Wednesday, January 15, 2014

Lâm Anh – từ tiếng khóc đầu tiên đến hơi thở cuối cùng

Lâm Anh – từ tiếng khóc đầu tiên đến hơi thở cuối cùng


Lâm Anh – từ tiếng khóc đầu tiên đến hơi thở cuối cùng

Posted: 14 Jan 2014 09:27 PM PST

LÂM ANH – TỪ TIẾNG KHÓC ĐẦU TIÊN ĐẾN HƠI THỞ CUỐI CÙNG

T/g: Nguyễn Hoàng Dương

      Lâm Anh cất tiếng khóc chào đời bên giòng sông Trà Khúc  bốn mùa xanh trong và  trút hơi thở cuối cùng bên con sông Đồng Nai quanh năm nước đục. Bình minh của cuộc đời anh đã mọc lên từ Quảng Ngãi, nơi có núi Thiên Ấn thiêng liêng, có dòng sông Trà thơ mộng và hoàng hôn của đời anh đã chìm dần xuống thung lũng Cát Tiên , nơi có dòng sông Đồng Nai u tịch, có những di chỉ kỳ hoặc của vương quốc Phù Nam huyền thoại.Tưởng như Lâm Anh có đến hai quê hương. Hơn nửa cuộc đời phía trước , quê anh là Quảng Ngãi,gần nửa đời sau, với ba mươi năm gắn bó cùng Cát Tiên, nên rừng rú  rồi cũng trở thành quê quán.Trà Khúc nước trong, Đồng Nai nước đục, từ lâu rồi niềm trong nỗi đục kia đã hòa vào nhau làm một trong tâm hồn thơ rộng mở của Lâm Anh.Với Lâm Anh, đi cũng là về, về cũng như đi… Cát Tiên hay Quảng Ngãi nơi đâu cũng nặng nỗi ân tình nguồn cội. Vào một ngày mùa đông năm 1984, vùng đất hoang dã Cát Tiên đã đón bước chân của một thi sĩ tài hoa từ Quảng Ngãi tìm đến để rồi giờ đây sau ba mươi năm cũng vào một ngày mùa đông, núi rừng nơi đây buồn bã nhìn người thơ nhắm mắt xuôi tay.. Nấm mồ dưới chân núi Mồ Côi bên giòng sông Đồng Nai  tựa như cánh cửa cuối cùng nhẹ nhàng khép lại để không còn tiếng động nào của cuộc đời  quấy rầy  Lâm Anh an giấc ngàn thu…

     Từ tiếng khóc đầu tiên đến hơi thở cuối cùng, hơn bảy mươi năm làm người Lâm Anh đã bước qua hoan hạnh trùng trùng, sầu đau lớp lớp, lội trong dâu bể thăng trầm, tất cả những trải nghiệm ấy đã được cô kết lại để làm nên một hồn thơ bi tráng.

     Lâm Anh sống vì thơ, sống nhờ thơ, sống cho thơ. Lâm Anh coi Thơ là Đạo, anh vắt kiệt hồn mình, gom nhặt cả  những hơi thở cuối đời để dâng hiến cho thơ, một sự tận hiến tưởng chừng đến độ mê muội bởi Thơ đã mang đến cho anh những lần ân sủng, những phút nhiệm màu cứu anh qua bao phen khổ nạn.

     Mà dâng hiến cho thơ nghĩa là dâng hiến cho cuộc đời.

                               Thì dù ta có còn đôi cánh lá
Cũng vì người mà trổ hết mùa bông

     Thơ Lâm Anh đăng vào lòng người nhiều hơn đăng trên báo chí, thơ anh đi vào đời sống nhiều hơn đi lên diễn đàn. Anh không muôn vậy nhưng tự thân thơ anh tìm cách để tồn tại..Lịch sử quê hương, thân phận con người,ân sủng tình yêu, những chủ đề ấy xuyên suốt qua hàng ngàn bài thơ Lâm Anh đã viết , có khi phơi bày trên từng thi ảnh có khi chìm khuất dưới những ẩn ngữ, mật ngôn…

                                                            *

    Những năm đầu anh đến lập nghiệp ở Cát Tiên, tôi đã có cơ duyên  sống bên cạnh anh.  Đây là khoảng thời gian anh viết thi phẩm Đầu Hôm Sớm Mai. Trong đó có một số bài sau nầy anh chọn ra dưa vào Quá Giang Thuyền Ngược. Trong tập  nầy hầu hết là thơ tứ tuyệt. Anh có ý định viết tập thơ nầy sau khi đọc thơ của hai nhà thơ Ba Tư Oma Khazam và Baba Takhi qua bản dịch của Thái Bá Tân, anh bảo tôi : tôi thích lối viết như là hít là thở của hai nhà thơ nầy. Trong vòng mấy tháng tập thơ xem như hoàn thành. Và ở thi phẩm Đầu Hôm Sớm Mai, lần đầu tiên anh lấy bút hiệu Nguyễn Ba La.

 Đầu hôm dẫn đến sớm mai
Một tên tội phạm làm sai ý trời
Em thay mặt Chúa giữa đời
Phạt tôi phải viết những lời vô duyên
Những lời dại dại điên điên
Những lời trong đục thánh hiền thả sông…
Những lời đỏ lá, vàng bông….

