Sunday, December 14, 2014

NGƯỜI VẼ ĐÀ LẠT BẰNG THƠ – Bài viết của Hà Văn Đạo

NGƯỜI VẼ ĐÀ LẠT BẰNG THƠ – Bài viết của Hà Văn Đạo


NGƯỜI VẼ ĐÀ LẠT BẰNG THƠ – Bài viết của Hà Văn Đạo

Posted: 13 Dec 2014 09:13 PM PST

CHÂN DUNGNGƯỜI VẼ ĐÀ LẠT BẰNG THƠ
Nhân đọc tập thơ " GA NÚI “
của thi sĩ NGUYỄN TẤN ON

Khi bé, những hồi còi tàu mang máng thúc giục vào kí ức tôi về những chuyến đi, những hành trình có khi chưa biết điểm dừng. Nó chuyên chở bao ước vọng. Cũng có đôi khi, những sân ga gợi nên thảng thốt về một tiếc nuối, một ngậm ngùi, một sa xót, một sự chấm dứt. Hoài niệm một thời, tưởng đã ngủ quên nhưng lại bị đánh thức khi đọc tập thơ "Ga Núi" của Thi sĩ Nguyễn Tấn On (NXB Văn Học, 2014). "Đoàn tàu lầm lũi dụi sương/ Tiếng còi kí ức tì đường răng cưa/ Tàu về ga núi reo mưa/ Trong toa tàu cũ môi xưa-nhớ tình…(Ga Núi).

