Monday, May 26, 2014

Chùm thơ về chủ quyền Biển – Đảo: - 9 - 10

Chùm thơ về chủ quyền Biển – Đảo: - 9 - 10

Link to CÂU LẠC BỘ THƠ TRÀ GIANG

Chùm thơ về chủ quyền Biển – Đảo:

Posted: 26 May 2014 01:11 AM PDT

14-5-Anh-8-Ly-Son-1501-1400142626

Chùm thơ về chủ quyền Biển – Đảo:

 

Huỳnh Minh Trọng (Bình Sơn)

ẢO MỘNG

Đất nước tôi từ ngàn xưa gian khó
Đã hiên ngang "đứng dậy sáng lòa"
Từ thuở hồng hoang đi mở cõi
"Nước Nam đã định ở sách trời"

Đất cha ông bị ngoại bang đào xới
Những nhà tranh bị đốt cháy thành hàng
Đã bao lần dẹp thù trong, giặc ngoại
Vẫn "lấy nghĩa nhân để thắng bạo tàn"

Bọn giặc Tàu cả ngàn năm đô hộ
Vẫn ngàn lần bị thất bại chua cay
Khi đã chạm vào "chủ quyền dân tộc"
Sóng cuộn thành sức mạnh cả non sông!

Cớ sao còn muốn độc chiếm biển Đông?
Mộng bành trướng sẽ đi vào ngõ cụt
Biển – đảo – đất liền của Việt Nam là một!
Chân lý vàng thắp sáng mọi lương tri

Hãy dừng lại đi, khi vẫn còn chưa muộn
Đừng nuôi chi giấc ảo mộng, điên cuồng!

 

Tạ Quang Ngọc (Bình Sơn)

LỜI EM GIẢNG

Nhìn từ xa muôn trùng cơn sóng dữ
Chực chồm lên như nuốt chửng đảo quê hương
Trường Sa ơi – trái tim hồng biển đảo
Muôn triệu bàn tay ta góp đá xây nền.

Em rạng rỡ ca bài ca hùng tráng
Biển đảo mình – thân thể mẹ Âu Cơ
Lời em giảng có cả "Hình của nước"
Vẫn ngọt ngào mà dõng dạc: Tuyên ngôn thơ
"Nam quốc sơn hà"… Ngăn sóng dữ xô bờ
"Hịch tướng sĩ" quyết một phen chống giặc
Và "Cáo bình Ngô" làm rạng rỡ non sông.

Lời của em… đưa anh về với đảo
Lớp lớp sóng trào trong nỗi nhớ biển Đông
Chiều quê hương, nghe vọng từ lớp học
Theo dấu chân cha bảo vệ biển đảo mình
Dù sóng cả vững tay chèo chớ ngã
Quyết một lòng gìn giữ đất Rồng thiêng.

 

Nguyễn Ngọc Đoàn (Bình Sơn)

VỊNH ĐẢO VIỆT NAM

Đảo ở nơi đây tự thuở nào
Khéo tìm biển ngự cá lao xao
Bao phen chống đỡ cuồng phong thổi
Lắm lượt dừng ngăn sóng dữ gào.

Mưa nắng âm thầm cùng gió nước
Động yên lặng lẽ với trăng sao
Mặt ai "bành trướng" mưu xâm lấn
Đảo mãi ngàn đời của Việt Nam.

BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ VIỆT NAM

Lãnh thổ Việt Nam có từ thưở nào?
Biết thời vua Hùng dựng nước đến nay
Trăm trứng nở ra lên nguồn xuống biển
Bảo vệ giang san canh gác đảo xa.

Ông cha chúng ta qua bao thế hệ
Một tấc không đi, một li không rời
Lặn lội ngày đêm dừng ngăn sóng dữ
Hy sinh xương máu trấn thủ Trường Sa.

Biển đảo của ta, trời đất của ta
Non non nước nước, điệp điệp trùng trùng
Biển đảo của ta, trời nước của ta
Xanh tận chân trời đẹp như gấm hoa.

