Monday, October 16, 2017

NGUYỄN TẤN THÁI Viết.”ẨN NGỮ – SÁNG TẠO TRONG ( PHƯỢNG XƯA Của Nguyễn Tấn On )

NGUYỄN TẤN THÁI Viết.”ẨN NGỮ – SÁNG TẠO TRONG ( PHƯỢNG XƯA Của Nguyễn Tấn On )


NGUYỄN TẤN THÁI Viết.”ẨN NGỮ – SÁNG TẠO TRONG ( PHƯỢNG XƯA Của Nguyễn Tấn On )

Posted: 15 Oct 2017 10:00 PM PDT

NGUYỄN TẤN THÁI VIẾT. ẦN NGỮ SÁNG TẠO – TRONG PHƯỢNG XƯA CỦA NGUYỄN TẤN ON

ẨN NGỮ-SÁNG TẠO TRONG
"PHƯỢNG XƯA" của Nguyễn Tấn On

Hiện tại trong cuộc sống tất bật đời thường vẫn còn có những con người miệt mài với từng trang viết, kham khổ, đánh vật với từng câu chữ văn chương, trăn trở với từng gam màu, nét bút, thâu đêm với từng dòng nhạc, hợp âm…là một điều đáng quý, đáng trân trọng .Trong số những con người đáng quý ấy có nhà thơ Nguyễn Tấn On, tác giả của "Phượng xưa".Tôi chưa hề trực diện gặp anh, chưa từng thẩm định văn chương cùng anh. Chỉ gặp nhau qua những bài thơ in trên các tạp chí và sự hạnh ngộ qua tập "Phượng xưa" (NXB Vănnghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001)
Tập "Phượng xưa" gồm 50 bài và một nhạc phẩm "Chiều Đà lạt"(do Phạm Anh Trung phổ thơ Nguyễn Tấn On).Độ dày của tập thơ vừa phải đủ để người đọc cảm thức phần nào nỗi niềm thi nhân gởi gắm trong đó.
Tôi không có ý định trình bày suy nghĩ của mình về toàn bộ các khía cạnh ẩn chìm trong tác phẩm, chỉ xin giải bày đôi nét về ẩn ngữ sáng tạo qua thi tập này.
Với bài mở đầu "Tiếng thời gian", tác giả nhẹ nhàng diễn tả bước đi thời gian từ
chiều tà dịch chuyển sang bóng tối của một ngày qua hình ảnh người em " cầm vạt nắng" chiều .Người em ấy hờ hững đánh rơi một hồi chuông giáo đường trong chiều lấp lóa nắng xuân. Nguyễn Tấn On sử dụng các biện pháp tu từ, từ vựng ( nhân hoá, ẩn dụ, cường điệu…) một cách tự nhiên, thuần thục nhằm chuyển đổi ý nghĩa thực-thường dùng của từ ngữ sang nét nghĩa ẩn- mới lạ hơn để diễn tả những biến thái tinh tế của tâm tư, tình cảm nhân vật trữ tình.
MÙA ĐẦU. HẠ. ĐÀN PHƯỢNG . NGHIÊNG MÙA… đêm đến cho người những tiếp nhận thú vị lạ lẫm, những biến thái tinh vi của một hồn thơ đa chiều cảm xúc.
Tiếng trống trường thường gợi cho người tiếp nhận ẩn dụ cảm giác về âm thanh bỗng trở nên cụ thể hơn, có hình khối hơn khi tác giả dùng ẩn ngữ sáng tạo :

Bâng khuâng
Vấp tiếng
Trống trường
Hồn ta té ngã
Hạt sương đầu mùa

Tương tự như thế, người cảm thụ thơ dễ dàng rung ngân, thấy là lạ bởi lối diễn tả linh diệu, uyển chuyển"Giật mình rớt một tiếng ve, nghiêng mùa" ."Phượng về vá lại chỗ nằm" và "Búp tay nắm vội.mắt chiều đỏ hoe" .
Tác giả chọn một góc quan sát nhạy cảm và cố gắng phát hiện, nắm bắt trong những mảng màu, hình ảnh bình thường hằng ngày cái "chất thơ" ," chất nhạc":

