NGUYỄN HOÀNG DƯƠNG VIẾT
LÂM ANH – CÕNG TÌNH EM LÊN NÚI
Năm 1984,trước ngày lên đường đi kinh tế mới Cát Tiên , Lâm Anh có tặng tôi cùng vài người bạn mấy bài thơ chép vào tập giấy học trò*,Ngay trang đầu, dưới lời đề tặng là những dòng lục bát khắc khoải và phảng phất dự cảm u buồn…
Ngày đông chật ních gió mưa
Trong tôi cây lá thay mùa nào đây
Cõi tâm thi sắp lạc bầy
Mai xa xăm đó ai say với mình
Hiểu giùm thơ cũng là kinh
Xin chia nhau trọn nỗi vinh nhục này.
Sau ba mươi năm, giờ đọc lại những dòng thơ tâm tình trên trang giấy đã ố màu, lòng tôi không khỏi ngậm ngùi…Lâm Anh đã khuất bóng trên trần thế , ngoài kia buổi chiều mưa rơi buồn bã,nhìn làn mưa xám đục tôi nhớ lại khung trời mùa đông ba mươi năm về trước, ngày tôi gặp Lâm Anh khi anh từ vùng kinh tế mới An Khê trở về dung thân dưới trời quê cũ.Thơ còn đây mà người đã vĩnh viễn ra đi.Những hình ảnh vui buồn của ngày tháng ấy bỗng hiện về chật ních cả hồn tôi.
Anh và tôi không cùng thế hệ nhưng chung nhau một quê hương rã rời sau cuộc chiến tranh hơn hai mươi năm ròng rã. Đất nước thống nhất, nhưng sau mười năm lòng người vẫn còn ngổn ngang bao nỗi buồn hậu chiến.Riêng đối với thi sĩ ,những người luôn nhạy cảm với thời cuộc, tránh đâu trong thơ không nghe ra những tiếng thở dài cám cảnh chuyện nước non..Tôi đọc và yêu thơ Lâm Anh trước khi gặp anh. Tôi bắt gặp trong thơ anh sự đồng cảm về nỗi buồn của quê hương và thân phận, nên ngay buổi đầu gặp gỡ tôi cảm thấy như anh đã gần gũi tự bao giờ…
Chơi với anh ba mươi năm, tôi và anh cụng chén nhau biết bao phen nhưng tôi không thể nào quên được lần uống rượu đầu tiên với anh cùng những người anh khác trong ngôi nhà một người hàng xóm của anh tại làng Ba La.Chúng tôi uống một thứ rượu được nấu từ mật mía,hoà với một vị thuốc bắc không biết có tên gọi là gì mà đắng kinh khủng.Tôi uống những ly rượu đầu tiên cùng anh với niềm cảm hứng thật khó tả.Trong cuộc chơi đó, rượu và thơ nối nhau kéo dài từ đầu hôm cho đến nửa đêm.
Giữa những người nghệ sĩ, sự cách biệt về tuổi tác tuy chữ lễ cần phải giữ như một lẽ tất yếu nhưng điều đó không bao giờ làm cản trở sự hoà quyện của tâm hồn.. Trước ngày ra đi, với một kẻ hậu sinh ngang tuổi con mình như tôi mà anh thổ lộ Cõi tâm thi sắp lạc bầy thì thú thật lòng tôi rất cảm kích.Chơi với bạn bè tình cảm của Lâm Anh thế nào thì tuỳ mỗi người nhìn nhận nhưng trong thơ, Lâm Anh luôn viết bằng những suy tư và cảm xúc chân thành.
