm sức khỏe, gia đình, Bác nói: "Nghe các đồng chí nói chú xin ở lại chiến đấu rồi đi học sau. Bác cũng nghĩ nên như thế". Sau đó Bác nhìn tướng Phạm Kiệt và nói: "Chú mà đi học về thì còn giặc đâu mà đánh!".

Một vinh dự khác đến với Phạm Kiệt là sau chiến dịch Biên giới, một đồng chí chỉ huy tặng Bác Hồ khẩu súng cạc-bin. Bác đã gọi ông Phạm Kiệt lên và trao lại khẩu cạc-bin 585440 này rồi nói: "Chú là người xông pha trận mạc, cần thứ này hơn Bác, Bác tặng chú đấy…". Đầu năm 1954, vợ và 3 con của ông Phạm Kiệt ra Việt Bắc, Bác Hồ lại tặng phu nhân Phạm Kiệt là bà Trần Thị Ngộ một khẩu súng lục hiệu mô-de (mauser) 6,35mm số 707271 và dặn: "Cô dùng nó để tự vệ và bảo vệ các cháu cho chú yên tâm nơi chiến trường nhé! …".

 Chuyện về thủ lĩnh đội Du kích Ba Tơ được Bác Hồ tặng 3 báu vật

Trung tướng Phạm Kiệt (giữa) nghe Ban chỉ huy Đồn Biên phòng 34 (Hải Phòng) báo cáo phương án tác chiến. (Ảnh tư liệu)

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trung tuần tháng 5/1954, Bác Hồ gọi Phạm Kiệt lên và tặng ông một chiếc radio. Bác vui vẻ nói: "Đây là chiếc đài mà Đờ Cát dùng suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chú Vương Thừa Vũ tặng Bác, nay Bác tặng lại chú vì đã có công đặc biệt xuất sắc góp phần thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ!".

Được biết, cả 3 hiện vật quý này đều được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian Phạm Kiệt phục vụ ở quân đội hay khi đã chuyển sang công an, đi công tác ở đâu Bác cũng gọi Phạm Kiệt theo cùng.

Đầu năm 1973, sau chuyến công tác xa dài ngày này, sức khỏe tướng Phạm Kiệt ngày càng giảm sút. Đảng và Nhà nước đã đưa ông sang CHDC Đức điều trị. Về nước, ông được Giáo sư Tôn Thất Tùng và nhiều giáo sư, bác sỹ nổi tiếng khác trực tiếp điều trị. Nhưng do tuổi cao, sức khỏe có hạn bởi ông đã cống hiến đến tận cùng khả năng cho sự nghiệp cách mạng, cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam nên lúc 13h ngày 23/1/1975, Tướng Phạm Kiệt ra đi trong nỗi tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè và đồng bào, của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang cách mạng.

Để ghi nhớ công ơn của một vị tướng huyền thoại, tại Quảng Ngãi, đến nay đã có 3 ngôi trường mang tên Phạm Kiệt: Trường THCS Phạm Kiệt ở xã Tịnh Minh (huyện Sơn Tịnh), trường PTTH Phạm Kiệt ở huyện Ba Tơ và trường PTTH Phạm Kiệt ở huyện Sơn Hà.

Một con người hơn cả vạn bài ca Thầy Lê Tấn Thông, Hiệu trưởng trường THCS Phạm Kiệt xúc động nói: "Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng ký ức về tướng Phạm Kiệt vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Cứ chiều 27 Tết, ông lại cử lái xe xuống đón con em Quảng Ngãi ở trường Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) lên Hà Nội ăn Tết. Trung tướng Phạm Kiệt là một con người hơn cả vạn bài ca. Được lịch sử ghi danh là vị tướng tài giỏi lừng danh, để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng nhân dân quê nhà."

DƯƠNG KHA – NGUYỄN HƯNG

Theo_Người Đưa Tin 


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Chuyện về thủ lĩnh đội Du kích Ba Tơ được Bác Hồ tặng 3 "báu vật"

No comments:

Post a Comment