         Trên là đoạn đầu trong bài thơ anh viết thay cho lời đề tựa

      Cát Tiên ngày ấy còn hoang dã, đời sống thiếu thốn, khổ nhọc, thiên nhiên khắc nghiệt, tất cả đều được khắc họa trong thơ anh

Ấy là những ngày sớm mai leo núi
Chiều vượt rừng tối lội đầm ao
Kiếm ốc, kiếm măng, kiếm sò, kiếm cá
Kiếm cuộc đời mình trong ruộng thấp nương cao

           Anh diễn tả những trận mưa rừng rú;

Mưa như lộn ngược lên trời
Sợi nghiêng sợi ngã rối lời khóc than
Ta về đóng chặt cửa hang
Nghe mưa như chốn sa tràng loạn quân…

         Dòng sông Đồng Nai vốn đã âm u khi chảy qua thơ anh lại càng thêm huyền bí

Bên kia vọng bên nầy sông
Tiếng ai như vợ gọi chồng mình ơi
Tự nhiên tôi muốn trả lời
Tự nhiên tôi muốn thả đời qua sông

       Trong tập có những bài thơ lạ, chẳng hạn

 Khi cuốc đất trên đồi bụng đói
Ta thèm cầm một quả núi trên tay
Cắn những miếng ngon lành thơm phức
Khi no rồi nằm ngủ tựa người say….

      Ăn núi rừng no nê rồi mở Bát Nhã Tam Kinh ra ngồi đọc

Đọc Ba La Mật một hồi
Cớ sao ta bỗng đứng ngồi không yên
Giở Kiều ra kiếm Đạm Tiên
Thấy Ba La Mật nằm nghiêng bên Kiều

   Những hình ảnh đời thường thoáng qua, anh  nhón bắt đưa vào thơ mình

Người xà ích dẫn xe về dặm cũ
Nỗi buồn vui dồn trong bước chân qua
Tiếng lóc cóc một âm đàn muôn thuở
Đến cuối đường trời đất vẫn bao la…

    Nỗi cô đơn những khi tỉnh giấc giữa đêm trường

Vỡ tan tiếng dế đầu canh
Mới hay ta ngủ trên cành đìu hiu
Tàn canh sao giống buổi chiều
Bay con bươm bướm buồn thiu qua hồn…

    Và nỗi nhớ quê nhà :

Sáng nay đứng ở đầu sân
Nhớ quê ta bỗng cởi trần ta ra…

     Tập Đầu Hôm Sớm Mai như  một cuốn nhật ký được viết bằng thơ, nơi ấy lưu giữ dấu chân lầm than của một quãng đời áo cơm mỏi mệt,cất giữ bóng nắng hồn mưa của những ngày tháng buồn vui giữa chốn núi rừng

                                                                   *

      Lâm Anh có rất nhiều bạn bè, có người yêu thơ anh, có người thương cuộc đời anh, có kẻ thích con người anh. Tôi chỉ đáng tuổi con anh nhưng được anh xem như một đứa em tinh thần.Chơi với anh đã ba mươi năm, từng chứng kiến và chia sẻ những buồn vui trong cuộc đời anh, khi nghe tin anh qua đời tôi cảm thấy bên đời mình hiện ra một khoảng trống buồn bã …Những ngày nầy tâm trí tôi đầy ắp hình ảnh của anh.Tôi nhớ lại những ngày đầu gặp anh ở quê nhà Quảng Ngãi, lúc ấy tôi chưa tròn hai mươi tuổi. Nhớ những năm tháng sống cùng anh ở Cát Tiên, ăn cùng mâm uống rượu cùng ly, chia sẻ với anh nỗi niềm trong từng bài thơ anh viết hàng ngày… Nhớ những lần  anh từ Cát Tiên về Quảng Ngãi đến nhà tôi chơi, uống rượu đọc thơ, chuyên trò thâu đêm suốt sáng….

      Lần cuối cùng tôi gặp anh là vào một buổi chiều muà đông ở Quảng Ngãi. Anh cùng vợ về thăm mẹ già bị đau nặng.Trong màu nắng vàng vọt nghiêng bên hiên nhà, tôi nhận ra trên khuôn mặt anh, sau  vẻ già nua hốc hác đang khuất chìm một nỗi buồn vô tận.Ngày anh trở lại Cát Tiên tôi không hay, đến nơi mấy hôm sau anh gọi điện về. Lúc ấy đã hơn 10h đêm. Tôi hỏi anh bao giờ thì về lại Quảng Ngãi bởi biết mẹ anh cũng đã yếu lắm rồi.Anh trả lời giọng buồn buồn xa vắng : Không biết bao giờ anh mới về được, chắc là lâu lắm…

    Lâm Anh sống chung với bệnh đã mười năm rồi, anh luôn bị cái chết ám ảnh, nhiều lần gặp nhau hoặc hỏi thăm qua điện thoại, sức khỏe của anh, có khi anh trả lời nửa đùa nửa thật : Tôi sắp chết rồi. Tôi khoái chết…

  Lần nầy thì tôi có linh cảm chẳng lành. Và đó là lần nói chuyện cuối cùng của tôi và anh.

      Đời Lâm Anh, quí nhất là thơ, nỗi ám ảnh lớn nhất đối với Lâm Anh là cái chết. Bây giờ thì nỗi ám ảnh ấy đã được giải thoát sau khi hồi trống hạ huyệt vang lên, điều anh quí nhất thì còn lại, còn mãi…

     Quảng Ngãi 23h ngày 14/ 01/2014
    N.H.D


No comments:

Post a Comment