Đó là nhận định tại Hội thảo khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu, đánh giá tác động đến môi trường, kinh tế – xã hội của thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, do Sở TN&MT cùng Viện MT-TN và Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam tổ chức ngày 14/11.
Đề dẫn tại hội thảo, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết việc sử dụng quá mức năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu khí, khí thiên nhiên làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm, tăng nồng độ các khí nhà kính là nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu,… Vì vậy, việc tìm kiếm và phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo là ưu tiên hàng đầu, trong đó thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo được thiên nhiên ưu đãi và có điều kiện thuận lợi để phát triển.
Các nhà khoa học phát biểu nghiên cứu tại Hội thảo.
Hiện nay, Quảng Ngãi có 5 dự án thủy điện, trong đó 1 dự án thủy điện đang được triển khai xây dựng và 5 dự án thủy điện trong quy hoạch. Qua hơn 8 tháng nghiên cứu về thủy điện hoạt động ở Quảng Ngãi, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kết quả.
Cụ thể như mức độ ảnh hưởng đến kinh tế xã hội của các thủy điện đang hoạt động là như nhau và được sắp xếp theo thứ tự ảnh hưởng nhiều nhất đến ít ảnh hưởng nhất là thủy điện Nước Trong, kế tiếp là thủy điện Hà Nang, Cà Đú và Sông Riềng; chất lượng nước tại các nhà máy thủy điện đang hoạt động bị ô nhiễm bởi Coliform; mức độ tác động của các thủy điện đến các yếu tố môi trường theo thứ tự giảm dần (thủy điện Nước Trong, Hà Nang, Cà Đú và cuối cùng là thủy điện Sông Riềng).
Kết quả đo đạc địa chất cho thấy thủy điện Hà Nang và thủy điện Cà Đú nằm trong vùng nhạy cảm động đất kích thích cao. Việc xây dựng thủy điện quá nhiều trên địa bàn tỉnh sẽ gây tác động xấu đến môi trường sinh thái. Hầu hết các thủy điện đều xây dựng và chiếm phần lớn diện tích rừng,…
Thủy điện Sông Riềng (huyện miền núi Tây Trà) được đánh giá nguy hiểm thấp nhất ở Quảng Ngãi.
Hội thảo cũng đánh giá việc phát triển thủy điện ồ ạt trong những năm qua, ngoài lợi ích trong việc điều tiết nước vào mùa khô, tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương, tạo công ăn việc làm, tăng sản lượng điện cho đất nước thì thuỷ điện có nguy cơ tiềm ẩn tác động đến xã hội, kinh tế và môi trường tại địa phương như: di dân, tái định cư, thu hẹp diện tích rừng.
Mặt khác, các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án chỉ đánh giá tác động do dự án đó gây ra, chưa nghiên cứu đánh giá tổng thể các tác động, ảnh hưởng của dự án thuỷ điện trong quy hoạch. Đây là một trong những bất cập của các địa phương có các dự án thuỷ điện, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.
Các ý kiến tại Hội thảo tập trung làm rõ những bất cập của việc phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trên cơ sở đó, gợi mở giúp địa phương xem xét quyết định việc đầu tư, xây dựng các dự án thủy trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu và nhà khoa học đề xuất nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, cụ thể là cần có những định hướng quy hoạch phát triển thủy điện một cách hợp lý, kiểm soát điều tiết việc xả lũ tại các hồ chức nước thủy điện một cách khoa học; xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa của các thủy điện một cách tối ưu nhất; cần thiết lập ban theo dõi và hỗ trợ khi thuỷ điện vận hành; giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng; ký quỹ tái định canh, định cư và trồng rừng tái tạo hợp lý,…
Hồng Long
Theo Dantri
Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết
Thủy điện ở Quảng Ngãi có khả năng gây động đất cao