TÂM TÌNH MUÔN ĐIỆU
Tôi không biết mở đầu như thế nào khi viết về tập thơ "Tiếng lòng" (Tập I) của Câu lạc bộ thơ Hội Cựu Giáo chức Mộ Đức. Những bài thơ trong tập thơ chảy theo những mạch dòng cảm xúc khác nhau nhưng tập trung lại tạo thành nguồn tâm tình muôn điệu của tập thơ. Đó là tình yêu quê hương đất nước con người Việt Nam nhất là đối với con người trên quê hương Mộ Đức thân yêu này; tình yêu biển đảo, tình yêu nghề nghiệp và nỗi nhớ bâng quơ có chút thầm kín riêng tư… cũng được các tác giả thể hiện trong tập thơ. Tất cả đều tạo nên khúc nhạc trầm bổng trong "Tiếng lòng" (Tập I) của các tác giả Câu lạc bộ.
Trong tập thơ các tác giả có cách thể hiện riêng trong việc trình bày câu thơ dài ngắn khác nhau nhưng tất cả đều viết theo thể thơ truyền thống, thơ tự do. Nói về thơ thì từ xưa đến nay có nhiều người định nghĩa về thơ, bàn về thơ nhưng chưa có ý kiến nào thấu đáo. Trong tập thơ này, anh Lưu Vĩnh Huỳnh đã có suy nghĩ trăn trở về thơ. Theo anh:
Khi lòng ta thầm lặng một nỗi đau
ta víu một nhành thơ xoa dịu
(Thơ – Lưu Vĩnh Huỳnh)
Như vậy theo anh, thơ có sức diệu kỳ, thơ có thể làm cho chúng ta bớt đi bao nỗi đau thầm lặng trong cuộc đời đôi khi ta mắc phải. Thơ cũng là nơi mỗi người trong chúng ta gửi gắm những tâm tình sâu kín nhất của tâm hồn, nơi giải tỏa những bức xúc riêng tư…
Tình yêu quê hương đất nước vẫn là nguồn cảm xúc dạt dào được các tác giả thể hiện, mỗi tác giả thể hiện tuy có khác nhau về câu chữ nhưng tất cả đều nói lên tấm lòng của mình đối với đất nước, đối với quê hương xứ sở. Anh Vệ Giang Nam đã bày tỏ lòng cảm xúc của mình trước cánh đẹp quê hương:
Ai có về thăm chốn quê ta
Nơi có cánh cò về đồng xanh bát ngát
Nơi có ao hồ trong veo ta tắm mát
Có cánh buồm có bãi cát thênh thang.
(Duyên quê – Vệ Giang Nam)
Hay anh Nguyễn Duy Phương nói lên nguồn cảm xúc của mình khi anh đến Huế nhìn dòng sông Hương anh lại nhớ đến dòng sông Trà:
Mai anh về đọc bài thơ xứ Huế
Đêm sông Hương mà cứ ngỡ sông Trà.
(Khoảnh khắc – Nguyễn Duy Phương)
Tình yêu biển đảo cũng là một đề tài tập trung vào trong tập thơ "Tiếng lòng" (Tập I). Anh Nguyễn Ngọc Sơn thể hiện nguồn cảm hứng của mình trước tình hình thực tế của biển Đông:
Em có nghe? Biết bao nhiêu sự thật
Biển đảo quê mình giờ sóng dữ triền miên.
