Tuesday, May 24, 2016

Huyền bí đảo Lý Sơn

Huyền bí đảo Lý Sơn


Huyền bí đảo Lý Sơn

Posted: 24 May 2016 06:20 PM PDT

Ngày tôi đến Lý Sơn, hòn đảo này hãy còn hoang sơ lắm. Mọi thứ ở đây đều dân dã và thô sơ đến độ tưởng chừng như nằm ngoài quy luật phát triển chung của cuộc sống vậy. Sau hơn 1 giờ đi tàu từ xã Tịnh Khê, tôi đặt bước chân đầu tiên lên Lý Sơn với tâm trạng phấn chấn và hào hứng chưa từng có.

 Huyền bí đảo Lý Sơn

Ảnh: Diệp Đức Minh

Nằm cách đất liền chưa đầy 25 km, huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích chưa đầy 10 km vuông, bao gồm cả hai hòn đảo với tên gọi vô cùng đơn giản: Đảo Lớn và Đảo Bé. Sau hơn một giờ lênh đênh trên biển thì tàu cập cảng Lý Sơn. Lý Sơn thanh bình và yên tĩnh đến nỗi bạn sẽ dễ dàng quên đi những khái niệm về thời gian bởi khung cảnh thiên nhiên và con người nơi đây cứ mãi cuốn hút bạn vào những điều tuyệt diệu nhất.

Yên bình Đảo Lớn

Tôi thuê phòng ở một nhà nghỉ nhỏ trên đảo Lớn với hướng nhìn thẳng ra cánh đồng tỏi bạt ngàn, xa xa là mênh mông biển cả. Những buổi chiều tôi thường mở toang cánh cửa sổ để tận hưởng không khí trong lành và hít lấy hít để cái mùi hoa tỏi thơm nồng nhưng thật dễ chịu. Đến giờ, tôi vẫn không sao quên được cảm giác bình yên khi chạy xe vòng quanh những cánh đồng tỏi, xa xa là những hàng dừa cao vút đung đưa trong gió.

Tôi thích cảm giác nhìn đâu cũng thấy biển. Cứ chạy một đoạn thì trước mặt là biển, cứ thế tôi lang thang khắp các ngã đường và ghé thăm gần hết những điểm tham quan trên đảo. Buổi sáng tôi dậy thật sớm để đón bình minh trên đỉnh núi Thới Lới, ngọn núi cao nhất Lý Sơn. Từ đây, có thể phóng tầm mắt ra xa và ngắm nhìn toàn đảo với những ngôi làng chài bé nhỏ nép mình bên sườn núi hay đỉnh núi Giếng Tiền nằm đối diện. Núi Giếng Tiền nổi tiếng bởi loại đất đỏ dùng để làm phân bón tỏi. Người dân Lý Sơn thường lấy đất đỏ trên đỉnh núi hòa với cát biển để rải trên những ruộng tỏi. Chính hỗn hợp này đã làm nên hương vị tỏi trứ danh của hòn đảo xinh đẹp mang tên Lý Sơn.

 

 Huyền bí đảo Lý Sơn

Ảnh: Quốc Duy

 

Tôi ghé chùa Hang vào một buổi chiều muộn khi ánh hoàng hôn bắt đầu dát những tia sáng đỏ au trên mặt biển càng làm cho ngôi chùa vốn trầm mặc càng trở nên huyền bí. Nép mình trong một hốc đá với chiều cao trần hang hơn 3 m, chiều rộng cửa hang hơn 20 m, ăn sâu vào lòng núi gần 25 m, Chùa Hang chính là “Thiên Khổng thạch tự” đã tồn tại hơn 300 năm và không chỉ là nơi thờ Phật Di Đà hay sư tổ Đạt Ma mà còn thờ các vị thủy tổ phụng sự chùa và 7 vị tiền hiền làng An Hải.

