Saturday, November 15, 2014

Một giáo viên tử vong do bị nước cuốn trôi

Một giáo viên tử vong do bị nước cuốn trôi


Một giáo viên tử vong do bị nước cuốn trôi

Posted: 15 Nov 2014 01:28 AM PST




Đang trên đường đến trường để dạy học, một giáo viên đã bị nước cuốn trôi, dẫn đến tử vong. Sau vụ việc này, chính quyền địa phương phải cử người túc trực ở nhiều tuyến đường bị ngập để hướng dẫn bà con đi lại.


Hiện lũ các sông đang lên, các địa phương miền núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở.

Vào lúc 13 giờ ngày 14.11, cô giáo Đặng Thị Thanh (40 tuổi), ngụ xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, là giáo viên trường Tiểu học số 1 Tịnh Phong - Phân hiệu Phú Lộc, trên đường đi dạy bị nước cuốn trôi, tử vong. Nơi xảy ra tai nạn của cô giáo Thanh là đoạn đường bê tông từ xã vào thôn Phú Lộc bị ngập khoảng 40cm.

Ông Nguyễn Hải Kiên- Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Phong cho biết: Hai bên đoạn đường cô Thanh bị nạn là ruộng, kênh, nên khi đi qua đây không may cô bị gió đẩy ngã xuống kênh.

Sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương và người dân đã tổ chức tìm kiếm, khoảng 15 phút sau đã tìm thấy thi thể cô Thanh. Hiện tại, chính quyền địa phương cử người túc trực tại các tuyến đường bị ngập của xã để hướng dẫn bà con đi lại, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc.


Thông tin từ Ban phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lũ trên các sông trong tỉnh đang lên. Mực nước lúc 08h00 ngày 15.11 trên các sông dao động trên mức báo động 1, cụ thể: Trên sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 3.50m - ở mức BĐ2; sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 4.50m - dưới mức BĐ2: 0.50m; sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ: 3.20m - dưới mức BĐ2: 0.30m; sông Trà Câu tại trạm Trà Câu: 4.00m - trên mức BĐ1: 0.50m.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các huyện, thành phố sẵn sàng công tác phòng, chống lũ theo cấp báo động. Riêng đối với các huyện miền núi: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng đề phòng nguy cơ sạt lở đất, núi và lũ quét.


Báo Quãng Ngãi

Một xe đã gặp nạn tại đầu mối thạch nham


ảnh: Hoang Long Vo


ảnh: Hoang Long Vo









----------
Nguồn www.yeuquangngai.net

43 hộ dân bất bình với xã về đất rừng, Chủ tịch Quảng Ngãi đến tận nơi giải quyết

Posted: 14 Nov 2014 11:28 PM PST




Sau 8 lá đơn gửi đến UBND tỉnh Quảng Ngãi và 3 lần tập trung kéo đến trụ sở ủy ban, những người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi đã xuống tận nơi đối thoại với dân để giải quyết mâu thuẫn dẫn đến khiếu nại kéo dài liên quan đến tranh chấp đất rừng.


Các lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ngãi đến đối thoại với dân về tranh chấp đất rừng. Ảnh: L.P

33 hộ dân thôn Trung Mỹ và Kim Thành, xã Hành Dũng huyện Nghĩa Hành khiếu nại chính quyền xã đã thu hồi đất rừng do dân khai hoang để cấp sổ đỏ cho người khác, trong đó nhiều người là cán bộ địa phương.

Tranh chấp bắt đầu từ năm 2008 khi xã thu gom đất rừng để thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu với Công ty Mỹ Yên, đến nay số người khiếu nại từ 33 đã lên 43. Sáng 14.11, hội trường UBND xã Hành Dũng gần như không còn một chỗ trống, không khí "nóng" lên khi mâu thuẫn tích tụ kéo dài.

Chủ tọa là các ông Nguyễn Minh - Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Lê Viết Chữ - Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó bí thư tỉnh ủy và Trần Văn Minh - Phó bí thư Tỉnh ủy phải vất vả để xoa dịu không khí căng thẳng giữa các bên.

Chức to thì đất càng to

Đại diện 43 hộ khiếu nại mở đầu đối thoại với những lời lẽ vô cùng bức xúc với cán bộ xã, trình bày rằng từ 1978 đến 1990, người dân xã Hành Dũng đã khai hoang đất rừng hàng nghìn hecta. UBND xã đã lạm dụng chức quyền cấp đất cho người là cán bộ xã, chức to thì đất càng to. Sau chỉ đạo của tỉnh, huyện đã mời 33 hộ dân đến "đối thoại" nhưng huyện cũng bao che, giải quyết không thấu tình đạt lý.
Người đọc phát biểu đại diện cho các hộ dân khiếu nại còn cáo buộc cán bộ xã đòi nhận từ 20-40% tiền bán keo của dân, tịch thu xe honda trái phép, tiêu hủy các văn bản do cơ quan chức năng gửi về.

