TỰ BÚT
(Viết ở đầu cuốn sách “Ca dao Quảng Ngãi: sưu tầm- tuyển chọn- chú giải- bình luận” của thằng tôi)
Mùa hè năm 1971, có thằng bé gầy nhom, da đen nhẻm lò dò ra tỉnh tìm thêm cái chữ. Mỗi sáng mẹ hắn cho 10 đồng ăn bánh mì để "có sức mà đạp xe về nhà". Gần tròn năm sau bà mẹ nhà quê mới biết con bà chỉ dùng 5 đồng mua nửa ổ bánh, 5 đồng còn lại đem giấu trong cặp vở…
Thằng bé ấy là tôi và thành quả đầu tiên của việc "nhịn ăn một nửa" là 3 cuốn sách: Non nước xứ Quảng (Phạm Trung Việt), Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng) và Chân trời cũ (Hồ Dzếnh) mua ở nhà sách Thanh Tịnh.
Cuốn sách của cụ Phạm Trung Việt có một phần nhỏ về thi ca bình dân Quảng Ngãi, viết bằng một giọng văn thấm đẫm tình quê như mở ra trước mắt tôi một khung trời mới. Ao ước góp nhặt những câu ca dao, dân ca quê nhà bắt đầu gợi lên từ đó…
Rất may là tôi đã được sống những năm tháng ấu thơ ở một bến sông quê đầu làng Thọ Lộc, nơi có bà ngoại, có mẹ, có những người hàng xóm một nắng hai sương, sớm chiều vất vả. Những người thân yêu ấy đã hát, đã kể cho tôi hàng ngàn câu ca dao, hàng trăm bài hát hố, bài vè và rất nhiều câu chuyện hư hư, thực thực mà giờ đây mỗi lần hồi tưởng lòng tôi lại thấy rưng rưng…
Tôi nhớ bà Cấy, người hay kể chuyện hý lộng mà khuôn mặt tỉnh bơ trong khi đám con nít cười nghiêng, cười ngả. Tôi nhớ bà Một Út, người nhỏ thó, mắt hiêng hiếng mà hát nhơn ngãi hay đến mê ly. Tôi nhớ bà Nhành vừa ngoáy trầu vừa kể vè, mỗi lần dừng kể lại dùng một xẻo thuốc rê lướt nhẹ qua hàm răng đen nhánh. Bà Út, bà Mến, ông Côi, bà Cấy, ông Y, bác Nghị, chú Năm Khương, bà Nhành… những cái tên nghe như số phận, quê mùa mộc mạc, lầm lũi ruộng đồng. Rất nhiều người trong số họ chẳng có lấy một ngày cắp sách đến trường, cả đời chưa nhìn thấy ánh điện phố phường, nhưng đó chính là những người đã bằng câu hát ân tình khắc vào lòng tôi hình ảnh quê hương với giếng Loạn, bến Biền, bến Đá, rộc Cổ, gò Tre…
Giờ đây, ông bà ngoại tôi và những cụ ông, cụ bà vẫn thường xoa đầu tôi ngày ấy đã về với cõi cao xanh. Những guồng xe trên sông Trà Khúc không còn rì rầm trong đêm mùa hạ, bến Hà Nhai đò bãi cũng đã khác xưa. Thằng bé có mái tóc vàng hoe vì nắng là tôi đã là gã đàn ông đi quá nửa đời người. Bao nhiêu năm rồi tiếng chày giã gạo quên câu hát hố? Mấy ngàn ngày đã qua con đò Xuân Phổ thôi đưa người về bến Ngân Giang? Hình như có ngọn gió hắt hiu thổi qua tôi trong mùa đông lạnh lẽo? Ai như quá khứ vẫy chào biền biệt tuổi thơ xa?…
Làng tôi đó.
