Yêu cầu “bốn không” phi lý của Trung Quốc |
- Yêu cầu “bốn không” phi lý của Trung Quốc
- Trung Quốc tiếp tục thông tin sai trái về tình hình Biển Đông
- Trung Quốc đang phá vỡ “lòng tin chiến lược”
- Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói về Biển Đông trên truyền hình Đức
- Bồi thường bảo hiểm cho ngư dân bị tàu “lạ” đâm tử vong
- Đôi vợ chồng nghèo gửi quà trúng thưởng ra biển đảo
- Hội Luật gia phản đối hành động vô nhân đạo của Trung Quốc
- Việt Nam kiện Trung Quốc về “tội” gì?
- Việt Nam không sợ Trung Quốc kiện ngược
- Nhà báo Nhật: “Tôi đã sốc khi thấy tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam”
Yêu cầu “bốn không” phi lý của Trung Quốc Posted: 25 Jun 2014 06:53 PM PDT Những người tôn trọng sự thật lịch sử và yêu chuộng hòa bình chờ đợi một động thái tích cực từ Trung Quốc qua chuyến đi của ông Dương Khiết Trì, nhưng cuối cùng, vẫn không được như kỳ vọng.
Chuyến đi của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Việt Nam thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc và quốc tế. Những người tôn trọng sự thật lịch sử và yêu chuộng hòa bình chờ đợi một động thái tích cực từ Trung Quốc qua chuyến đi của ông Dương Khiết Trì, nhưng cuối cùng, vẫn không được như kỳ vọng. Điều rõ ràng nhất là không có tuyên bố rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam từ chính ông Dương Khiết Trì. Không những thế, báo chí Trung Quốc đã xuyên tạc về thông tin cuộc gặp của hai bên. Điển hình là Tân Hoa xã, hãng tin chính thức của Trung Quốc, còn có bài đưa ra những yêu cầu phi lý đối với Việt Nam. Theo Tân Hoa xã, nội dung “4 không” gồm: Không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông); không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa); không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải; không được phá bỏ mối quan hệ Việt-Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ. Rõ ràng là Trung Quốc vẫn không hề có sự thay đổi nào sau khi dư luận quốc tế đồng loạt lên án hành vi gây hấn bất chấp luật pháp quốc tế khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 và hơn 100 tàu, kể cả tàu chiến, vào vùng biển Việt Nam từ đầu tháng 5 vừa qua. Sự thiếu thiện chí của Trung Quốc còn thể hiện ở chỗ, trong khi ông Dương Khiết Trì đang ở Việt Nam tham dự cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung và trao đổi vấn đề ''dầu sôi lửa bỏng'' ở Biển Đông, thì Trung Quốc tiếp tục di chuyển thêm một giàn khoan trên Biển Đông. Còn Ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Mã Chấn Cương lại đổi trắng thay đen khi phát biểu tại “Diễn đàn hòa bình thế giới lần thứ ba”, do Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh chủ trì, mà Trung Quốc muốn thông qua diễn đàn này để tăng cường sức mạnh ngoại giao nhân dân, hôm 21/6 rằng: Việt Nam, Philippines, Nhật Bản hầu như đồng thời lần lượt “tranh chấp” với Trung Quốc trong vấn đề “Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Biển Đông, đảo Senkaku. Theo đó Mã Chấn Cương cho rằng, điều này rất khó tin là “kẻ xúi giục đằng sau không phải là Mỹ”, mà điều này “thể hiện rõ hơn sau chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 4/2014”. Trên thực tế, các hành động cướp biển, khủng bố, thực dân… trên Biển Đông mà Trung Quốc đang làm đối với Việt Nam, Nhật Bản và Philippines lại là một hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền lợi chủ quyền và quyền tài phán của láng giềng, xâm phạm nghiêm trọng hòa bình, an ninh, ổn định khu vực. Nhưng chính tại diễn đàn này, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Stephen Hadley đã trực tiếp lên tiếng phê phán Trung Quốc, cho rằng: “Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc đương nhiên sẽ nghi ngờ ý đồ muốn xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới của Trung Quốc, cho dù Trung Quốc đưa ra giải thích của mình”. Ông Stephen Hadley tuyên bố: Người nào nói “Mỹ đang cùng các nước láng giềng của Trung Quốc gây phiền phức cho Trung Quốc là có ý đồ (đen tối)”. Các bài học lịch sử cho thấy, phải biết lắng nghe những gì ẩn đằng sau những lời Trung Quốc nói, đừng cả tin, đừng mơ hồ, hãy lắng nghe một cách có hiểu biết và hãy nhìn vào những hành động thực tế của Trung Quốc để biết và ứng xử cho đúng với Trung Quốc. Theo Nguyễn Chiến Chính phủ Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Yêu cầu "bốn không" phi lý của Trung Quốc |
Trung Quốc tiếp tục thông tin sai trái về tình hình Biển Đông Posted: 25 Jun 2014 04:37 PM PDT Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức ngày 24/6, trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về việc ngày 23/6, Đài truyền hình Việt Nam đưa tin tại hiện trường cho biết tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam tại khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981), Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh một lần nữa sử dụng lời lẽ đổi trắng thay đen.
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam. (Nguồn: Cảnh sát biển/TTXVN) Bà Hoa Xuân Oánh cho rằng chiều ngày 23/6, tàu của phía Việt Nam tại hiện trường một lần nữa xông vào khu vực cảnh giới tác nghiệp bình thường của phía Trung Quốc, trong đó có một tàu kéo của Việt Nam chủ động đâm va vào tàu công vụ của Trung Quốc, gây thiệt hại cho tàu của phía Trung Quốc. Bà Hoa Xuân Oánh còn lớn tiếng “thúc giục” phía Việt Nam lập tức chấm dứt các hành động “quấy nhiễu” đối với các hoạt động tác nghiệp bình thường của phía Trung Quốc, lập tức rút toàn bộ tàu thuyền và nhân viên khỏi hiện trường nhằm nhanh chóng khôi phục sự bình yên trên biển. Theo Vietnam+ Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Trung Quốc tiếp tục thông tin sai trái về tình hình Biển Đông |
Trung Quốc đang phá vỡ “lòng tin chiến lược” Posted: 25 Jun 2014 04:32 PM PDT Năm 2013 tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến khái niệm "lòng tin chiến lược". Có thể nói hành động của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin chiến lược.
Trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam bên lề hội thảo "Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử" tổ chức cuối tuần trước ở Đà Nẵng, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Australia cho rằng việc Trung Quốc triển khai thêm giàn khoan tại Biển Đông không thể là một chuyện tình cờ xảy ra. Giáo sư C. Thayer nói: “Đó là một phần của kế hoạch mà Trung Quốc muốn biến tình hình ngày càng trở thành việc giữa Trung Quốc với Việt Nam chứ không phải giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Vịnh Bắc Bộ chỉ là một khu vực nhỏ hẹp và hai bên chỉ mới bắt đầu đàm phán về việc làm gì ở ngoài khu vực đó, vì thế rất đáng lo ngại. Cách tiếp cận này của Trung Quốc là rất cứng rắn. Điều đó rất đáng lo ngại và là một sự khiêu khích mới. Họ đang dùng những thứ được thiết kế để khai thác dầu mỏ vào mục đích chính trị. Nếu tôi là chủ công ty Trung Quốc, tôi sẽ rất lo lắng về việc mất lợi nhuận. Giàn khoan là để ra chỗ nào có dầu mỏ mà khoan chứ không phải là để vào vịnh Bắc Bộ chơi trò chính trị. Năm ngoái tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến khái niệm "lòng tin chiến lược". Có thể nói hành động của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin chiến lược. Nhớ lại chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Việt Nam tháng 10/2013, ông Lý Khắc Cường nói về đột phá mới trong quan hệ hai nước, rằng hai Đảng sẽ không làm gì để khiến bên kia giận dữ. Giàn khoan Hải Dương 981 là một hành động hoàn toàn trái ngược. Hết lần này đến lần khác họ cam kết hợp tác với Việt Nam ngay trong những đối thoại giữa hai Chính phủ, thế rồi đùng một cái, không thông báo, không trao đổi trước, họ hành động đơn phương. Thế thì làm sao có thể tiếp tục giữ lòng tin chiến lược, thứ mà phải qua một thời gian dài mới xây dựng được (từ khi bình thường hóa quan hệ, thỏa thuận về biên giới trên bộ, phân chia vịnh Bắc Bộ, trở thành đối tác chiến lược rồi đối tác chiến lược toàn diện). Trung Quốc luôn vậy, như chính trong trường hợp của Australia khi nói về vùng nhận diện phòng không, họ từ chối đối thoại, thế rồi đến vụ máy bay Malaysia mất tích, họ lại tìm đến chúng tôi. Trung Quốc muốn trỗi dậy hòa bình, muốn có những mối quan hệ mới, nhưng lại hành xử rất tệ và vênh váo. Tờ Nhân dân Nhật báo (của Trung Quốc) từng đặt tôi viết bài nhưng chắc là họ sẽ không đăng, vì tôi kiến nghị Trung Quốc nên nhớ 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng. Tôi cũng nhắc họ rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất từng bị nước ngoài đô hộ. Việt Nam cũng đã đấu tranh chống lại ách đô hộ. Philippines cũng từng bị đô hộ. Đâu phải chỉ có Trung Quốc từng đau khổ. Việt Nam đã phải đấu tranh giành độc lập, họ biết thế nào là hy sinh, Trung Quốc không phải dạy điều đó. Việt Nam đang có sự cảm thông và ủng hộ của quốc tế. Việt Nam đã làm rất tốt việc đưa phóng viên quốc tế ra đó ghi hình, thông tin đến toàn thế giới. Người dân Bắc Mỹ, châu Âu và cả Australia, mỗi ngày mở tivi đều thấy những bản tin từ các phóng viên của chính họ về cách hành xử của Trung Quốc. Tôi không nghĩ Trung Quốc thích nghe dư luận thế giới nói về họ đâu. Đây không phải là việc có thể giải quyết ngay lập tức mà cần nhiều thời gian. Đành phải phải làm thế thôi vì Trung Quốc mạnh hơn nhiều. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang có nhiều vấn đề rắc rối khác. Lúc này có thể thấy họ đang giảm áp lực lên Nhật Bản, có lẽ vì họ không thể căng ra trên hai mặt trận. Trung Quốc đang khiêu khích và nếu Việt Nam giận dữ và phản ứng, Trung Quốc sẽ la lên với cả thế giới rằng Việt Nam hiếu chiến, đáng bị đáp trả. Trong tiếng Việt có hai khái niệm "đối tác" và "đối tượng". Đây là lúc xem xét kỹ hai khái niệm đó”. Phó Giáo Sư Christopher Roberts, Giám đốc Điều hành về phát triển của Đại học New South Wales (Australia) cũng có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, trong đó ông cho rằng, hành động của Trung Quốc rõ ràng là vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) dù Trung Quốc có cố diễn giải chủ quyền của mình như thế nào đi chăng nữa, vì khu vực này nằm gần bờ biển của Việt Nam và theo UNCLOS thì việc ưu tiên xác định chủ quyền của một quần đảo sẽ là việc nó nằm gần với bờ biển hơn là những đảo hay quần đảo ở ngoài khơi. Phó Giáo Sư Christopher Roberts nhận định: Trung Quốc đang áp dụng cái gọi là hai bước tiến một bước lùi ở Biển Đông. Chẳng hạn như trong trường hợp tranh chấp bãi cạn Scaborough với Philippines, khi dư luận thế giới đổ dồn chú ý thì họ rút tàu hải quân về. Tại giàn khoan Hải Dương 981, khi giới truyền thông lên thuyền của Việt Nam ra hiện trường thì họ lại chuyển sang việc xây dựng ở Trường Sa, trong khi vẫn duy trì ở Hoàng Sa.
