Sunday, July 27, 2014

Người thương binh hơn 10 năm đi tìm đồng đội

Người thương binh hơn 10 năm đi tìm đồng đội


Người thương binh hơn 10 năm đi tìm đồng đội

Posted: 26 Jul 2014 08:45 PM PDT

Hơn 10 năm trời, hàng trăm bộ hài cốt liệt sỹ được trao tận tay những người thân một cách chu đáo, ân nghĩa và không hề vụ lợi.

Người lính già Cao Việt Đức (thôn Trại Đảng, xã Đồng Kỳ, Yên Thế, Bắc Giang) miệt mài làm việc nghĩa, như thể đó là một trách nhiệm của riêng mình.

Người thương binh hơn 10 năm đi tìm đồng đội

Người lính già Cao Việt Đức bên góc làm việc nhỏ.Ảnh: X.Thắng.

Mang mảnh đạn trong đầu đi tìm đồng đội

Rời quân ngũ với những mảnh đạn trong đầu khiến cho sức khỏe người thương binh Cao Việt Đức giảm sút. Chứng mất ngủ cũng ngày một nặng hơn. Hàng đêm mỗi lần nhắm mắt, hình ảnh các trận đánh ác liệt nơi chiến trường xưa, những ánh mắt khắc khoải của đồng đội trong giây phút cuối cùng lại bỗng ùa về. Tỉnh cơn mê giữa đêm khuya tĩnh lặng, nghĩ về những hình ảnh ấy khiến lòng ông nhói đau, dằn vặt.

Thế rồi giữa năm 2004, ông Đức lẳng lặng gói ghém đồ đạc vào chiếc ba lô bộ đội cũ kỹ, chuẩn bị thêm 10 triệu đồng rồi nói dối vợ về quê nội ở TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc chơi vài ngày. Nhưng ý định thực sự của ông là về thăm lại chiến trường xưa – cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh), nơi của nước mắt và đau thương khi ông Đức từng chứng kiến 17 đồng đội cùng vào sinh ra tử với mình lần lượt ngã xuống trong một trận chiến ác liệt vào tháng 6/1977.

Nhờ sự giúp đỡ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Sở LĐ,TB&XH Tây Ninh ông đã tìm được 17 bộ hài cốt của đồng đội mình, quy tập về nghĩa trang Châu Thành, Tây Ninh. Nhìn những tấm bia ghi đầy đủ tên tuổi, hình ảnh của những người đồng đội ruột thịt ấy, ông Đức đã không cầm được nước mắt.

Trong chuyến đi kéo dài gần 10 ngày đó, ông Đức còn kì công ghi chép lại thông tin đầy đủ của hơn 4.000 liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang Châu Thành. Trở về, ông Đức đã ghi chi tiết, tên tuổi, quê quán, chiến trường, năm sinh, năm mất của từng trường hợp gửi về địa phương nơi các liệt sĩ sinh ra. Hàng nghìn cánh thư được chuyển đi giúp bao gia đình biết được thông tin phần mộ của con em mình. Nghĩa cử cao đẹp, đầy ý nghĩa ấy của ông Đức khiến mọi người khâm phục vô cùng. Cũng bắt đầu từ đó, ông Đức nuôi dưỡng tâm nguyện sẽ kết hợp với thân nhân các liệt sĩ mở các cuộc tìm kiếm hài cốt các anh.

 

Một cách tìm mộ khoa học, công phu

So với nhiều phương pháp tìm hài cốt liệt sĩ của các nhà ngoại cảm hiện đang gặp phải sự nghi vấn của dư luận, thì phương pháp tìm hài cốt liệt sĩ của ông Đức lại dựa trên cơ sở khoa học và cực kì công phu.

Trao đổi với PV, ông Đức cho biết, có thể gọi phương pháp ông sử dụng với cái tên: “Phương pháp hồ sơ”. Tức là ông sẽ dựa vào những giấy tờ liên quan tới liệt sĩ do gia đình cung cấp rồi liên hệ, gửi các tài liệu sẵn có tới các cơ quan có thẩm quyền như: Bộ Chỉ huy quân sự, Sở, phòng LĐ,TB&XH, huyện, xã… nơi liệt sĩ từng chiến đấu và hy sinh để nhờ sự giúp đỡ. Những nơi này thường nắm được những thông tin vô cùng quan trọng về liệt sĩ bao gồm: Sơ đồ an táng ban đầu, người an táng, thời điểm hy sinh và hiện tại phần mộ liệt sĩ đó ra sao…

Dẫn chúng tôi lên căn gác tầng hai, nơi ông làm việc và lưu trữ hàng nghìn bộ hồ sơ về các liệt sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc, ông Đức cho chúng tôi xem những dụng cụ mà ông sử dụng trong các chuyến đi của mình gồm: Một chiếc máy ảnh du lịch cũ kĩ, chiếc la bàn và những tập hồ sơ dầy cộp ghi chép mọi thông tin liên quan về liệt sĩ do gia đình và các cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

Người thương binh hơn 10 năm đi tìm đồng đội

Một chuyến đi tìm hài cốt đồng đội của ông Đức. Ảnh: TL.

