NHẠC TRỊNH- ĐÔI DÒNG TƯỞNG NIỆM
1.Chiều mưa năm ấy, trên căn gác nhỏ, hai chị em gái nằm gác chân lên nhau, đầu gối tay, nhìn ra khung cửa sổ.Ngoài ấy là vòm cây trứng cá lá xanh rờn điểm những hoa trắng li ti đang nhỏ từng giọt mưa xuống con đường Quang Trung dài hun hút, thưa vắng bóng người. Ngắm mưa, nghe mưa và nghe nhạc là thú vui của hai chị em vào những chiều đông rảnh rỗi .Bài ca trong băng cassette chị mới mua về làm em gái giật mình…" Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động. Làm sao em biết bia đá không đau?…" Lần đầu tiên cô bé nghe một ca khúc lạ thường như thế. Ca từ và hơi nhạc làm xao động tâm hồn cô bé tuổi mười lăm, lứa tuổi đang nao nức rộng mở cõi lòng đón nhận những điều mới mẻ, lứa tuổi bắt đầu biết lắng nghe từng sợi tơ rung nhẹ trong trái tim mình.Cô nhìn mưa, lạ lẫm như chợt thấy lần đầu.Mưa như một lời hẹn ước, một chờ đợi mơ hồ, một nỗi lòng khắc khoải ." Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng.Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…" Bài ca khép lại ở đó , đồng thời mở ra một chân trời mới trong từng cảm xúc, từng cảm nhận của cô gái. Nhạc Trịnh Công Sơn đã lưu lại trong lòng cô. Và không phải chỉ mỗi mình cô…
2. Quảng Ngãi dần dần mọc lên những quán cà phê mang tên Diễm Xưa rồi Hạ Trắng , Biển Nhớ, Mưa Hồng…Chưa biết cà phê ở đó ngon dở thế nào, chỉ cần nhìn tên quán- tên những ca khúc TCS- là người ta sẵn sàng bước vào với niềm háo hức như đến một nơi hò hẹn thân quen.Ở đó ranh giới tuổi tác không còn. Bên ly cà phê, bên tách trà, họ lắng nghe giọng ca Khánh Ly truyền đi cái chất nhạc mang- mang- nỗi- buồn- thánh- thiện và thấy gần gũi nhau vô cùng.Những người già như thấm thía hơn nỗi đời. Những cặp tình nhân dường như đang học cách yêu thương từ ca khúc của Trịnh.Tình yêu trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng, bao dung. Có tìm đến nhau, có hò hẹn, có mong chờ. Giận hờn đấy, buồn đau đấy, xót xa chia lìa đấy nhưng dường như tình yêu không hề tan vỡ, không hề biến mất mà cứ khói sương lãng đãng suốt một đời. Những chàng trai mười bảy, mười tám thuở ấy thường mượn một chỗ ngồi trong quán , nghe nhạc để làm thơ, để ngóng đợi người mơ, một tà lụa trắng, một suối tóc mềm, một bờ vai nhỏ, tiếng guốc khẽ khàng trên hè phố để rồi nhờ nhạc nói hộ nỗi niềm. " Em đi qua chốn này…sao em đành vội. Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài…" Lời ca cuốn theo bước chân" người ấy" như một lời ngỏ nhẹ nhàng, kín đáo, cũng có thể là một cách trêu ghẹo dễ thương chẳng làm cho ai phải bực mình.Nhưng đâu phải chỉ có những tình ca đến với lòng người….
3. Năm 1972, 1973… với những đêm lửa trại ở các trường học phố Quảng. Bầu trời lấp lánh sao. Những đôi mắt lấp lánh dõi theo ngọn lửa hồng bốc cao, hừng hực.Tiếng ca bay lên …" Mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng. Trời rộng bàn tay ta nắm nối liền một vòng Việt Nam…nối liền một vòng tử sinh…" Không có buổi sinh hoạt nào thiếu những lời ca ấy. Những lời ca đưa tình người gần lại.Từng đóm bụi tro sáng lên cùng ánh lửa rồi lụi tàn, mất hút giữa không gian tối đen gợi lòng ta liên tưởng đến cái hữu hạn, cái mong manh của một kiếp người. " Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi mệt nhoài. Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi…" Tiếng động ấy là nhịp thời gian hay tiếng đinh đóng vào cỗ quan tài? Sống trong một hiện tại đầy rủi ro bất trắc, tương lai là một dấu chấm hỏi lớn thì cái chết là nỗi ám ảnh của con người dù đang ở tuổi đôi mươi. " Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…Đại bác đêm đêm tương lai rụng vàng. Đại bác nghe quen như câu dạo buồn…" Tuổi trẻ phố thị dần dần nhận diện chiến tranh và thân phận con người từ những" Ca khúc da vàng", " Kinh Việt Nam" luôn được hát vang trong những đêm lửa trại, trong những đoàn du ca ngày ấy.Ca khúc Trịnh Công Sơn, tâm hồn chàng phiêu lãng họ Trịnh, đã thấm vào chúng tôi từ những năm tháng tuổi trẻ cho đến tận hôm nay và chắc chắn sẽ lưu lại mãi đến khi chúng tôi giã biệt cõi đời. Tôi chỉ biết nói " Tạ ơn ông".Ngày ông mất tôi không có cơ duyên đưa ông về với đất. Ngày 1- 4 năm nay có ai đó đến viếng ông xin ngắt giùm tôi từng đóa hoa hồng trắng tung nhẹ lên phần mộ ông thay lời tưởng niệm.
TRẦN THỊ CỔ TÍCH ( 2005)
No comments:
Post a Comment