Với những diễn biến hiện nay, vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa cần phải tách bạch với việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đã cố tình đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chính là hành động đi ngược lại với luật pháp quốc tế. Đây là một điều rất rõ ràng và Việt Nam đang nắm giữ ưu thế cụ thể trong trường hợp này. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải đưa vụ việc này ra Tòa án Trọng tài quốc tế để Tòa đưa ra phán quyết cuối cùng. UNCLOS đã có những điều khoản không công nhận việc dùng vũ lực đánh chiếm một quần đảo có chủ quyền của một nước khác. Chính vì thế, việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 cũng như những hành động sai trái vừa qua của Trung Quốc không thể là căn cứ để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này ,vì điều này là vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam nên bày tỏ ý định đệ đơn lên Tòa án Trọng tài quốc tế đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo với sự tham dự của các luật gia nổi tiếng thế giới để có thể làm rõ rằng Việt Nam cần phải chuẩn bị kiện Trung Quốc về những điều khoản cụ thể nào. Điều này sẽ khiến Trung Quốc phải hồi hộp lo lắng trong vài tháng và có thể Trung Quốc sẽ phải tìm cách tham vấn trực tiếp với Việt Nam để giải quyết những căng thẳng hiện nay bằng việc rút giàn khoan khỏi khu vực hoặc phải có những nhượng bộ nhất định nếu không muốn ra Tòa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ phải thực sự suy nghĩ về việc họ muốn căng thẳng này sẽ đi đến đâu, nhất là nếu họ không muốn Tòa án ra phán quyết bất lợi cho họ, mà theo tôi là nhiều khả năng xảy ra. Tốt nhất là Trung Quốc nên hợp tác với Việt Nam, một quốc gia có mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc trong nhiều năm qua. Tôi thực sự hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi quan điểm của mình. Theo những ý kiến trong hội thảo về Biển Đông mới đây, giới chuyên gia đang phân tích khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc. Kết quả tối ưu mà Việt Nam có thể đạt được là 80-90% phần Việt Nam tuyên bố chủ quyền được tòa án phán quyết, Việt Nam được kiểm soát các vùng biển đó mà Trung Quốc không thể can thiệp. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh tuyên bố từ chối tham gia vụ kiện của Philippines là dấu hiệu cho thấy khả năng Trung Quốc không thỏa hiệp với Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc đang tìm cách tác động đến một số nước trong ASEAN, bằng các lợi ích kinh tế, thương mại, để làm giảm động lực đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đến Việt Nam ngày 19/6 để bàn về việc giải quyết căng thẳng trên Biển Đông và ngay sau đó, Trung Quốc lại đưa thêm một giàn khoan nữa đến khu vực này. Điều này nằm trong tính toán kỹ lưỡng của phía Trung Quốc. Có thể đang có những vấn đề trong việc đưa ra quyết định của phía Trung Quốc. Dường như lãnh đạo Trung Quốc chỉ chủ yếu lắng nghe những tư vấn của quân đội nước này chứ không phải là các tham vấn của các Bộ trong Chính phủ, nhất là Bộ Ngoại giao. Đây là lí do mà nhiều nước cho rằng Trung Quốc đang vì lợi ích vật chất trước mắt mà đánh mất đi vị thế của mình. Đây là sai lầm lớn nhất của Trung Quốc và khiến hình ảnh của Trung Quốc bị tổn thương nghiêm trọng và sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá trong nhiều năm sau này. Vấn đề khiến tôi băn khoăn là thế trung lập ở khu vực Đông Nam Á sẽ kéo dài được bao lâu nếu Trung Quốc vẫn hành xử vượt quá quy chuẩn quốc tế như hiện nay. Chẳng hạn như Indonesia, họ thuộc Phong trào Không liên kết nhưng có xu hướng tiến gần hơn các nước phương Tây về phương diện an ninh. Nhật Bản, Ấn Độ cũng là lựa chọn hợp tác của một số nước Đông Nam Á. Trong vòng 20 năm tới, sẽ có một trật tự mới nếu Trung Quốc tiếp tục đi ngược lại tuyên bố trỗi dậy hòa bình”. Theo Nguyễn Chiến Chính phủ Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Trung Quốc đang phá vỡ "lòng tin chiến lược" |
Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói về Biển Đông trên truyền hình Đức Posted: 25 Jun 2014 04:28 PM PDT Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình “Sóng Đức”, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng các cường quốc thế giới chớ có mắc “bẫy của Trung Quốc” và kêu gọi EU nên tham gia tích cực hơn vào căng thẳng Biển Đông.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một trong những chuyên gia chính sách đối ngoại uy tín nhất của Việt Nam, từng là Đại sứ Việt Nam tại EU, đã có cuộc trả lời phỏng vấn với kênh “Sóng Đức” (Deutsche Welle – DW) vào ngày 20/6 vừa qua, về những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông và vai trò của EU trong việc giải quyết căng thẳng. Dân Trí xin trích đăng. Sóng Đức: Liệu EU có nên cam kết mạnh mẽ hơn về một giải pháp cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông? Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Trong thế giới đa cực hiện nay, các cường quốc, bao gồm cả EU, cần quan tâm lợi ích của họ ở các khu vực khác hơn là chỉ riêng khu vực của họ, vì hòa bình và an ninh chung. Mỹ, luôn luôn được hiểu như là một cường quốc ở khu vực Thái Bình Dương, đã phản ứng tương đối rõ ràng trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. EU, mà chúng tôi vẫn nói là có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam, đã không thể hiện một cách rõ ràng điều này. Nhưng chắc là EU không phải là không hiểu tình hình. Có hai lý do giải thích xuất phát từ vị trí của EU hiện nay: Một mặt, EU đã quá thu hẹp quan điểm về các vấn đề, như thể nó chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong thực tế, câu hỏi có tầm quan trọng trong khu vực và toàn cầu dài hạn hơn, cụ thể là: Trung Quốc có thể neo giàn khoan dầu của mình tại bất kỳ vị trí khác trong cái gọi là "đường chín đoạn", nghĩa là giới hạn bên ngoài của tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông. Trung Quốc đã quyết định làm như vậy lần đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi có một câu