Wednesday, February 26, 2014

GỬI THƯƠNG NHỚ VÀO SÔNG… - CÂU LẠC BỘ THƠ TRÀ GIANG

GỬI THƯƠNG NHỚ VÀO SÔNG… - CÂU LẠC BỘ THƠ TRÀ GIANG

Link to CÂU LẠC BỘ THƠ TRÀ GIANG

GỬI THƯƠNG NHỚ VÀO SÔNG…

Posted: 26 Feb 2014 12:24 AM PST

bia Tra Giang thương nhớ

GỬI THƯƠNG NHỚ VÀO SÔNG… 

(Đọc tập thơ Trà Giang thương nhớ, tuyển tập nhiều tác giả do CLB thơ Trà Giang, NXB Hội Nhà Văn ấn hành tháng 01/ 2014) 

     Tập sách dày 360 trang, 98 tác giả hầu hết là người quê Quảng Ngãi, trình bày trang nhã, mỗi tác giả có phần tóm tắt tiểu sử và ảnh chân dung trang trọng, thể hiện tấm lòng của những người làm tuyển như tiến sĩ Mai Bá Ấn, các nhà thơ Nguyễn Tấn Xuân, Nguyễn Quang Trần, Hồ Nghĩa Phương…

     Tựa đề của tuyển tập là "Trà Giang thương nhớ", và theo những người làm tuyển, đó là con sông Trà Khúc, tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi, mà Câu lạc bộ Thơ của Trung tâm Văn hóa tỉnh lấy đặt tên cho CLB, nơi qui tụ đông đảo anh em  làm thơ trong tỉnh, và cả những người Quảng Ngãi xa quê làm ăn hoặc công tác ở các tỉnh, thành bạn.

     Quảng Ngãi có rất nhiều con sông, nhưng trong tâm thức của những người con Quảng Ngãi, hầu như khi sinh ra, lớn lên đều gắn bó với một trong 4 con sông tiêu biểu là Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu và Sông Vệ. Trong đó dài và rộng nhất là sông Trà Khúc, đi cùng với núi Thiên Ấn, tạo nên bản sắc riêng biệt của tỉnh Quảng Ngãi. Cũng chính vì vậy mà nhà thơ Tế Hanh, khi tập kết " Xa nhà đi chiến đấu" đã không nguôi thương nhớ về con sông Trà Khúc của quê hương qua bài thơ nổi tiếng "Nhớ con sông quê hương". Hay như nhà thơ Bế Kiến Quốc đã khẳng định một điều: "Sinh ở đâu mà ai cũng anh hung?/ Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông…". Vâng, với người Quảng Ngãi là con sông "Trà Giang thương nhớ"…

     Người xa quê như thi sĩ Lâm Anh (1942 – 2014), ở mãi tận Cát Tiên, Lâm Đồng vẫn nhớ hoài những địa danh, danh thắng của quê nhà: "Thuở mà nhà nào cũng có La Hà Thạch Trận/ Xóm làng nào cũng có Thạch Bích tà Dương/ Tôi phải nhờ Hà Nhai Vãn Độ/ Đưa tình em về Cổ Lũy Cô Thôn…" và " Em ở Bình Sơn mà Sa Huỳnh lẫn lộn/ Trong lênh loang tiếng chim vịt gọi bầy/ Ở Bến Lở, Thu Xà cũng có Ba Tơ, Ba Động…/…Tôi phải dẫn em qua trời Thiên Bút/ Để hồn Phê Vân như đang chải tóc thề…" (trang 8, 9). Rồi hàng loạt các địa danh lạ quen như Ba La, Long Đầu Hý Thủy, Sa Kỳ Điếu Tẩu, Bàu Đĩa…chừng như cũng mang hồn người về một nơi chôn nhau cắt rún, nhớ khôn nguôi?

     Bùi Đức Ánh, cũng người con xa quê, bất chợt chạnh buồn: "Tôi về gặp lại sông tôi/ Chạnh buồn bên lở bên bồi rưng rưng" ( trang 11) vì bởi: " Con vẫn thấy bóng mẹ già tần tảo/ Bên sông Trà – bờ xe nước- trăng khuya" (trang 13).

     Con sông Trà, cầu Trà Khúc từng qua khói lửa chiến tranh, chứng nhân của những bi hùng lịch sử, gắn với thân phận đời người, để Mai Bá Ấn… cầu xin: " Thôi thì…dẫu có tại ai cũng xin những nhịp cầu trở về nguyên vẹn, làm chỗ tựa bình yên cho đôi lứa đợi trăng, cho những cuộc tình bền vũng suốt trăm năm…" ( trang 17), và anh mơ ước: " Giờ sum họp ước mình thành tuổi nhỏ/ ùm xuống sông cùng cút bắt thỏa thuê/ trấn nước nhau cười òa tung bọt trắng/ tay bao dung Mẹ đón các con về" (trang 20).

