Saturday, November 25, 2017

Có người lận lưng 4 đến 5 tấm bằng “xịn” nhưng giao việc gì thì hỏng việc đó

Có người lận lưng 4 đến 5 tấm bằng “xịn” nhưng giao việc gì thì hỏng việc đó


Có người lận lưng 4 đến 5 tấm bằng “xịn” nhưng giao việc gì thì hỏng việc đó

Posted: 25 Nov 2017 02:41 AM PST

Và ông Lê Như Tiến tỏ thái độ không đồng tình với cách làm của tỉnh Quảng Ngãi về quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó phòng…

Hiệu quả công việc không phụ thuộc vào bằng cấp

Tại kỳ họp 4, Quốc hội thứ XIV, một số đại biểu quan tâm tới việc rà soát công tác cán bộ, trong đó có việc sử dụng bằng cấp của cán bộ công chức viên chức.

Bởi, thực tế cho thấy nhiều trường hợp bị phát hiện sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực.

Việc sử dụng bằng cấp gian dối không chỉ diễn ra ở một địa phương mà xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp.

Thậm chí để có được chức vụ cao hơn, một số người còn sử dụng bằng giả hoặc mua bằng để thuận lợi cho con đường tiến thân. 

Trong khi thực trạng trên vẫn chưa có giải pháp đồng bộ để ngăn chặn, thì mới đây thông tin tỉnh Quảng Ngãi đã loại khỏi quy hoạch tất cả những người sinh từ 1976 tới nay… chưa có bằng đại học chính quy, khiến nhiều người tỏ ra lo lắng.

Nhiều ý kiến đồng tình với cách làm của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít quan điểm cho rằng, việc tuyển dụng, bổ nhiệm mà quá coi trọng bằng cấp trong khi chưa đánh giá đúng năng lực của cán bộ trong thực tiễn công việc vô hình chung sẽ tạo ra phản ứng ngược (mua bằng cấp để thăng tiến).

Thậm chí, đây là cách làm đi ngược với xu thế mới trong quá trình phát triển của nhân loại…

Có người lận lưng 4 đến 5 tấm bằng xịn nhưng giao việc gì thì hỏng việc đó

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Đồng tình với quan điểm trên, hôm 24/11, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phân tích thêm:

“Thực tế tình trạng mua, bán bằng cấp hiện nay rất phổ biến. Có người sẵn sàng bỏ số tiền lớn mua bằng tiến sĩ nước ngoài, trong khi năng lực không tương xứng với tấm bằng đó.

Có những người học tiến sĩ theo kiểu nhờ vả người khác làm hộ luận án, gửi sang nước ngoài, rồi bên kia họ gửi bằng về.

Thậm chí có người lấy luận án tiến sĩ của người khác trong thư viện, sao chép lại, biến thành của mình.

Vậy thì, hiệu quả công việc có phụ thuộc vào bằng cấp không?”, ông Tiến đặt vấn đề. 

Từ những phân tích trên, vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, cơ quan có thẩm quyền phải lấy năng lực thực tế, kết quả công việc làm thước đo để đề bạt bổ nhiệm.

“Ví dụ, một ông chủ cần một người lái xe giỏi thì phải tuyển người lái xe có kiến thức kỹ thuật cao, khả năng phán đoán và đánh giá tình huống, chứ không cần người tốt nghiệp đại học giao thông.

Người tốt nghiệp đại học giao thông vận tải chưa chắc đã lái xe giỏi.

Tuyển một người thợ hàn thì cần thợ lành nghề. Tuyển một anh kiến trúc sư thì cần một anh có năng lực về kiến trúc chứ không nhất thiết phải chọn một anh tiến sĩ trong ngành xây dựng. 

Tóm lại, muốn tìm được người có năng lực thì phảithử thách người ta trong môi trường công việc.

Nếu họ hoàn thành tốt nhiệm vụ thì tổ chức hoàn toàn có thể yên tâm để giao phó công việc.

Do đó, bằng chính quy hay không chính quy không quan trọng. Quan trọng là tìm được người có năng lực để đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí công việc tương thích”, ông Tiến nhận định.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh thêm: “Việc ưu tiên người tốt nghiệp loại khá, giỏi trong tuyển dụng, bổ nhiệm là đúng.

Nhưng trong trường hợp này, bằng cấp chỉ là điều kiện cần thôi chứ chưa phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ và quan trọng nhất chính là năng lực cán bộ hoàn thành công việc được giao ở mức nào.

Thậm chí tôi còn biết có người có 4 đến 5 tấm bằng “xịn” trong tay, nhưng giao cho công việc gì thì hỏng công việc đó.

Do vậy, yếu tố năng lực thực tiễn là yếu tố quyết định chứ không phải căn cứ vào tấm bằng chính quy hay không chính quy.

Thực tế, có những cán bộ do trước đây không đủ điều kiện đi học chính quy nhưng qua rèn luyện thực tế, họ trưởng thành rất nhanh và khẳng định được mình trong công việc.

Có người được bổ nhiệm, giữ chức vụ cao ở địa phương, thậm chí cấp Bộ, ngành. 

Thế thì tại sao chúng ta lại căn cứ vào bằng cấp và lấy thước đo bằng cấp là thứ quan trọng nhất khi bổ nhiệm?”, ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.

Cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc

Ông Lê Như Tiến cho rằng, việc tỉnh Quảng Ngãi đưa ra quy định nói trên là đi ngược lại với quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc khuyến khích động viên mọi cán bộ công chức học tập suốt đời.

“Trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nhà nước không có quy định và không phân biệt bằng đại học chính quy, hay không chính quy.

Trong khi đó, chúng ta đã và đang đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Vậy thì không có lý gì mà lại đi phân biệt bằng tại chức và bằng chính quy cả. 

Bây giờ rất nhiều trường đại học trên cả nước được phép mở hệ đào tạo vừa học, vừa làm, tại chức, chuyên tu.

Như vậy có nghĩa rằng, nếu anh đưa ra quy định trên, thì anh đã phủ định chính chủ trương, chính sách của nhà nước”, ông Tiến nói.

Có người lận lưng 4 đến 5 tấm bằng xịn nhưng giao việc gì thì hỏng việc đó

Cán bộ tốt nghiệp đại học tại chức sẽ bị hạn chế rất nhiều trong việc bổ nhiệm ở vị trí cao hơn. Ảnh minh họa đăng trên Báo Lao động.

Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ sự việc:

“Trong trường hợp này, tôi nghĩ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét thực hiện việc thanh tra, kiểm tra quy định nói trên, để xem địa phương có thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong việc khuyến khích động viên mọi cán bộ công chức học tập suốt đời hay không”, ông Lê Như Tiến nói.

Từ những phân tích trên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đưa ra cảnh báo:

“Cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm mà quá coi trọng bằng cấp, nhưng chưa đánh giá đúng năng lực của cán bộ trong thực tiễn công việc, vô hình chung, anh lại động viên cán bộ chạy theo bằng cấp.

Thậm chí có thể xảy ra trường hợp người ta bỏ tiền mua bằng để đạt được mục đích trong đề bạt, bổ nhiệm. Chính sách của anh như vậy là coi trọng bằng cấp chứ chưa coi trọng người có năng lực thực sự”, ông Tiến cảnh báo.

XUÂN QUANG

Theo giaoduc


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Có người lận lưng 4 đến 5 tấm bằng "xịn" nhưng giao việc gì thì hỏng việc đó

No comments:

Post a Comment