thành ngữ tiếng Việt là “đầu xuôi đuôi lọt”, nghĩa là nếu chỉ cần lần đầu được thông qua, phần còn lại sẽ còn tiếp diễn sau đó. Nói cách khác: Nếu Trung Quốc, với sự xuất hiện (giàn khoan) tại Việt Nam, sẽ là một thông điệp tới các quốc gia khác trong khu vực. Trong số những yếu tố khác, cần nói đến việc các cường quốc bên ngoài hiện không có ảnh hưởng thực sự lớn với tình hình Biển Đông hiện nay. Vì vậy, Trung Quốc đang cố tạo ra một số sự kiện theo ý của họ nhằm làm “chìm” đi các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi bởi nhiều bên đối với hơn 80% diện tích Biển Đông. "EU cần thể hiện mình nhiều hơn trong chính sách an ninh và hòa bình" Mặt khác, EU tập trung ở khu vực này chủ yếu vào các vấn đề kinh tế và văn hóa, trong khi chính sách an nình và hòa bình mang tính bảo mật lại đang được coi là thứ yếu. EU nên nâng cao hình ảnh của mình trong vấn đề này, để giúp thực thi một trật tự thế giới đa cực, theo ý kiến của riêng chúng tôi. Chúng ta cần phải tìm cách để thuyết phục Trung Quốc tin rằng họ chỉ có thể phát triển thành một cường quốc được công nhận và tôn trọng khi họ tuân thủ pháp luật và đối xử tôn trọng với tất cả các nước lớn nhỏ. Trung Quốc cố gắng tạo một thứ trật tự của mình trong khu vực theo kiểu thiết lập một "Pax Sinica" (Chủ nghĩa Đại Hán hay Trật tự Hán hóa). Trung Quốc đang chứng tỏ sức mạnh bằng vũ lực, theo kiểu buộc tất cả các nước trong khu vực “phải nhảy theo nhạc” của họ. Ngoài ra, Trung Quốc đơn phương cho rằng họ có quyền xác định các vấn đề vận chuyển quốc tế trong khu vực. Do đó, sự nổi lên của Trung Quốc không chỉ dành cho Việt Nam và các nước trong khu vực cần quan tâm, mà còn hơn thế nữa. Tôi hy vọng rằng, EU sẽ quan tâm hơn tới vấn đề này. Những hình thức hỗ trợ nào mà Việt Nam có thể trông đợi từ EU? EU nên ít nhất là tuyên bố thêm một lần nữa, rằng hành động của Trung Quốc ở biển Đông là hành động khiêu khích đơn phương, trái với hòa bình và an ninh trong khu vực và ảnh hưởng đến ngành công nghiệp vận tải biển quốc tế trong khu vực, vốn có tầm chiến lược quan trọng đối với thương mại thế giới. Một người để bày tỏ quan điểm như vậy có thể là Người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton hoặc Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thành viên EU như họ từng bày tỏ trên các diễn đàn khác nhau, ví dụ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), hay các hội nghị ASEAN+1, chẳng hạn như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á hoặc tại các Hội nghị gần đây của các Bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc … Tất cả các bên đang tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc, có nên chào đón một sự tham gia lớn hơn của EU? Trung Quốc sẽ không chào đón điều này. Fu Ying, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, từng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La rằng tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam không liên quan gì tới Mỹ. Nếu chúng ta đồng ý quan điểm này, chúng tôi cho rằng đó chính là cái bẫy của Trung Quốc. Đó chính là thông điệp mà Trung Quốc sẽ gửi cho các cường quốc rằng: những điều này không liên quan đến họ. Ngược lại các cường quốc cần cho rằng: "Trong thế giới đa cực ngày nay, việc cần thiết hơn bao giờ hết của chúng tôi là phải chú ý đến các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế." "Trung Quốc rút ra kết luận từ sự thờ ơ của người khác" Tôi muốn nói một điều rõ ràng rằng: Cho dù Trung Quốc có vu khống hay làm rối tình hình đến mức nào đi nữa, điều đó cũng không thể làm lu mờ sự thật. Và sự thật là: Trung Quốc đang thực hiện các bước đơn phương công khai vi phạm luật pháp quốc tế. Ý kiến của tôi là phần còn lại của thế giới không chỉ đơn giản đóng vai trò của người xem ở đây. Trung Quốc hiện đang tạo ra câu hỏi dạng: "Trung Quốc có thể thực thi ý chí của mình trên Biển Đông không, nếu các cường quốc không quan tâm và tìm giải pháp cho nó. Nếu đúng, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện". Tôi cho rằng, các cường quốc với trách nhiệm chính trị và đạo đức của mình phải quan tâm tình hình ở Biển Đông hơn nữa, vì lợi ích chung của trật tự thế giới. Trung Anh (dịch) Theo Dantri Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói về Biển Đông trên truyền hình Đức |
Bồi thường bảo hiểm cho ngư dân bị tàu “lạ” đâm tử vong Posted: 25 Jun 2014 04:03 PM PDT Sáng ngày 25/6, tại đảo Lý Sơn, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi phối hợp với Ban vận động Quỹ Bầu ơi, các doanh nghiệp tổ chức, trao nhiều phần hỗ trợ, tặng quà cho học sinh, bồi thường bảo hiểm cho trường hợp ngư dân tử vong và tàu cá bị chìm. Thông qua chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương”, đoàn từ thiện tiến hành hoạt động tặng 18 nhà nhân ái (40 triệu đồng/nhà), 20 thùng sữa tươi, 50 bảo hiểm thân tàu (trị giá bảo hiểm 500 triệu đồng). Nguồn hỗ trợ do Ban vận động Quỹ Bầu ơi và 2 doanh nghiệp tài trợ.
Bà Trương Viết Nhung – Chủ tịch Ban vận động Quỹ Bầu ơi – trao bảo hiểm thân tàu cho gia đình chủ tàu cá Lý Sơn. Bà Trương Viết Nhung - Chủ tịch Ban vận động Quỹ Bầu ơi – chia sẻ: “Từ ngàn đời qua, ngư dân Lý Sơn luôn bền bỉ, kiên cường bám biển ở Hoàng Sa và Trường Sa. Trong quá trình hành nghề trên biển, ngư dân gặp nhiều khó khăn như thiên tai, tai nạn và bị tấn công. Với vai trò là người con đất Việt, tôi mong muốn góp công sức, vận động nhiều nguồn nhằm hỗ trợ giúp ngư dân yên tâm bám biển khơi xa”. Cũng tại chương trình, đơn vị bảo hiểm PVI thực hiện trao trả tiền bảo hiểm trị giá 300 triệu đồng cho tàu cá QNg 96084-TS của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh, bị tai nạn cháy nổ gây chìm tàu trên vùng biển Hoàng Sa. Bên cạnh đó, bồi thường bảo hiểm tai nạn thuyền viên (cá nhân) cho gia đình ngư dân Đặng Dùm bị tàu "lạ" đâm tử vong, trị giá 50 triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (bên phải) nhận bồi thường bảo hiểm trị giá 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện KSND tối cao trao cặp sách và vở học tập cho học sinh Lý Sơn.
