Saturday, August 22, 2015

ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN VỀ THƠ Của Đặng Toản

ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN VỀ THƠ Của Đặng Toản


ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN VỀ THƠ Của Đặng Toản

Posted: 22 Aug 2015 07:35 AM PDT

ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN VỀ “THƠ” VÀ “VĂN VẦN”

Thơ trước hết là văn vần! Nếu như tất cả các bài thơ đều là văn vần thì chưa chắc những áng văn vần nào cũng là thơ (?).
Cho nên khi nói đến một tập thơ, một bài thơ , người ta hay chủ quan (thực sự ra đa số là văn vần, gọi là “thơ” cho xôm, vậy thôi) và tập “thơ” này nó cũng tất nhiên không vượt qua nổi lệ thường đó!
Người viết có một nhu cầu rất chủ quan, chủ yếu là bày tỏ bộc bạch tâm sự của mình, thể hiện theo một cách riêng, tất nhiên bất cứ cái nhìn nào cũng mang ít nhiều phiến diện.
Tuy nhiên một đời làm “thơ” hay một “tập thơ” mà lưu lại cho người đọc một vài bài, một vài câu gọi là: “thơ hay” (đích thực là thơ!) tức là đã vượt qua ngưỡng cửa văn vần, sống trong lòng người đọc thời gian dài đó; nếu không là vinh dự lớn thì ít ra cũng là một niềm an ủi sâu xa.
Thành thử thơ là một bộ môn nghệ thuật quý trọng về “phẩm” hơn là về “lượng” (lẩn thẩn thật có bộ môn nghệ thật nào mà không quý trọng “phẩm” hơn “lượng” đâu?).
Thơ lấy chất liệu từ đời sống, phương tiện là ngôn ngữ, để làm nên một tác phẩm nghệ thuật bằng chất men là tâm hồn của người viết và cuối cùng là tâm hồn người đọc.
Dường như đa số nếu không muốn nói là hầu hết hay tất cả những người làm thơ “đều” trọng những tâm hồn tri kỷ. Mà tri kỷ thì chẳng có nhiều, lắm khi “một” đã là quá nhiều rồi vậy (!).
Nói như thế hóa ra người ta làm thơ trước hết là giải tỏa ẩn ức nội tâm và đi tìm một (hay những) tâm hồn đồng điệu. Những tâm hồn nhìn cuộc sống với một độ rung cảm như nhau, mặc dầu có thể xuất xứ từ nhiều phương trời hoàn toàn xa lạ.
Nhạc của thơ thì bí hiểm và khó cảm hơn nhạc của một ca khúc hay nhạc của bản hòa tấu (giao hưởng chẳng hạn) không lời.
Một bài thơ sống động, sống lâu có nhiều nhạc tính, sự rung cảm của nhạc trong thơ rất mịn màng và ngân vọng lâu dài trong tâm thức của con người.
Trong thơ luôn luôn có nhạc nhưng trong nhạc chưa hẳn lúc nào cũng có thơ. Đối với họa cũng vậy.
Bởi vậy một bài thơ hay (đúng mức thơ) thường thường rất kỵ phổ nhạc. Phổ nhạc một bài thơ tuyệt hay, thông thường là hạ phẩm giá của nó xuống. Nói như thế không phải để chê nhạc. Nhạc cũng là một bộ môn nghệ thuật tuyệt vời như thơ và Họa cũng vậy.Có điều Nhạc là Nhạc và Thơ là Thơ (chỉ có thế thôi).
Thơ, Nhạc, Họa có thể hòa điệu trong một bản đại giao hưởng của đời sống, trong rất nhiều hoàn cảnh và cung bậc khác nhau, nhưng khi trả về, mỗi thứ lại có một vị trí riêng.
Biết nói sao hơn về những điều dường như mâu thuẩn lạ lùng như vậy(?).
Có hai hạng người làm thơ:
1/ Trí thức (học nhiều) làm thơ bằng NGỮ (chữ viết , và tôn trọng rất nghiêm khắc cấu trúc văn phạm).
2/ Ít học (không trí thức) làm thơ bằng NGÔN (tiếng nói) ít để ý về cấu trúc ngôn ngữ và văn phạm).
Kẻ viết bài này thuộc vào hạng người thứ hai đã nêu. nếu như thỉnh thoảng có viết một vài câu hay bài có mang tính cách “ngữ” nhiều một chút đó là do vô tình, ảnh hưởng văn hóa xã hội mà mình đang sống.
Thơ vô tội.
Nhưng kẻ “học đòi” làm thơ lại vô số tội! Hay ít ra chính hắn lại tự rước tội vào người. Bởi vậy “Thơ” cũng chính là “Nghiệp”.Cái “Nghiệp” nó bắt mình phải viết ra những suy nghĩ bất chợt xuất hiện trong đầu. Tự nhiên khi không, không ai bắt buộc làm thơ (như phải làm lụng để trả nợ áo cơm v.v…). Vậy mà cũng lao đầu vào để nhận tiếng khen (ít) chê (nhiều) và lắm điều thị phi rắc rối.
Không biết người khác ra sao chứ kẻ viết những dòng này luôn tự nhận là mình rất nhiều nông nỗi. và có một số bài thơ viết khi xúc cảm đến, về sau đọc lại cảm thấy mắc cỡ. tuy nhiên cũng “gồng mình” lưu lại gọi là để kỷ niệm một thời còn thơ dại (!).
Có một thể thơ khá phổ biến trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt đó là Lục Bát.
Thơ Lục bát tưởng dễ làm, hóa ra lại khó. Thực sự lục bát là một cái bẫy “dễ thương” và ngụy trang khéo léo vô cùng. Bởi vì đa phần những câu, bài thơ lục bát hay rơi vào văn vần (hoặc vè) nhiều. Có một người bạn già làm thơ đã lâu năm, sống chết với thơ có nói hài một câu: “Có những kẻ làm “thơ” ra “vè” và làm “vè” lại ra “thơ” ”
“tréo cẳng ngỗng ” như vậy.
Bản thân người viết những dòng này cũng suy nghĩ rất nhiều. Một vài suy nghĩ gọi là mở đầu cho một “công trình nhỏ” của một đoạn đời.
Thơ cũng là bút ký, ghi lại một vài (ít nhiều) kỷ niệm của những chặng đường mà người viết đã đi qua và nhũng suy niệm về chặng đường đó. Còn mong ghi lại trong lòng người đọc được điều gì? May ra là một niềm thông cảm.

