Dấu tích miệng núi lửa cổ ở vùng biển Bình Châu |
Dấu tích miệng núi lửa cổ ở vùng biển Bình Châu Posted: 06 Oct 2015 11:04 PM PDT Miệng núi lửa rộng 30 m2, rạn san hô cộng sinh dày đặc trên các đảo đá trầm tích… khiến vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) được ví là Di sản địa chất hiếm hoi thế giới. Dấu tích miệng núi lửa cổ rộng khoảng 30 m2 sát mép biển ở mũi Ba Làng An (xã Bình Châu). Tiến sĩ Phạm Quốc Quân – Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho hay, việc phát hiện dấu tích miệng núi lửa này tạo nên nét đặc biệt hiếm có ở vùng biển đảo Việt Nam. Bên trong dấu tích miệng núi lửa cổ chứa đầy rong rêu, cỏ và nước biển. Các nhà khoa học nhận định, miệng núi lửa cổ này dù nằm sát mực nước biển nhưng còn nguyên vẹn, có niên đại sớm nhất khoảng 11 triệu năm. Quanh năm liên tục bị tác động sóng gió nhưng miệng núi lửa cổ nằm sát mép biển vẫn còn nguyên vẹn. Hệ địa hình sinh thái trải rộng ra khu vực xung quanh với nhiều bãi đất bazan, cột đá balad trông khá độc đáo. Sau ba tháng khảo sát, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định, vùng biển Bình Châu tích hợp nhiều giá trị di sản văn hóa biển, địa chất độc đáo. Ngoài dấu tích miệng núi lửa cổ, các nhà khoa học còn phát hiện dưới đáy biển Bình Châu "Nghĩa địa tàu cổ đắm", đảo đá trầm tích với nhiều rạn san hô nhiều màu sắc sống cộng sinh. GS.TS Nguyễn Hoàng – Chuyên gia Viện Nghiên cứu địa chất, địa mạo (Nhật Bản) ví nơi đây là kỳ quan "Vịnh Hạ Long trầm tích núi lửa". Đây là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, thu hút khách, nhà khoa học đến tham quan lặn biển và nghiên cứu. Tiến sĩ Hoàng cho hay, địa chất vùng biển kiến tạo từ hoạt động núi lửa có niên đại 6 đến 11 triệu năm trước. Rạn san hô cộng sinh dày đặc trên các đảo đá trầm tích núi lửa trải rộng khoảng 24 km2 dưới đáy biển. Trải qua thăng trầm thời gian, bãi đá trầm tích quanh miệng núi lửa cổ bị tách chia thành nhiều cụm. Mỗi lần sóng biển vỗ bờ, nước tung trắng xóa chảy thành vệt dài theo kẽ đá hệt như những dòng suối. Hiện, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với một công ty mời các chuyên gia hoàn chỉnh hồ sơ di tích tàu cổ đắm cùng với di sản địa chất ở vùng biển Bình Châu, trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Với kết cấu địa chất quần thể đá bazan, đất đá ong, vết tích nham thạch núi lửa phun trào dày đặc, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam từng đề xuất xây dựng mũi đất Ba Làng An (vùng biển Bình Châu) cùng với Ghềnh đá đĩa Tuy An (Phú Yên) và quần thể bazan dạng cột thác Trinh nữ (Đăk Nông) thành công viên địa chất. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, quanh mũi Ba Làng An, hòn Nhàn, Bàn Than (vùng biển Bình Châu) chứa đựng lịch sử của hoạt động phun trào và kiến tạo của vùng trầm tích núi lửa đặc trưng ở Việt Nam. Vùng biển Bình Châu vốn là thương cảng cổ sầm uất từ nhiều thế kỷ trước. Di chỉ hàng chục tàu cổ đắm có niên đại hàng nghìn năm trước ở vùng biển Vũng Tàu (Bình Châu) đã minh chứng điều đó. Theo VNExpress Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Dấu tích miệng núi lửa cổ ở vùng biển Bình Châu |
