Wednesday, November 5, 2014

71.000 dân năn nỉ tỉnh đừng xây thủy điện: Vẫn phớt lờ dân vì lợi ích trước mắt?

71.000 dân năn nỉ tỉnh đừng xây thủy điện: Vẫn phớt lờ dân vì lợi ích trước mắt?


71.000 dân năn nỉ tỉnh đừng xây thủy điện: Vẫn phớt lờ dân vì lợi ích trước mắt?

Posted: 05 Nov 2014 05:11 AM PST




Nếu tỉnh Quảng Ngãi vẫn quyết tâm cho xây dựng 3 dự án thủy điện Đakđrinh 2, Sơn Trà 1, Trà Khúc 1 mặc '71.000 dân năn nỉ đừng xây' thì hậu quả sẽ không dừng ở việc làng mạc ở huyện Sơn Hà sẽ bị nhấn chìm; mà rừng bị phá vô tội vạ, ảnh hưởng trầm trọng đến môi sinh, thiếu nước. Trong lúc đó, lợi ích trước mắt không đánh đổi được hậu họa lâu dài…


Thủy điện đã giết chết nhiều con sông và gây ra nhiều tai họa. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Ảnh hưởng hàng ngàn ha rừng

Nhắc đến dự án thủy điện Sơn Trà 1, ông Đoàn Ngọc Thạch, Trưởng BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham nói ngay: "Tôi quyết liệt phản đối, không đồng ý xây dựng thủy điện này".

Thủy điện Sơn Trà 1 nằm trên sông Xà Lò, chiếm dụng khoảng 37 ha rừng phòng hộ (theo như báo cáo của chủ đầu tư) thuộc địa bàn 2 xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà và xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây.

"Nếu mất 37 ha này thì sẽ mất cả ngàn ha rừng phía trên đó vì có đường thì lâm tặc sẽ vào, rồi nạn khai thác, lấn chiếm", ông Thạch nói.



Rừng đặc dụng đầu nguồn Thạch Nham, nơi quy hoạch dự án thủy điện Sơn Trà 1. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Hiện tại, BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham quản lý 30.000 ha đất có rừng thuộc hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây. Khu vực quy hoạch xây dựng thủy điện Sơn Trà 1 là rừng nguyên sinh từ hàng chục đến hàng trăm năm tuổi với các loại gỗ như chò, xoan đào...có trữ lượng 100 m3 gỗ/ha; tức là ít nhất có khoảng 3.000 m3 gỗ có nguy cơ bị mất.

Ông Thạch bày tỏ: "Rừng trồng ngày càng khó mà rừng mất ngày càng nhiều. Nếu thủy điện được làm và chủ đầu tư trồng trả lại rừng thì 30 ha rừng trồng của ổng không bằng nổi 1 ha rừng ở đây. Mà nếu cứ để triệt thế này thì không đủ độ che phủ của rừng nữa".

Không dừng lại ở đó, quy hoạch của thủy điện Đakđrinh 2 chiếm dụng gần 200 ha, trong đó có 5,38 ha rừng phòng hộ. Thủy điện Trà Khúc 1 chiếm dụng diện tích hơn 290 ha.

"Chỉ tính riêng thủy điện Sơn Trà 1, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chưa làm việc cụ thể với ban quản lý. Con số 37 ha họ chỉ báo cáo về dự án chính; còn quy hoạch đường công vụ, đường dây truyền tải điện họ chưa nói. Nếu cộng lại sẽ không biết bao nhiêu rừng bị mất. Mà bây giờ quy hoạch dự án lấy trên 50 ha rừng phải báo cáo Quốc hội. Nhưng đây họ cứ chia lẻ ra thì không biết thế nào", ông Thạch lo lắng.


Hàng ngàn ha rừng đặc dụng ở đầu nguồn sông Trà Khúc sẽ bị ảnh hưởng bởi quy hoạch các dự án thủy điện. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Dường như người ta có tâm lý thấy diện tích rừng còn nhiều thì dễ bỏ đi vài chục, vài trăm hecta là bình thường; cái gì vừa đủ ít mới quý và đáng bảo vệ.

Mới đây thôi, tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đang rốt ráo điều tra, xử lý vụ việc phá rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa với số gỗ thu được hơn 43 m3. Vụ phá rừng này được coi là lớn nhất từ trước đến nay và rất trầm trọng.

Thế mà hàng ngàn m3 gỗ thuộc rừng đặc dụng đầu nguồn ở Quảng Ngãi sẽ bị phá một cách hợp pháp dù lãnh đạo huyện, ban quản lý rừng ở Sơn Hà liên tục phản đối để bảo vệ mà chưa được thì 43 m3 gỗ ở Đà Nẵng đã nhằm nhò gì.