ĐẶNG TOẢN


XIN CẢ ĐỜI BÁO HIẾU Thơ Nguyễn Thị Thu Ba

Posted: 22 Aug 2015 07:26 AM PDT

XIN CẢ ĐỜI BÁO HIẾU

Con đã chọn mùa xuân về thăm Mẹ
Để thỏa lòng mong ước bấy lâu nay
Trời quê hương mây tím trải rất dày
Mưa xối xả gió lay ngoài khung cửa
Ngôi nhà xưa lem nhem chòm vôi rửa
Nôn nao lòng nhưng ấm áp Mẹ ơi !
Con rất vui và hạnh phúc với đời
Vì còn Mẹ ru hời trong giấc ngủ
Vòng tay rộng Người chở che ấp ủ
Vỗ về con chìm đắm giấc mơ nồng
Dẫu đầy trời rong ruổi cảnh mùa đông
Nằm bên Mẹ ôi lòng êm ấm quá !
Thời gian ơi ! Đừng trôi đi vội vả
Để cho con nhìn thấy Mẹ vui cười
Để cánh hồng trên ngực đỏ thắm tươi
Con ôm ấp xin cả đời báo hiếu
22 / 8 / 2015
NGUYỄN THỊ THU BA


ĐÊM SÀI GÒN NHỚ EM Thơ Trần Thoại Nguyên

Posted: 22 Aug 2015 07:21 AM PDT

ĐÊM SÀI GÒN NHỚ EM

Đêm Sài Gòn một mình anh
Mặc phố người đèn sáng lung linh.
Không có em phố buồn hoang vắng,
Đêm Sài Gòn. Ôi! Quá mông mênh!

Anh nghe gió nói thì thầm
Màu cô đơn sương trắng lặng câm.
Tay gầy guộc vàng theo khói thuốc
Đêm Sài Gòn mắt ngó xa xăm…

Anh ngồi đếm tiếng thời gian
Nụ hôn tình dài theo tháng năm.
Hồn anh kín sao trời thương nhớ
Đêm Sài Gòn nỗi nhớ vàng tâm!

Anh khẻ hát tình ca biển nhớ
Gọi tên em tuyết trắng ngân vang.
Chân lặng lẽ một mình hiên phố
Đêm Sài Gòn phố cũ lang thang.

Đêm Sài Gòn rượu uống không say
Bóng hình em sóng sánh ly đầy.
Thành phố ngủ riêng mình anh thức,
Đêm Sài Gòn nhớ em lăn quay!

TRẦN THOẠI NGUYÊN


No comments:

Post a Comment