Hiểu giùm thơ cũng là kinh…
Vâng, với Lâm Anh thơ là kinh.Theo tôi trong khoảng mười năm từ 1975 đến 1985, thơ Lâm Anh là lời kinh… khổ,với những bài thơ tiêu biểu như Chiếc Áo Cũ, Bài Thơ Sau Ngày Hoà Bình, Ta Sẽ Về, Nói Với B ằng Hữu …**
Giai đoạn nghèo khó nhất cuộc đời anh lại chính là giai đoạn anh sáng tác sung mãn nhất, tài hoa phát tiết hết cỡ.Nghĩ cũng lạ, Nàng Thơ xưa nay cứ chọn đúng vào lúc khốn khổ nhất của thi sĩ để trổ sắc khoe hương. Rất tiếc nhiều bài thơ của anh thời kỳ này đã bị mất. Theo anh kể, có lần trên chuyến tàu hoả từ Sài Gòn về Quảng Ngãi bọn trộm đã cỗm mất xách tay hành lý trong đó có đến mấy tập thơ trên giấy vở học trò.Anh buồn nhất là những tập thơ viết trên giấy pơ-luya để hớ hênh khiến cha anh nhầm là những tập giấy vô dụng lấy cuốn thuốc rê hút sạch.Cũng thông cảm cho ông cụ vì thời buổi đó có người phải dùng vỏ bắp phơi khô để quấn thuốc thì trong nhà ông những tập giấy Pơ-luya mỏng toanh để lung tung ấy quả là thứ giấy vấn thuốc rê thuộc loại thượng hảo hạng. Thiên hạ ngâm thơ, đọc thơ, phổ thơ, bình thơ… riêng ông cụ vô tình xài thơ theo cái lối không giống ai : hút.. thơ!
*
Trong khoảng thời gian tạm trú nơi quê nhà, để sống qua ngày, vợ anh sắm một gánh don đi bán rong trên những đường phố,và anh vốn không có nghề nghiệp gì trong tình thế ấy, chỉ biết phụ vợ mình ở nhà nấu don để có hàng cho vợ đi bán ngày hai buổi.Vốn tính nghệ sĩ, không bao giờ chịu ràng buộc gò bó dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, ngồi hoài bên bếp lửa nấu don cũng cuồng chân, thỉnh thoảng anh rời nhà , tìm đến bạn bè uống rượu, đọc thơ cho khuây khoả,có khi đôi ba hôm mới trở về.
Vào thời buổi kinh tế khó khăn, cả gia đình anh lớn nhỏ đến sáu nhân khẩu thì làm sao đủ sống với đồng tiền lãi từ gánh don tòng teng trên vai người vợ yếu đuối. Ngồi bên bếp lửa nấu don,Lâm Anh hình dung vợ mình với gánh don ngày càng đi dần vào ngõ cụt.Thương cho những đứa con thơ hồn nhiên như bầy chim non đâu biết đến nỗi vất vả của mẹ Chim múa hát đâu biết gì mưa gió. Khi mẹ còng lưng đi kiếm rác tha mồi…( Gánh Don ), nào biết gì nỗi buồn của cha Nhà tôi nghèo khi lấy gạo nấu cơm.Không phải tính từng lon mà đếm từng hạt vậy ( Nhà Nghèo ). Thơ nghèo mà viết như thế quả là có một không hai. Với hai câu thơ này, ngoa dụ, một yếu tính nghệ thuật trong thơ Lâm Anh, có lẽ đã được nâng lên tầm cao nhất. Đã đến lúc phải tìm một lối thoát cho đời sống, có lẽ phải một lần nữa ra đi, dù cam khổ đến mấy cũng còn hơn ngồi đợi sự bế tắc.Không lẽ gác tay hoài trên trán nhỏ. Nhưng cớ sao tay chẳng phải là chân ( Mũi Tên Đời Mặc Kệ Đến Sau Lưng ). Không suy nghĩ do dự nữa,phải lên đường bằng đôi chân đã được nghỉ ngơi sau khi trở về từ rừng núi An Khê.Chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của hai câu thơ lạ lùng , trái khoáy trên khi đặt trong tình cảnh này.
Đúng vào những ngày tưởng như bế tắc đó,một người em rể của Lâm Anh đến chơi , nói chuyện với anh về việc phòng lao động thị xã Quảng Ngãi đang tiến hành hoàn tất những thủ tục cuối cùng để đưa một số hộ gia đình ( người này cũng có trong số đó)đi vào vùng kinh tế mới Cát Tiên,và có gợi ý nếu Lâm Anh muốn đi thì vẫn còn thời gian để đăng ký .Không còn cơ hội nào tốt hơn để tìm lối thoát bằng việc ra đi theo diện tình nguyện, bởi sẽ có được sự hỗ trợ về lộ phí cùng với khoản lương thực cho những tháng đầu tiên đến vùng đất mới.Sau mấy hôm suy nghĩ ,cuối cùng anh quyết định, thôi thì cũng liều nhắm mắt đưa chân.( Truyện Kiều- Nguyễn Du ).Với tâm nguyện được ra đi , đêm ấy Lâm Anh thắp hương trên bàn thờ gia tiên, khấn vái xin một quẻ để xem việc lành dữ thế nào,hai đồng tiền xu mấy lần thả xuống đều thuận ý âm dương. Sáng hôm sau,Lâm Anh đến phòng lao động đăng ký một suất đi theo diện tình nguyện.
