MẤY CẢM NHẬN VỀ TIỂU THUYẾT
CÕI HỒNG CỦA BÙI MINH VŨ
Là một nhà nghiên cứu văn hóa, đến với thơ cũng từ rất sớm, năm 1996, Bùi Minh Vũ đã in tập thơ Ngủ mơ trên cát khá ấn tượng, trong đó có những câu thơ giàu cảm xúc mà tôi vẫn nhớ, vẫn thuộc cho đến bây giờ: “Anh là cây si trước cửa nhà em/ lá rụng xuống xin em đừng quét vội/ hồn anh đó xác xơ như lá/ Rắc vàng dưới gót chân em.” Thơ tiếp nối thơ: Ngày về quê ngoại (2004), Tình một thuở (2006), Dòng sông mùa xuân (2009), Chim sơn ca (2010)…,và mới đây nhất là tập thơ Lão ngư Kỳ Tân (2014) đầy sung sức, cách tân và dày dặn đến 300 trang in như một sự kiếm tìm, bứt phá để vượt lên chính mình, cố gắng chiếm lĩnh một khoảng trời thi ca sáng lóa giữa vũ trụ thơ rộng lớn vô biên.
Thế mà đột ngột, tháng 5.2017, tiểu thuyết Cõi hồng xuất hiện – như một tiếng vang lớn vọng âm bất ngờ, từ địa hạt thơ ca, Bùi Minh Vũ nhảy qua lằn ranh để đến với vùng trời tiểu thuyết. Tiểu thuyết Cõi hồng, đến Bùi Minh Vũ, không còn kiểu kết cấu truyền thống, kiểu viết tuyết tính đơn giản mà tất cả đều để ngỏ như một trò chơi sắp đặt giữa tác giả và độc giả, cả hai đồng hành đi về phía sáng tạo, như ánh sáng vô lượng soi chiếu trong nhau giữa các tinh cầu trong bầu trời đêm lấp lánh. Có lẽ xuất phát từ quan niệm rất hiện đại về thể loại tiểu thuyết như thế, Bùi Minh Vũ, qua những mảnh vỡ cảm xúc của riêng mình trước đời sống hiện thực lắm nghiệt ngã, đã lắp ghép và xây dựng nên cuốn tiểu thuyết Cõi hồng đầy ma lực, dù rằng “có thể hợp với lớp người này nhưng cũng có thể khó gần với lớp người kia. Dẫu sao thì đây cũng là trò chơi thú vị trong chặng đường tiếp theo của tác giả.” (Dẫn theo Dutule.com)
Về nội dung, tiểu thuyết Cõi hồng được tác giả Bùi Minh Vũ chia thành ba chương với 132 trang in. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của hai nhân vật chính, Hưng và Thân – đôi tình nhân lãng mạn giữa một xã hội vô tâm, thất đức “cứ lại nhân lên, mọc lên như nấm” một cách đáng sợ. Hưng, cô gái xinh đẹp, có nước da trắng hồng, đôi bàn tay thon thả, học sư phạm ra trường nhưng không có việc làm vì thiếu tiền và không có người quen biết. Thân, người lính trở về sau cuộc chiến, làm viên chức ở một cơ quan, nghèo nên đành bất lực nhìn người yêu dạy chui với dăm đứa học trò để kiếm sống một cách kham khổ. Cuộc đời của Hưng là một nỗi buồn thương kéo dài từ lúc còn là một bào thai trong bụng mẹ. Hưng bị tên côn đồ Lê Anh Núi cưỡng hiếp rồi giết chết gần nhà hàng sang trọng T & T, nhưng sự sống, nỗi đau thương và khát vọng dạy học của cô vẫn đeo đẳng bên cạnh cuộc đời dằn vặt và đau khổ của Thân. Thân cũng là hiện thân cho một viên chức có tài năng, có học thức, sống một cuộc đời ngay thẳng, chính trực nhưng lại bị thất sủng. Lời sếp hứa đề bạt như gió thoảng mây bay, cuối cùng cái ghế trưởng phòng kia cũng rơi vào người khác. Anh trống trải, hụt hẫng, tang thương và trôi như một bóng mờ nơi “cõi hồng” tạm bợ. Sau cái chết đau đớn của người tình, Thân gần như sống trong trầm cảm, đau khổ dai dẳng, những cơn chấn động tinh thần của anh đã đẩy câu chuyện sang màu sắc liêu trai, hoang tưởng. Thân gặp Hưng bất kể khi nào, lúc ngồi nói chuyện với bạn bè, khi nằm một mình trong căn phòng cô đơn, hay trong đêm vắng lang thang một mình qua phố vắng. Có thể xem cuộc đời của Hưng, dù chết đi nhưng oan hồn chưa giải thoát, vẫn bám víu lấy Thân mà khát khao, mơ ước, tơ vò giữa cuộc hồng trần quá nhiều cạm bẫy và cay đắng. May thay, ở bên kia thế giới khác, Hưng vẫn tiếp tục đi dạy theo lời chỉ bảo của một ông già, từ 7 học sinh rồi đến 77, 777 em ngoan ngoãn để cô Hưng truyền đạt kiến thức mà mình đã học được ở trường sư phạm.
