Friday, May 29, 2015

HÀ QUẢNG VÀ NHỮNG CƠN MƯA bài viết của Lê Nghị

HÀ QUẢNG VÀ NHỮNG CƠN MƯA bài viết của Lê Nghị


HÀ QUẢNG VÀ NHỮNG CƠN MƯA bài viết của Lê Nghị

Posted: 29 May 2015 05:04 AM PDT

HÀ QUẢNG VÀ NHỮNG CƠN MƯA
(Một cảm nhận khi đọc tập thơ " MƯA HOANG " CỦA HÀ QUẢNG )

Tôi biết Hà Quảng khá muộn màng. Có thể nói là rất muộn khi anh sở hữu trong tay ba tập thơ in riêng. Cái dáng người cao cao và khuôn mặt trầm tư của anh khiến cho tôi và mọi ngươi mới gặp gỡ lần đầu cảm thấy có gì đấy hơi khó gần … Thế nhưng khi đọc "Mưa hoang", tập thơ thứ 3 của Hà Quảng, tôi mới vỡ ra rằng bên trong cái vóc dáng đầy trầm tư ấy chứa nhiều lắm sự rung động nội tâm dữ dội.
Tôi thích đọc ngược thơ. Có lẽ vì tôi muốn đi ngược chiều với tác giả để tìm thấy cái thông điệp ẩn mình trong câu chữ. Và với "Mưa hoang" cũng vậy, tôi đã đọc ngược tập thơ từ bài cuối về trước.
Bài "Chiều mùng ba Tết", Hà Quảng đã để lại trong tôi cái ấn tượng đầu tiên của cái ấm áp đầu xuân khi các em về thăm Thầy cũ. Tiếng cười giòn tan chiều đầu năm tưởng chừng ngọt như kẹo gương ấy được pha thêm chút hương vị của đất trời:
"Giọt mưa xuân rơi rơi
Trên thềm xưa lối cũ
Giọt mưa xuân ấp ủ
Giấc mơ nào cho em…"
Theo kinh nghiệm của các cụ lão nông thì cơn mưa đầu tiên vào những ngày đón chào năm mới là cơn mưa lành, con mưa báo hiệu một năm đầy an vui và sung túc. Phải chăng Hà Quảng cũng muốn vậy và gửi vào chiều mùng ba Tết một cơn mưa như thế?
Hà Quảng và những cơn mưa đã dẫn dắt ký ức đi từ miền xa hút với những rung động nội tâm đầy ắp nỗi niềm:
"Một chiều mưa bên kia sông Vệ
Anh lặng thầm theo ký ức thời gian…"
(Tiếng mưa rơi)
để rồi Hà Quảng nhớ một thời
"… Em của ngày thuở còn đi học
Chiều tan trường trời đổ cơn mưa"
(Tiếng mưa rơi)
và …
"Em xa xôi hiện về nơi bến vắng
Mưa nhòa từng giọt mưa rơi"
(Tiếng mưa rơi)
Thú thật là tôi cũng đã từng ngồi nhìn mưa, nghe mưa nhưng chưa bao giờ thấy "mưa nhòa từng giọt mưa". Nỗi nhớ ở đây đã được Hà Quảng chồng lên, chất ngất yêu thương. Mưa đi xuyên qua thơ Hà Quảng từ phố thị đến những miền quê:
"Mưa về trên Đồng Cát
Thị trấn nhỏ bình yên…"
(Chiều mưa Đồng Cát)

" Một chiều mưa bên kia cầu sông Vệ
Anh lặng thầm theo ký ức thời gian…"
Mưa trong "Mưa hoang" đã kéo Hà Quảng đi về miền xa lắc, tận sâu trong miền kí ức:
" Em bỏ quên cơn mưa chiều năm ấy
Đường Sài Gòn ngập lối anh đi…"
(Bao điều muốn nói)
Để rồi Hà Quảng
"…Câu thơ không cánh mà vương
Để thương, anh nhớ con đường mưa xưa"
( Mưa xưa)
Tôi không thích nhặt từng từ, ghép từng chữ của Hà Quảng để tìm cho mình một sự đồng cảm. Nhưng thực sự, Hà Quảng đã lôi mưa đi khắp cuộc hành trình từ tháng ba, tháng bảy đến tận cuối mùa đông
" Mưa tháng bảy sao buồn rười rượi
Cầu Ô kia em có đi về…"
(Mưa tháng bảy)
Và rồi
"giữa tháng mười rồi em
ngoài trời đang đổ cơn mưa"
(Giữa tháng mười)
Để rốt ráo lại thì "cơn mưa hoang rong chơi về phía biển" và
"Cơn mưa hoang lặng im
Em thấy mình đơn côi"
(Mưa hoang)
Tôi không là nhà phê bình lý luận văn chương, nên cảm nhận lan man từ những gì "Mưa hoang" mang lại nó không đầu không cuối. Cái bất chợt mưa nắng của Hà Quảng là sự dồn nén ký ức, là sự bùng vỡ của nội tâm mà chẳng biết vô tình hay cố ý mà tác giả đã dắt mưa đi theo kiểu của mình. Sự phân tích kết cấu và ngôn từ thì dành cho các nhà chuyên nghiệp, tôi không dám lạm bàn.
Đứng về góc độ độc giả, tôi chỉ muốn khép lại bài cảm nhận của mình bằng một câu hỏi thôi. "Vì sao tác giả đặt tên cho tập thơ này là MƯA HOANG mà không phải là MƯA HOAN"
Chắc chắn Hà Quảng cũng không muốn trả lời câu hỏi này nhưng trong một sat – na nào đó, tôi tin Hà Quảng và những cơn mưa sẽ mang theo nhiều khúc hoan ca tình ái.
U Minh Thất, 29. 5. 2015
Lê Nghị