Giờ đây tiếp bước noi gương người trước
Quyết giữ biên cương vẹn toàn lãnh thổ
Chớ phụ công Người, Bác dạy năm xưa
Ấy mới xứng là con Lạc, cháu Rồng.


Về Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Giao thông vận tải

Posted: 22 May 2014 06:39 PM PDT

phc1_16052014-eb745

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Về Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Giao thông vận tải

Căn cứ Quyết định số 1278/QĐ-BGTVT ngày 14/5/2013 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức Kỷ niệm 70 năm và Quyết định số 1286/QĐ-BGTVT về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước Ngành Giao thông vận tải Việt Nam (28/8/1945-28/8/2015);
Căn cứ Quyết định số 633/QĐ-BGTVT ngày 06/03/2014 về việc mở Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Giao thông vận tải và 634/QĐ-BGTVT về việc ban hành Thể lệ Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT;
Căn cứ Quyết định số 954/QĐ-BGTVT về việc thành lập Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT
Theo đó, ngày 25 tháng 4 năm 2014, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam chính thức phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Giao thông vận tải.


1. Mục đích cuộc vận động
Tri ân đối với những đóng góp không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, người lao động ngành Giao thông vận tải các thời kỳ đã và đang trở thành nguồn cảm hứng, nền tảng vững chắc để giúp các thế hệ hôm nay của ngành Giao thông vận tải vươn cao, vươn xa hơn trong tương lai;
Tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của ngành Giao thông vận tải, cổ vũ ý chí quyết tâm của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong Ngành, hăng hái thi đua lao động sáng tạo trên các mặt trận giao thông vận tải vì sự phát triển của đất nước;
Thông qua Cuộc vận động, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống lịch sử của ngành Giao thông vận tải nhân dịp 70 năm Ngày truyền thống Giao thông vận tải Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2015) được thể hiện bằng các tác phẩm văn học có giá trị lớn về tư tưởng và nghệ thuật;
Qua Cuộc vận động phát hiện, nêu gương, góp phần nhân rộng những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành Giao thông vận tải.
2. Phạm vi đề tài của Cuộc vận động
– Truyền thống anh hùng "Dũng cảm – Thông minh – Sáng tạo" của ngành Giao thông vận tải Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đặc biệt là ngành Giao thông vận tải "đi trước mở đường" trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; bảo đảm giao thông vận tải trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, mở đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển góp phần vào những chiến thắng vĩ đại của dân tộc đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Những tấm gương hy sinh vô bờ bến của những tập thể, cá nhân ngành Giao thông, Thanh niên xung phong Giao thông vận tải trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Những thành quả quan trọng của ngành Giao thông vận tải từ ngày đất nước đổi mới trên những công trình đã và đang được xây dựng trên khắp đất nước trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa…. cùng các thành quả quan trọng khác trong cải cách hành chính, xây dựng thể chế, quy hoạch, chiến lược, luật pháp, nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo, vận tải, giao thông đô thị, phát triển giao thông nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo… góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng và phát triển của kinh tế – xã hội.
Những tập thể và cá nhân điển hình, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước hiện nay của toàn ngành Giao thông vận tải đã có những đóng góp xuất sắc góp phần tạo nên những bước phát triển vượt bậc cả về chiều rộng và chiều sâu, hội nhập quốc tế của Ngành góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
3. Thể loại đề tài
– Tiểu thuyết;
– Tập bút ký, tập truyện ngắn, tập thơ (có ít nhất 50% số lượng bài phản ảnh đúng chủ đề mới, mới được đưa vào xét chọn);
– Trường ca;
– Truyện ngắn, bút ký, thơ (riêng chùm thơ ít nhất phải có 05 bài).
4. Đối tượng được tham gia Cuộc vận động
– Các nhà văn chuyên nghiệp;
– Người viết ở mọi lứa tuổi; người Việt Nam ở trong và ngoài nước và người nước ngoài có tình cảm với Việt Nam;
– Đặc biệt khuyến khích các nhà văn, tác giả, nhóm tác giả trong ngành Giao thông vận tải;
– Thành viên Ban chỉ đạo, Ban Giám khảo (Sơ khảo, Chung khảo) có thể gửi tác phẩm hưởng ứng cổ vũ Cuộc vận động, không tham dự giải nhưng sẽ được tôn vinh.
5. Thời gian tổ chức
Ngay sau Lễ phát động (ngày 25/4/2014), Ban Tổ chức sẽ nhận bài tham gia cuộc vận động; Thời hạn cuối cùng nhận bài: 30/4/2015 (tính theo dấu bưu điện);
– Chấm tác phẩm (Sơ khảo và Chung khảo): tháng 5 – 6/2015;
– Tuyển chọn, biên tập các tác phẩm, tổ chức in thành tập sách: tháng 7/2015;
– Tổng kết công bố kết quả vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Giao thông vận tải Việt Nam (28/8/2015).

