Friday, October 2, 2015

ĐỌC TẬP THƠ – DƯ ÂM BỜ XE NƯỚC

ĐỌC TẬP THƠ – DƯ ÂM BỜ XE NƯỚC


ĐỌC TẬP THƠ – DƯ ÂM BỜ XE NƯỚC

Posted: 02 Oct 2015 06:33 AM PDT

ĐỌC THƠ

“DƯ ÂM BỜ XE NƯỚC “

"Chiến tranh nghĩ cũng ly kỳ
Những thằng thi sĩ còn kỳ ly hơn".

Có lẽ Bùi Giáng cũng đã lờ mờ cảm thấy bóng dáng của điều gì về thơ …thông qua sự phát hiện hành vi ly kỳ của thi sĩ. Cái hành vi kỳ ly kỳ lạ đó, mà chỉ ở những người làm thơ mới có không biết từ bao giờ. Rất có thể ngay từ buổi hồng hoang trong bầy bầy con người nguyên thủy. Chỉ cần một tiếng hú của gió, một âm thanh xao động của nước, cũng đủ chuyển hóa chuyên chở, đủ diễn đạt bồi đắp bao điều khát vọng ước mơ.
Từ thượng tầng kiến thức, hay cuối ngõ tư duy. Đâu đó còn lẫn lộn trong ký ức. Hình ảnh Bờ Xe Nước như một biểu tượng sâu sắc khó quên mang tính đặc thù quê hương trong lòng người dân Quảng Ngãi. Ở đó những âm thanh nhịp nhàng reo rắc đẩy đưa triền miên theo dòng nước chảy, theo thời gian mưa nắng, hứa hẹn một vườn xanh nặng quả. Cái chút lắng đọng trong lòng người bỗng diệu kỳ làm sao ấy. Giữa cuộc đời,  trùng trùng duyên khởi, sự kết nối vô số những hạt giống nhân duyên tưởng đâu là  nhiệm mầu kỳ lạ, nhưng thật ra ở đó có sẵn sự an bài thiên định. Trong tầng tầng cảm xúc, trong lớp lớp sở thị, nối dài thành một sợi dây viên mãn.
"Dư Âm Bờ Xe Nước". Hội tụ 6 (sáu) gương mặt thi nhân. Mỗi người một dòng thơ khác nhau, một cung bậc và một cấp độ khác nhau. 3 nhà thơ của Thôn La Hà: Thạch Lê. Lệ Hồng. La Hà Thạch Trận. Là những người đã từng làm thơ lâu năm. 3 cây bút ở Thôn Vạn An: Trần Công Thạch. Trần Quang Dũng. Trần Như Nguyện. Cũng là những tác giả đã có  tác phẩm trình làng, và từng chắp bút cho Thơ bay ở một số diễn đàn văn chương trong nước. Từ cộng hưởng nối kết uyên nguyên gắn bó dịệu kỳ ấy. Nên " Dư Âm Bờ Xe Nước" có một vóc dáng riêng đa dạng, làm nên sự phong phú bất ngờ, đồng thời gợi sự tò mò cuốn hút người yêu thơ đồng điệu.
Mỗi nhà thơ một vẻ riêng, nhưng tất cả đều có chung một tâm trạng, một chủ đề thơ: Nói về tình yêu thương dành cho cuộc sống. Nơi chôn nhau  cắt rốn của quê hương. Ở đó cuộc đời được mường tượng như dòng trong xanh của bờ xe nước đang từ từ trôi, đang tha thiết tìm tới ruộng vườn xanh tươi đợi mùa hoa nở.Và trên dòng nước ấy mỗi gương mặt thơ là một số phận, một con thuyền nhỏ chuyên chở những buồn thương yêu dấu của riêng mình.
Có một điều thú vị mà hình như ở cả 6 nhà thơ cùng có chung một điều trăn trở, một lối suy tưởng dù bút pháp có khác nhau, cách diễn đạt có khác nhau: Đó là kiếp người phù du. Duyên tình tiền định. Tử sinh luân hồi. Cuộc đời phù vân cát bụi. Một tâm thể cô đơn. Sự định vị trong phiêu lãng gây nên cảm giác về những bất ổn thường trực. Phải chăng, đó là tâm trạng khá phổ biến của những  người khi bước chân đến gần tới cuối con đường… Gối đã mòn, chân đã mỏi, mà cái đích hạnh phúc thì vẫn còn lờ mờ đâu đó trong chốn mịt mù sương khói của trần gian:

Dù ngày nắng dài, đêm mưa chẳng ngắn / Tình bốn phương thôi gởi lại từ đây / Ta về lại với Ruộng Đồng Thơm Ngọt / Tiếng giã từ không nhuốm vị chua cay. Thạch Lê (Đôi Lời Gởi Lại). Từng dấu chân của nhà thơ Thạch Lê  (TL) trải dài xuôi ngược bốn phương theo cuộc sống đời thường. Tác giả cũng đã nếm từng vị chua cay để nghe những cơn thao thức ngọt ngào: Dù câu nói còn gạn tìm ngôn ngữ / Khó thật lòng, (hừ! nỗi  sợ vô duyên) / Khi ta bước ngược con đường đi tới / Đừng vì ta mà chuốc lỗi "tình riêng.  TL (Đôi Lời Gởi Lại). Từ triền miên ray rức của Trường Giang, với thân phận im lìm như hòn sỏi nhỏ. Nhà thơ vẫn cố gượng vui với tình tri ngộ: Tình tri ngộ tiếc chi không trọn vẹn  / Nhánh sông đời chia ngã lắng phù sa / Góp với mai sau mùa cây trái ngọt / Thì hãy vui đi- Cạn chén quan hà.  TL ( Đôi Lời Gởi Lại). Nhà thơ TL đã từng chắp bút cho thơ từ những thập niên 60 của thế kỷ trước. Nên với Ông thơ giống như những cơn gió chiều tà,  giống như trang điểm nét hào hoa xưa: Có khi gió tắt chiều tà/ /  Căn gác hẹp nỗi nhớ nhà xôn xao / Xót ai nhạt thắm phai đào / Áo cơm ta lệch nét hào hoa xưa. TL (Một Thoáng Đơn Sơ). Thành ra đôi lúc còn lại một mình nhà thơ bỗng thấy: Có khi buồn vẫn cứ cười / Vô duyên đến thế mà người vẫn thương. TL  (Một thoáng đơn sơ). Bởi tích lũy một bề dày trong sự nghiệp văn chương. nên nhìn chung bút pháp trong thơ Ông phong phú đa dạng.Từ cái thân phận phù du của con người.  Tác giả ví von như hình ảnh của Ngưu Lang, Chức Nữ – Một biểu tượng mai mãi đợi chờ: Cây sầu quên lửa mùa hoa / Người đi từ ấy thiên nga lạc bầy / Hơi xuân sưởi ấm chồi cây / Chim hồng chưa thấy theo mây tìm về. TL ( Đợi Chờ). Và trong nỗi đau tình cờ khi chung quanh ngập đầy bóng tối, nhà thơ quay quắt với nỗi buồn tím môi, trước cõi nhân sinh lắm con đường nghẽn lối: Chìm sâu bóng tối mê say / Hoa vàng ươm mộng đắng cay thiên đàng / Lần tay tính chuyện đò ngang / Vòng hoa trắng lạnh ngỡ ngàng gọi tên. TL. (Nỗi Hận Chia Bờ). Rồi trong một thoáng Ông lặng lẽ trở về ấp yêu bên cái tự ngã cố hữu của chính mình, bằng lòng đánh mất bao ảo tưởng của tương lai, với ba lô hành trang theo con nước rời nguồn trôi vào mênh mông của không gian sa mạc: Đêm buồn cầu một chút vui/ Có ai từng lấy ngậm ngùi đem cân?TL (Chấm hết)…