Chùa còn được biết đến với tên gọi chùa Không sư bởi từ khi thành lập, ngôi chùa này chưa có vị sư nào trụ trì được trong thời gian dài, chỉ vài tháng rồi lặng lẽ ra đi không ai hiểu lý do. Ngày ngày, chùa được người dân địa phương thay nhau trông nom, quét dọn và hương khói. Vì lẽ đó, mà những giai thoại về chùa Hang vẫn luôn là những câu chuyện đầy bí ẩn mà ai cũng một lần muốn nghe. Tôi ngồi đó, dưới những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi trước cửa hang và nhìn ra hồ sen trắng muốt, phía xa là mênh mông biển cả để tận hưởng cảm giác yên bình chưa bao giờ có. Đảo Lớn còn có chùa Bục cổ kính với tượng Quán Thế Âm cao 27m hay Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải, nơi triển lãm các tư liệu về chủ quyển biển đảo Hoàng Sa và Đội Hoàng Sa Bắc Hải khi xưa.

Hoang sơ Đảo Bé

Mỗi ngày đều có chuyến tàu sang Đảo Bé vào buổi sáng và về lại Đảo Lớn vào buổi chiều cùng ngày. Khi tàu còn chưa cập cảng Đảo Bé, tôi thật sự xúc động với hình ảnh những chiếc tàu neo xung quanh đảo với những lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió đỏ rợp cả một góc trời để rồi tôi gần như lặng người: “Ôi, Tổ quốc có bao giờ đẹp hơn thế?”

Đảo Bé chỉ vỏn vẹn hai con đường không tên được tráng xi măng và cắt nhau tại vị trí trung tâm đảo. Đi bộ từ cầu cảng đến cuối đường bạn chỉ mất vỏn vẹn chưa đầy 10 phút, con đường sẽ dẫn bạn đến một bãi tắm nhỏ với cát trắng mịn và nước trong xanh thấu đáy. Hình như trong đời, tôi chưa từng thấy một bãi tắm nào hoang sơ và đẹp nao lòng đến như thế. Lúc tôi đến đảo Bé, bà con trên đảo đang thu hoạch tỏi, tôi cũng nhanh tay tham gia và rất hào hứng với công việc của một người nông dân chính hiệu.

 

 Huyền bí đảo Lý Sơn

Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Ở đảo Bé hai ngày, tôi gặp và nói chuyện với hầu hết người dân trên đảo. Họ thật hiền hậu và mến khách. Tôi thích những bữa ăn trên đảo với thực đơn toàn đặc sản biển khơi. Nếu có dịp đến đây, bạn phải thử cho bằng được món gỏi tỏi trứ danh bởi phải là tỏi chính gốc Lý Sơn trộn với mực tươi vừa bắt lên thì món ăn mới ngon và đúng điệu. Chia tay Đảo Bé khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Cả đảo bắt đầu nhuốm một màu đỏ nổi bật trên nền biển xanh biếc. Lạ lắm, biển vẫn xanh! Tôi chần chữ mãi mới quyết định bước lên tàu vì còn mãi tiếc nuối chưa được nằm bên bờ biển và đọc một quyển truyện yêu thích của riêng mình.

Chuyến tàu buổi sáng khởi hành từ Đảo Lớn Lý Sơn chở tôi về mang theo những kỷ niệm khó quên về một vùng đất của thiên nhiên hoang sơ và những con người nồng hậu.

Thông tin thêm:- Từ TP.HCM có nhiều cách để đến Lý Sơn. Bạn có thể đi máy bay, tàu hay xe đến Quảng Ngãi, rồi đi taxi vào cảng Sa Kỳ mua vé ra đảo Lý Sơn.- Mỗi ngày có 2 chuyến tàu khởi hành từ cảng Sa Kỳ. Tàu khách xuất bến lúc 8 giờ giá vé là 115.000 đồng. Tàu chợ xuất bến lúc 9 giờ , giá vé là 55.000 đồng.- Khi mua vé tại cảng Sa Kỳ, bắt buộc bạn phải xuất trình CMND. Nếu đi đoàn đông có thể fax danh sách đặt vé trước. Khi trở về từ cảng Lý Sơn, bạn phải đến sớm mua vé nếu muốn có ghế ngồi.