Bà Trương Viết Nhung tặng bức ảnh Trường Sa lớn cho đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra, theo hoạt động chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương”, ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – đã trao tặng 800 cặp sách và 8.000 cuốn vở cho 50 học sinh Lý Sơn. Ban vận động Quỹ Bầu ơi tặng đột xuất cho trường Tiểu học xã An Hải 5 triệu đồng, tặng 2 bức ảnh Trường Sa lớn đến Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Huyện ủy Lý Sơn. Hồng Long Theo Dantri Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Bồi thường bảo hiểm cho ngư dân bị tàu "lạ" đâm tử vong |
Đôi vợ chồng nghèo gửi quà trúng thưởng ra biển đảo Posted: 25 Jun 2014 03:59 PM PDT So với chiếc tivi hiện tại gia đình chị Nguyễn Thị Thái đang sử dụng, chiếc tivi màn hình phẳng trúng thưởng thực sự là món quà rất có giá trị. Nhưng gia đình chị Thái quyết định là gửi món quà trúng thưởng này tặng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài hải đảo. Thời gian này, đến khu chợ trên đường Tây Lân (Q. Bình Tân, TPHCM) hỏi về chị Nguyễn Thị Thái vừa trúng giải ba của nhãn mỳ A-One với trị giá là 1 ti vi màn hình phẳng, hầu như người dân ở đây ai ai đều biết. Và khi tiếp xúc với người phụ nữ này, chúng tôi đã cảm nhận được một điều ý nghĩ lớn lao hơn …
Vợ chồng chị Thái Không quên thuở cơ hàn Chị Thái tâm sự: "Vợ chồng tôi quên ở Phủ Lý – Hà Nam. Trước đây, cuộc sống mưu sinh bằng nghề chài lưới, thu nhập thất thường, bữa đói bữa no. Hơn thế, còn nuôi 3 đứa con khôn lớn, quả thật rất khó khăn. Khi đó, để có gói mì ăn sáng với gia đình tôi cũng chỉ là niềm mơ ước. Năm 2008, vợ chồng quyết định vào Sài Gòn để lập nghiệp. Cuộc sống sôi động và tấp nập khiến vợ chồng tôi chồng chất nỗi lo. Hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau, cố gắng chăm chỉ, hi vọng sẽ may mắn hơn. May sao, chủ nhà cho thuê bây giờ – lúc ấy là hàng xóm, thông cảm hoàn cảnh vợ chồng tôi, cho thuê nhà giá rẻ. Sáu năm trôi qua, hai vợ chồng rồi cũng ổn định cuộc sống phần nào, con cái giờ cũng lớn và có thể phụ gia đình vài việc vặt. Dù cuộc sống chưa có gì khá giả, nhưng cũng có công việc để mưu sinh, không phải lo từng bữa ăn như trước đây, con cái được học hành. Gia đình giờ chỉ mong vài năm nữa, có thể “an cư” nơi mảnh đất Sài Gòn này". Khi được hỏi vì sao thích ăn mì tôm, chị Thái cười và kể lại một câu chuyện dài nhưng thú vị – về cái “duyên” với loại mì này. Trong thời gian đầu đến Sài Gòn, với số tiền dành dụm, vợ chồng chị Thái quyết định mở tiệm tạm hóa nhỏ trong dãy nhà trọ cho đa số công nhân khu công nghiệp. Anh chị chủ yếu bán mì gói và một số vật dụng cá nhân, ban đầu không bán được là bao, vợ chồng cứ thấp thỏm lo lỗ vốn. Ngày nào bán ít, anh chị chia nhau gói mì ăn vội cho tiết kiệm và cho qua bữa. Rồi từ từ xóm trọ thấy thương vợ chồng nghèo nên mua ủng hộ, mà họ cũng nghèo, nên chủ yếu lâu lâu 2, 3 gói mì ăn liền. Nên nói cái duyên cũng từ những gói mì bán ngày ấy, mà bây giờ có cái ăn cái mặc. Nay lại trúng được giải thưởng. Tuy không phải là lớn, nhưng với 2 vợ chồng là 1 tài sản giá trị. Chia sẻ đến đây, chị Thái cười hiền, bảo, cuộc sống nơi phố thị chật vật từng giờ mưu sinh, một món quà như trận mưa rào mát mẻ. Quyết định “kỳ lạ” và hoài bão lớn Khi hỏi về cảm nhận khi biết tin mình trúng giải, anh Nguyễn Văn Sự – chồng chị Thái cho biết: “Khi đọc thông tin trên thẻ cào là trúng giải, vợ chồng tôi không tin đó là sự thật. Ngay cả những người hàng xóm xung quanh lúc đầu cũng khuyên không nên tin vào những giải thưởng của các chương trình khuyến mại. Sau khi gọi lên công ty xác nhận là đúng trúng giải, không chỉ gia đình tôi ngạc nhiên, mà hàng xóm bà con cũng chia vui”. Lúc này, chúng tôi mới để ý chiếc bấm điều khiển của chiếc tivi nhà anh Sự đang dùng. Các nốt bấm trên điều khiển, cái mờ hướng dẫn, cái siêu vẹo… Anh Sự nói đó là món quà người chú tặng khi vợ chồng anh mới vào Sài Gòn sinh sống. Vậy nhưng, gia đình chị Thái quyết định là gửi món quà trúng thưởng ra ngoài hải đảo tặng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Hành động “kì lạ” ấy khiến ai cũng ngạc nhiên. Chị Thái tâm sự: Giờ đây tất cả người dân Việt nam đều hướng về biển đảo – chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Từ lâu lắm rồi, gia đình tôi rất muốn gửi chút quà nhỏ bé gọi là tấm chân tình tặng các chiến sĩ ngoài hải đảo. Nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn nên tâm nguyện ấy vẫn còn“gác” lại. Vì vậy, nhân dịp may mắn trúng thưởng chương trình khuyến mại của A-One, gia đình tôi quyết định thực hiện được tâm nguyện bấy lâu nay. Sau khi nhận được giải thưởng, gia đình tôi sẽ nhờ công ty Saigon Ve Wong chuyển chiếc tivi cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Gia đình tôi muốn gửi món quà của sự may mắn tặng các chiến sĩ, mong các anh luôn vững tin.