     Từ những ray rứt quắt quay tưởng đâu như bất tận trong cõi nhân sinh. Từ những con đường quanh co lầy lội. Nơi nhà thơ Trần Quang Dũng (TQD) đã vội vã đi qua. Ở đó còn vương lại loang lổ bao kỷ niệm vui buồn, sự âm ỉ giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa tình yêu và trách nhiêm, vô tình đẩy đưa nhà thơ xuôi theo con nước dòng đời.: Cũng con đường ấy bao lần / Thả dài bóng mát như gần như xa / Thả trên lưng nỗi nhớ nhà / Có tay em đỡ tôi qua cơn buồn. TQD.  (Ngày Về Phố Cũ). Kiếp người phù du, xác thân như bọt bèo. Khi gối đã mòn, chân đã mỏi. Nhà thơ cảm được cuộc đời là trăm ngàn ngõ ngách yêu thương: Ta nghe chiếc lá vàng rơi / Nghe trong gió nhẹ đôi lời thở than / Nghe từ nguyên thủy cưu mang / Xác thân … bèo bọt đau càng thêm đau . TQD. (Nỗi Niềm)Vì bởi cuộc đời quá nhiều ngõ ngách để yêu thương. Nên TQD bỗng giật mình lạnh ngắt với nỗi cô đơn của riêng mình, khi chung quanh hóa ra chỉ là một bầy đom đóm: Bóng ngày vừa mới quay lưng / Thì tôi bóng đã hòa cùng với đêm / Bắt con đom đóm tìm em / Tôi theo theo mãi hết miền bể dâu. TQD. (Chờ Mãi Một Tình Yêu). Dù có là thơ hay mộng, dù có là mơ hay tỉnh. Qua những chặn đường thấm đậm mồ hôi và nước mắt, những gian nan cơ cực vì nhu cầu tìm kiếm mưu sinh. Đâu đó tác giả còn thấp thoáng thấy bóng mình đang lơ ngơ đứng trước cổng trường xưa: Năm học mới anh không còn đi học / Lòng em buồn trĩu nặng dáng trời đêm / Cây thức gió thương mong tà áo trắng / Mái trường xưa sầu ngã bóng vương thềm. TQD. (Năm Học Mới).

        Là cựu học sinh Trần Quốc Tuấn. Trần Công Thạch (TCT) từng làm thơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.  Với đầy ắp suy tư. Ông trang trải nội tâm của mình xuyên suốt qua dòng thơ tự sự.Thơ của Ông cũng đã góp mặt ở nhiều sân chơi và có chỗ đứng nhất định trên một số diễn đàn văn chương trong nước. (Đã xuất bản Bình Minh của Mùa Đông. 01/2015 NXB TN) .

Nhìn chung, người đọc dễ tìm thấy ở thơ Ông đậm chất hiền hòa của hương đồng gió nội. chúng ta cũng tình cờ gặp Ông đôi lúc thả bước lãng du giữa xứ người với bạt ngàn núi rừng hoang dại. Đâu đó có những người tình là những đóa Lan rừng nguyên trinh. Có thể không phải là người tình thật, chỉ là người tình qua phong cách trừu tượng của nhà thơ. Nó mang tính tượng trưng nhưng bao hàm, chuyên chở những ước mơ của người thơ với vô cùng hoài bão tinh khiết chọn lọc, kết tụ giữa tình yêu thương gia đình và xã hội. Trong chừng mực nào đó, có lẽ cũng vừa đủ để thi sĩ nói lên quan điểm của riêng mình. Mong ước về một tình yêu thánh thiện. Một mái ấm gia đình hạnh phúc, hài hòa giữa trinh bạch mờ ảo của cõi trần gian nầy…