Theo iHay


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Huyền bí đảo Lý Sơn

Vụ tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận: Oà khóc đón thi thể người thân

Posted: 24 May 2016 07:28 AM PDT

Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc tại Bình Thuận làm 12 người chết, danh tính nạn nhân tử vong đã được xác định nhiều người đã òa khóc khi đón thi thể người thân.

Như tin tức đã đưa, vụ tai nạn thảm khốc tại Bình Thuận vào rạng sáng 22/5 khiến 12 người chết, 40 người bị thương. Theo nguồn tin trên báo Thanh niên, hiện tại các cơ quan chức năng đã xác định được danh tính những nạn nhân quê Quảng Ngãi, gồm 9 người chết và 11 người bị thương. Hầu hết những nạn nhân này cùng đi trên chiếc xe khách BS 51B-112.24 của Hãng xe Phương Trang (chạy từ Quảng Ngãi vào TP. HCM).

Vụ tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận: Oà khóc đón thi thể người thân

Ông Võ Thế Hà đau đớn chờ thi thể của vợ và em ruột. Ảnh báo Thanh niên.

Các nạn nhân tử vong gồm: bà Nguyễn Thị Liên (75 tuổi, ở xã Nghĩa Hà, H.Tư Nghĩa), Lê Thị Thanh Doanh (54 tuổi, xã Đức Chánh, H.Mộ Đức), Võ Thị Xuân (52 tuổi, xã Đức Chánh, H.Mộ Đức), Trần Quốc Anh (29 tuổi, P.Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi), Nguyễn Văn Nghĩa (33 tuổi, xã Tịnh Thọ, H.Sơn Tịnh), Võ Thị Trà My (32 tuổi, xã Tịnh Hà, H.Sơn Tịnh), Nguyễn Thị Kim Hoa (49 tuổi, ở xã Phổ Vinh, H.Đức Phổ), Lê Công Đạt (24 tuổi, H.Nghĩa Hành), Lê Thị Diệu Huyền (54 tuổi, xã Nghĩa Hiệp, H.Tư Nghĩa).

Trong số 11 người bị thương có 6 người đã xuất viện, 3 người đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Bình Thuận. Riêng 2 trường hợp là anh Phạm Trần Thanh Tâm và Võ Thanh Hiếu đã được chuyển vào BV Chợ Rẫy, TP. HCM. Trong ngày 23/5, đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi do Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ làm trưởng đoàn đã đến BV đa khoa tỉnh Bình Thuận và BV Chợ Rẫy thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân và chia sẻ nỗi đau với các gia đình nạn nhân.

Tại Quảng Ngãi, suốt hai ngày qua, ông Võ Thế Hà (54 tuổi, thôn 4, xã Đức Chánh, H.Mộ Đức) vật vã chờ đưa thi thể vợ là bà Lê Thị Thanh Doanh và em ruột là bà Võ Thị Xuân, bị chết cháy trong vụ tai nạn về quê mai táng. Ngồi thẫn thờ, chốc chốc ông Hà lại òa khóc: “Vợ tui cả đời chịu cảnh cơ cực, khi chết thảm thương quá, thi thể không còn lành lặn”.

Cật lực với mấy sào bắp, lúa nhưng cuộc sống gia đình ông Hà luôn sống trong cảnh thiếu thốn. Vì thế, để có tiền nuôi 3 con ăn học, ngoài việc đồng áng, ông Hà còn đi làm phụ hồ, bà Doanh rong ruổi khắp các huyện miền núi bán xoong, nồi. 

Sau khi người con gái út là Võ Thị Hiếu vào TP. HCM học cao đẳng y dược, áp lực tiền bạc lại đè nặng lên đôi vai vợ chồng ông Hà nên cách đây một năm, bà Doanh rời làng quê nghèo vào TP. HCM bán vé số với hy vọng có đủ tiền lo cho con gái ăn học.