Những câu thơ mở đầu, bật ra trong tiềm thức của sự thiếu hụt, thiếu hụt về những giấc mơ, không phải cho riêng mình. Đồ rằng không có thiếu hụt đó, đã không có thi sĩ. Nét thơ- nét người đúng với trường hợp Nguyễn Tấn On. Quen anh gần 10 năm khi còn là sinh viên văn khoa năm nhất. Mỗi lần cay đắng trước những thị phi lưỡi rắn, những bầy đàn a dua, hợm hĩnh, ganh ghét anh lại trấn tĩnh giúp tôi bằng những ý thơ, bằng cái cười lãng đãng của người không bao giờ biết gieo những tị hiềm. Và tin rằng chẳng kẻ nào có thể đơm đặt, xỏ xiên tôi trước mặt anh. Quý nhau cũng bởi tính người. On làm ngân hàng nhưng lại mê thơ hơn cả mê người đẹp. Quầng quật mưu sinh khi còn học năm nhất, khi chưa rời Đà Lạt, ngày rãnh tôi và anh cứ ròng rã chở nhau đi khắp phố. Gọi anh là bạn lớn tuổi cũng được, là chú, là thầy cũng đều đúng. Tàn mỗi cuộc chơi, đêm lạnh, những cơn mưa Đà Lạt thấy đáng gét đến vô cùng. Ấy thế nhưng Nguyễn Tấn On lại giúp người ta thay đổi cảm giác đó khi; Tháng chạp phố lại chợt dài/ Lá loang màu nhớ dấu hài người qua/ ta về chạm phải mùa xa/ Ướt con đường cũ mưa tha sợi chiều (Chạp nắng).
Chia tay Đà Lạt, có lẽ cái nhớ nhất với người ta là những chỗ ngồi. Càng nhớ hơn khi đó là chỗ ngồi trong sự cô độc nghiền ngẫm hay chỗ ngồi trong nỗi hân hoan với một vài tri kỷ. Càng nhớ hơn khi chạm phải câu thơ của On; Một chút lạnh choàng vai để ấm/ Một chỗ ngồi hoa dại nở vào nhau/ Một chút nắng pha màu bên triền núi/ Một cơn mưa đủ ướt áo cuộc tình. Hồ như những đơn sơ nhất cũng được Nhuyễn Tấn On vẽ lên bằng thơ. Và đôi khi, gió cũng biến thành gió lạ. "Chưa hết yêu sao vội nói chia xa/ Cho giông bão đốn ngã cây vườn nhà/ Qua bao năm ta vun chồng chăm sóc (Gió lạ). Cứ lâu lâu không về Đà Lạt, Anh lại nhắn tin "về chơi, lâu không gặp, nhơ nhớ", mọi kí ức về sự lạnh lẽo của Đà Lạt như tan biến. Càng ấm áp lạ thường khi đọc xong và gập lại tập thơ "Ga Núi" của anh. Quý bạn đọc, quý những tâm hồn đồng điệu nên anh viết; Những xác ướp bằng dầu thông đỏ/ Còn thơ ta sẽ ướp bằng gì/ Bằng tấm lòng của bạn đọc gần xa/ Bằng những nụ hoa ban mai và gió. Chiêm nghiệm lắm có khi tự làm đau lòng mình, nhàu lòng phố, níu lại cũng chỉ là những mong manh. "Ngày hấp tấp bữa cơm trầy trật/ Vội vã yêu, vội vã cuộc tình/ Đi hay chạy, chân cao, chân thấp/ Chầm chập thôi, để thấy được mình (Chầm chậm thôi).
Đà Lạt ban cho người ta đặc ân là cảm giác chầm chậm. Và, thật bất ngờ khi hàng trăm người tôi từng quen biết trên thành phố này, dẫu là ghé qua hay định cư hẳn ở đó thì họ cũng đều biết làm thơ về những nét quyến rũ đến nao lòng của Đà Lạt. Cảm xúc về thành phố với hàng trăm loài hoa như ăn sâu vào nếp nghĩ, luôn thường trực trong họ. Nguyễn Tấn On hay bảo, Đà Lạt chính là nơi để họ thương, họ nhớ như nhớ về ngôi nhà thân thiết của chính mình vậy. Sau bao thăng trầm, thương nhớ, Nguyễn Tấn On trút ra những câu thơ như rút từ đáy sâu gan ruột của mình rằng: Tôi lớn lên cùng Đà Lạt thương/ Thuở cha mẹ gánh gồng rau ra phố/ Tôi trốn học lên Đồi Cù đứng ngó/ Tiếng ngựa dùng dằng hí động trời sương/ Tôi lớn lên cùng Đà Lạt thương/ Mùa dã quỳ nằm mơ trăng hò hẹn/ Tiếng dương cầm chạm vào rêu mái phố/ Bàn tay nào chải tóc chạng vạng sương. Chẳng phải được sinh ra trên thành phố này nhưng đã có hơn 30 năm gắn bó với Đà Lạt, được mệnh danh là người hiền của thi ca Lâm Đồng, bao lần ngồi trò chuyện với nhau, tôi biết anh cùng nhiều người khác đều mê đắm thành phố này như máu thịt mình vậy. Với họ, vạn vật của xứ sở này như hóa thành một sinh thể chứ không còn là những căn biệt thự câm lặng hay những giỏ hoa, những cánh đồng hoa đơn thuần nữa. Có người đi xa nhớ quá, lâu lâu lại quay về nhìn ngắm thành phố như ngắm người tình, Đà Lạt còn có khả năng đánh thức hoài niệm một cách thao thiết. Đôi khi cứ nhìn phố là như trút được bầu tâm sự. Người ta như bớt toan tính, nhiều nhớ thương hơn khi đắm chìm cùng vẻ đẹp của thành phố này. Cũng bởi thế nên, những câu thơ cứ tràn ra để thi sĩ Nguyễn Tấn On làm nên tập thơ "Ga Núi". Những câu thơ, tứ thơ, bìa thơ, giấy in thơ cũng sang trọng và lịch lãm như chủ nhân "đẻ" ra nó vậy. Có cảm giác như anh đã vẽ được trọn vẹn Đà Lạt trong một tập thơ mỏng manh này. .

HÀ VĂN ĐẠO


No comments:

Post a Comment