Cũng từ những ẩn dụ phong phú của thơ ca. Nên Thơ TCT chuyên chở một độ dày cảm xúc, thấm đậm tình nhân ái, phản chiếu qua lăng kính của ngôn ngữ thơ, tỏa ánh hào quang pha màu triết lý về thân phận con người:  Bà bán rau lụm khụm / Cũng điện thoại nhắn tin / Trẻ tiểu học Iphone / Lên mạng cùng khắp chốn. TCT (Quê Tôi Sau 40 năm Hòa Bình). Dù luân lạc trên muôn vạn nẻo đường quê hương. Dù trầy trật giữa núi rừng bạt ngàn cây lá, hay sẩy bước ở một góc cô đơn không tên nào đó, giữa xô bồ của dòng đời oan nghiệt. Nhà thơ TCT  cũng da diết bâng khâng với nỗi nhớ tình người, với công ơn sinh thành dưỡng dục của Mẹ Cha:  Cơm trắng, cá tươi cho con tất cả / Kỳ vọng ngày sau hữu ích với đời / Lặn lội dưới đồng nuôi đàn con nhỏ / Suốt một đời lưng áo đẫm mồ hôi /  Đường đời chông gai ngăn chia lối rẽ / Các con đi xa kiếm sống xứ người / Thân con trẻ chưa một lần báo hiếu / Đoạn cuối đời Mẹ cô độc mòn hơi. TCT (Mẹ Tôi).   Phần đông thi sĩ thường đa tình. Nên đôi khi bỗng thấy mình lạc điệu trong mớ đạo lý của thánh hiền, giống như con chim trong lồng, khao khát khoảng không gian mênh mông bên ngoài song cửa: Đời ta chẳng có gì vui / "Đồng sàng dị mộng" ngậm ngùi canh thâu / Còn chút thơ lắm cơ cầu / Vợ con chẳng thích, cõi sầu bi ai. TCT. (Cô Đơn Một Đời). Từ những u uất trăn trở no lòng. Từ những vết thương đời đang hồi hoại tử. Nhà thơ hốt nhiên hiện hữu giữa cõi không gian bạt ngàn núi đồi. Và bất chợt,  thi sĩ bỗng thấy mọi thứ chung quanh đều vô cùng tuyệt vời và đáng yêu… Yêu cô Sơn nữ, yêu chiếc gùi trên lưng, yêu bờ vai trần, yêu cả bàn chân đất:  Thương Sơn nữ- Ta mến gùi / Đầu trần, chân đất, ta vui núi đồi / Thị thành bao cảnh thịt xôi / Vui miền sơn giã, gởi đời từ đây. TCT. (Một lần đến Ba Điền).  Dù có lãng đãng theo mây ngàn gió núi, dù có ê chề bất trắc khổ đau. Nhà thơ TCT vẫn có quá nhiều thời gian để tỉnh tâm, tinh lược, sắp xếp những dòng suy tư của mình theo một lộ trình thâm thúy rất nhân sinh. Nên giọng thơ TCT thơm ngát chất đam mê và tinh túy của hương đồng gió nội, nặng lòng với quê hương, đau đáu về một tình yêu thuần khiết: Em yêu dòng Trà Khúc / Anh xao xuyến Vệ Giang / Đường liên thôn trải nhựa / Lúa chín màu vàng hanh. TCT. (Tình Lỡ). Và cuồn cuộn trong dòng  tâm sự ấy, tác giả bồi hồi xúc động khi về thăm lại mái trường xưa:  Tôi chỉ là chiếc lá của rừng cây / Lá đã úa, mà cây rừng vô số kể / Lần đầu tiên về thăm thầy cô cũ / Bạn bè ơi! Đâu đứa mất đứa còn. TCT. (Trần Quốc Tuấn 60 năm).Hay tha thiết tìm về nơi chôn nhau cắt rốn đã một thời TCT xa cách lãng quên…: Hãy đưa nhau về với Vạn An / Dòng sông Bến Lỡ uốn miên man / Cầu xưa ván hở đâu còn nữa / Kỷ niệm đong đầy lại trái ngang. TCT. (Đưa nhau về).