Trong lúc, mất rừng chỉ là một trong những hệ lụy mà ông Đặng Ngọc Dũng, Bí thư huyện ủy Sơn Hà cảnh báo: "Việc để có thêm khoảng vài chục MW điện năng sẽ không đánh đổi và trả hết những thiệt hại mà đời con, đời cháu và sau này người dân Sơn Hà phải gánh chịu!".

Những ẩn họa đang nhìn thấy

Tỉnh Quảng Ngãi, vài năm trước, đã phải vật vã đi "đòi nước" vì thủy điện Đakđrinh tích nước gây khô hạn hàng chục hecta cây trồng ở hạ du sông Trà Khúc. Viễn cảnh sẽ tồi tệ hơn khi tiếp tục rừng bị phá, thủy điện mới mọc lên đua nhau tích nước.


Sông Trà Khúc trơ đáy. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Và một điều ẩn họa hơn, vào đầu năm nay, đã có nhiều rung chấn và tiếng nổ tại lòng hồ thủy điện Đakđrinh phía huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và Kon Plông (Kon Tum).

Lúc đó, PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia động đất của viện Vật lý địa cầu cho biết, vùng lòng hồ thủy điện Đakđrinh có nền đá gnây, granit, gần giống lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Quá trình tích nước lòng hồ sẽ làm tải trọng của nước đè lên nền đất đá khiến nước thẩm thấu xuống độ sâu nền đá, làm thay đổi ứng suất lỗ rỗng, gây ra hiện tượng động đất kích thích như ở thủy điện Sông Tranh 2.

Có thể, một hồ thủy điện Đakđrinh không gây ra những trận động đất mạnh nhưng một khi đã hình thành hệ thống liên hồ chứa của các thủy điện khác nhau như thủy điện Nước Trong, thủy điện Đakđrinh, hệ thống các hồ thủy lợi… sẽ trở thành mối họa lớn về động đất, vỡ đập đe doạ an toàn tính mạng người dân.

Điều này không chỉ riêng Quảng Ngãi mà toàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên cần phải xem xét lại.


Đã có cảnh báo về nguy cơ bất ổn địa chất nếu có thủy điện liên hồ chứa ở khu vực sông Đakđrinh. Ảnh: L.Đ.Dũng.

Dân tái định cư vì thủy điện "trở nên nghèo đói hơn, nhiều nhóm dân cư buộc phải xâm hại tài nguyên rừng, di cư tự do tìm nguồn sinh kế mới" là tiếng kêu mà diễn đàn "Nhân dân thủy điện miền Trung và Tây Nguyên về vấn đề xây dựng và vận hành thủy điện" vừa lên tiếng.

Diễn đàn do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức đưa ra kiến nghị các dự án thủy điện phải được xây dựng trên cơ sở xem xét toàn diện các tác động môi trường và xã hội. Bởi lẽ, những tác động xã hội tiêu cực mà thủy điện đem lại sẽ trở nên khó giải quyết theo thời gian nếu không được nghiên cứu thấu đáo và có phương án giải quyết hợp lý ngay từ đầu.


Một vụ vỡ đập thủy điện (Ia Krel 2) ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: L.Đ.Dũng.


Tuy nhiên, những dự án thủy điện cụ thể được nêu trong loạt bài này tại huyện Sơn Hà lại có vẻ không được nghiên cứu thấu đáo. Tỉnh cứ ký duyệt cho phép triển khai. Bí thư huyện và hàng ngàn dân liên tục phản đối trong nơm nớp sợ hãi về một tương lai đầy tai ương.

Có lẽ, cần một tiếng nói từ Quốc hội.

motthegioi.vn


Bí thư huyện năn nỉ tỉnh đừng xây dự án thủy điện ;) http://yeuquangngai.net/48-Quang-Nga...-thuy-dien.yqn








----------
Nguồn www.yeuquangngai.net

Bí thư huyện năn nỉ tỉnh đừng xây dự án thủy điện

Posted: 05 Nov 2014 04:56 AM PST




Ông Đặng Ngọc Dũng, Bí thư huyện ủy Sơn Hà (Quảng Ngãi) nói với Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi rằng: "Tôi thay mặt Đảng bộ, chính quyền và hơn 71.000 người dân Sơn Hà năn nỉ xin tỉnh đừng xây các dự án thủy điện này".


Thủy điện Nước Trong.

Ba dự án thủy điện đó là Sơn Trà, Đăkđrinh 2 và Trà Khúc 1.Tại huyện này đã có hai dự án thủy điện lớn trên thượng nguồn là Đakđrinh 1 và Nước Trong.