Vách đá trầm tích núi lửa triệu năm ở đảo Lý Sơn Posted: 06 Oct 2015 10:56 PM PDT Những đợt phun trào núi lửa từ hàng triệu năm trước tạo nên nhiều vách đá trải dài hàng cây số ở huyện đảo Lý Sơn, xứng đáng trở thành công viên địa chất toàn cầu. Vách đá trầm tích núi lửa ở Bãi Sau, xã An Bình (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) trông giống hai cánh tay "khổng lồ" vươn ra biển. Sau nhiều năm dài khảo sát, nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Hoàng – chuyên gia Viện Khoa học và công nghệ Quốc gia (Nhật Bản) cho biết, hoạt động núi lửa ở đảo Lý Sơn xảy ra vào hai đợt chính, cách đây khoảng 10 – 11 triệu năm và gần nhất khoảng một triệu năm (trùng thời gian với các hoạt động núi lửa tại khu vực Bình Châu và Ba Làng An). Theo GS Nguyễn Hoàng, môi trường phun trào núi lửa ở đảo Lý Sơn đa dạng gồm nước biển sâu, biển nông, trên cạn (lục địa). Mỗi đợt phun trào tạo thành các lớp dung nham có bề dày khác nhau, còn nguyên vẹn. Đây có thể xem là "Viện bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa" hiếm hoi thế giới. Vách đá hòn Đụn, di tích của hoạt động núi lửa ở xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn. Các chuyên gia cho rằng, trường núi lửa đảo Lý Sơn được hình thành trong môi trường kiến tạo mạnh mẽ và phức tạp như nâng, hạ, tách giãn, trôi dạt. Hoạt động núi lửa phun trào kiểu dòng chảy và phun nổ (phễu núi lửa hiện là hồ chứa nước Thới Lới), thành phần thạch học chủ yếu là đá basalt có tính chất địa hóa học đa dạng. Kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam cho thấy, huyện đảo Lý Sơn được hình thành do tàn tích của hoạt động phun trào của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Hòn đảo này có địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích. Trong đó có nhiều di tích được tạo ra từ hoạt động phun trào dung nham của núi lửa như Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, cổng tò vò… có giá trị lớn để làm du lịch. Du khách chụp selfie, lưu lại kỷ niệm bên vách đá trầm tích núi lửa ở xã An Bình (đảo Bé), huyện đảo Lý Sơn. Hoạt động kiến tạo núi lửa tạo nên di tích chùa Hang độc đáo bên bờ biển đảo Lý Sơn. Ngoài các họng núi lửa trên bờ, các chuyên gia còn phát hiện nhiều trầm tích núi lửa với kích thước khác nhau dưới đáy biển nơi đây. Vài năm gần đây, nhiều đôi trẻ đến huyện đảo Lý Sơn để chụp ảnh cưới, lưu lại khoảnh khắc đẹp bên vách, bãi đá trầm tích kỳ thú. Hiện, tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép Sở Văn hóa thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty Đoàn Ánh Dương mời các chuyên gia hoàn chỉnh hồ sơ di tích tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu, trình Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đồng thời, lập hồ sơ di sản địa chất Bình Châu để được công nhận là công viên địa chất quốc gia. Trình Chính phủ xếp hạng quần thể di tích văn hóa lịch sử huyện đảo Lý Sơn trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt. Vách đá trầm tích núi lửa trông giống loài khủng long trải dài hàng cây số ở khu vực gần chùa Hang (thôn Đồng Hộ, xã An Hải). Cụm đá trầm tích núi lửa nằm sát mép biển ở thôn Tây, xã An Vĩnh. Để bảo tồn bền vững di sản địa chất, chính quyền địa phương cần quy hoạch lại các khu dân cư và quản lý xây dựng (dân dụng và cả quốc phòng) tránh xa di sản tự nhiên. Bảo vệ và tôn tạo các thành tạo địa chất, đặc biệt là bức tường trầm tích khu vực Thới Lới và lân cận đảo Lý Sơn, các vết lộ đá núi lửa. "Quảng Ngãi cần tìm mô hình quy hoạch cho đảo Lý Sơn theo hướng phát triển dịch vụ du lịch xanh chất lượng cao, vừa cải thiện thu nhập cho người dân địa phương, vừa bảo vệ môi trường, tránh gây phá vỡ cảnh quan thiên nhiên", Tiến sĩ – Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Tuân nêu quan điểm. Theo VNExpress Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Vách đá trầm tích núi lửa triệu năm ở đảo Lý Sơn |
You are subscribed to email updates from Tin tức giải trí » Quảng Ngãi. To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google Inc., 1600 Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, United States |
No comments:
Post a Comment