T.P Theo Dantri Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Đôi vợ chồng nghèo gửi quà trúng thưởng ra biển đảo |
Hội Luật gia phản đối hành động vô nhân đạo của Trung Quốc Posted: 25 Jun 2014 03:38 PM PDT Chiều 25/6, Hội Luật gia Việt Nam ra tuyên bố cực lực phản đối các hành động của Trung Quốc đồng thời yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 và toàn bộ lực lượng ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc hung hăng leo thang trên Biển Đông bằng cách điều động số lượng tàu lớn trong đó có cả tàu chiến và máy bay ra khu vực hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tại buổi họp báo chiều nay, 25/6, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục lên tiếng cực lực phản đối hành động này và yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức giàn khoan Hải Dương 981 và toàn bộ lực lượng hiện có ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam nêu rõ: Kể từ sau ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Từ đó đến nay, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, bất chấp mọi nỗ lực thiện chí giải quyết căng thẳng bằng con đường hoà bình của Chính phủ Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang nhiên có nhiều hành động leo thang căng thẳng. Các tàu của Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay, đã chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng vòi rồng công suất lớn, dùng súng bắn nước nhắm thẳng vào tàu Việt Nam, làm hư hỏng thiết bị, gây thương tích cho các kiểm ngư viên và ngư dân Việt Nam. Ngày 26/5/2014, tàu cá của Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa-90152 của Việt Nam, làm 10 thuyền viên trên tàu gặp nạn, toàn bộ hải sản, ngư cụ của tàu ĐNa 90152 bị hư hỏng hoàn toàn. Ngày 1/6/2014, tàu Trung Quốc liên tục phun vòi rồng vào tàu Cảnh sát Biển 2016 và đâm mạnh bên mạn phải của tàu làm thủng 4 lỗ, cách mép nước biển chỉ 40 cm. Trầm trọng nhất là vào ngày 23/6/2014, ở vị trí cách giàn khoan Hải Dương 981 chừng 11,5 hải lý về phía Tây Nam, tàu kiểm ngư của Việt Nam mang số hiệu KN-951 đã bị 7 tàu của Trung Quốc bao vây, sử dụng tốc độ cao để áp sát, phun vòi rồng với áp lực lớn, đâm va, ngăn cản trong khi tàu Kiểm ngư 951 đang thực thi pháp luật trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các hành vi trên đây của Trung Quốc rõ ràng là những hành vi sử dụng vũ lực, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quyền con người, bất chấp Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Các hoạt động mà Trung Quốc thường phát ngôn là “chỉ thực thi pháp luật bình thường” khác xa với các hành vi sử dụng vũ lực diễn ra trên thực tế, không chỉ làm ảnh hưởng đến ngư dân đánh bắt cá, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, mà còn gây lo ngại cho toàn bộ cộng đồng các quốc gia trên vùng biển Đông, trái ngược hoàn toàn với đạo lý và luật pháp quốc tế.
Mặc dù Trung Quốc hung hăng tấn công vào các tàu lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam nhưng những con tàu Cảnh sát biển của ta vẫn ngày đêm kiên trì rẽ sóng ra khơi, bảo vệ chủ quyền. Một lần nữa, Hội Luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, chấm dứt các hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của công dân Việt Nam và các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, không tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng ngay các hành động gây phức tạp tình hình, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia và toàn thể nhân dân của các nước trên thế giới lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quyền con người và vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc. Hội Luật gia Việt Nam luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và giới luật gia Việt Nam – Trung Quốc, cùng phía Trung Quốc làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cố tình không tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cố tình vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam kiên quyết đề nghị Chính phủ Việt Nam sử dụng các biện pháp pháp lý hợp pháp theo pháp luật quốc tế để giải quyết tình trạng vi phạm leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. Hội Luật gia Việt Nam, với số lượng hơn 46.000 hội viên luật gia yêu nước sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để chuẩn bị các hồ sơ pháp lý cần thiết cho quá trình này, kiên quyết không để chủ quyền thiêng liêng của đất nước bị xâm phạm. Tuấn Hợp Theo Dantri Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Hội Luật gia phản đối hành động vô nhân đạo của Trung Quốc |
Việt Nam kiện Trung Quốc về “tội” gì? Posted: 25 Jun 2014 03:37 PM PDT Đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (đường 9 đoạn), rồi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và đâm hỏng tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam… Trước hàng loạt hành vi vi phạm, Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc “tội” gì? Chiều 25/6, đại diện Hội Luật gia Việt Nam có cuộc trao đổi với báo chí về việc thời gian qua, tàu Trung Quốc đã đâm hỏng tàu của ngư dân Việt Nam, ngư dân cũng có nguyện vọng muốn chuẩn bị hồ sơ pháp lý để kiện, Hội Luật gia có sẽ hỗ trợ pháp lý cụ thể đối với ngư dân. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam cho biết, sau vụ tàu Trung Quốc đâm hỏng tàu cá của VN, hiện nay Hội nghề cá Đà Nẵng đã chuyển cho cơ quan ủy quyền khởi kiện về việc này. Về mặt pháp lý, nếu nhận được yêu cầu từ các ngư dân, Hội Luật gia sẽ hỗ trợ. Cái khó nhất trong việc tiến hành kiện Trung Quốc là xác định chủ thể vi phạm trong việc đâm chìm tàu cá.
Tàu Trung Quốc điên cuồng tấn công đâm thẳng vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. "Nếu chúng ta khởi kiện theo tư cách cá nhân của chủ tàu thì quy trình cũng khác với việc kiện giữa hai quốc gia vì việc này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì có thể kiện lên tòa án của Việt Nam. Các cơ quan tư pháp của Việt Nam hoàn toàn có quyền xử lý việc này" – ông Quyền nói. Liên quan đến khâu chuẩn bị của Việt Nam về mặt pháp lý khi khởi kiện ra tòa ánh quốc tế, cách đây 2 ngày, Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác với tòa trọng tài quốc tế (PCA). Ý nghĩa của việc hợp tác này và hiệu quả đối với việc Việt Nam chuẩn bị kiện, thưa ông? Việc kiện ra tòa trọng tài quốc tế PCA ở phạm vi giải quyết tranh chấp về kinh tế, còn việc vi phạm chủ quyền biển đảo thì phải kiện ra các tổ chức quốc tế giải quyết về tranh chấp lãnh thổ và quyền con người. PCA thụ lý vụ kiện của Philippines, VN cũng tham gia PCA thì liệu có tìm được cơ hội nào để khởi kiện tại tòa này? Tòa trọng tài thường trực quốc tế là một thiết chế để giải quyết các tranh chấp quốc tế mà Philippines đang sử dụng. VN đã gia nhập thành viên của PCA. Đây chính là bước chuẩn bị từ rất sớm nên nếu thấy cần thiết thì ta cũng có thể đưa vụ việc ra tòa trọng tài này để kiện theo cách của nhiều nước đã làm. Hội Luật gia với hơn 46.000 hội viên yêu nước sẵn sàng cùng nhà nước thực hiện mọi biện pháp để đòi lại chủ quyền. Hội Luật gia có bao giờ gửi các văn bản tư vấn cho Chính phủ về việc nên hay không nên kiện Trung Quốc và kiện thì có những lợi ích, mất mát gì? Việc tham mưu với Chính phủ chúng tôi đã tính đến nhưng hiện nay chúng ta đang áp dụng biện pháp đàm phán hòa bình. Đến thời điểm bất đắc dĩ không thể đàm phán thì chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế. Đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (đường 9 đoạn), rồi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đâm hỏng tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam… Những hành động của Trung Quốc kể không hết “tội”. Vậy Việt Nam nên kiện Trung Quốc “tội” gì? Trước hết nên kiện việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như kiện việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Còn nếu kiện về chuyện đường lưỡi bò thì phải thông qua các cơ quan trọng tài quốc tế, phải thông qua đàm phán đa phương.
