Tuesday, September 9, 2014

Ký họa về chiến tranh của người lính – Bài viết của Trịnh Chu

Ký họa về chiến tranh của người lính – Bài viết của Trịnh Chu


Ký họa về chiến tranh của người lính – Bài viết của Trịnh Chu

Posted: 08 Sep 2014 11:09 PM PDT

Ký họa về chiến tranh của người lính

Họa sĩ Phạm Mùi quê gốc Quảng Ngãi. Năm 1954, ông theo bố mẹ tập kết ra Bắc. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, đúng dịp Noel năm 1966, Phạm Mùi đã lên đường vào miền Nam. Suốt 4 tháng ròng vượt Trường Sơn, tháng 4 năm 1967, ông được phân công về làm cán bộ tuyên truyền ở Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Ngãi. Trong 9 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, Phạm Mùi đã vẽ hơn 1.000 tranh ký họa. Hiện Họa sỹ Phạm Mùi sống và vẽ tại TP Đà Lạt.

     Giờ nói đến tranh ký họa chiến trường, người có đầu óc kinh doanh hẳn sẽ cho rằng loại tranh này khó lòng tìm được chỗ đứng trên thị trường tranh đương đại. Nhưng với những người lính kinh qua cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, nhắc đến tranh ký họa chiến trường là dư âm của tiếng súng đầu tiên lại dội về. Cùng với đó, là ký ức về một thời đỏ lửa, nơi tuổi xanh họ đã sống và cống hiến.

"Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, phải chăng ký họa là một hình thức "tác chiến" có nhiều lợi thế?" – Tôi mở đầu cuộc trò chuyện. "Người lính ra trận là để chiến đấu. Tuy nhiên, với những người được đào tạo về mỹ thuật như chúng tôi, ngoài nhiệm vụ chiến đấu còn kiêm thêm cả việc vẽ. Vẽ cũng nhằm mục đích phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng. Điều kiện chiến tranh ngặt nghèo cả về thời gian, không gian lẫn phương tiện, nên ký họa là phương án tốt nhất được chúng tôi lựa chọn để ghi lại các góc nhìn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta giai đoạn 1967 – 1975" – Họa sĩ Phạm Mùi nói.

Họa sĩ Phạm Mùi quê gốc Quảng Ngãi. Năm 1954, ông theo bố mẹ tập kết ra Bắc. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, đúng dịp Noel năm 1966, Phạm Mùi đã lên đường vào miền Nam. Suốt 4 tháng ròng vượt Trường Sơn, tháng 4 năm 1967, ông được phân công về làm cán bộ tuyên truyền ở Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Ngãi. Trong 9 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, Phạm Mùi đã vẽ hơn 1.000 tranh ký họa. Bộ tranh này được ông đem triển lãm lưu động phục vụ kháng chiến ở chiến khu, vùng giải phóng, kể cả trong vùng địch chiếm (những đêm du kích làm chủ). Một số bức trong bộ tranh đó đã được chọn đi dự triển lãm ở Hà Nội và Paris. "Sau Tết Mậu Thân năm 1968, tưởng tôi đã hy sinh, các anh em ngoài Hà Nội có tổ chức triển lãm tranh ký họa chiến trường của tôi để tưởng niệm tôi tại số 51 đường Trần Hưng Đạo" – Họa sĩ Phạm Mùi nhớ lại.

Những năm sát cánh cùng đồng đội, chứng kiến từng giây phút giành giật giữa sự sống và cái chết, hình ảnh người chiến sĩ giải phóng anh dũng, quả cảm trong bom rơi, đạn nổ luôn là hình ảnh đẹp mà Phạm Mùi muốn ghi lại. Và, ông đã lặng lẽ ghi chép lại một cách chân thực nhất những hình ảnh hào hùng đó bất kỳ lúc nào có thể. Cầm trên tay những bức ký họa chiến trường, Phạm Mùi chú thích: "Đây là bức tranh Thùy và thương binh, vẽ về bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Còn đây là bức tranh Hành quân, Nữ chiến sĩ, Tình đồng đội… Đây nữa, là bức Những ngày khốc liệt".

"Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, thì tình yêu cuộc sống, yêu nghệ thuật vẫn luôn là động lực để người lính sống và vẽ" – Họa sĩ Phạm Mùi nói như tâm sự với chính mình. Theo Phạm Mùi, cách nhìn nhận và đánh giá về loại tranh này hiện nay cũng rất khác nhau. Có người bảo quan trọng, có người bảo không. Cá nhân ông thì cho rằng tranh ký họa chiến trường có thứ mà các dòng tranh bây giờ không thể có được, đó là hoàn cảnh lịch sử. "Tranh ký họa chiến trường không chỉ là những tư liệu ghi chép chân thực về lịch sử, mà còn là những kỷ vật của một thời đại hào hùng. Bản thân những bức tranh cũng là chứng nhân lịch sử, giờ xem lại tôi vẫn rất xúc động!" – Phạm Mùi chia sẻ.

Trong số hơn 1.000 bức ký họa bằng chất liệu màu nước mà ông đã vẽ suốt 9 năm kháng chiến, hiện Phạm Mùi chỉ còn giữ được hơn 350 bức. "Nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật trong và ngoài nước, có cả người Mỹ đã đến hỏi mua, nhưng tôi không bán. Tôi muốn giữ lại cho con cháu. Nếu con cháu không giữ, tôi sẽ tặng nhà bảo tàng bộ tranh này" – Phạm Mùi cho biết.

        Họa sĩ Phạm Mùi, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong 9 năm kháng chiến chống Mỹ, ông đã vẽ hơn 1.000 tranh ký họa. Năm 1985, Phạm Mùi đoạt giải ba Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, với bức "Đấu tranh đòi nợ máu" và giải ba Cuộc thi phác thảo mẫu tượng đài toàn quốc, với đề tài "Giải phóng Nha Trang". Năm 1999, bức sơn dầu "Chúng tôi cần quan tâm giúp đỡ" của ông đoạt giải ba Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tác giả : TRỊNH CHu

PV.Báo Lâm Đồng

  • Bài đã đăng trên Báo Lâm Đồng cuối tuần

No comments:

Post a Comment