Monday, July 14, 2014

Học trò Mỹ làm thợ hồ ở Quảng Ngãi

Học trò Mỹ làm thợ hồ ở Quảng Ngãi


Học trò Mỹ làm thợ hồ ở Quảng Ngãi

Posted: 14 Jul 2014 05:23 AM PDT

Ngôi nhà vừa mới hoàn thành phần móng của bà Trần Thị Sĩ, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) có những “thợ hồ” đặc biệt đến từ nước Mỹ xa xôi. Họ làm việc hăng say trong cái nắng đổ lửa miền Trung.

Đó là 15 học sinh tình nguyện người Mỹ. Các bạn vui vẻ chuyển cát, người bê gạch, trộn hồ… Sau khi đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, các bạn quyết định đến Việt Nam tìm tới vùng đất Phổ Thạnh, nơi cuốn nhật ký nổi tiếng ra đời.

Học trò Mỹ làm thợ hồ ở Quảng Ngãi

Các học sinh Mỹ bê đá làm nhà. Ảnh: T.M

Tình yêu từ cuốn nhật ký

Biết đến Việt Nam từ một lần được cựu binh Mỹ Frederic Whitehurst tới các trường THPT ở Mỹ giới thiệu về cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, sự thôi thúc cứ giục giã các cô cậu học trò Mỹ tìm về vùng đất xa lạ. Tổ chức National Geographic Student Expeditions là diễn đàn giúp các bạn thảo luận về chuyến đi đến Việt Nam của mình. Hơn 30 học sinh từ các bang khác nhau của Mỹ đã đến Quảng Ngãi. Họ chia làm hai nhóm tình nguyện ở xã Phổ Thạnh và xã Phổ Châu.

Chuyến đi chuẩn bị từ hơn sáu tháng trước. Ở cách xa nhau, mỗi tuần các bạn thảo luận một lần qua mạng. Olivia Salama (17 tuổi, bang Colorado) là người hăng hái nhất tìm kiếm thông tin về Việt Nam, sau đó truyền đạt lại cho cả nhóm.“Mình biết đất nước các bạn còn nhiều khó khăn, phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, người Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình”,Jon Haines (16 tuổi, bang Florida) vui vẻ cho biết.

Là học sinh, chưa tự lập nhưng các bạn vẫn muốn làm điều gì đó cho Việt Nam. Âm thầm đi làm thêm, gom góp lại các bạn có một khoản chi phí hơn 300 triệu đồng chuẩn bị cho chuyến đi mà ai cũng háo hức. Khuôn mặt dính đầy xi măng sau buổi sáng trộn bê tông, Andy Melo cùng các bạn trong nhóm ngồi bên gốc dừa thở hổn hển, liên tục uống nước vì thời tiết quá nóng. Andy đưa bàn tay phồng rộp phải thoa kem cho đỡ đau, chia sẻ:“Vui nhất là đưa đất vào nền nhà. Lần đầu tiên mình làm công việc này, ở Mỹ công đoạn này người ta dùng máy. Đôi tay muốn rớt ra luôn”,Andy cười tươi.

Hạnh phúc từ những nụ cười

Đi bộ 3km từ nơi đóng quân đến ngôi nhà các cô cậu học sinh Mỹ đang xây dựng, các bạn được tiếp thêm sức mạnh khi nhận được nụ cười thân thiện của người dân. Những cánh tay đưa ra chào nhau, những câu “hello” của người dân khiến các bạn thấy vui vẻ. Đáp lại, các bạn cũng nói “xin chào” dù câu còn chưa tròn vành. Larissa Hughes đến Việt Nam mới tập đi xe đạp khiến ai nấy bật cười khi cô đạp xe.

Ngoài giờ làm, buổi trưa các học sinh Mỹ “bổ túc” tiếng Việt từ những trẻ em vùng biển. Cameron Flagel là người học tiếng Việt nhanh nhất trong nhóm. Sau bốn buổi trưa, Cameron giờ mời mọi người dùng cơm với giọng lơ lớ, lại thúc chủ nhà “ăn đi, không đói à” khiến ai nấy cùng cười. Còn Aliba Nach giờ đã có thể nghêu ngao hát “một con vịt xòe ra hai cái cánh, nó kêu rằng…” được mấy em nhỏ Việt Nam dạy trong lúc làm việc. Aliba nói vui:“Ngay cả tiếng mẹ đẻ mình cũng không thuộc bài hát nào mà nhanh đến thế”.

Món bánh xèo được các học sinh Mỹ đón nhận hồ hởi nhất. Sau khi thưởng thức món bánh xèo nóng hổi, Ali, Cameron, Olivia, Electra trực tiếp vào bếp làm bánh xèo. Cay sè mắt vì khói bếp, nhưng nhờ sự giúp sức của các bạn đoàn viên xã Phổ Thạnh, Olivia cũng đã làm được cái bánh xèo cho mình. Cô nữ sinh 17 tuổi khoe với nhóm bạn:“Không thể tin mình vừa làm được bánh xèo”.

Năm căn nhà tình thương các bạn sẽ cố gắng cùng các thợ xây địa phương hoàn thành trước khi trở về Mỹ để bắt đầu năm học mới. Maya Higgins – trưởng nhóm – chia sẻ:“Tụi mình có thể gửi tiền qua ủng hộ xây nhà, nhưng chính mình làm mới biết ở bên các bạn để có được một ngôi nhà thì phải làm rất mệt. Một chuyến đi ý nghĩa trong cuộc đời”.Chị Sĩ, một trong năm hộ dân được tặng nhà, không giấu được nụ cười hạnh phúc: “Ngôi nhà của tôi sẽ đặc biệt nhất xóm vì được xây lên bởi những “thợ hồ” Mỹ. Chưa bao giờ vui như thế này”.

Theo_Đời Sống Pháp Luật


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Học trò Mỹ làm thợ hồ ở Quảng Ngãi

No comments:

Post a Comment