Vụ tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận: Oà khóc đón thi thể người thân

Nghe tin mẹ chết, Đinh Thị Hồng Diễm òa khóc. Ảnh báo Thanh niên.

Một tháng qua, bà Doanh trở về quê cùng chồng lo thu hoạch vụ lúa đông xuân. Vừa gặt lúa xong, chiều 21/5, bà vội vã đón xe khách vào TP. HCM để tiếp tục bán vé số. Nhưng rồi bà Doanh mãi mãi lìa xa chồng, con. “Trước khi vào TP. HCM, vợ tui mang theo 1,5 tạ gạo, 15 lít dầu phộng, vài trái bí, bầu, là thực phẩm gia đình làm ra mang theo để vào TP khỏi mua, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Ai ngờ đâu cơ sự như thế này”, ông Hà mếu máo.

Từ hôm nhận hung tin bà Hoa bị tai nạn tử vong, ông Nguyễn Quân (chồng bà Hoa) như người mất hồn, chết lặng. Khoảng 18h tối 23/5, ông Quân mới đi xe đò cùng người thân vào tới nhà xác bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Đi cùng với ông, có 2 người thân, vừa đi vừa dìu ông. Nỗi đau quá lớn đã khiến người đàn ông này ngã quỵ, ông không thể đứng lên, liên tục khóc thương người bạn đời. Báo Infonet thông tin.

Trước khi đưa thi thể vợ lên xe về quê, ông cùng người thân vào làm việc với cơ quan chức năng để ký xác nhận về việc nhận thi thể người nhà. Ngồi trên chiếc ghế, ông thẫn thờ, chết lặng khiến bao người thấy cảnh mà xót xa. Chuẩn bị đưa mẹ về quê (nạn nhân Võ Thị Anh Đào), người con trai Nguyễn Hải Lam được cơ quan chức năng yêu cầu vào nhận diện thi thể mẹ. Đi cùng Lam là một người thân liên tục nhắc “Mẹ con trong đó, con vào đi, xem mẹ thế nào?”.

Nghe những lời trên, nhiều người không kìm nổi nước mắt, thấy xót thương cho những gì Nam đang trải qua. Vào thăm mẹ, Nam quay trở ra ngoài nhà xác, ôm mặt khóc rưng rức. Ít phút sau đó, chiếc xe lăn bánh, Nam đưa mẹ về quê nhà lo hậu sự.

Trả lời Thanh Niên, đại tá Phạm Thật, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết đến chiều tối qua chỉ còn thiếu một mẫu ADN để đối chứng gien do người thân của nạn nhân chưa đến kịp; còn lại tất cả 9 nạn nhân tử vong đã có nguồn gien đối chứng. 

Như vậy, ngoài hai thi thể đã bàn giao trước đó, đến chiều tối qua Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã hoàn thành cơ bản việc phân tích ADN và lấy gien của người thân để đối chứng theo chỉ đạo của Bộ Công an. “Dự kiến trong sáng 24/5 sẽ bàn giao thi thể các nạn nhân cho người nhà đem về mai táng”, đại tá Phạm Thật nói. 

Theo báo cáo sơ bộ của UBND tỉnh Bình Thuận về vụ tai nạn trên, khoảng 4h15’ sáng 22/5, vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa ô tô khách mang biển số 38N-5577 lưu thông theo hướng TP.HCM đi Hà Nội và xe khách Phương Trang chạy hướng ngược lại khiến cả 2 xe bốc cháy. Hậu quả, vụ tai nạn làm 12 người chết, 40 người bị thương.  Hai chiếc xe khách bị cháy hoàn toàn, xe tải bị cháy phần đầu. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra làm rõ.

Theo Doanh Nghiệp VN 


Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết Vụ tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận: Oà khóc đón thi thể người thân