Chuyện cổ tích thầy cô vào làng ‘cướp’ 643 học trò về cưu mang |
Chuyện cổ tích thầy cô vào làng ‘cướp’ 643 học trò về cưu mang Posted: 28 May 2018 03:37 AM PDT Bị người thân học trò xua đuổi, mắng là ‘đồ mặt dày’, thầy cô giáo huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi vẫn kiên trì tìm cách đưa các em trở lại lớp học. Có người lương chỉ 3 triệu nhưng nhín ra để cưu mang các em… Hơn 640 giáo viên ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi đứng ra đỡ đầu cho 643 học trò khó khăn ở khắp các điểm trường trong huyện. Từ sự cưu mang này, học trò trở lại lớp và tiến bộ như một câu chuyện cổ tích. Hôm chúng tôi đến thôn Gò Ren (xã Sơn Bao), trước căn nhà sàn giữa thôn thì gặp thầy Từ Phương Thảo – giáo viên Trường THCS Sơn Bao – đang kèm bài vở cho em Đinh Văn Nu (lớp 8B). Sắp đến mùa thi, thầy Thảo ngoài giờ dạy ở trường lại vượt sông Nước Rin vào làng với Nu. Nu có hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa. Đã mấy mùa nắng mưa, cậu ở một mình trong căn nhà đầy bóng tối. Không ai chăm sóc, Nu học hành sa sút và thường xuyên nghỉ học. Đầu năm học 2016-2017, thầy Thảo đến nhà, ăn ở, soạn giáo án và đi học cùng Nu. Có thầy Thảo, cậu bé ý thức việc học tập, bất kỳ khó khăn nào cũng lại chia sẻ với thầy. “Có thầy Thảo, em đỡ cô đơn. Có hôm em ốm thầy đến nhà nấu cơm, rồi mua thuốc cho em luôn” – cậu học trò nhỏ kể về thầy. Chuyện của Nu không hiếm ở Sơn Hà. Có 643 học trò từ mầm non, tiểu học và THCS đang được các thầy cô đỡ đầu. Cái nghèo, nhận thức yếu kém luôn rình rập “cướp đi học trò″. Thế là thầy cô phải vào làng. Hành trình ấy không chỉ là gánh vác trách nhiệm mà có cả sự yêu thương. Làng Chai (xã Sơn Ba) nằm hút sâu trong núi. Mùa này nắng nhiều hơn mưa nhưng con đường cứ chênh vênh, đoạn đi xe được rất ngắn. Đang lúc dắt xe, thầy Đinh Văn Tờ – giáo viên Trường tiểu học Sơn Ba – nói: “Cái xe máy này mới mua. Hai năm trước cũng trên đoạn đường này khi vào làng Chai vận động đưa hai anh em Đinh Văn Cu Kiều và Đinh Thị Kim ra lớp thì nước suối mạnh quá cuốn trôi xe, cuốn luôn cả cặp giáo án. Tôi may mắn bám vào cây ven suối nên thoát nạn”. Nu (trái) và thầy Thảo sau giờ ôn bài cùng nhau vượt sông Rin đến trường. Hơn hai giờ đi bộ, chúng tôi vào được đến làng. Đinh Văn Cu Kiều và Đinh Thị Kim đang nghịch đất cùng bạn. Thấy thầy giáo, cả hai lao ra mừng vui. Hai đứa khoe nhà vừa có đàn “ia” (gà), rồi kể đủ thứ chuyện bằng tiếng Hrê trộn tiếng Việt. Kiều và Kim thành trẻ mồ côi khi cha mẹ có gia đình mới, bỏ lại hai đứa ở làng. Hôm thì ở nhà chú, lúc thì ở nhà ông bà, hai đứa chơ vơ rồi nghỉ học khi chỉ mới học xong lớp 1 và lớp 2. Chính cái lần xém mất mạng ở suối, thầy Tờ đã “lôi” được cả hai ra lớp. Được thầy cô nuôi tại trường, giờ cả hai đều có giấy khen, chuẩn bị bước vào lớp 4 và lớp 5. “Tôi nhớ có lần cha bọn trẻ đến trường thăm, cho mỗi đứa 10.000 đồng. Khi cha ra về, Kiều giật tờ tiền trên tay Kim, lao theo, ném tờ bạc mà đau lòng quá” – thầy Tờ kể. Thầy Tờ (phải) cùng thầy Cương (giữa) bên hai anh kem Cu Kiều và Kim, những đứa trẻ giờ gọi họ là cha. Chuyện lao vào làng “bắt” trò của thầy cô ở Sơn Hà không thể kể hết. Trong đó không ít lần thầy cô phải nghẹn ngào vì bị xúc phạm, chửi bới. Để chúng tôi gặp được cô học trò Đinh Thị Cha (lớp 5A Trường tiểu học Sơn Thủy), cô giáo Trần Thị Trang, người đỡ đầu của Cha, đã phải mất cả buổi sáng vào rừng tìm. Cha đi thả trâu thuê cho một người ngoài trung tâm xã. Suốt thời gian kể chuyện về Cha, nước mắt cô Trang tuôn dài. Ở đó có “kỷ niệm” từ ông bà ngoại của Cha: “Mày về đi, tao không cho nó đi học, đồ mặt dày!”