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2014


HÃY YÊN LÒNG NHÉ ANH!

Posted: 22 May 2014 06:27 PM PDT

MG-1434-9830-1400731538

LAN HƯƠNG (Gia Lai)

HÃY YÊN LÒNG NHÉ ANH!

Bao lâu rồi
anh chưa về thăm em
bấm đốt ngón tay
đếm từng giây từng phút
thư anh viết
còn tươi nguyên màu mực
mang trọn tình anh với Đảo xa

Thương con nục con măng
trước bão tố phong ba
đoàn thuyền ra khơi
nay gặp luồng sóng dữ
bởi quân cướp nước
ngày đêm rình rập
sóng dậy ba đào
lòng mẹ quặn đau

Em nhận từ anh
chút nắng gió biển khơi
nhành san hô
còn tươi màu nắng mới
cánh hải âu nghiêng chao
dệt mùa thương nhớ
lời ru hiền hòa
theo cánh sóng vươn xa…

Hãy yên lòng nhé anh!
nơi chốn quê nhà
mọi việc trước sau
đã có em lo liệu
nơi đảo xa
anh vững tay chèo lái
canh giữ biển trời
cho Tổ quốc bình yên…
Pleiku, tháng 5/2014


NGÀY MAI TA TRỞ THÀNH DÂN THÀNH PHỐ

Posted: 21 May 2014 11:39 PM PDT

10307170_495540757214597_3606575560230628129_n

Bùi Huyền Tương (Tịnh Hòa, Tp Quảng Ngãi)

NGÀY MAI TA TRỞ THÀNH DÂN THÀNH PHỐ

Chỉ còn đêm nay
Ngày mai ta trở thành dân thành phố
Vẫn còn đây
Ơi, bến nước con đò
Ơi, con đường làng quanh co ngày ngày hàng cây che bóng
Dẫn hương đồng, dắt gió nội về thôn
Và còn đây mỗi sớm mai hồng
Mẹ gánh vườn ra chợ
Giọt mồ hôi cấn vai mà trưa về vẫn à ơi… khúc hát
Giọng quê mùa níu mãi bước cháu con
Tiếng sáo diều véo von
Chạm trăng chiều mang mang vụ gặt

Tôi sợ ngày mai…
Trở thành xa lắc
Chất quê mùa đã thấm đẫm thịt da tôi
Ơi, con cá đồng cứ quẫy trong hoài niệm
Dẫn tôi loanh quanh cùng vòng xoay kí ức
Tay khẽ khàng choài hứng mảnh hồn quê

Ngày mai
Trên những phong thư tôi gởi hay nhận về
Thêm từ mới…

Dẫu đúng vậy.
Tôi vẫn ngỡ ngàng
Mình trở thành dân thành phố rồi ư!