Ông Nguyễn Đức On-Chủ tịch UBND huyện sau đó đã trình bày vắn tắt quá trình phát sinh tranh chấp cũng như trình tự giải quyết vụ việc của các cơ quan liên quan, trong đó huyện khẳng định đã thực hiện đúng yêu cầu của tỉnh.

Để xoa dịu không khí căng thẳng, ông Nguyễn Minh đứng lên trấn an và đề nghị các bên giữ không khí hòa hảo, trật tự để đối thoại đạt kết quả.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Thanh Long và ông Lê Quang Diệu, hai người trong 43 hộ khiếu nại đã liệt kê hàng loạt cán bộ đang làm chủ hàng chục hecta đất. Cụ thể, ông Nguyễn Tải-Bí thư Đảng ủy xã "nhanh chóng thành tỉ phú" với 50ha do ông và người thân đứng tên, ông Trịnh Văn Minh-Phó chủ tịch xã hơn 10ha, ông Nguyễn Tấn Thành-cán bộ địa chính 22ha…

Các cánh tay xin ý kiến liên tục được giơ lên với giọng điệu bức xúc, người dân cho biết vào thời điểm ký hợp đồng với Công ty Mỹ Yên(2008), xã ra quy định phải đủ 1ha mới được đăng ký cấp sổ đỏ, việc đăng ký để trồng rừng theo dự án này xã cũng không thông báo rộng rãi cho dân biết. Cán bộ xã thừa cơ hội này làm sổ đỏ cho người không có công khai hoang đất và hưởng lợi.

Ông Trịnh Văn Minh-Phó chủ tịch UBND xã Hành Dũng phản bác: đúng là trước kia người dân có khai hoang, nhưng lúc đó hiệu quả kinh tế không cao nên sau này việc canh tác cũng như thuế khóa không liên tục; nói xã có chủ trương yêu cầu 1ha trở lên mới được đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng; xã cũng không có chủ trương ăn chia 20% như người dân trình bày.

Ông Trần Văn Minh-Phó bí thư vặn lại: Không có chủ trương nhưng có giao dịch ngầm không?. Ông Trịnh Văn Minh trả lời: đó là thỏa thuận giữa các hộ có sổ đỏ và người trồng rừng trên đất đó chứ không phải chủ trương của xã.

Trăm cái lý bằng tí cái tình

Về phía các hộ được cấp sổ đỏ, ông Phạm Hội cho biết nếu xã cấp không đúng thì chấp nhận chia lại, sẵn sàng chia sẻ với dân nếu quỹ đất thiếu. Còn bà Võ Thị Ngọc Em thì cho biết ông Huỳnh Thanh Long đã nhổ 4.000 cây keo và dùng cuốc tấn công bà, theo bà đây là cách hành xử không đẹp, "nếu như ông Long đến gặp tôi nói chuyện đàng hoàng thì mọi chuyện không đến thế này", bà Em nói.

Ông Nguyễn Minh-Quyền bí thư tỉnh ủy kết luận, từ tìm hiểu trong và ngoài đối thoại, tỉnh nhận định người dân khai hoang đất là có thật, nhưng thời gian đầu khai thác không hiệu quả. Sau đó có người tiếp tục trồng có người thôi. Từ khi cây keo lên giá, ở Khu kinh tế Dung Quất có nhà máy dăm gỗ xuất khẩu thì mới xảy ra tranh chấp.

Quyền Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu làm rõ thêm các nội dung khiếu nại và phê bình địa phương không giải quyết kịp thời, để tích tụ mâu thuẫn. Ông Nguyễn Minh nói: "Khi nghe bà con bị lũ là khắp nơi ủng hộ, còn mình trong nội bộ với nhau mà có gì đâu", và kêu gọi các bên bình tĩnh ngồi lại với nhau, giải quyết hài hòa, kìm chế không để mâu thuẫn dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.

Ông Lê Viết Chữ cho biết: "Huyện đã lập đoàn thanh tra, và sắp tới tỉnh sẽ thành lập tổ tư vấn để theo dõi, giám sát đoàn thanh tra của huyện", và bày tỏ mong muốn người dân tin tưởng vào sự công minh của chính quyền để vụ việc được giải quyết thấu đáo.


Người dân đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: L.P


Ông Trịnh Văn Minh-Phó chủ tịch xã Hành Dũng phản bác người dân. Ảnh: L.P


Người dân vây quanh ông Nguyễn Minh-Quyền bí thư Quảng Ngãi sau khi đối thoại kết thúc. Ảnh: L.P

Clip Người dân bức xúc với cán bộ xã về đất rừng:

YouTube Video


Clip Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi-ông Nguyễn Minh phát biểu:

YouTube Video











----------
Nguồn www.yeuquangngai.net