Theo kinh nghiệm, người dân trong vùng cho rằng, nếu bị bao vây bởi các công trình thủy điện, dân Sơn Hà sẽ gặp nguy hiểm khi có mưa lũ. Đặc biệt, đây là vùng thấp trũng, như một thung lũng lọt thỏm giữa bốn bề công trình thủy điện. Chắc chắn bị nhấn chìm khi có lũ, không thể lường hết thiệt hại.

Tại hội thảo "Vận hành hợp lý liên hồ chứa, giảm lũ cho hạ du - trách nhiệm và thách thức", do Báo Lao Động phối hợp với Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão T.Ư, UBND tỉnh Bình Định tổ chức ngày 31.10, nhiều ý kiến cho rằng, sự xuất hiện hàng loạt các NM thủy điện bậc thang trên các hệ thống sông ngòi ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã khiến lũ lụt không còn theo quy luật. Lũ ở miền Trung và Tây Nguyên giờ quá bất ngờ, khó lường định và thành nỗi ám ảnh của người dân ở vùng hạ du.

Nhiều đe dọa đến nỗi, tỉnh Quảng Nam vào mỗi mùa lũ đều phải "năn nỉ" các thủy điện không xả lũ "chồng" lên lũ ở hạ du, nhưng vẫn không làm giảm được những trận "lũ nhân tạo".
Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Mặc dù đã có quy trình vận hành liên hồ chứa, nhưng việc xả lũ do các chủ hồ tự quyết, nhiều khi tỉnh cũng không can thiệp được. Bức xúc trước thực trạng này, UBND tỉnh cũng rất nhiều lần báo cáo, đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành T.Ư cần điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa để phù hợp với thực tiễn, giảm lũ cho hạ du".


Đập chính thủy điện Đăkdrinh trong giai đoạn "nước rút". Ảnh: baoquangngai


Trở lại chuyện ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Sự nguy hiểm của các dự án thủy điện như thế nào chưa thể nói, vì cần phải có sự đánh giá của các nhà khoa học. Kinh nghiệm của người dân địa phương rất cần được tham khảo, nhưng dù sao cũng cảm tính. Còn khoa học là lý tính, kết quả nghiên cứu phải thuyết phục, có căn cứ và có cơ quan chịu trách nhiệm.

Ở đây xin bàn chuyện khác, đó là tinh thần trách nhiệm của ông Bí thư huyện ủy Sơn Hà Đặng Ngọc Dũng. Qua việc phản biện tới cùng việc xây ba dự án thủy điện trên địa bàn huyện, cho thấy ông là người hết lòng vì dân, có trách nhiệm với dân.

Thứ nhất, ông không thỏa hiệp với cấp trên, ông không sợ lãnh đạo. Dù biết tỉnh đã có chiều hướng đồng ý xây dựng ba dự án thủy điện này, nhưng ông Dũng vẫn bằng mọi cách thuyết phục không thực hiện. Với người tìm cách an thân, sẽ chọn cách thuận theo cấp trên. Đằng này, ông Dũng lại đi can ngăn và có thể bị chụp cho cái mũ chống đối chủ trương của tỉnh. Ông Dũng không sợ bị cho là chống đối, ông kiên trì đi "năn nỉ"cấp trên của ông.

Thứ hai, hầu hết lãnh đạo các địa phương đều muốn các doanh nghiệp đầu tư dự án trên địa bàn mình quản lý. Càng nhiều dự án càng tốt. Nếu ông Dũng đồng ý cho ba dự án thủy điện này được xây dựng, thậm chí "chạy" với cấp trên để nhanh chóng thực hiện, thì ông Dũng cũng được "lộc" không nhỏ.

Nhưng ông Đặng Ngọc Dũng đã đặt mục đích vì lợi ích của dân, cụ thể là 71.000 người dân huyện Sơn Hà, địa phương mà ông chịu trách nhiệm lãnh đạo, quản lý.
Vì dân cũng có nghĩa là vì cái chung. Ở đất nước này, có được mấy ông quan vì cái chung như ông Đặng Ngọc Dũng. Hay ngược lại, vì cái riêng, họ sẵn sàng phá nát cái chung như đã đã và đang xảy ra trước mắt dân chúng.

laodong.com.vn

[TAGS]Thủy điện Nước Trong[/TAGS] [TAGS]Thủy điện Sơn Trà[/TAGS] [TAGS]Thủy điện Trà Khúc[/TAGS] [TAGS]Thủy điện Đăkđrinh 2[/TAGS] [TAGS]Thủy điện Đăkđrinh 1[/TAGS]








----------
Nguồn www.yeuquangngai.net

No comments:

Post a Comment