(Em có nghe – Nguyễn Ngọc Sơn)
Biển là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn cho các nhà thơ, nhà văn, cho những người cầm bút, cho những người làm nghệ thuật…Nhưng nay biển đảo ta lại "sóng dữ triền miên". "Sóng dữ triền miên" là cách nói của anh Nguyễn Ngọc Sơn về thực tế biển Đông của chúng ta hiện nay; về thực tế Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta hiện nay…
Lý Sơn hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nơi có đội Hùng binh ngày xưa theo lệnh vua ra để cắm mốc chủ quyền biển đảo và khai thác sản vật cũng trở thành nguồn cảm xúc của nhiều tác giả trong tập thơ này, chị Nguyễn Thị Hồng Tư đã viết:
Lý Sơn mang dáng hình phố đảo
Sừng sững hiên ngang giữ mốc chủ quyền
(Lý Sơn phố đảo – Nguyễn Thị Hồng Tư)
Trong tập thơ, hầu hết là các bài thơ của các anh, các chị đã từng gắn bó với nghề dạy học nay về hưu; trở về với cuộc sống đời thường tìm đến thơ và thơ bộc lộ nguồn cảm xúc của mình đối với trường với lớp. Chị Võ Thị Lệ Phương bộc bạch:
Giáo án kia giờ đã khép lại rồi
Phấn trắng bảng đen, em giã từ tất cả
Cánh hoa cũ ép vào miền ký ức
Tiếng trống tựu trường xa lắc trong em.
(Tình yêu cô giáo – Võ Thị Lệ Phương)
Còn chị Duyên Trân lại bộc lộ dòng suy nghĩ của mình về một ngôi trường mà mình từng gắn bó với bao nỗi nhớ:
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi
Ngôi trường thương yêu
Ta nhớ bao điều…
( Nỗi nhớ – Duyên Trân)
Làm nghề dạy học có cái thú vị riêng. Trong cuộc sống hiện nay nền kinh tế thị trường đã len lõi vào khắp chốn có khi len lõi vào tâm hồn trong mỗi chúng ta nhưng tình thầy trò dù như thế nào đi nữa cũng không chịu ảnh hưởng nhiều. Làm thầy giáo cái niềm vinh dự, cái niềm sung sướng khi nhìn đàn học trò của mình ngày càng trưởng thành trong cuộc sống. Chính vì vậy Hà Quảng có viết:
cuộc sống đôi khi nhiều điều ngang trái
nhưng tôi luôn nhận được niềm vui.
(Tiếng lòng – Hà Quảng)
Niềm vui của Hà Quảng cũng chính là niềm vui của những người thầy, người cô đã từng yêu thương, tận tụy với học trò của mình trong những tháng năm còn đứng trên bục giảng hay lúc đã nghỉ hưu.
Tình yêu lứa đôi trong nỗi nhớ bâng quơ cũng được thể hiện nhiều trong tập thơ, anh Lê Thanh Phách bộc lộ:
Là tôi thương nhớ một người
Đêm phơi ước mộng lên mười ngón thưa.
(Riêng tình – Lê Thanh Phách)
"Đêm phơi ước mộng" là cách nói riêng của anh Lê Thanh Phách về một nỗi nhớ thật mông lung với bao trăn trở nhưng rồi cứ để trong lòng, không muốn nói ra, không muốn ai biết mà bao đêm mình đã trăn trở. Thật thú vị và thật độc đáo khi nỗi nhớ ấy vẫn còn đọng lại trong lứa tuổi của những người như chúng ta đây. Và chính những điều đấy đã tạo nên những câu thơ độc đáo khi viết về tình yêu, viết về cái muôn thuở của thi ca.
Viết về tập thơ "Tiếng lòng" (Tập I) còn bao điều tôi muốn đề cập đến nữa. Nhưng thôi! Cứ để tác phẩm tự nói lên tất cả những điều mà anh chị em trong Câu lạc bộ thơ Hội Cựu Giáo chức Mộ Đức thể hiện lòng mình. Đó là tâm tình muôn điệu của người cầm bút tỏa ra từ tập thơ. Và một điều tôi mong muốn bạn đọc, cảm nhận tập thơ với tấm lòng chia sẻ, đồng cảm trong niềm hân hoan để đón nhận những tập thơ "Tiếng lòng" tiếp theo của Câu lạc bộ thơ có chất lượng hơn.
Bờ Nam sông Vệ, những ngày đầu tháng 12. 2015
Hà Quảng
No comments:
Post a Comment