Gánh don xếp lại,bếp lửa nấu don chỉ còn tàn tro sau khi chụm cháy bao nỗi vui buồn Về chụm hết trăm năm vào cửa bếp. Nhìn lửa reo ta gõ đũa ngồi cười.( Tự Tình Thi Thán 1).L âm Anh cùng vợ nhanh chóng thu xếp công việc , chuẩn bị cho chuyến đi kinh tế mới lần hai.
Cuộc rượu giã biệt quê nhà bày ra vào một đêm cuối đông lạnh giá. Lâm Anh mời một số bạn bè đến uống rượu chia tay, nhưng không hiểu vì lý do gì mà hầu hết vắng mặt , lẽ nào do cái lạnh lẽo của tiết Đại Hàn ?Tôi là một trong số khách ít ỏi có mặt. Đêm ấy Lâm Anh thiếu vẻ hoạt bát, hứng thú như tôi thường thấy trong nhiều cuộc chơi trước đó.Dù có vài ba người đọc thơ nhưng bầu khí vẫn có vẻ trầm lắng. Tôi uống rượu và chỉ biết im lặng ngồi nghe, thỉnh thoảng ngắm nhìn khuôn mặt Lâm Anh . Vẻ mặt anh biểu lộ tâm trạng nhiều nỗi ưu tư , duy chỉ có vầng trán bắt lấy ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu mà sáng lên.Mỗi dịp ngồi chơi với anh tôi cứ thích nhìn vầng trán anh, vầng trán biểu lộ sự thông minh và đầy vẻ cao ngạo.Cuộc rượu sớm kết thúc vì chẳng có hứng thú gì mà kéo dài. Hai hôm sau, vào khoảng giữa tháng chạp năm Giáp Tý( 1984 ) Gia đình Lâm Anh có mặt cùng với nhiều hộ dân khác trong đoàn xe từ Quảng Ngãi lên đường vào vùng kinh tế mới Cát Tiên.
Nỗi niềm trong.chuyến đi đó ,hơn mười năm sau ,trong bài Thơ Trên Núi( thuộc chùm thơ đạt giải nhất cuộc thi thơ của tạp chí Tài Hoa Trẻ năm 1998), đã được Lâm Anh cách điệu hoá bằng thi ảnh đầy bi tráng: Cõng Tình Em Lên Núi.
THƠ TRÊN NÚI
Một sớm cõng tình em lên núi
Nửa mùa thu trời- râm -bạc- lá- vàng
Ta đứng thở bên một triền dốc vắng
Ngó xuống chân mình bết- bụi –thú- hoang
\ Và dựng trại bên hóc rừng ngơi nghỉ
Thở cùng em …và ngủ với ngàn mưa
Con dế ré những tiếng buồn trên cỏ
Ôi bầu trời như cái thúng đựng khuya
Ta nằm đó… mà đời trôi trên suối
Xác thì ngược đi… hồn thì ngược về
Những con suối có bao giờ trở lại
Dù một lần khi tách biệt cội quê
Bởi không hiểu hết những điều nghịch lý
Cõng tình em lên núi biết đâu chừng
Là trở lại với vô cùng sông biển
Là đi…
Là về…
Là dừng lại trước vô biên…
*
NHD
Quảng Ngãi,mùa đông 2015
*Những bài thơ này tôi đã giới thiêu trong bài viết Lâm Anh Với Mũi Tên Đời Mặc Kệ Đến Sau Lưng đăng trên Văn Hữu 30.
**Những bài thơ đã in trong Quá Giang Thuyền Ngược( NXB Văn Hoá Thông Tin,2013)