Để dẫn chứng phương pháp của mình, ông Đức kể về cuộc hành trình tìm hài cốt liệt sĩ Dương Xuân Hỷ (quê Thiệu Dương, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) kéo dài trong suốt 2 năm trời. Đó là vào một ngày đầu năm 2011, ông Đức nhận được cuộc điện thoại từ người thân liệt sĩ Hỷ. Họ đã tâm sự rất lâu và thực lòng rằng gia đình đã từng nhờ tới nhà ngoại cảm nhưng không ổn. Từ những thông tin mà gia đình cung cấp, ông Đức xác định được thời điểm hy sinh, nơi liệt sĩ Hỷ được an táng tại Bãi Tranh, Sơn Lập, Sơn Tây, Quảng Ngãi. Ông tiếp tục gửi hồ sơ về liệt sĩ Hỷ tới các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ngãi. Một thời gian sau thì nhận được hồi âm của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Sở LĐ,TB&XH Quảng Ngãi rằng phần mộ liệt sĩ Hỷ hiện đang bị thất lạc.

Cuộc tìm kiếm gặp vô vàn khó khăn, những tưởng sẽ lâm vào bế tắc, nhưng ông Đức đã không hề bỏ cuộc. Tình cờ, trong một dịp kỉ niệm Trường Quân chính, Quân khu 5 (nơi liệt sĩ Hỷ từng học tập và công tác) sau khi nghe thông tin về liệt sĩ Hỷ, một người phụ nữ tên Lan đã bật khóc, thông báo rằng, liệt sĩ Hỷ chính là người yêu của bà năm xưa. Không những vậy, trước khi lên đường ra mặt trận, anh Hỷ còn trao cho bà một chiếc khăn dù màu xanh làm kỉ niệm. Nhờ thông tin quý báu này, ông Đức đã liên hệ trực tiếp với bà Lan và từ đây tìm ra được những người đồng đội đã trực tiếp an táng cho liệt sĩ Hỷ gồm ông Võ Văn Bảy và Huỳnh Văn Minh.

Tròn 2 năm trời thu thập tài liệu liên quan đến liệt sĩ Hỷ, tháng 7/2013, ông Đức đã cùng gia đình liệt sĩ Hỷ lên đường vào thôn Bãi Tranh, xã Sơn Lập, Sơn Tây, Quảng Ngãi tìm hài cốt người quá cố. Khi tới khu vực Bãi Tranh, ông Bảy và ông Minh được cử đi trước để tìm kiếm nơi từng chôn cất liệt sĩ Hỷ. Nhưng thời gian đã khiến cho cảnh vật thay đổi nhiều, không còn như xưa, nên ngay cả ông Bảy và ông Minh dù đã rất cố gắng vẫn không xác định được vị trí chính xác chôn cất liệt sĩ Hỷ.

Bằng kinh nghiệm của người lính, ông Đức cho rằng, thông thường những người hy sinh trong chiến tranh sẽ được chôn cất xung quanh những gốc cây lớn. Nhìn xung quanh, ông Đức phát hiện một cây trâm cao vụt lên giữa vùng lau sậy. Khi mọi người tiến về phía cây trâm, dọn cỏ thì phát hiện một nấm mồ được kè đá. Nhìn nấm mồ, cả ông Bảy và ông Minh đã òa khóc và xác nhận đây đích thị là phần mộ liệt sĩ Hỷ, bởi sau khi chôn cất đồng đội, hai ông còn kè đá xung quanh mộ để tránh bị nước cuốn trôi. Quá trình khai quật, mọi người đã phát hiện hài cốt kèm theo những di vật của liệt sĩ Hỷ được chôn cùng sau khi mất. Sau khi hoàn tất thủ tục, gia đình đã rước hài cốt liệt sĩ Dương Xuân Hỷ về với quê cha đất tổ trong sự xúc động của người thân.

Mỗi cuộc hành trình tìm hài cốt đồng đội là một chuyến đi tri ân đầy thiêng liêng với ông Đức. Ông bảo: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này, cho tới khi nào tôi không còn được sống trên cuộc đời này nữa”.

“Phương pháp tìm hài cốt liệt sĩ của tôi đòi hỏi lòng kiên nhẫn, sự tỉ mỉ, cẩn thận cao độ. Nhưng điều quan trọng nhất giúp tôi gần 10 năm qua vẫn miệt mài trên các chặng đường đi tìm hài cốt những người đồng đội chính là cái tâm, sự mong muốn tri ân, đáp đền công ơn đối với những người đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc”.

Ông Cao Việt Đức

Theo Báo Gia đình & Xã hội


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Người thương binh hơn 10 năm đi tìm đồng đội