Quê tôi đó…
Không phải chuyện gì cũng là thơ đâu. Ban đêm cây duối đầu xóm lập lòe ma trơi. Giữa trưa ao Kèo vắng vẻ lại nhiều ma lú. Lũy tre chạy dọc bờ sông có ma cần vọt. Xoáy nước cửa Khâu thì lắm ma da. Vườn Đình vắng tanh, đêm sáng trăng ai đi qua một mình bỗng thấy rờn rợn vì chiếc bóng cứ bám sau lưng, quay đầu nào có thấy gì, nhưng bỏ chạy thì bóng ấy chạy theo…
Làng tôi đó.
Quê tôi đó…
Ông Vương Hùng là nhà nho cuối mùa về quê bốc thuốc, rảnh rỗi đặt vè cho thiên hạ đọc, bắt đầu là đám trẻ chăn bò lêu lổng như cái thằng tôi. Ông Đỗ Dậu dở hơi chẳng biết từ đâu đến, sống nhờ bát cơm người làng, suốt ngày đi lang thang đầu đường cuối ngõ, đợi lũ trẻ vây quanh thì cất câu hát hố, ngô nghê, ngờ nghệch. Ông Trương Quang Khanh tàng tàng từ dưới phố lên, kể tràng giang hàng trăm nhãn hiệu thuốc lá, hàng ngàn món quà quê, có điệu có vần, lần trước lần sau không sai một chữ. Ông Sinh mù từ thuở lên ba mà cầm chiếc lá bờ rào vuốt qua là đọc tên vanh vách, lại đặt ra câu đố lá cho bọn nhỏ nhớ lâu…
Như một niềm hạnh ngộ, mấy mươi năm ròng tôi may mắn được đi về không ít những làng quê, đồng bãi, ao chằm trên mảnh đất Quảng Ngãi thương khó, truân chuyên. Có đến mới biết mình thiếu. Có đi mới biết mình còn nặng nợ. Trong những cuốn sổ tay, vỏ bao thuốc lá, thảng hoặc trên vành chiếc mũ vải, tôi đã ghi vội vã bao nhiêu tên làng, tên xóm đã đi qua, cùng với đó là bao nhiêu câu ca, bài vè chợt nghe hoặc thoáng hiện trong trí nhớ. Khi đúng, khi sai, lắm khi nhập nhòe ký ức, nhưng tất cả đã từng ngày góp nhặt, vun bồi trong tôi bóng dáng xóm làng, lũy tre bờ dậu, đồng mía nương dâu.
Viết là dâng tặng tha nhân. Viết cũng là giữ lại cho mình. Nếu được điều ấy, tôi chỉ mong giữ lại cho mình kỷ niệm về những người thân, về làng quê yêu dấu, những tháng năm mưa nắng tuổi thơ. Ai đó đã nói rằng, trong mỗi đời người luôn có một dòng sông. Dòng sông Trà bên bồi bên lở, chín khúc uốn quanh là con nước thao thức cả đời tôi, bồi hồi thương nhớ những đêm xa, khắc khoải nao nao ngày trở lại.
Cuốn sách này đã thành hình như thế, và tôi chỉ là người soạn lại, chép lại những gì mà mình và người khác từng nghe, còn nhớ, đã ghi, rồi thêm vào đó ít nhiều mảnh vụn suy tư, ngẫm nghĩ, tâm tình…
Ngoài kia trời đang mưa. Tôi đọc lại bản thảo thêm một lần nữa trước khi gởi đến nhà xuất bản. Từ đó, cuốn sách sẽ bắt đầu một cuộc đời riêng, còn tôi thì ở lại nơi này. Ở lại mà chờ cơn bão Haiyan, nghe nói là "siêu bão", đang thổi qua Phi Luật Tân, rồi nhắm thẳng vào vùng ven biển miền Trung. Bây giờ đã là đầu tháng 10 âm lịch, chợt nhớ câu ca dao, vừa như một lời than, vừa như một lời nhắc nhở:
Ông tha mà bà chẳng tha
Lại thêm cái lụt hăm ba tháng mười…
Xóm Mỹ Yên, 8/11/2013
Lê Hồng Khánh