CHÙM THƠ CỦA Trần Công Thạch

Posted: 29 May 2015 04:50 AM PDT

ĐƯA NHAU VỀ

Hãy đưa nhau về trên lối xưa
Cổ lũy cô thôn rợp bóng dừa
Sóng vẫn xô bờ, ngàn năm ấy
Tìm dấu chân xưa, trên lối xưa

Hãy đưa nhau về với tiếng ru
Là Hà Thạch Trận dệt tình thu
Bàu Giang xuôi chảy về biển cả
Thu của lòng ta, bao nỗi đau

Hãy đưa nhau về với Vạn An
Dòng sông Bến Lỡ uốn miên man
Cầu xưa ván hở đâu còn nữa
Kỷ niệm đong đầy lại trái ngang

Hãy trả lại nhau thuở trinh nguyên
Bao năm cơ khổ lắm muộn phiền
Tình thơ ta dệt muôn vần điệu
Chỉ còn đôi ta một cõi riêng

TẶNG BẠN

Mừng em thuyền cũ, trở bến xưa
Chắp tơ tình, ba mươi năm thừa
Hai con lem luốc, còn trứng nước
"Chén nước đầy vơi" duyên phận xưa!!

Anh rời mái ấm, theo tình mới!
Cô phụ mình em, kể sao vừa!
Thuyền em nhỏ bé, trùng dương sóng
"Sóng tóc bạc đầu", anh thấy chưa?
Cái "nghĩa tào khang", em chạnh nhớ!
Thôi đành số kiếp, sống như mơ
Những tưởng tình xưa, giờ trỗi dậy
Nhịp cầu Ô Thước, dệt ước mơ!!
(Anh ơi! Anh đừng tưởng em khờ)

TỰ TRÀO

Năm xuân nhập cuộc "CỔ LAI HY"
Cuộc đời ngắn ngủi, chẳng còn chi!
Người đời lên chức, tăng lương tháng
Tớ tăng huyết áp, thoái sống lưng (mỏi tứ chi)
Cơm hẩm, rau ôi, ngày ba bữa
"Tử quy, sinh ký" đợi cuối đời
Đồng song ngày cũ, còn vài chục
Tóc bạc, răng long, thiếu lại thừa!!

TRẦN CÔNG THẠCH


SỐNG CẢM ƠN ĐỜI TRONG TỪNG KHOẢNH KHẮC. Thơ Trần Thoại Nguyên

Posted: 29 May 2015 04:42 AM PDT

SỐNG CẢM ƠN ĐỜI
TRONG TỪNG KHOẢNH KHẮC

Đời đẹp mong manh! Quá vô thường!
Trái tim ta hỡi! Đập nhịp yêu thương!
Cảm ơn đất trời trong từng khoảnh khắc
Ta hiện hữu giữa lòng bàn tay âm dương!

Nầy gió nầy hoa nầy trăng sao
Và em yêu và cát bụi chiêm bao!
Cảm ơn đời một thoáng vui xanh vĩnh cửu
Giây phút hiện tiền quý giá biết bao!

Hãy vui sống khi ta còn có thể
Hít thở nói cười trên mặt đất cỏ rêu
Dẫu khổ đau có khiến ta nhỏ lệ
Cảm ơn đời vì cuộc sống thật đáng yêu!

Ôi phép lạ thuở trần gian lấp lánh
Nhu giọt sương mai,ánh trăng giải nhiệm màu!
Trong cát bụi có điềm linh thánh
Cảm ơn người ta-sống-với-trong-nhau!

Cuộc sống diệu kỳ! Ta mến thương!
Vô biên xanh khoảnh khắc vô thường!
Cảm ơn vạn hữu hàng hàng thế giới
Hạnh Phúc vô ngần reo trong máu xương!

TRẦN THOẠI NGUYÊN