
Tập thơ “HỒN QUÊ” của Nguyễn Tấn On
" RỜI QUÊ RA PHỐ NẮNG NGỜ NGỢ QUA"
Một câu lục bát thật hay, mà cũng thật chính xác. Cái nắng nơi phố phường ấy có phải cũng là cái nắng ở quê mình? Ngờ ngợ thôi, mà ngờ ngợ là phải. Nguyễn Tấn On trong những dòng thơ nghiêng rất nhiều về tâm cảm của mình đã không hề quên gốc gác một người nhà quê, một người Quảng Ngãi, một đứa con của sông Trà được nuôi lớn lên từ gánh don của Mẹ:
" Gánh don mẹ gánh đất trời
Nuôi con ăn học một thời đó đây
Rung rung chạm gánh don gầy
Mẹ không còn nữa ui đầy nhớ thương" (MẸ VÀ GÁNH DON)
Vẫn còn nhớ đến cặp ui đựng don, là đã mang theo dù xa ngút ngát lên phương nào cái hồn cái vía của Quảng Ngãi quê mình. Một nhà thơ có thể vượt ra ngoài một quê hương, nhưng không nhà thơ nào không có một quê hương, hay từ chối một quê hương. Tôi từng nghe, có một số người Quảng Ngãi khi vào hay ra thành phố lớn, làm quan hoặc bán buôn thành đạt, thường ngại ngần khi phải nhận quê hương mình, thậm chí có người còn cố gắng " đồng hóa" với giọng nói thành phố, cố xóa đi những vết bùn quê mùa trong cách cư xử hay trong văn phong của mình. Liệu đó có phải là những người thực sự thành công, thật sự thành đạt? Tôi không nghĩ như vậy. điều đó làm nên vẻ rung cảm riêng của nhà thơ những người Quảng xa xứ, cũng làm nên phong vị riêng của thơ Nguyễn Tấn On.
" Oằn thân sương sớm em tát nước
Lúa đã ngậm dòng căng ngực xưa" (TIẾNG QUÊ)
Người đã viết được câu thơ ấy, hẳn không thể quên gốc gác của mình. Tôi cứ chìm dần, chìm dần qua từng bài thơ bình dị của On, với những câu thơ không dễ dãi mà lại thân gần:
"Mõ rừng gõ ngập ngừng
Mắt nai ngơ ngác cạ sừng vào sương"
Hay:
" Núi ngồi cắt nửa vầng trăng lạnh
Như gã thiền sư giữa trần gian" (NÚI)
Không căng cứng, không lắm lời, không tỏ ra bảo thủ hay cách tân, thơ Nguyễn Tấn On là thơ tự nhiên của nữa muốn bày tỏ, lại nữa như ngại ngần. mỗi lúc thoát ra ngoài công việc, người làm thơ này lại như muốn trôi hun hút về quê nhà, hun hút trôi về tuổi thơ, nghĩa là trong chốc lát trôi về hiện tại của mình. Những dòng thơ khi đó chợt đến, những hình ảnh tưởng đã mờ khi ấy chợt hiện, và bài thơ cứ thế được hoàn thành:
" Gánh chung một mớ rau vườn
Nghe thương tiếng gióng trên đường làng quê
Chợ quê bạc nhỏ không chê
Nấm rơm một rổ cá trê còn bùn
Chợ quê mái rạ đập đùn
Nắng soi nón vá mưa luồn áo tơi"
(CHỢ QUÊ)
Những hình ảnh cứ như quá xa xưa mà sao sống động, mà sao tha thiết trong hồn một người xa quê. Không phải chỉ cái khổ cái nghèo mới khiến ta xúc động, mới làm nên thơ. Nhưng quả tình, thơ Việt Nam mình không nên thoát, không thể thoát khỏi thân phận nhân dân mình, nhất là thoát khỏi cái nghèo ở quê nhà, ở nơi mình chôn nhau cắt rốn. dẫu bây giờ mình đã giàu có, đã sung túc, thì một khi chợt dào lên nỗi nhớ Cha Mẹ xưa nghèo khổ, nhớ quê xưa "Con cá bống vùi cát nhột bàn chân", cái cảm giác ấy sẽ khiến ta như thiếu đi một chút gì, ngay cả lúc ta ngỡ đã đủ đầy. mà thơ lại luôn "ăn" vào cái phần thiếu ấy trong tâm hồn người, luôn cư trú trong cái phần không thỏa mãn, cái phần khắc khoải đến kỳ lạ, đến vô lý của con người.
"Ngơ ngác nhìn lẩn thẩn chiếc ba lô
Gió thật lòng từ bãi mía nương ngô
Chim xáo nhảy thuyền xưa nằm úp mặt" (PHÍA SAU)
Có thể viết nhiều hình ảnh khác khi người lính trở về, nhưng chỉ cần một chi tiết "nhìn lẩn thẩn chiếc ba lô", ta tức khắc hình dung đúng cái bơ vơ. Cái ngơ ngác của người lính tay không trở về từ chiến trường, khi quê nhà thì vẫn thế nhưng chưa chắc còn chỗ cho mình. Nguyễn Tấn On có thể đã rời quê từ một một hoàn cảnh gần như thế, chính vì vậy, quê hương trở thành nỗi day dứt. Đã có những con người không thể sống được ở quê mình, nhưng không vì thế mà họ thanh thản khi bái biệt quê cha đất tổ. Bây giờ đây, thơ như một kiểu trung gian để người làm thơ đánh đường về quê mình. Nhưng quê nhà thơ ở đâu? Không dễ trả lời câu hỏi này. Khi một người đang ở quê như Quang Dũng mà cứ làm thơ đâu đáu nhớ "quê nhà", thì quê của nhà thơ nhiều khi cũng là một cõi u minh khó định danh. Tôi mừng khi đọc thơ Nguyễn Tấn On, không hẳn anh là người đồng hương với tôi, tôi mừng vì tìm được trong nhiều câu thơ của anh một chút quê hương dường như thất lạc của chính mình. Ô hay, nhưng tôi đang ở ngay quê hương mình cơ mà? Vậy đó.
Quảng Ngãi tiết Thanh Minh, năm con Dê
Nhà thơ THANH THẢO

No comments:
Post a Comment