Trung Quốc hung hăng dàn trận tấn công, phun vòi rồng tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Tham mưu cho Chính phủ, ông cho rằng Việt Nam nên chọn cách nào, đưa vụ việc ra cùng vụ kiện của Philippines hay đưa độc lập? Mỗi cách làm đều có lợi thế và khó khăn riêng. Đến lúc cần thiết thì chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ phương án thiết thực nhất. Với câu hỏi, có cảnh báo không chính thức là Việt Nam kiện Trung Quốc thì Trung Quốc cũng có thể kiện lại Việt Nam. Nếu đúng như thế thì ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh giữa hai nước, ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam trả lời: "Công lý là giá trị lớn mà tất cả quốc gia tiến bộ và nhân dân các nước đều hướng tới. Trong trường hợp này, đó là lời cảnh báo. Còn chúng ta luôn vững vàng niềm tin chúng ta có công lý. Không những chúng ta, mà Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế là đại diện của hơn 100 nước thành viên cũng đã lên tiếng ủng hộ việc này. Nếu chúng ta vững về mặt pháp lý, được sự ủng hộ của quốc tế, lại phù hợp với đạo lý chung, vì thế, Việt Nam đang ở 1 vị thế mà chúng tôi tin rằng, nếu kiện nhất định chúng ta sẽ thắng". Theo Dantri Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Việt Nam kiện Trung Quốc về "tội" gì? |
Việt Nam không sợ Trung Quốc kiện ngược Posted: 25 Jun 2014 02:02 PM PDT “Chúng ta vững về mặt pháp lý, phù hợp với đạo lý lại được sự ủng hộ của quốc tế. Nếu kiện nhất định chúng ta sẽ thắng”, Phó chủ tịch Hội Luật gia chia sẻ. Trong cuộc họp báo chiều 25/6, vấn đề khởi kiện Trung Quốc được mổ xẻ với các chuyên gia của Hội Luật gia Việt Nam. - Có ý kiến nêu khả năng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc thì Trung Quốc cũng có thể kiện lại Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về việc cạnh tranh giữa hai nước, kể cả về vấn đề pháp lý lẫn phi pháp lý? - Ông Lê Minh Tâm (Phó chủ tịch Hội): Công lý là giá trị lớn mà tất cả quốc gia tiến bộ và nhân dân các nước đều hướng tới. Trong trường hợp này, đó là lời cảnh báo, còn chúng ta luôn vững vàng một niềm tin chúng ta có công lý. Không những chúng ta, mà Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế là đại diện của hơn 100 nước thành viên cũng đã lên tiếng ủng hộ việc này. Chúng ta vững về mặt pháp lý, phù hợp với đạo lý lại được sự ủng hộ của quốc tế. Vì thế, chúng tôi tin rằng, nếu kiện nhất định chúng ta sẽ thắng.
Phó chủ tịch Hội Luật gia Lê Minh Tâm. - Sau vụ đâm chìm tàu cá ngư dân Đà Nẵng cuối tháng 5, ngư dân có nguyện vọng muốn chuẩn bị hồ sơ pháp lý để kiện. Hội Luật gia đã có hỗ trợ gì? - Ông Nguyễn Văn Quyền (Phó chủ tịch Hội): Hiện, Hội nghề cá Đà Nẵng đã chuyển cho cơ quan ủy quyền khởi kiện về việc này. Về mặt pháp lý, nếu nhận được yêu cầu từ các ngư dân, Hội Luật gia sẽ hỗ trợ. Cái khó nhất trong việc kiện là xác định chủ thể vi phạm trong việc đâm chìm tàu cá. Nếu chúng ta khởi kiện theo tư cách cá nhân của chủ tàu thì quy trình cũng khác với việc kiện giữa hai quốc gia khác nhau. Vì việc này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì có thể kiện lên tòa án của Việt Nam. Các cơ quan tư pháp của Việt Nam hoàn toàn có quyền xử lý việc này. - Liên quan đến những chuẩn bị của Việt Nam về pháp lý khi khởi kiện ra tòa án quốc tế, cách đây ít ngày Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác với Tòa trọng tài thường trực (PCA).Ý nghĩa và hiệu quả của việc hợp tác này? - Ông Nguyễn Văn Quyền: Việc kiện ra tòa trọng tài quốc tế ở phạm vi giải quyết tranh chấp về kinh tế, còn việc vi phạm chủ quyền biển đảo thì phải kiện ra các tổ chức quốc tế giải quyết về tranh chấp lãnh thổ và quyền con người. - PCA thụ lý vụ kiện của Philipines, Việt Nam cũng tham gia PCA. Ông có thể nói rõ cơ hội để khởi kiện tại tòa này? - Ông Nguyễn Văn Quyền: Tòa trọng tài thường trực quốc tế là một thiết chế để giải quyết các tranh chấp quốc tế mà Philipines đang sử dụng. Việt Nam đã gia nhập thành viên của PCA và đây chính là bước chuẩn bị từ rất sớm nên nếu thấy cần thiết thì ta cũng có thể mang ra tòa trọng tài này để kiện theo cách của nhiều nước đã làm. Hội Luật gia với hơn 46.000 hội viên yêu nước sẵn sàng cùng nhà nước thực hiện mọi biện pháp để đòi lại chủ quyền. Với tư cách là những người chuyên môn, Hội sẵn sàng dùng hết chức trách làm hết sức mình để chuẩn bị hồ sơ pháp lý, đó cũng là cống hiến chuyên môn của Hội cho đất nước.