" Trời mưa ướt cả tiếng chuông
Ướt bông phượng tím ướt nguồn thơ tôi"

Không rõ bông phượng tím bị ướt mưa, hay tiếng lòng thi nhân đang ướt sũng nỗi niềm do MÙA PHƯỢNG TÍM đem lại . Chính "nguồn thơ" bị ướt sũng ấy đã bật lên âm điệu chan hoà cùng tạo vật nhiên thiên" Mây qua phố nhỏ bỗng đùn . Hoàng hôn cũng mất nắng dừng vai thơm".
Đọc thơ Nguyễn Tấn On ít thấy mệt mỏi, choáng ngợp vì những triết lý khô khan giả tạo, xa lạ với con người mà ta thường gặp trong một số thơ ca manh nha xuất hiện ( hay thơ ca ấy quá cao thâm, người đọc khó đủ trình độ tiếp
thu!) . Trái lại, những gì gần gũi, cụ thể diễn ra xung quanh, qua lăng kính thẩm
mỹ của nhà thơ, trở nên lấp lánh chất thơ, lôi cuốn độc giả . Có lẽ, LỜI ĐÁ là bài thơ ẩn chứa triết lý sâu xa( nhưng không cầu kỳ, bí hiểm) về mối quan hệ giữa "hồn sông","hồn suối" và thân phận hiện hữu của con người trong vũ trụ bao la tiềm tàng nhiều điều kỳ diệu chưa được khám phá:

Ta chỉ là đá cuội
Lăn vào hồn mai sau
Ngày có vội qua mau
Ta vẫn mang hồn núi
Mai cạn qua con suối
Ta ôm bờ cỏ lau…

Những dòng nhạc sâu lắng, đầy chất suy tư của Trịnh Công Sơn bất chợt sống dậy trong hồn tôi qua lời thơ "lốc xoáy" của Nguyễn Tấn On "…từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe" và " Lại thấy trong ta hiện bóng con người" Không biết giữa hai con người từng sinh ra, trưởng thành trong thế kỷ XX này có một sự hoà điệu, Giao cảm nào khác, ngoài văn chương và âm nhạc ?

"Giữ dùm một chút nắng
Cho ấm bờ hoang vu"

"Chút nắng" mà anh nhắn gởi, chúng tôi sẽ thay anh giữ hộ và ấp ủ mãi nó trong lòng khi đọc thơ Nguyễn Tấn On.Đôi lúc đọc thơ anh, tôi liên tưởng mình đang đứng trên bờ hồ Xuân Hương, hồ Than Thở. Trên bờ, nhìn thoáng qua, chỉ thấy sóng lăn tăn trên mặt nước. Nhưng muốn thưởng thức cái đẹp kỳ vỹ, ta thử lặn sâu vào đáy hồ lục sạo, tìm kiếm trong ấy có những bí ẩn hấp dẫn nào.
Tôi đã không hoài sức, phí công khi sục sạo trong đống câu chữ "Phượng xưa" để tìm ra tinh thể lóng lánh sắc màu:

"Sớm mai Chiêm nữ lên đền hát
Chân múa chạm mòn đất, gạch, vôi"
( Hành hương )
Em sơn nữ gùi bóng chiều xuống phố
Khu Hoà Bình chùm phượng tím rưng rưng
(Chiều Đà Lạt)

Ắt hẳn vũ điệu Chăm lưu dấu tích trên đền đài, cổ tháp khiến hồn thơ xáo động mãnh liệt đến độ"chạm mòn đất, gạch, vôi" trêntường xưa, vách cũ.Một Xuân Diệu táo bạo, nhân văn khi gợi cảm "Tháng giêng ngon như một càp môi gần". Còn Tấn On lại đằm thắm, trữ tình khi cảm được mùi "thơm lừng hương cây cỏ", " cười nụ tháng giêng", nghe "tiếng tách vỏ đâm chồi"." hạt trổ mùa bông" của " Tháng giêng" mở đầu năm mới.Không chỉ giao cảm với cuộc sống- con người, không chỉ dự cảm về tương lai- thời sẽ đến,thơ của tác giả "Hồn quê" dấn thân đào xới , khai thác cách thể hiện khác lạ,buộc người đọc ngẫm nghĩ, suy tư tìm ra ẩn số dưới bề mặt chữ, câu."Hồn cát" là minh chứng cho hướng khai phá mới này:

"Gió xô bỏng xước cành thương
Trổ hoa giữa cõi vô thường cát ơi"

Ngọn gió- vô thường trong cõi thế tục khiến thi nhân rát bỏng nỗi thương đời, thương mình. Đêm về bên "rượu tràn ly", thi sĩ đắm chìm trong nỗi nhớ về "tháp Hời sử thi", về"mắt ai hoang dại"…để hồn thơ"trổ hoa giữa cõi đời thường"
Lần theo từng trang thơ "Phượng xưa", ta cũng dễ bắt gặp kiểu ẩn ngữ sáng tạo mà người con đất Quãng Ngãi dụng công thể hiện . Đó là "Dáng em mềm như lửa" ."Núi và biển thực lòng như lửa". Và đó cũng là:

"Em dậy thì đắp mảnh trăng Vỹ Dạ"
Tôi không dụng ý đi sâu mổ xẻ, phân tích tỉ mỉ cái hay, cái đẹp của từ ngữ thơ, hình ảnh thơ trong "Phượng xưa". Chỉ mong muốn góp chút thành tâm đối với người bạn thơ cư ngụ nơi xứ sương mù – Đà Lạt. Hy vọng bài viết như một sự tri âm của kẻ trót lỡ yêu thơ ca, chân thực bày tỏ một đôi điều.

Nguyễn Tấn Thái


CHÙM THƠ Của Lê Nghị

Posted: 15 Oct 2017 09:46 PM PDT

CÔNG PHU CHIỀU
Ta về
nương cửa Từ Bi
Rồi ra sông
gánh sân si
về chùa
Ngông nghênh
níu cuộc hơn thua
Chợ chiều ế
mấy ngồng dưa
đượm vàng
Bán thêm một cái đoan trang
Lấy tiền chuộc
ánh trăng vàng dưới sông
Ừ thì …sắc sắc không không
Sa la mấy cánh
kinh không tự vần
Ngửa tay
hứng giữa phù vân
Giọt mưa phiêu bạt
một lần mộng du
Ừ thì …
cạo tóc đi tu
Ừ thì …
tôi
cũng đã mù sa
tôi
Ta về
lần bức tường tôi
Vết loang lổ
khắc
một đời ngô nghê

TỰ KHÚC
Nửa khuya đọc chữ Nam mô
Hóa ra tôi
cũng đã hồ nghi
tôi
Cổng chùa khép mở mấy hồi
Thì ra hành khất xong thời công phu
Ngoài kia trời chuyển sang Thu
Vàng sân đọng chút sương mù
ngủ quên
Tựa lưng vào những bấp bênh
Vịn cây cỏ dại
nổi nênh mấy mùa
Tôi ngồi nhặt cái hơn thua
Chép kinh vô tự
lọc lừa nhân gian
Đỏ
xanh
tím
trắng
hồng
vàng
Trộn đi,
chỉ một ngổn ngang
trong ngần

BÊN BỜ SÔNG MÊ
Con chàng hiu nép mình vào nách lá
Ơ hờ giữa những câu kinh
Giọt chuông hững hờ buông
Phất phơ tờ kinh cũ
Tôi ngoái đầu nhìn lại
Bến bờ phủ kín sương mai
Ngọn nến hồng leo lắt
Thời công phu cũng đã sớm lụi tàn
Khuya hay chiều cũng chỉ một âm vang
Nam mô Phật
Nam mô tôi
Nam mô ngàn xưa cũ
Đã tháng Bảy rồi sao mưa chưa vần vũ
Hay nhường cho Ngâu
Hay nuối Hạ xa vời
Tay lạc điệu, mõ chuông đành lỗi nhịp
Chiếc lá vàng không đậu xuống sân rêu
Ngập ngừng mõ
Ngập ngừng chuông khánh
Ngập ngừng tôi, cánh cổng phía mịt mờ
Đốt câu thơ
U mê kinh kệ
Nhạt thếch ngày
Tôi đi tìm tôi
U Minh thất, thời công phu khuya 26082017
LÊ NGHỊ


No comments:

Post a Comment