     Sông, và rồi ai sẽ là người tri âm, tri kỷ để Đoàn Ngọc Hải Âu phải "Đêm treo đồi núi chập chùng/ khuya con mắt đỏ, bập bùng lửa sao…" ( rang 22), và Bùi Văn Cang thì ngắm trăng trên sông Trà, chợt nhận ra: "Giấc hồng thơ ấu vượt qua/ Đáy lòng còn rợn ánh hoa năm nào" (trang 23). Đọc rồi nao nao, bâng khuâng, bởi những dòng thơ, dòng tinh huyết của thi nhân, thi sĩ cứ thủ thỉ, cứ tuôn trào, chất ngất những bóng hình kỷ niệm, tiếc nhớ, tiếc thương một thời hoa bướm, mà chứng nhân dòng sông đã xuôi về phía biển… Âu đó cũng là cảm xúc thật, và chân thành của những người cầm bút. Có nhớ, có thương nào mà không trùng lắp, bởi cuộc sống vốn có nhiều điều cần tâm sự: "Ai giữ cho em đôi bím tóc thề/ Khi ta trót phong sương từ buổi ấy?/ Sông vẫn xanh nên tình xuân vẫn mãi/ Để ta còn những phút bâng khuâng…" ( Viên Chính, trang 38). Hay như Trầm Thụy Du với Khúc thu Quảng Ngãi: "Tôi ngồi lại với mùa thu Quảng Ngãi/ Dòng sông Trà trầm mặc với sương mưa/ Con đò nhỏ về chốn nào xa ngái/ Em có còn tưởng tiếc chuyện ngày xưa?" ( trang 44).

     Gần xa nào thì cũng nên nhớ nên thương, với bao kỷ niệm, và sẽ lặp lại với chính những dòng thơ bơi trong thương nhớ? Tôi muốn tìm sự khác lạ của cung bậc tình cảm người làm thơ, khi cùng chung một dòng cảm xúc về một vùng đất, một dòng sông? Thì đây, Trần Cao Duyên viết: "Tạc vào mắt tôi là đôi mắt em/ Hai giọt rượu đẫm men rừng xa thẳm/ Trưa Hi- mân khói và mây lãng đãng/ Chiêng Hơ- lênh em nói gì mà xao động hồn tôi?" ( trang 45). Để thấy khí phách người xưa trong " Chiều trên thành Quan Chiếu": "Ta đứng trên thành vua Quan Chiếu/ Hóng gió phương Đông thổi rập rờn/ Lá phướn trước sân đình Hổ Tiếu/ Bay như rồng giỡn bóng chiều xuân." (Nguyễn Hoàng Dương, trang 54). Và dễ gì nhận diện chính ta như cô giáo Liên Giang: " …Ta về, ta vẫn chân quê/ Long đong muôn nẻo, ta về, tìm ta." ( trang 70).

     Quảng Ngãi không chỉ có sông mà còn có biển, có đảo, nên chừng mực, âm vang giọng Quảng vẫn như có sóng, có gió, ẩn chứa những yêu thương: "Từ trong nôi đã nghe những âm ba/ tiếng con sóng xô bờ ròng lớn/ xô thuyền ra khơi/ xô lửa vào bếp/ xô khung cửa hồn nhiên vào đôi mắt đẹp/ mắt đốt cháy mùa hoa phượng cuối/ xô đời biết đau…" (Nguyễn Kiên Giang, trang 73), và " Mốt mai dạt những mảnh đời/ Lá đa tháng bảy phận người hoa đăng/ Trầm luân mộ gió, thẻ nhang/ mà canh cánh chở nợ trần gian thêm…" ( Lý Văn Hiên, trang 85). Cây bút nữ Hoàng Lan Quyên, với cảm nhận Lý Sơn: "Mùi tôm, cá, mực thoảng qua/ Mặn nồng, ngai ngái, mấy tòa rong rêu/ Chiều trên bến đảo thân yêu/ Lòng ta thanh thản phiêu diêu mây trời" ( trang 206).

     Ở Chợ Chùa, Nghĩa Hành, Nguyễn Ngọc Hưng viết: "Chưa tin à, thử đến một lần xem/ Để biết vì sao Chợ Chùa đông đúc/ Phiên Tam Bảo là chi mà rậm rục/ Lòng dạ "nhớ ai mà như nhớ Nghĩa Hành" (trang 101). Với Nguyễn Đăng Trình, lúc ở Sài Gòn, "kể lể" về sông Trà: "Dòng sông Trà mùa thu khúc hư, khúc thực/ Khúc rất nên thơ khúc rất nỗi niềm/ Giữa Sài Gòn đôi khi ngồi tặc lưỡi/ Có thể xa mà không thể quên." (trang 295).

     Không thể quên nên ai cũng thương, cũng nhớ, làm sóng sánh, chao bờ sông mất thôi, và cũng thực khó khi cứ phải "lẩy" ra những câu thơ của tất cả các tác giả trong tập, bởi cái lấp lánh của dòng sông, cũng có khi làm khuất lấp cái nhìn của người viết, một chén rượu hòa vào sông cũng thấy "ngọt ngào", huống chi hàng trăm bài thơ của những người con xứ Quảng, đành mong các bạn vị tình mà tự mình nhẩn nha đọc, nhẩn nha thưởng thức, để thấy mối đồng cảm, đồng hương mà tri kỷ, tri âm, hẹn ngày tao ngộ… như ca từ của nhạc sĩ Tấn Xuân: "Dòng sông Trà ngàn đời vẫn chảy. Núi Thiên Ấn vẫn mãi vươn cao… Đi đâu cũng thấy dạt dào. Ở đâu cũng thấy nhớ thương quê mình…".

     Cuối tháng 02/2014

 

TRẦN HOÀNG VY (Tây Ninh)


No comments:

Post a Comment