Thế giới nhân vật của tiểu thuyết Cõi hồng được tác giả đưa vào thật đa dạng và phong phú với nhiều cá tính, số phận trong “cuộc chơi người” dâu bể trò đùa. Qua hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết, dù tác giả không viết theo sự sắp xếp của môtip truyền thống, song người đọc vẫn nhận ra hai thế giới nhân vật đối lập nhau. Thế giới nhân vật hiền lương, đạo đức, sống ân tình, thủy chung, cả trong chiến tranh và thời bình. Đó là phẩm chất của cõi người hướng thiện – một “cõi hồng” trong mơ ước của tác giả. Người đọc nhận ra vẻ đẹp tâm hồn ấy thông qua các nhân vật Thân, Hưng, Tùng, Vân, Thành. Bên cạnh đó, tuyến nhân vật bất lương, vô đạo, sẵn sàng giết người cướp của, nhất là bọn quan tham có chút chức quyền để khoe khoan với người đời. Bùi Minh Vũ chỉ thực sự ném khoảng một chục nhân vật vào tiểu thuyết Cõi hồng nhưng đã dựng lên cả chân dung thời đại chúng ta đang sống, một “thế giới người” giữa cơ chế thị trường trắng, đen lẫn lộn. Tôi nghĩ, tất cả những hình tượng mà Bùi Minh Vũ bóc trần trong tiểu thuyết Cõi hồng phần nào phản ánh được đời sống hiện thực nhố nhăng, hoàn toàn tác giả không hư cấu một cách sống sượng, thiếu thực tế.
Về phương diện nghệ thuật khi đọc tiểu thuyết Cõi hồng, điều làm chúng ta thú vị và mê đắm trước hết chính là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ giàu chất thơ của tác giả Bùi Minh Vũ. Chất thơ thấm đẫm qua hình ảnh, nhịp điệu, ca từ âm nhạc và cả trong các thủ pháp nghệ thuật. Ngoài ra, tiểu thuyết Cõi hồng cũng rất thành công trong nghệ thuật kể chuyện (nghệ thuật trần thuật). Tác phẩm có ba chương, đều do một nhân vật xưng “tôi” đứng ra kể chuyện. Có điều, hai chương đầu là do điểm nhìn từ nhân vật Thân – người kể ở ngôi thứ nhất xưng “tôi”. Đến chương thứ ba nhân vật xưng “tôi” lại chính là Nguyễn, người tình thứ hai của Thân. Có lẽ, tiểu thuyết Cõi hồng dù viết khá mới mẻ về mặt cấu trúc và cách tân trong thủ pháp dựng chuyện, kể chuyện, nhưng tinh thần chung vẫn nằm trong cảm hứng và bút pháp lãng mạn theo xu hướng chủ quan của tác giả. Cũng trên phương diện nghệ thuật, một thành công nữa của tiểu thuyết Cõi hồng là tác giả đã sử dụng bút pháp nhòe mờ, đồng hiện qua ngôn ngữ, nhân vật; xáo trộn cõi âm và trần thế, phảng phất màu sắc liêu trai, đôi lúc làm người đọc ngạt thở, mệt lả trong một cõi hoang liêu của trí tưởng tượng ảo diệu và nhuốm màu siêu thực. Chính những nét “nhòe mờ” của không gian, thời gian, lời thoại, tính cách và số phận nhân vật đã mở ra nhiều hướng tiếp cận mới cho người đọc. Bởi lẽ bạn đọc là những người đồng hành sáng tạo cùng với tác giả. Văn học hiện đại không bao giờ đóng khung một cách hiểu, mà luôn mở ra nhiều chân trời tiếp cận khác nhau.
Tiếu thuyết Cõi hồng lấy không gian Tây Nguyên làm không gian nghệ thuật để tác giả xây dựng thế giới nhân vật của mình với biết bao buồn vui của số phận. Nhận diện từ góc độ văn hóa, Cõi hồng tích hợp được nhiều vẻ đẹp mang màu sắc bản địa. Qua đó, người đọc sẽ hiểu biết nhiều hơn về một không gian văn hóa khi đọc cuốn tiểu thuyết Cõi hồng từ những am tường của một nhà thơ – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Minh Vũ. Tiểu thuyết Cõi hồng, do đó, không những thành công về mặt nội dung tư tưởng và cả phẩm chất nghệ thuật mà nó còn là cuốn tiểu thuyết hiện đại dung nạp tất cả các chất liệu đời sống để làm nên một “tiểu tự sự” từ những mảnh vỡ cảm xúc, những ám ảnh đời tư. Giữa một thời đại quá nhiều bất trắc, qua khúc xạ tâm hồn nhiều khao khát, thương yêu, Cõi hồng là tiếng nói thiên lương nhưng cũng đầy phản kháng để giành lại quyền sống chính đáng cho mỗi con người.
LÊ THÀNH VĂN