. Lý lẽ của ông ngoại của Cha là chỉ sợ đói, Cha phải đi làm kiếm cơm, chẳng cần phải học chữ. Bà ngoại đã ngoài 70 tuổi, chẳng đủ sức để bám rẫy rừng thì kiên quyết: “Học để làm gì, no bụng là được rồi. Chúng mày nuôi tao đi rồi tau cho nó đi học”. Làng Rào nằm ngay sau trường thôi, vậy mà một thời gian dài Cha bữa nghỉ, bữa đi là vì thế. Cô Trang chỉ mới 25 tuổi, là giáo viên hợp đồng với lương mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng. Vậy mà hai năm ròng, cô Trang “buộc bụng” chia cho trò. Chỉ cần Cha nghỉ học là cô Trang lại phải đeo gạo, mắm sang nhà. Muốn Cha đi học đều là phải chủ động qua xem “tình hình lương thực” ở nhà để tiếp tế kịp thời. “Hơn một tháng trước, chuẩn bị thi cuối năm thì Cha mất tích. Tôi phải nhờ hàng xóm hỏi giùm thì mới biết con bé đi giữ em cho người ta ở dưới xã Sơn Hạ. Tôi xuống đón Cha về lại, rồi phải dẫn về nhà mình, buổi tối chỉ bài cho em vì vắng học đến 8 ngày. Đợi đến khi thi xong mới cho về nhà” – cô Trang tâm sự. Năm nay, Cha được nhận giấy khen học sinh tiên tiến. Với cô giáo Trang, sau bao nỗi buồn vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Cha dù cô bé có chuyển trường lên THCS. “Tôi chỉ cần Cha học giỏi thì khổ tí cũng chẳng sao” – cô Trang nói. Xã Sơn Ba là một trong ba xã xa nhất của huyện Sơn Hà. Làng Gò Da thì cũng đứng nhất nhì về độ khó khăn để vào được làng. Năm 2014, tôi từng vào làng và có bài viết đầu tiên về cậu bé Krể. Năm đó, giữa mùa nắng mà tính phần lội rừng thôi cũng đã ngót 4 giờ. Còn nếu mùa mưa thì nhanh nhất cũng 6 giờ mới vào được làng. Hút sâu trong núi, vậy mà khi nghe tin, thầy Đặng Văn Cương, hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Ba đã vào làng, xin cha mẹ Krể là anh Đinh Văn An và chị Đinh Thị Pia cho mình mang Krể ra trường. “Lúc đó, cũng liều chứ nhìn Krể có tí chút vậy biết có nuôi được không. Chẳng may có chuyện gì thì mình cũng chết”, thầy Cương cười hiền. Đầu năm học 2015 là lần đầu tiên Krể đến trường và gắn bó cho đến giờ. Krể sau hơn một tuần bỡ ngỡ, sợ hãi giờ đã quấn lấy thầy cô, yêu mến lớp học; đã biết viết chữ O, A, B… đã biết nói “ạ” dù rất khó khăn. Cô Phạm Thị Khánh, giáo viên chủ nhiệm Krể, là người trực tiếp xin đỡ đầu Krể nhưng cô Khánh bảo phần chăm sóc thì cả trường. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (trái) và thầy Đặng Văn Cương (phải) trò chuyện cùng cậu học trò Krể, ông Nhạ đã dành nhiều lời khen cho phong trào giáo viên đỡ đầu cho trò. 4 năm đưa Krể vượt núi rừng ra với thế giới văn minh, thầy Cương đã liên hệ với các chuyên gia y tế khám và biết nguyên nhân cậu mãi là tí hon. Cuối năm 2017, khi tham dự chương trình “Thay lời tri ân” do Bộ GD-ĐT tổ chức, thầy Cương đã tranh thủ ra Hà Nội trước lịch hai ngày để đưa Krể đến bệnh viện Nhi khám bệnh. Thầy Cương kể lúc nào cũng kèm với nụ cười: “Nhớ nhất là đi mua dép cho cu cậu. Tìm mãi không ra đôi dép vừa cỡ, cuối cùng hai thầy trò xuống phố (TP Quảng Ngãi) nói khó nói dễ, ông thợ đóng dép mới làm thủ công cho được đôi dép. Hồi mang vô cho cậu tôi vui gớm. Khi chở về gọi thầy cô tới “khoe” ai cũng cười ôm hun cậu”. Chừng ấy năm, trường tiểu học Sơn Ba đã trở thành nhà của Krể, cậu bé ở toàn thời gian tại đây với tất cả yêu thương của thầy cô giáo.Câu chuyện đầy yêu thương mà thầy Đặng Trung Thắng, giáo viên