KHÚC XA QUÊ

Posted: 21 May 2014 11:35 PM PDT

1513807_601048636645681_1662805408_n

SÓNG THU (Tp HCM)

KHÚC XA QUÊ

Em sẽ về Quảng Ngãi cùng anh
Thăm quê hương bà con nơi lối nhỏ
Nghe sáo diều vi vu chiều trở gió
Bằng lăng nghiêng đầu ngõ chắc trổ hoa

Em sẽ về thăm đất Mẹ quê Cha
Ngắm Trà Giang dưới chiều hè oi bức
Thuyền lênh đênh trong hoàng hôn vàng rực
Thiên Ấn Niêm Hà vang vọng tiếng chuông

Em sẽ về thăm lại cố hương
Bao kỷ niệm vấn vương thời tuổi trẻ
Dòng Vệ Giang ru êm… vờn sóng nhẹ
Nghe tâm hồn gọi khẽ giấc mơ hoang

Em sẽ về khi nắng nhạt thu sang
Đêm thao thức dưới trăng vàng thơ mộng
Gió đưa hương lượn lờ qua sương mỏng
Nhịp tim mình rộn rã… Khúc xa quê.
22/5/2014


Tuyển V-H 29/ ĐĂNG VŨ

Posted: 19 May 2014 08:06 PM PDT

14-5-Anh-10-Ly-Son-4977-1400142627

 

ĐĂNG VŨ

 

Nhớ bến sông quê

 

Đấy là bến sông có một con đò

Nghếch đầu ngóng tầm tầm chiều đổ

Tiếng gọi đò trôi dọc triền sông lở

Chạm cây sào cắm đợi khách sang sông

 

Đấy là nơi bạn sang bên kia lấy chồng

Không thèm chơi với tụi trai làng nữa

Tiếng huýt sáo bên đò sau ngày gặt lúa

Rơi xuống sông chìm nghỉm tự bao giờ

 

Đấy là nơi anh đỏ mắt lần mò

Xác vợ biệt tăm dưới lòng sông đục

Mùa nước lũ bao người rưng rức khóc

Bến sông quê duềnh con sóng càn qua

 

Đấy là nơi em mò ốc dậm cua

Nhùng nhằng thắt lưng cái dây buộc giỏ

Mùa nước lợ da đen thui thủi

Có bát canh phải đổi cả chiều hè

 

Đấy là nơi má tiễn con đi

Chiếc nón cời quơ giữa lưng chừng trời đất

Để con qua bao miền đất nước

Chiếc nón cời xao động mãi trong con

 

Đấy là cái – bến – sông

Xóm làng không cần đặt thêm tên gì vào đó

Cái bến sông nhảy ùm thời tuổi nhỏ

Nước trong veo còn rười rượi da mình.

Tiếng đàn bầu

Tịch tình tang
Tiếng đàn bầu cậu chơi giữa khuya
Tan từng giọt vào trong đêm mưa
Trôi từng sợi theo luồng gió rét
Dưới ngọn đèn dầu leo lét
Năm ngón tay gầy run run
Năm ngón tay gầy, như vẫy gọi những linh hồn
Vất vưởng theo tiếng đàn trầm bổng
Tịch tình tang
Tịch tình tang tang…
Cháu nằm im như thể ngủ quên
Chiếc chiếu cậu đắp cho cứ thò đầu thò đuôi không hết
Những tiếng đàn chui vào da thịt
Da thịt còn rưng rưng một nỗi nhớ nhà
Mới hôm nào mà đã hai mươi năm qua
Cháu mang tiếng đàn ngược xuôi, xuôi ngược
Biết bao lần da thịt ngân lên mà lần nào cũng rươm rướm khóc
Nhớ hôm cậu chơi đàn để quê cơn đói năm xưa
Nhớ hôm cậu gửi chút nhớ quê nhà cho gió cho mưa
Bây giờ cậu nằm đây hiu hắt bốn mùa
Tấm bia đã ố mờ tên tuổi
Chỉ có gió mưa mang tiếng đàn rắc lên nấm mộ
Mọc thành những loài hoa không tên
Những loài hoa tím ngắt một linh hồn
Đàn một dây
Tịch tình tang
Đơn sơ như một đời người
Tang tính tình
Nhiều khi phải rung lên để qua cơn đói khác
Và nhiều khi
Nhiều khi
Biết yêu gì hơn khi biết trong nắm đất
Những tiếng đàn lặng lẽ biến thành hoa…