Tàu cá Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26/5. Ảnh: VOV. - Giả sử Việt Nam kiện Trung Quốc, thì dưới góc độ pháp lý, Hội luật gia, Việt Nam nên kiện những hành động cụ thể nào, kiện “đường lưỡi bò”, kiện hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép hay hành vi Trung Quốc dùng vũ lực… ? - Ông Nguyễn Văn Quyền: Trước hết kiện việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kiện việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Còn nếu kiện về đường lưỡi bò thì phải thông qua các cơ quan trọng tài quốc tế, phải thông qua đàm phán đa phương. - Nếu tham mưu cho Chính phủ thì theo ông nên chọn cách nào: Đưa ra cùng vụ kiện của Philippines hay độc lập? - Ông Nguyễn Văn Quyền: Mỗi cách làm đều có lợi thế và khó khăn riêng, cho đến lúc cần thiết thì chúng tôi sẽ đưa ra tham mưu cho chính phủ phương án thiết thực nhất. Hiện, chúng ta đang áp dụng biện pháp đàm phán hòa bình, đến thời điểm bất đắc dĩ không thể đàm phán thì chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế. Tàu cá của ngư dân bị TQ đâm chìm như thế nào?Khi cách nhau vài chục mét thì chai lọ, đá,… từ tàu Trung Quốc ném qua tàu cá của ngư dân Đà Nẵng rào rào. Sau đó một chiếc khác đâm ngang thân khiến ĐNa 90152 chìm xuống biển. Theo Tri Thức Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Việt Nam không sợ Trung Quốc kiện ngược |
Nhà báo Nhật: “Tôi đã sốc khi thấy tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam” Posted: 25 Jun 2014 01:52 PM PDT Sau chuyến đi thực tế ở vùng biển Hoàng Sa trở về, Trưởng Cơ quan thường trú Kyodo News khu vực châu Á đóng tại Thái Lan Toshihiro Yatagai đã đánh giá rằng các hành động của Trung Quốc mà ông được tận mắt chứng kiến là hoàn toàn không thích hợp và đáng bị lên án.
Trưởng Cơ quan thường trú Kyodo News khu vực châu Á đóng tại Thái Lan Toshihiro Yatagai. (Ảnh: Hà Linh/Vietnam+) Ông bày tỏ hy vọng các bên nên giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình bởi các hành động hung hăng như của Trung Quốc sẽ không giải quyết được điều gì. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của ông Yatagai với phóng viên TTXVN tại Bangkok: -Trung Quốc đã trái phép đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông nghĩ sao về hành động này? Ông Yatagai: Cách đây khoảng một tháng, tôi được biết Trung Quốc đã triển khai rất nhiều tàu ở khu vực này, nơi họ đặt giàn khoan như bạn nói. Tôi cũng nhận được nhiều thông tin về việc các tàu chiến đó của Trung Quốc đã đâm vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Và khi được tận mắt chứng kiến, tôi cảm thấy sốc về điều này bởi có quá nhiều tàu hộ tống như vậy. Tôi có thể đếm được tới khoảng 40 chiếc và chúng đã có những hành động gây hấn như rượt đuổi và đâm va vào các tàu của Việt Nam. -Ông là người vừa từ vùng biển Hoàng Sa trở về. Vậy sự thật ở đó diễn ra như thế nào? Ông Yatagai: Thực tế, những tàu này của Trung Quốc được triển khai là nhằm bảo vệ giàn khoan của họ. Ngược lại, Việt Nam đã cử các tàu thực thi pháp luật của mình ra để cố gắng tiếp cận giàn khoan đó và tìm cách liên lạc với họ nhằm hạn chế các hành động hung hăng. Nhưng không hề có đối thoại mà chỉ có những hành động từ phía Trung Quốc nhằm đẩy các tàu của Việt Nam ra khỏi khu vực đó. Đã có những hành động phun vòi rồng và đôi khi có cả va đâm. Tôi cho rằng đây là việc làm đáng bị lên án và không thích hợp để giải quyết vấn đề này. -Ông và các đồng nghiệp báo chí nước ngoài có gặp khó khăn gì trong chuyến đi này hay không? Ông Yatagai: Có một chút khó khăn đối với tôi trong việc thích ứng với chuyến đi bởi chiếc tàu nhỏ cứ rung lắc liên tục khi ra ngoài khơi. Chúng tôi xuất phát từ Đà Nẵng và phải mất khoảng 10 tiếng mới ra tới đó. Đây là chuyến đi thực sự gian khổ đối với tôi, bởi tôi đã 50 tuổi rồi, những đổi lại, các chiến sỹ cảnh sát biển Việt Nam rất thân thiện và chu đáo. Họ cung cấp đủ nước uống và điện chiếu sáng cho chúng tôi. Thực sự là không hề có khó khăn gì trong việc tác nghiệp, ngoại trừ chiếc tàu rung lắc và đó cũng chính là điều thú vị. Tôi và các đồng nghiệp khác cảm thấy hài lòng vì được chứng kiến tận mắt những gì đang diễn ra trên thực địa. Tôi cũng được biết về các hành động xung đột kiểu này, nhưng quả đúng là “trăm nghe không bằng một thấy.” Đây là một kinh nghiệm quý đối với tôi, khi được tận mắt chứng kiến các sự việc diễn ra. -Ông đánh giá thế nào đối với quan điểm của Nhật Bản và Thái Lan về các hành động của Trung Quốc tại khu vực? Ông Yatagai: Tôi không phải là một quan chức của Nhật Bản hay của Thái Lan, nhưng chúng tôi, những người Nhật Bản cũng có những vấn đề tương tự với Trung Quốc liên quan tới một hòn đảo nhỏ. Có thể nói rằng, tôi đã được chứng kiến nhiều hành động gây hấn của Trung Quốc và những hành động kiểu này là thật sự không tốt bởi nó không thể giải quyết được các vấn đề. Tôi hy vọng chúng tôi (Nhật Bản) và Trung Quốc có thể giải quyết được điều này thông qua đối thoại và các biện pháp ngoại giao. Việc Trung Quốc phái máy bay chiến đấu tiếp cận sát máy bay Nhật Bản, chỉ khoảng vài chục mét, là hành động nguy hiểm và tôi không muốn phải chứng kiến hành động này. Tôi hy vọng tất cả các bên liên quan, ví dụ như Nhật Bản và Trung Quốc hay Việt Nam và Trung Quốc cần giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Nhưng dù sao thì các hành động hung hăng của Trung Quốc cũng không giải quyết được vấn đề gì. Liên quan tới Thái Lan, họ có thể có một chút phản đối Trung Quốc bởi họ không có việc tranh chấp lãnh thổ. Tuy là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nhưng phản ứng của họ là khác hẳn so với Việt Nam hay Nhật Bản./. Theo Vietnam+ Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Nhà báo Nhật: "Tôi đã sốc khi thấy tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam" |
You are subscribed to email updates from Tin tức giải trí » Quảng Ngãi To stop receiving these emails, you may unsubscribe now. | Email delivery powered by Google |
Google Inc., 20 West Kinzie, Chicago IL USA 60610 |