Trường THCS Sơn Thượng, dành cho cậu học trò Đinh Văn Trỗi (lớp 8A) cũng đầy xúc cảm. Hai năm trước, Trỗi không đến trường ngày khai giảng. Thầy Thắng lo lắng vào thôn Gò Ren, thấy nhà Trỗi xuống cấp trầm trọng, gia đình em phải ở tạm dưới căn bếp. Trỗi nghỉ học để vượt hàng chục cây số đến huyện Sơn Tây chèo đò kiếm sống. Thầy Thắng hay chuyện và nhận giúp toàn bộ chi phí và đồ dùng học tập. Trỗi đã có chỗ dựa và tiếp tục đến trường. “Thầy Thắng còn nói với mấy chú ở xã làm nhà cho em nữa. Xe đạp đi học thầy cũng mua cho. Quần áo, gạo mắm trong nhà thầy cũng mua luôn” – Trỗi chia sẻ. Đọc qua danh sách 643 mảnh đời được thầy cô cưu mang, điểm chung là các em ra đời từ những mối tình tảo hôn. Cạnh xã Sơn Ba, các thầy cô Trường tiểu học Sơn Kỳ cũng được phụ huynh giao đến hơn 30 học sinh. Bi đát nhất là hoàn cảnh của em Đinh Văn Diêu, đang được cô Nguyễn Thị Thạch đỡ đầu. Nhận Diêu, cô Thạch và giáo viên trong trường còn phải “gánh” thêm hai em của cậu học trò nhỏ. Cô Thạch (áo vàng) và cô Hải phải chỉ bài vở và chăm ba anh em Diêu hai năm qua Sau giờ giảng dạy, cô Mai Thị Hải, giáo viên chủ nhiệm Diêu và cô Thạch lại đưa Diêu về lại nhà. Các cô giáo phải giặt quần áo, lo cơm nước và dọn dẹp lại căn nhà bừa bãi của ba đứa trẻ. Bà Nguyễn Thị Thành – trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà – cho biết năm 2016, khi tình trạng bỏ học quá nhiều, bà phát động thầy cô đỡ đầu học trò. “Lúc đó, tôi cũng chỉ hi vọng giữ được học trò thôi. Không thể ngờ là các thầy cô ở các trường còn giúp các em học tiến bộ. Các đồng nghiệp đã dành tâm huyết và yêu thương để tham gia phong trào này” – bà Thành nói. Chính bà cũng đang đỡ đầu hai học sinh ở xã Sơn Hải. Chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019, có thêm hơn 670 học trò mà thầy cô sẽ phải nhận nuôi từ những ngày hè. Gặp cô Nguyễn Thị Thanh Dung – hiệu trưởng Trường THCS Sơn Giang – từ văn phòng bước ra. Trên tay cô là thư giới thiệu “Cặp thầy trò tiêu biểu, phong trào đỡ đầu học sinh” chuẩn bị gửi về Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà. Cô Dung bảo: “Nghĩ tới nghĩ lui mãi mới chọn cô giáo Đinh Thị Trãi đỡ đầu cho em Đinh Thị Y Dua lớp 6C. Cặp cô trò này không chỉ vượt qua khó khăn về vật chất mà thành tích học tập cũng cực kỳ tốt. Y Dua vừa đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn lịch sử”. Bà Nguyễn Thị Thành, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà, xúc động: ”Trong hai năm qua, chẳng thể thống kê được đã có bao nhiêu áo quần, sách vở, đồ dùng học tập, gạo, mắm, xe đạp, những bữa ăn… mà các đồng nghiệp đã hi sinh, đã đi xin cho trò. Và tôi nghĩ các đồng nghiệp cũng chẳng thống kê những vật chất ấy vào như một thành tích trong báo cáo. Các bạn là những người đồng nghiệp tuyệt vời mà tôi may mắn có được… Hơn 670 em học sinh mồ côi là một thách thức lớn của chúng ta trong những ngày sắp đến. Tôi mong các đồng nghiệp nắm rõ tình hình từng em, ở cùng ai, nội dung cần giúp đỡ ngay là gì để chủ động dang tay đón trò… Cảm ơn các đồng nghiệp!” Nội dung & Hình ảnh: TRẦN MAI Thiết kế: THÙY TRANG Concept: BẢO SUZU Theo tuoitre.vn Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Chuyện cổ tích thầy cô vào làng 'cướp' 643 học trò về cưu mang |
You are subscribed to email updates from Tin tức giải trí » Quảng Ngãi. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google, 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
No comments:
Post a Comment