         Trần Như Nguyện (TNN), là một nhà thơ nữ. Thơ của TNN giống như một tiếng thở dài  đầy nuối tiếc và cam phận. Từ bút pháp đặc trưng không giống ai. Nhà thơ TNN đã thể hiện một bản lĩnh trong sáng tác với  tâm trạng đầy cá tính vừa dung dị mà khiêm tốn , vừa lắng yên mà chia sẻ… làm nền móng để xây dựng kiên cố cái mái nhà tư tưởng của riêng mình: Dốc đời thoái ta vẫn phi nước đại./ Bởi trên đầu tà huy đã nhìn nghiêng./ Hình như chiều có tiếng chim rúc tổ./  Gíó ghen tuông cứ lảng vảng tò mò.  TNN. (Hoài âm xưa). Cũng bằng những ngôn ngữ dân gian bình dị. Nhà thơ TNN dễ dàng tạo cho người đọc cảm thụ được bức tranh sinh động về quê hương:

Nguồn nước sống ngô lúa – bờ xe nước./  Múc phù sa ròng rã tưới đồng tươi. / Mật mía đường thanh giọng hát à ơi !. / Cánh cò nhỏ bên vành nôi mát rượi. TNN. (Hòai âm xưa).Với tiếng cót két quay đều của bờ xe nước. Hình như với Thi Sĩ là những tiếng kêu than thở về số phận của dòng sông, một duyên nợ trong vô vàn chủng tử mà tạo hóa đã run rủi an bài: Gió khuya bay lũy tre già hơn dỗi. / Chẳng còn gì duyên nợ với dòng trôi. / Ta trở về lặng nhìn dòng sông ấy. / Hoài âm xưa tiếng cót két quay đều. TNN. (Hoài âm xưa).  Đứng giữa cuộc đời đầy những bất trắc rủi ro. Con người liên tục bon chen để cơ cầu danh lợi. TNN vẫn hoài mong đến một mảnh vườn xưa, đến một túp liều tranh nho nhỏ, đến những câu hát đồng dao…::  Bên vườn trắng muốt hoa lê lựu. / Giữa đậu đỏ hoe khóm trúc đào. / Gà gáy giữa trưa tuôn ngọc phiến. / Diều bay nghiêng xế rộn đường bao. TNN. (Về đây).

           Khác với phần đông Phụ nữ cầm bút làm thơ ở  cái thời điểm trời chiều xế bóng. Nhà thơ Lệ Hồng (LH). Không dành nhiều thời gian cho thơ tình, hay thơ viết về những kỷ niệm yêu thương của thời mới lớn…  Tác giả chăm chút bận rộn tập trung  cho tròn cái hiếu phận của đạo làm người. Từ những trải nghiệm vô cùng quí giá của cuộc đời. Từ những giá trị đích thực của mồ hôi và nước mắt. Tác giả nhận thức  hạnh phúc gia đình như một nguyên lý ắt có và đủ để tồn tại giữa cuộc sống áo cơm xô bồ:  Tiền tài đã thiếu còn bê./ Đành lòng má phải trọn bề "tề gia"./ Mừng nay con đã sang phà./ Nỗi lo lòng mẹ cũng đà giải khuây. LH. (Cây Phát Tài trổ bông). Vui với bổn phận tề gia ấy, tác giả thấy mình còn phải trách nhiệm nhiều hơn. Đấy cũng là tâm trạng chung của những người đã cảm nhận mình đi đến gần cuối con đường… Bây giờ nhà vắng phòng dư./ Vào  ra chỉ có tiểu thư với chàng./ Công việc thì vẫn rộn ràng./ Thôi thì gác lại chàng nàng đi chơi. LH. (Đón Xuân).  Có lẽ với nhà thơ LH chỉ có những câu chữ du dương của thơ ca mới chuyển đi được cái thông điệp tư tưởng, mà ở đó tâm tư tình cảm cùng thể hiện bằng những ngôn từ mộc mạc chân quê: Dẫu đời vật chất còn lo./ Có bạn tri kỷ giàu no tinh thần./ Lòng tôi cảm kích vô ngần./ Biếu thêm chút nữa là vần thơ đây. LH. (Tuổi già).,./

