LÊ THANH PHÁCH Posted: 08 Jun 2018 12:44 AM PDT LUỐNG CÀY Người gieo hạt vào cánh đồng Sau luống cày vỡ hoang Trên quê hương ngày tàn cơn lửa đạn Ơi con sông Trà hiền lành Chao nghiêng cho cánh đồng no hạt Giọt mồ hôi mỡ đất yên thành Tôi mang đời tự do đi khắp quê hương Lời thơ ngợi ca người lính Chiến tranh ngược xuôi trận mạc Thanh bình vỡ ruộng cày nương Niềm tin thắp lên bình minh những nẻo đường Tiếng gà đồng hành gọi ngày thức dậy Luống cày quê hương Mồ hôi mặn đắng, nước mắt lật vào trong Với mưa nguồn gió bể ngang đỉnh trời Thiên Ấn Mang ơn người nghĩa nặng với tình thương Ngày chúng tôi cầm súng lên đường Ngậm ngùi trước cổng trường đại học Mơ một ngày biên giới bình yên Rồi ngày chân đưa khắp mọi miền Những cánh đồng rộn ràng mùa gieo hạt Sau luống cày nồng nàn hơi thở Ký thác con đường về những ngày phồn thực Mùa màng hưng vui ơn người giữ đất Bao lớp người qua ruộng lúa vẫn thẳng hàng Luống cày bình minh xứ sở. NGÀY NHỚ BÊN SÔNG Ai gọi đò ơi bên sông Mà nghe chiều lặng lẽ Bờ lau thưa kéo lại góc thu xưa Nắng ngày đổ ra sân ai nghiêng nón đầy chiều Có niềm vui tóc dài môi mắt xuân thời Đồng quê ơi! Đồng quê Sau mùa gặt hái Thơm rơm vàng nhuộm lối về Bóng sầu đông nghiêng vườn tâm sự Một mùa no ấm thôn trang Mái đình thâm nghiêm chiêm bái rêu phong cố hương Bước chân đi nghe hoài vọng Khoảng trời theo mây trắng bay Ngỡ khói làng lên từ chái bếp ngày đông Mẹ xông chiều ấm lại bước con trên đường viễn xứ Tha thiết tiếng gọi bên sông rong đời lữ thứ Muộn màng ngày rơi ai lỡ bước đường Ta đấy ư! Ngày xưa thương mến ạ! Nhà nghèo từ thuở mười lăm Để lại bên gò hoang có nấm mộ mẹ nằm Khuất ngàn cỏ dại Bóng cha thoáng trong đêm theo đoàn quân Qua sông trước giờ pháo sáng giao thừa Quê hương chưa một lần về Tôi đợi Người qua bến sông quê Ơi con chim chiền chiện Nhạc lòng bâng khuâng trên đồng chiều ươm nắng Tơ vàng ngày ấy ai đan Rối bời bờ tre sau lũ Tôi đi tìm lời ru mà cánh cò đã lả từ hôm Tắt nắng mom sông trưa trờ buổi chợ Có ai như tôi ấm ớ làm thơ Hơ ấm tình quê lửa khói về trời Thương lắm quê ơi! |
No comments:
Post a Comment