        La Hà Thạch Trận. (LHTT). Một nhà thơ nữ thiên về suy tư nhân thế, tác giả cố gắng tạo cho mình một phong cách riêng, một nhân sinh quan riêng, vẽ nên chân dung đầy đủ cho bộ sưu tập về cuộc đời… Dư âm bờ xe nước như một bức tranh sinh động với nhiều gam màu phong phú thể hiện qua thơ của LHTT, bằng những tiếng vọng vang của âm thanh vô cùng ấn tượng đã hằn sâu trong ký ức của người yêu thơ…Nhớ chiều tiếng nước vọng vang./ Hoàng hôn lành lạnh chim ngân cuối trời./ Róc ra róc rách đầy vơi./ Gió đùa nước rẽ sương rơi lờ mờ. LHTT. (Dư âm bờ xe nước). Cũng bằng phong cách diễn đạt nhẹ nhàng quyến rũ ấy. Nhà thơ đã phát họa lên vô số những hình ảnh thân quen khó quên: Chân trần đánh nhịp chia phôi./ Khuấy dòng nước chảy thả xuôi về đồng./ Uy nghi hùng vĩ bên sông./ Bờ xe quay mãi dập dồn ngày đêm. LHTT. (Dư âm bờ xe nước). Thơ của LHTT có một tố chất đặc biệt đầy đam mê, đầy khát vọng và đầy nữ tính. Nhà thơ trân trọng nâng niu một tình yêu trong sáng thuần khiết:  Quà em cá Bống sông Trà./ quà em khói rạ mưa sa mái đình./ Để em đỡ nhớ quê mình./ Để em ấm áp chân tình cho nhau . LHTT. ( Quà quê). Với LHTT hình như kỷ niệm là hành trang mà nhà thơ đã mang theo suốt cuộc viễn du nơi đất khách quê người:  Về ngang Thạch Bích tà dương./ Vỡ ngàn tiếng gió, nhàu con diều buồn ./ Ngón chân bấu dưới cỏ non./ Vấp miền kỷ niệm , lối mòn ngổn ngang. LHTT. ( Về miền kỷ niệm). Cái chất đam mê trong tình yêu ấy, đôi khi làm cho nhà thơ bổng thấy mình ngu ngơ: Em về nâng vạt mùa thu./ Gió vờn lá úa, mù u chín muồi./ Tóc mây con gái xa rồi./ Chỉ còn chút lửa cho lời thơ rơi. LHTT. (Mưa thu). Mà thường là vậy trong tình yêu ít người có đủ tỉnh táo, sáng suốt để phân định đúng sai. Bởi tình yêu như là chất men say, cơn say cuốn ta đi, nó có thể trở thành nguyên nhân đưa đẩy đến bất trắc khổ đau: Ngu ngơ em vẫn đợi ai./ Ai sang thuyền mới cho ai võ vàng.  Thu tàn héo úa trần gian./ Nửa  tình lơ lửng, tìm chân lối về. LHTT. (Mưa thu). Bên cạnh những khắc khoải của tình yêu đôi lứa, những suy tư bận rộn chuyện áo cơm đời thường. Nhà thơ LHTT lúc nào cũng có một khoảng lặng riêng mình để dành cho Người Mẹ yêu dấu ở quê nhà: Tháng ngày khoảng lặng vắng im./ Vào ra cửa ngõ, ngóng nhìn trời mây./ Ước thầm con lớn về đây./ Ước thầm tiếng gọi lấp đầy hư không. LHTT. (Mẹ và khoảng lặng).

   Dư âm bờ xe nước. Một tập thơ, 6 tác giả của nhóm thơ La Hà- Vạn An. Ở đó những con chữ, những bông hoa  là một dòng tâm sự, một vị trí vừa đủ để phát họa nên chân dung mỗi một nhà thơ, mỗi con thuyền chuyên chở đầy ắp những kỷ niệm vui buồn… đang bồng bềnh trôi theo nhịp âm vang hòa tấu muôn đời của thiên nhiê

Thu. Ất Mùi

TRẦN QUANG CHÂUbia